Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Jean-Sylvestre Mongrenier: “PUTIN MUỐN TRỞ THÀNH ÔNG CHỦ MỚI CỦA CHÂU ÂU!”

(NCTG) Theo nhà địa chính trị học Jean-Sylvestre Mongrenier, cuộc chiến ở Ukraine, đối với ông chủ điện Kremlin, chỉ là một giai đoạn trong chiến lược áp đặt tầm ảnh hưởng của ông ta lên cả Châu Âu. Cuộc khủng hoảng này có nguy cơ sẽ đẩy mạnh tiến trình xích lại gần nhau của hai nước Nga - Trung, và điều đó có thể gây xáo trộn những cán cân quyền lực của thế giới.
Một viện nhi ở TP. Mariupol bị quân đội Nga oanh tạc - Ảnh: AFP
Buổi phỏng vấn Jean-Sylvestre Mongrenier do Daniel Fortin và François Vidal thực hiện đăng trên “Les Echos”, Trần Sơn Huy chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Pháp. Trân trọng giới thiệu! (NCTG)
 
Nhà nghiên cứu địa chính trị học Jean-Sylvestre Mongrenier - Ảnh: scoopnest.com
Nhà nghiên cứu địa chính trị học Jean-Sylvestre Mongrenier - Ảnh: scoopnest.com
 
- Tính đến nay đã là một tuần kể từ ngày quân đội Nga tiến vào Ukraine, và có nhiều nhà bình luận ngạc nhiên trước sự chậm chạp của cuộc xâm lăng, thậm chí nghi ngờ, không chắc rằng Vladimir Putin có ý định theo đuổi chiến dịch này đến cùng. Ông nghĩ sao về điều đó?

Tôi cho rằng chúng ta đang quá tập trung vào tầm nhìn ngắn hạn. Ta có cảm giác rằng nếu cuộc chiến không ngã ngũ trong ba bốn ngày, thì nó là một thất bại. Điều này không phù hợp với thực tế. Ukraine có diện tích gần 600.000 km2, còn lớn hơn cả nước Pháp, nên ngay cả cỗ máy chiến tranh mà Nga đã chuẩn bị kỹ lưỡng cũng không thể vận hành dễ dàng như thế.

Chúng ta không ngồi ở đây để nói về một cuộc chiến tranh chớp nhoáng diễn ra trong một không gian nhỏ. Về phần mình, tôi không nghi ngờ gì về chủ đích của Vladimir Putin muốn theo đuổi đến cùng những gì ông ta đã phát động. Trong đầu ông ta là một mục tiêu rõ rệt: xóa bỏ đất nước Ukraine độc lập và có chủ quyền. Ông ta đã huy động quân số cần thiết để thực hiện mục tiêu. Việc phủ nhận điều này, theo tôi nghĩ, sẽ là một sai lầm lịch sử.

- Liệu ông ta có dừng lại ở việc chiếm một phần lãnh thổ, hay muốn thôn tính cả Ukraine?

Người ta sẽ không đi bao vây thủ đô một nước như Kyiv nếu không có mục tiêu tối thượng, tôi xin nhắc lại, là xóa bỏ Nhà nước Ukraine. Chúng ta rõ ràng đang đứng trước một cuộc chiến có mục tiêu trọn vẹn, chứ không phải như một số lãnh đạo Phương Tây lười biếng hy vọng rằng một cuộc viễn chinh đơn thuần với ý định đánh chiếm một phần lãnh thổ Ukraine sát biên giới nước Nga là đủ để xoa dịu tham vọng của Putin.

Chúng ta không nên nhầm lẫn giữa các phương thức cụ thể mà Nga thực hiện trong tương lai để thống trị Ukraine - chiếm đóng toàn bộ lãnh thổ hay chỉ một phần lãnh thổ, còn phần còn lại được cai trị bởi một nhà nước bù nhìn - và các mục tiêu thực chất mà Moscow đang theo đuổi.

Mùa xuân năm 2008, Vladimir Putin đã nổi cơn lôi đình khi chúng ta từ chối thẳng thừng đơn gia nhập NATO của Ukraine, nhưng vẫn để ngỏ khả năng trong tương lai. Sau đó ông ta biện giải rằng Ukraine không có lý do gì để tồn tại trên danh nghĩa một nhà nước. Tháng 7/2021, ông ta nhắc lại ý đó trong một bài diễn văn dài. Đối với ông ta, người Ukraine luôn chỉ là “những người Nga thấp kém”.

