KHAI GIẢNG
- Thứ ba - 07/09/2010 01:16
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Đầu tháng Chín, mùa tựu trường, báo chí ta lại trùng trùng điệp điệp tin tức và hình ảnh học sinh tới lớp.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh dự lễ khai giảng Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội - Ảnh: Cao Từ (“Dân Trí”)
Trong số đó, nổi bật là mảng tin lãnh đạo đi dự khai trường. “VnExpress” loan tin Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đánh trống khai giảng năm học 2010-2011 tại THPT Chu Văn An và THCS Thăng Long (Hà Nội). “Dân Trí” thì cho hay: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự và đánh trống khai giảng năm học mới tại Trường THPT Châu Văn Liêm, TP Cần Thơ.
Các bản tin còn kèm ảnh học sinh hàng lối chỉnh tề, cờ hoa rực rỡ, trống giong cờ mở, vỗ tay luôn luôn... Ngôi trường ở Cần Thơ có vinh dự đón Thủ tướng thì cả ngàn học sinh còn tập trung từ 6 giờ sáng, “tay cầm cờ hoa đỏ rực chào đón Thủ tướng, không khí tại trường vui như ngày hội”.
Đấy là chuyện ở ta. Còn bên Tây, theo lời GS. Ngô Bảo Châu nói với “Tiền Phong”, “ở nước ngoài, họ tổ chức ngày này đơn giản hơn”: “Học sinh ở lớp nào thì đến dự khai giảng ở lớp đó. Bố mẹ cũng được vào cùng”.
Giáo sư cũng cho biết thêm: trong ngày khai giảng ở các trường mà con anh học, người ta không mời đại biểu tới dự. Theo giáo sư, việc trẻ con đứng “bêu” nắng hàng giờ đồng hồ trong ngày này là không nên, tuy nhiên, “những việc thế này nói nhiều rồi nhưng vẫn không thay đổi”.
*
Tất nhiên, mỗi nơi một lề thói, nhưng phải nói bên này, học sinh sướng thật.
Ở bậc tiểu học (6 hoặc 8 năm đầu) như con gái mình, khai giảng bao giờ cũng vào 5-6 giờ chiều để phụ huynh có thể đi dự cùng con cái. Bọn trẻ được khuyến dụ là nên mặc quần (váy) sẫm màu, sơ-mi (blu) trắng, nhưng kỳ thực ai có gì thì mặc nấy, không câu nệ.
Phụ huynh trong ngày tựu trường của con cái ở Hungary: vui vẻ và gần gũi
Cả buổi khai trường thường chỉ bó gọn trong 20-25 phút. Lúc đầu tập trung ở sân trường, học sinh đứng theo lớp, hàng lối cũng lộn xộn, cong queo, lấy cái sự thoải mái, tiện lợi cho các cháu làm trọng. Còn phụ huynh thì đứng xung quanh, tùy thích, đông đúc nhưng không hề có cảnh chen lấn xô đẩy, dù cũng có dăm bảy người muốn chụp ảnh, quay phim cho con.
Mở đầu là chào cờ, nghe Quốc ca Hungary rồi đến 1-2 tiết mục văn nghệ của học sinh, cũng toàn là những thứ các cháu đã biết, chứ không có màn thày trò phải tập trung khổ luyện trước đó để... diễn.
(Thông thường, cấm thấy có bóng quan khách nào, ngoại trừ những dịp lớn như 100 năm thành lập trường, 50 năm ra đời lớp Chuyên Nhạc, v.v... thì có quận trưởng đến phát biểu vài ba phút, rất giản dị và tỏ rõ cho mọi người thấy rằng, khai giảng là ngày của học sinh, lãnh đạo không có liên quan gì.)
Thày hiệu trưởng, cô hiệu phó cũng đứng cùng học sinh, nói “vo”...
Tiếp đó, ông hiệu trưởng nói “vo” chừng 3-4 phút, cám ơn và biểu dương những nỗ lực của gia đình và học sinh, thể hiện trong kết quả học hành của các cháu. Chuyện ơn Đảng, đường lối chính sách của Chính phủ, công lao Nhà nước, hay thành tích ngành Giáo dục, v.v... là những đề tài tuyệt nhiên không ai đưa ra, vô duyên, không đúng chỗ. Cũng tịnh không thấy cảnh cờ hoa, tung hô, tốn kém và hình thức vô ích!
Phần “lễ hội” ngoài sân kết thúc bằng bản “Szózat” (Lời hịch, Vörösmarty Mihály) kêu gọi tình cảm ái quốc: “Người Hung ơi, hãy yêu nước trọn đời - Luôn trung thành, không gì lay chuyển được - Nơi sinh anh và mồ chôn khi chết - Đất này liệu lo, vun đắp, chở che - Trái đất này dù rộng lớn nhường kia - Không nơi nào cho anh, không có! - Số phận ra tay, độ trì, trừng trị - Anh phải sống đời, phải chết ở đây thôi!”, biết ơn tiền nhân: “Đất tổ tiên thấm đẫm máu bao đời - Hãy giữ gìn giang sơn gấm vóc - Để có được cái tên Tổ quốc - Thiêng liêng thay phải mất một nghìn năm!” (Vũ Ngọc Cân dịch), v.v...
Thày, trò và phụ huynh quây quần
Sau đó thì học sinh và phụ huynh rồng rắn lên lớp, các cô ra mắt, chào hỏi bố mẹ, chúc tụng bọn trẻ và bày tỏ sự vui mừng khi gặp lại chúng sau mấy tháng hè. Đây cũng là lúc lũ nhóc tay bắt mặt mừng, tào lao “tám” dăm ba câu trước khi hẹn gặp nhau hôm sau. Mọi sự cũng không quá 10 phút!
Khai giảng năm nay, do thời tiết xấu, gió mạnh nên màn ngoài trời bị bỏ, các cháu và phụ huynh lên lớp luôn - các nghi thức vẫn được thực hiện qua hệ thống loa phóng thanh của trường. Vỏn vẹn có 15 phút, đủ cho tất cả các nội dung mà bọn trẻ vẫn cảm thấy chúng là tâm điểm của sự kiện.
Có lẽ vì được quan tâm nên bọn nhỏ bên này thích đến trường hơn ở nhà: ngoài việc có bạn bè, được trò chuyện, học sinh còn được giáo dục có sư phạm, được coi trọng và có... nhân quyền. Như có lần con gái bất bình bảo mẹ khi bị mắng: “Ở trường cô chưa bao giờ phải nặng lời với con một câu mà mọi thứ vẫn OK...”.