“I can't breathe”: CƠN ÁC MỘNG CỦA NƯỚC MỸ
- Chủ nhật - 31/05/2020 15:28
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Dẫu chế độ nô lệ đã bị chấm dứt, quyền công dân và cả sự phân biệt đối xử mang tính tích cực được ban hành và áp dụng thì người Mỹ da đen vẫn là những tầng lớp nghèo nhất, ít được đào tạo nhất và bị đối xử bạo lực nhất cũng như bị giam giữ đông nhất trong các nhà giam”.
Nước Mỹ của người da trắng, ngay từ đầu của cơn đại dịch Coronavirus, đã rùng mình khi phải sống với ý nghĩ “I can't breathe” (Tôi không thể thở được nữa). Câu cảm thán ấy luôn tồn tại đâu đó trong tâm trí của họ.
Đối với những người Mỹ da trắng, những từ trên gợi lại hình ảnh con virus tấn công hệ thống hô hấp, những đơn vị chăm sóc đặc biệt bị quá tải trong nhà thương và nhiều khả năng bị đặt ống trợ thở để tìm cách chiến đấu chống lại sự nhiễm khuẩn đã gây ra cái chết cho hơn 100 ngàn nạn nhân tại nước này.
Trong khi đó, nước Mỹ của người da đen, đã phải sống từ lâu, thậm chí rất lâu, với lời khẩn cầu, van xin trên, vào tối thứ Hai ngày 25-5 tại Minneapolis, của George Floyd.
Người đàn ông Mỹ gốc Phi, 46 tuổi, đã năn nỉ: “Tôi không thể thở được nữa” khi bị một cảnh sát da trắng đè gối vào cổ anh ta. George Floyd đã bị chết sau đó. Toàn bộ vụ việc đã xảy ra trước sự chứng kiến của nhiều người đi đường. Đoạn phim ghi lại những giây phút bị ngạt thở cùng những lời khẩn cầu sau cùng của anh đã gây ra một làn sóng căm phẫn và bất bình tại Mỹ.
Đối với những người Mỹ da trắng, những từ trên gợi lại hình ảnh con virus tấn công hệ thống hô hấp, những đơn vị chăm sóc đặc biệt bị quá tải trong nhà thương và nhiều khả năng bị đặt ống trợ thở để tìm cách chiến đấu chống lại sự nhiễm khuẩn đã gây ra cái chết cho hơn 100 ngàn nạn nhân tại nước này.
Trong khi đó, nước Mỹ của người da đen, đã phải sống từ lâu, thậm chí rất lâu, với lời khẩn cầu, van xin trên, vào tối thứ Hai ngày 25-5 tại Minneapolis, của George Floyd.
Người đàn ông Mỹ gốc Phi, 46 tuổi, đã năn nỉ: “Tôi không thể thở được nữa” khi bị một cảnh sát da trắng đè gối vào cổ anh ta. George Floyd đã bị chết sau đó. Toàn bộ vụ việc đã xảy ra trước sự chứng kiến của nhiều người đi đường. Đoạn phim ghi lại những giây phút bị ngạt thở cùng những lời khẩn cầu sau cùng của anh đã gây ra một làn sóng căm phẫn và bất bình tại Mỹ.
“Tôi không thể thở được nữa” mang âm hưởng của quá khứ đầy bạo lực. Như vào ngày 17-7-2015, khi Eric Garner, lại một người Mỹ gốc Phi, đã van xin, một cách vô vọng, những cảnh sát da trắng tại New York, để anh ta được thở. Eric Garner không hề trang bị vũ khí, đã phải trả giá cho chính mạng sống của mình khi đang ngồi trong xe hơi tại khu vực mà cảnh sát đang tiến hành một cuộc điều tra.
Chỉ vài giờ trước thảm kịch Minneapolis, một người phụ nữ da trắng đã bị quay phim tại Central Park ở New York khi đang gọi điện thoại cho cảnh sát và khẳng định rằng bà bị đe dọa bởi một người Mỹ da đen. Sự thật hoàn toàn khác hẳn những gì bà kể lể: chính người đàn ông bị “tố cáo” đã quay phim toàn cảnh vụ việc và anh ta chỉ yêu cầu bà phải đeo xích con chó của bà.
Căng thẳng chủng tộc dường như trở nên trầm trọng hơn bởi đại dịch khi nó chạm tới số đông là người Mỹ gốc Phi. Theo một nghiên cứu công bố vào đầu tháng 5-2020, người Mỹ da đen chỉ chiếm khoảng 13% dân số Mỹ nhưng lại có đến 60% là nạn nhân của Covid-19.