- Ukraine là đã đủ đối với Putin hay tham vọng của ông ta là khôi phục vùng biên giới phía Tây của Đế chế Liên Xô cũ, thậm chí là lãnh thổ nước Nga thời Sa Hoàng?

Đây là khởi đầu của một cuộc tiến công lớn hơn nhiều. Chúng ta phải thừa nhận ở Vladimir Putin có một sự kiên nhẫn chiến lược, trái với những gì người ta đã nói gần đây, đại khái cho rằng ông ta đã đưa ra một quyết định bồng bột khi đang nổi cơn điên. Giữa cuộc chiến tranh chớp nhoáng ở Georgia năm 2008 và cuộc sáp nhập Crimea năm 2014 là quãng thời gian sáu năm, và giữa Crimea và cuộc chiến ở Ukraine hiện tại là tám năm.

Điều này cho thấy Putin không phải là người theo chủ nghĩa cơ hội thuần túy, mà biết nắm bắt những thời cơ cho phép mình thực hiện tầm nhìn địa chính trị dài hạn.

- Tầm nhìn ấy là gì?

Ta có thể nói ngắn gọn đó là một chiến lược chính trị nhằm khôi phục và lan rộng sự thống trị của Nga-Xô ra xa nhất có thể. Tầm nhìn của ông ta về thế giới là sự kết hợp linh động giữa thời kỳ Sa Hoàng và thời kỳ Xô-viết. Ta không bao giờ được phép quên rằng Vladimir Putin trước hết là một “sản phẩm” của Liên Xô thời Leonid Brezhnev (cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô). Đó là thời kỳ Liên Xô ở đỉnh cao quyền lực. Ở mặt trận ngoại giao lẫn công nghiệp-quân sự, nó gần như đạt mức ngang hàng về chiếc lược đối với Hoa Kỳ.
 
Biểu tình vì hòa bình cho Ukraine tại Quảng trường Anh hùng, Budapest, 9/3/2022 - Ảnh: Bodnár Patrícia (index.hu)
Biểu tình vì hòa bình cho Ukraine tại Quảng trường Anh hùng, Budapest, 9/3/2022 - Ảnh: Bodnár Patrícia (index.hu)

Đầu năm 1977, họ đã triển khai tên lửa SS-20, lấy cả Tây Âu làm con tin. Hạm đội Liên Xô di chuyển trên một vùng rộng lớn và tiến vào cả phía Nam Thái Bình Dương. Raymond Aron (triết gia, nhà báo Pháp) thậm chí còn đi xa hơn khi tiên đoán rằng Liên Xô sẽ giành phần thắng trong cuộc chiến tranh lạnh khi viết cuốn sách nổi tiếng “Lời cầu nguyện cho Châu Âu suy tàn” (Plaidoyer pour l’Europe décadente).

- Nếu đi xa thêm một bước bên ngoài Ukraine, Vladimir Putin sẽ tiến đến biên giới của các nước khối NATO. Họ có khả năng ngăn chặn ông ta?

Một tấm biển đề chữ NATO ở cửa khẩu quốc gia không đủ sức để ngăn chặn ông ta. Nhất là khi mục tiêu của ông ta là phá vỡ liên minh NATO, vốn dĩ cùng với Liên Âu đang cản trở ông ta thực hiện ý định thống trị Châu Âu. Do đó phải hiểu rằng trước sự kiện chấn động ở Ukraine mà chúng ta đang trải qua, chỉ mỗi tư cách thành viên NATO là không đủ. Cỗ máy chiến tranh của quân Đồng minh cần gia tăng sức mạnh.

Chúng ta không được chủ quan cảm tính và sống trong chủ nghĩa lãng mạn thời Cách mạng 1848 khi đối diện với những tham vọng của Putin. Trên thực tế, các biện pháp trừng phạt kinh tế và thương mại được thiết lập từ mấy ngày qua cũng sẽ không đủ, dù tác dụng của chúng về trung hạn là có thật. Chỉ với tiếp cận địa - kinh tế thì không thể chống cự lại một chiến lược quy mô lớn.

