Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Hơn 1.000 ca dương tính Covid-19: CÓ ĐÚNG LÀ SINGAPORE SẮP “TOANG”?

(NCTG) “Một quốc gia có “toang” hay không sẽ phụ thuộc vào khả năng điều trị, phản ứng hiệu quả của hệ thống y tế, được hỗ trợ bởi nền kinh tế, chứ không phải con số tuyệt đối bệnh nhân và số tử vong”.
Nghị sĩ Quốc hội Singapore giải thích cho dân cư về tình hình chống dịch, sáng 3-4-2020 - Ảnh do nhân vật cung cấp
Liên quan tới đại dịch Covid-19, một nhà khoa học có uy tín từng nói, đánh giá một chính phủ giỏi hay kém, đừng để ý đến báo chí, hãy đếm số người chết.

Mình không đồng tình với cách nhìn ấy, vì số người chết lúc này chỉ phản ánh tình hình bệnh dịch tại một thời điểm nhất định, là lúc này. Nó giống như một bản cân đối tài sản, chỉ thể hiện SỨC KHỎE của doanh nghiệp tại một thời điểm này.

Đấy là chưa kể bản báo cáo có thể bị chế biến (cooked) theo ý muốn của chủ doanh nghiệp để con số được đẹp đẽ. Có thể chết vì dịch, có thể chết vì đói, hay gián tiếp vì dịch, và có cái còn nguy hiểm hơn cái chết và số người chết. Kết quả cuối cùng thế nào, chúng ta chỉ biết khi xóa được dịch.

Dân tài chính bọn mình bao giờ cũng nhìn sự việc theo mối liên hệ và tỷ lệ. Sẽ chú ý tỷ lệ chứ không hẳn là số tuyệt đối. Ví dụ như nhìn bảng cân đối tài sản của một doanh nghiệp, mình sẽ xem tỷ lệ tổng các tài sản có tính thanh khoản cao nhất chia cho tổng nợ ngắn hạn, chứ mình không cần nhìn tiền mặt tại quỹ hiện có là bao nhiêu. Tương tự như vậy,mình sẽ xem tỷ lệ ROI của công ty ra sao, chứ không bị “ngợp” bởi số lợi nhuận hàng mấy chữ số.

(Cái này bọn mình gọi là “acid test”, bắt nguồn từ cách dân miền Tây nước Mỹ thử chất lượng vàng khi thanh toán với nhau. Họ cắt một miếng nhỏ vàng, bỏ vào acid xem nó có chuyển màu không. Nếu không chuyển thì cả miếng vàng là thật, hay bản chất cái thỏi vàng đấy được thể hiện là chuẩn).
 
Các dân biểu Singapore thực hành giãn cách xã hội cách nhau 1m - Ảnh do nhân vật cung cấp
Các dân biểu Singapore thực hành giãn cách xã hội cách nhau 1m - Ảnh do nhân vật cung cấp

Chắc chúng ta đều nghe nói về “Xét nghiệm nhanh ở cộng đồng”. Hàn Quốc và Singapore là các nước đi đầu trong xét nghiệm tại cộng đồng. Các nước này tự phát minh, tự sản xuất ra những bộ test kit cho ra kết quả nhanh nhất, thuận lợi nhất, nhờ vào nền công nghiệp công nghệ cao và tiềm lực tài chính quốc gia.

Trong suốt nạn dịch, chính quyền Hàn Quốc đã làm xét nghiệm gần 500 ngàn test trên tổng số 51 triệu dân của họ. Chính quyền Singapore được cho là đã làm trên 50 ngàn test, trên tổng số 5.6 triệu dân.

Với hơn 50 ngàn test được thực hiện, ra kết quả 1.049 ca dương tính với Covid-19, trong số đó 518 ca có thể do lây nhiễm trong nước, 531 ca được xác định đã lây nhiễm từ bên ngoài đưa về Singapore.

Điều đáng chú ý là có tới 266 ca đã hồi phục hoàn toàn và được xuất viện, tức là hơn 25% số được điều trị. Số còn lại sức khỏe ổn định, trừ 23 bệnh nhân đang trong phòng hồi sức cấp cứu.

Tỷ lệ hồi phục hoàn toàn và được xuất viện của Singapore là 25%, có thể coi là cao so với các nước khác trên thế giới.

Tỷ lệ tử vong trên 1 triệu cư dân của Singapore là 0.9, so với Hoa Kỳ là 18, Ý là 230 và Tây Ban Nha là 221.
 
tabla1
 
Thống kê tình hình dịch bệnh các nước trên thế giới
Thống kê tình hình dịch bệnh các nước trên thế giới

Càng thực hiện nhiều test và thực hiện nhanh, thì số ca được phát hiện dương tính có thể sẽ càng nhiều. Tương ứng với nó là số người nhiễm bệnh sẽ được điều trị, chữa chạy sớm hơn, và khả năng phục hồi có thể sẽ cao hơn.

Nó cũng đồng nghĩa với việc cộng đồng được bảo vệ tốt hơn vì những ca “giấu mặt” trong cộng đồng được phát hiện, do vậy giảm thiểu những ca vô tình lây chéo.

Với những quốc gia có số ca nhiễm được công bố ít chưa chắc đã phản ánh toàn bộ số người nhiễm ít, mà rất có thể là do số lượng xét nghiệm được thực hiện chưa đủ.

Và một quốc gia có “toang” hay không, theo mình sẽ phụ thuộc vào khả năng điều trị, phản ứng hiệu quả của hệ thống y tế, được hỗ trợ bởi nền kinh tế, chứ không phải con số tuyệt đối bệnh nhân và số tử vong.

Một chính phủ có giỏi hay không, hãy nhìn khi kết thúc dịch, những tổn thất về cả người và của, khả năng phục hồi kinh tế xã hội như thế nào, tâm thế của người thắng trận ra sao.
 
Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore (NUH) kiểm tra rất kỹ ngưởi ra vào, kể cả uống cà phê - Ảnh do nhân vật cung cấp
Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore (NUH) kiểm tra rất kỹ người ra vào, kể cả uống cà phê - Ảnh do nhân vật cung cấp

Vì thế nên mình không thấy “hoảng loạn” vì có hơn 1.000 ca dương tính với Covid-19, trái lại mình yên tâm hơn vì người bệnh được phát hiện và điều trị sớm hơn.

Việc của mình là sống một cuộc sống bình tĩnh, nạp những năng lượng tích cực, và điều chỉnh hành vi phù hợp với môi trường trong khả năng của mình. Thái độ sống của chúng ta quyết định chúng ta tồn tại thế nào. Con virus nó không sợ ai, không chừa ai, nó chỉ có thể bị đánh bại bằng một hệ miễn dịch, một kháng thể mạnh khỏe và lạc quan.

Tác giả bài viết: Nguyễn Ngọc Minh Michael, từ Singapore