Nguồn gốc của sự bất cân đối này nằm trong sự cấu trúc của xã hội Mỹ. Người Mỹ gốc Phi, thường xuất thân từ những giai cấp thấp và nghèo, họ không được tiếp xúc hệ thống kiểm tra sức khỏe cũng như có phương tiện để duy trì sự cách ly xã hội trong thời gian bị đại dịch.
Vào năm 2012, Trayvon Martin, một thanh niên Mỹ da đen, chỉ 17 tuổi, đã bị bắn chết bởi một người Mỹ trắng đang đi tuần trong một khu phố tại Floride, nơi cư ngụ của đa số những gia đình da trắng. Cái “tội” của chàng thanh niên này là đã đến thăm cha của cậu ta và đã mặc một cái áo có mũ trùm đầu!
Danh sách những người Mỹ đen bị giết chết bởi những người Mỹ trắng ngày càng dài và có thêm cái chết của Ahmaud Arbery tại Georgia vào tháng Hai năm nay.
Một thực tế là cuộc sống thường nhật của những người Mỹ da đen trẻ tuổi đã bị biến thành những chuỗi dài tai ương: bạo lực, kiểm tra giấy tờ, kiểm tra nhận diện khuôn mặt, bị bắt giữ bởi những cảnh sát da trắng và bị đưa ra tòa xét xử cũng bởi những quan tòa da trắng!
Người Mỹ da đen đa số nghèo và thường ít được “ưu ái “ trong xã hội. Ít điều kiện để được theo đuổi con đường học hành, họ rơi vào nhiều cạm bẫy của xã hội: bạo lực, băng đảng và ma túy.
Theo thống kê của FBI, năm 2018, đã có 234 người Mỹ đen bị giết chết bởi người Mỹ trắng. Trong cùng thời điểm, có 514 người Mỹ trắng bị sát hại bởi người Mỹ đen. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là có 2.570 người Mỹ đen bị giết chết bởi chính những người Mỹ đen trong những cuộc thanh toán băng đảng. Đây chính là mảng tối ít được đề cập đến trên các phương tiện truyền thông.
Tại Mỹ, theo tính toán của giới báo chí, sau cái chết của Michael Brown tại Ferguson, hàng năm có khoảng 1.000 đến 1.200 người bị giết chết bởi cảnh sát. Trong đó, nạn nhân Mỹ gốc Phi chiếm 25%. Theo những thống kê của Fatal Encounters và của National Vital Statistics System, một người Mỹ da đen có khả năng bị giết bởi cảnh sát gấp 2,5 lần so với một người Mỹ da trắng.
Cái chết của George Floyd không đơn thuần mang tính kỳ thị chủng tộc. Đó là một vấn đề mang tính bạo lực và cả chính trị. Vụ án này cũng như những vụ trước đó là kết quả của nhiều triệu chứng trong xã hội Mỹ: bạo lực của lực lượng cảnh sát, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cá nhân và thể chế. Có thể nhận xét rằng vấn đề chủng tộc luôn được củng cố bởi bạo lực, hay nói cách khác hai vấn đề này đã lây nhiễm lẫn nhau trong xã hội Mỹ.
Một cộng đồng thiểu số vốn luôn bị nghi ngại và kỳ thị bởi những người Mỹ da trắng cũng như tệ bạo hành cảnh sát đối với người Mỹ da đen là những vấn đề cực kỳ phức tạp. Đó chính là ngòi nổ cho mọi xung đột chủng tộc tại Mỹ. Đây là điều ai cũng có thể thấy được, tiên liệu được nhưng khó có một chính trị gia nào hay một đảng cầm quyền nào muốn giải quyết những mâu thuẫn chủng tộc ấy một cách dứt khoát.
Nếu như trong thời gian cuối nhiệm kỳ thứ hai của ông Obama, báo chí Mỹ nói nhiều về cuộc bạo loạn tại Baltimore (4-2015) thì những vụ bạo hành của cảnh sát cũng được hệ thống truyền thông liên tục đưa tin vào cuộc bầu cử tổng thống 2016. Tuy nhiên, sau khi ông Trump đắc cử thì những vụ này không còn được đưa lên trang nhất nữa dẫu nó không hề chấm dứt.