- Nhưng liệu sức mạnh của những lệnh trừng phạt kinh tế này có làm thay đổi tình hình, theo nghĩa rằng nó có thể làm suy yếu nền kinh tế Nga trong một chừng mực nào đó?

Các biện pháp trừng phạt này càng kéo dài sẽ càng có tác dụng. Chúng mạnh mẽ và tác động sâu sắc, nhưng sẽ không đủ để thay đổi hành vi của Nga trong ngắn hạn. Quyền lực của Điện Kremlin lớn mạnh hơn nhiều so với vài năm trước. Vào thời điểm xảy ra cuộc xâm lược Crimea năm 2014, có thể nói rằng chúng ta đang đối phó với một hệ thống chính trị-mafia có động cơ chính là lợi nhuận. Bằng cách tấn công những kẻ đầu sỏ trong bộ sậu, ta đã hy vọng có thể thuyết phục họ lật đổ Putin.

Nhưng ta có nhiều việc phải làm hơn nếu muốn thay đổi “trục dọc quyền lực” của Nga. Do đó, bên cạnh các đòn đánh trả về mặt kinh tế này, chúng ta phải bổ sung các khía cạnh chính trị, quân sự và ngoại giao. Lấy ví dụ, ta đang làm gì cho Moldova? Ta sẽ đợi tới khi quân đội Nga có mặt tại cửa khẩu Romania để phản ứng hay bây giờ chúng ta quyết định rằng NATO sẽ dàn quân bắt đầu từ quốc gia này? Đối với Georgia cũng vậy. Chúng ta phải tìm lại tinh thần chủ động chứ không phải gồng mình chống đỡ các quyết định của Vladimir Putin.

- Như vậy, ông không tin vào sự sụp đổ kinh tế của Nga?

Nước Nga chắc chắn sẽ gặp khó khăn, nhưng họ có mức độ tự lập tương đối. Những năm gần đây, Vladimir Putin đã tích cực tăng cường sự ủng hộ ở Châu Á. Liên minh Nga - Trung là có thực. Hai quốc gia này đang cố gắng đi đầu trong một chiến lược toàn cầu hóa các nước phương Nam, đó là một vùng liên minh rộng lớn, ít nhiều dao động dựa theo sự thù địch mà người Phương Tây đã để lại ở nhiều nơi trên thế giới, từ Châu Á đến Châu Phi.

Đó chính là nỗi giận dữ mà chúng ta (Pháp và Tây Âu) đã nuôi dưỡng và giờ đây gậy ông đập lưng ông. Điều cần lưu ý ở đây là sự cân bằng của cải và quyền lực đang dịch chuyển về phía Trung Quốc và Châu Á. Trái đất không còn quay quanh Phương Tây như trước.

- Để đáp trả các lệnh trừng phạt của Phương Tây, Vladimir Putin đã giơ lá bài vũ khí hạt nhân. Nó nên được giải thích như thế nào?

Đã nhiều năm qua, các chuyên gia đã tự hỏi liệu việc phát triển vũ khí hạt nhân của Nga có thực chỉ có mục đích răn đe hay không. Những tuyên bố gần đây của Putin về vấn đề này cho thấy ông ta đang thực hiện hành vi đe dọa bằng vũ khí hạt nhân. Ông ta sử dụng mối đe dọa này để đạt được những mục tiêu chinh phạt. Những thử nghiệm hạt nhân này ngày càng đáng lo ngại hơn vì từ vài năm gần đây, ông ta đã tung ra các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt kiểu mới, đặc biệt là những vũ khí siêu thanh.
 
Một phụ nữ đi tản cư, bế theo một chú chó cưng già và không còn sức lực suốt 17 cây số để vượt qua biên giới Ukraine - Ảnh: twitter.com
Một phụ nữ đi tản cư, bế theo một chú chó cưng già và không còn sức lực suốt 17 cây số để vượt qua biên giới Ukraine - Ảnh: twitter.com

Người ta tự hỏi liệu ông ta có thể sử dụng vũ khí hạt nhân như một “siêu trọng pháo” để đạt được các mục tiêu địa chính trị đối ngoại của mình và buộc người phương Tây phải tránh đường hay không. Việc ông ta có khả năng sử dụng năng lượng hạt nhân với mục đích tấn công vũ bảo cần phải được xem xét nghiêm túc.