Đó chính là những toan tính chính trị hoàn toàn có chủ ý của hệ thống truyền thông tại Mỹ. Thời điểm ấy, làn sóng “MeToo” đã trở thành tâm điểm của truyền thông và nó khiến cho sự xung đột chủng tộc, nỗi ám ảnh của nước Mỹ, của người Mỹ, đã bị che lấp hoàn toàn và tạm rơi vào quên lãng.
Và dĩ nhiên, những ngày này, khi chỉ còn vài tháng nữa là đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, thì những vụ án đau thương như cái chết của George Floyd sẽ lại là đề tài nóng bỏng và là tâm điểm của hệ thống truyền thông quốc gia. Sẽ quá ngây thơ khi cho rằng đó là một sự kiện đơn lẻ trong xã hội Mỹ. Bạo lực hằng ngày vẫn tồn đọng và theo nhiều thống kê, con số về bạo lực vẫn ổn định. Đó chính là hiện thực xã hội.
Tuy nhiên mức độ trầm trọng của bạo hành cảnh sát đã được khai thác và lợi dụng có chủ đích bởi các cá nhân hay tổ chức khi mà tháng 11 sắp tới sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống.
Những mối liên hệ chủng tộc tại Mỹ chưa bao giờ hoàn hảo dẫu nhận thức xã hội ngày càng thay đổi theo chiều hướng tích cực. Ngay cả trong hai nhiệm kỳ của cựu Tổng thống da đen đầu tiên, Barack Obama, vẫn có không ít những cuộc xung đột chủng tộc.
Nhưng khi Trayvon Martin bị sát hại, nước Mỹ đã có một vị Tổng thống biết an ủi, biết làm xoa dịu nỗi đau của nước Mỹ khi ông nói: “Nếu tôi có một đứa con trai, nó sẽ giống như Trayvon Martin”.
Ngày nay, nước Mỹ đang được điều hành bởi một người mà chỉ một hôm trước cái chết của George Floyd, đã chia sẻ lại những “tweet” mang tính kỳ thị chủng tộc, phân biệt giới tính và miệt thị những chính trị gia Đảng Dân chủ, của John K Stahl, một ứng cử viên Quốc hội.
Theo các nghiên cứu mới nhất của Pew Research Center hay của Southern Poverty Law Center, đa số người Mỹ nghĩ rằng những mối quan hệ chủng tộc đã trở nên xấu hơn từ khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Thậm chí, hai phần ba những người được hỏi cho rằng ngày nay người ta dễ dàng phát biểu những điều phân biệt chủng tộc.
Ngày nay nước Mỹ kỳ thị và phân biệt chủng tộc hơn trước? Chưa hẳn. Nhưng có một điều chúng ta có thể quan sát, đó là những người theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc dễ dàng và thoải mái phát biểu suy nghĩ của họ trước công luận, trên báo chí hay truyền hình.
Suy cho cùng, cộng đồng người Mỹ gốc Phi vẫn chỉ là một con cờ cho những ván bài của các đảng cầm quyền cũng như các chính trị gia Mỹ. Dẫu chế độ nô lệ đã bị chấm dứt, quyền công dân và cả sự phân biệt đối xử mang tính tích cực (Affirmative Action) được ban hành và áp dụng thì người Mỹ da đen vẫn là những tầng lớp nghèo nhất, ít được đào tạo nhất và bị đối xử bạo lực nhất cũng như bị giam giữ đông nhất trong các nhà giam.
Một thực tế xã hội mang dấu ấn của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cá nhân và thể chế có thể sẽ tiếp tục cấu trúc trật tự xã hội nước Mỹ, bất chấp những luật lệ tuyên bố bình đẳng giữa các chủng tộc.
Và những cuộc xung đột chủng tộc có lẽ sẽ không bao giờ chấm dứt!
Qua một cuộc khủng hoảng sức khỏe do đại dịch Coronavirus gây nên, sự phân tách trong xã hội Mỹ đã trở nên trầm trọng hơn và bất luận kết quả ra sao, cuộc bầu cử tổng thống sắp tới sẽ khiến nước Mỹ còn bị chia rẽ nhiều hơn so với trước.
Nước Mỹ và người Mỹ sẽ vẫn còn phải chịu đựng những cơn ác mộng “I can't breathe”!
Tư liệu tham khảo:
FBI: 2018 Expanded Homicide Data Table 6
“The Demagogues’ War on Cops”
“Getting killed by police is a leading cause of death for young black men in America”
“Race in America 2019”
“Pew Research Center”
“The Year in Hate and Extremism 2019”
“Le racisme institutionnel: de l’invention politique à la recherche d’outils”