- Nói rộng ra, ông nghĩ gì về phản ứng của Phương Tây kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine bắt đầu? Ông có cho rằng phản ứng đó là đủ?

Về việc này, một lần nữa, chúng ta không được cảm tính. Chẳng hạn, nếu cho rằng cuộc tấn công của Putin vào Ukraine đã làm khối quyền lực Châu Âu nổi dậy là không xác đáng. Lực lượng tập trung duy nhất mà ta có thể tính đến trong trường hợp này là NATO và Tây Âu. Ngoài ra, việc ta thấy Hoa Kỳ trở lại vị thế lãnh đạo từ đầu cuộc khủng hoảng cũng mang tính trấn an. Hãy nhìn vào thực tế: ba phầ tư tiềm lực quốc phòng của NATO là do Hoa Kỳ cung cấp.

Nhưng chúng ta còn lâu mới phát huy hết tiềm năng này. Hãy nhớ rằng vào cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh, có 330.000 lính Mỹ đóng quân tại Châu Âu. Hiện nay họ chỉ còn lại hơn 40.000.

- Bạn có nghĩ rằng người Mỹ đã sẵn sàng tái đổ bộ vào Châu Âu?

Người Mỹ chưa bao giờ từ bỏ Châu Âu. Tuy nhiên, họ cho rằng tình hình đã ổn định bền vững trên khắp lục địa, rằng sự phát triển của Liên Âu phục vụ cho lợi ích lâu dài của họ, cho phép họ toàn tâm toàn ý tái triển khai mặt trận Châu Á. Ngày nay, các mối quan hệ quyền lực mới đang hình thành từ đầu này đến đầu kia của đại lục Á- u, với khả năng hình thành liên minh Á - Âu Nga - Trung rộng lớn. Nhìn vào tương quan lực lượng mà nói, Mỹ không thể xem nhẹ hỗ trợ của Châu Âu.

- Điều gì sẽ xảy ra nếu Donald Trump trở lại nắm quyền?

Chúng ta không thể loại trừ những sai sót chiến lược, chẳng hạn như đầu nhiệm kỳ của Trump, có một quan điểm thịnh hành ở Hoa Kỳ cho rằng một liên minh minh bạch giữa Moscow và Washington có thể ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc. Lý thuyết có tên gọi “Nixon đảo ngược” này đã bị phá vỡ bởi Putin không muốn trở thành phụ tá của người Mỹ, mà là ông trùm mới của cả Châu Âu.

Mục đích của ông ta là phá hủy NATO và Liên Âu, vì ông ta nhận thức được mối liên hệ chặt chẽ giữa hai tổ chức này. Nếu nó trở thành sự thực, chúng ta sẽ quay lại thời kỳ tương tự như thế kỷ 18 và 19, với tình trạng các quốc gia đánh nhau không ngừng nghỉ và sự trở lại của mô hình học thuyết Darwin về địa chính trị

- Theo ông, đâu là một kịch bản mà chúng ta không thể loại trừ?

Trong những thập kỷ gần đây, lịch sử được xem như một mũi tên tuyến tính, hướng đến sự tiến bộ. Theo góc nhìn này, Putin là một điểm ngoại lệ rơi ra ngoài con đường phát triển, và là một bài toán hóc búa của nền dân chủ thị trường.

Ngày nay, toàn bộ tầm nhìn của chúng ta về thế giới phải được xem xét lại. Nhất là quan niệm rằng chúng ta đi theo chiều hướng tốt của lịch sử và trong trung hạn cũng như dài hạn, tầm nhìn của chúng ta về thế giới sẽ thắng thế. Tuy nhiên, chúng ta đang trải qua một sự thay đổi lịch sử sau 5 thế kỷ Phương Tây thống trị. Sự trỗi dậy của Trung Quốc minh chứng cho điều đó. Cuộc tấn công của Putin vào Ukraine cũng vậy.

Tình thế hiện tại vẫn chưa quá nghiêm trọng nhưng chúng ta không được phép buông xuôi.

Tác giả bài viết: Trần Sơn Huy chuyển ngữ, từ Lyon