Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HÀNH QUYẾT KÝ GIẢ JAMES WRIGHT FOLEY LÀ HÀNH VI KHỦNG BỐ!

(NCTG) “Jim là một người Mỹ tuyệt vời và nó tin vào những điều tốt đẹp nhất của đất nước này”. Đấy là những gì người mẹ của nhà báo tự do James Foley nói về con mình trong những giây phút vô cùng đau thương đối với trái tim bà.

Nhà báo tự do James Wright Foley (1973-2014)


Trước mặt tôi là tấm hình của nhà báo tự do James Wright Foley trong trang phục màu da cam, anh quỳ gối trên sa mạc, sau anh là kẻ mặc đồ đen, đeo mặt nạ và cầm dao. Kẻ giết người đeo mặt nạ. Và kẻ đó đã hành quyết Jame Wright Foley một cách vô cùng man rợ - cắt đầu - theo như báo chí đưa tin căn cứ đoạn video mang tựa đề “Thông điệp gửi tới Mỹ” được đưa ra trên mạng xã hội của nhóm Hồi giáo cực đoan IS (*).

Tôi đã xem tin về James Foley từ hai ngày qua, khắc khoải mong đoạn video hành quyết James là giả. Nhưng đến sáng hôm nay đọc tin trước giờ đi làm, được biết Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) xác nhận đoạn video kể trên, tôi đã gục xuống.

Lúc vừa đỗ xe, chuẩn bị lên phòng làm việc, tôi gặp hai nhân viên trong thang máy làm ca đêm đang ra về. Bình thường chúng tôi chào nhau rất vui vẻ, nhưng hôm nay không thấy ai cười, một anh lên tiếng trước: “Video về James là thật đấy, FBI đã công nhận rồi!”. Mắt anh như chực khóc. Chúng tôi lặng lẽ ôm nhau, nói mọi việc sẽ ổn thôi, “everything will be alright”.

Lúc qua hành lang dài dẫn đến phòng làm việc, tôi thấy vài nhân viên đứng túm năm tụm ba, nghe loáng thoáng mọi người nhắc tên Jim (tên thân mật của James).

Trong giờ họp giao ban buổi sáng, chúng tôi đã dành một phút tưởng niệm James. Tôi đã nói với các nhân viên rằng chúng ta hãy nói về James, nếu việc đó làm cho chúng ta khuây khỏa hơn trước khi bắt đầu một ngày làm việc, và những hành động khủng bố như thế này, không thể làm chúng ta sợ hãi mà quên đi những giá trị nhân bản mà chúng ta, những người Úc, luôn theo đuổi và bảo vệ.

Giờ nghỉ trưa, một nhân viên Phòng Kế toán theo đạo Hồi mắt đỏ hoe, nói rất to trong phòng ăn của nhân viên: “Bọn IS không phải là đại diện cho đạo Hồi. Nhân danh Thánh Ala, tôi nói chúng là những kẻ khủng bố giết người man rợ. Không Thánh nào dạy người đạo Hồi giết người như vậy. Những người đạo Hồi yêu chuộng hòa bình như tôi, phản đối hành động cực đoan này!”.


Hình ảnh gây chấn động những người có lương tri  - Ảnh chụp màn hình của Reuters


Những vụ giết người bằng cách cắt đầu, cho đến bây giờ, không phải là lần đầu tiên xảy ra. Nhưng dù man rợ đến đâu, thông tin về những vụ đó rồi sẽ lắng xuống. Còn tính chất của những vụ khủng bố thì khác, chúng gieo kinh hoàng trên diện rộng và trong một thời gian dài, vì hai lý do cơ bản.

Thứ nhất, khủng bố luôn gắn với mục đích chính trị, dù nhiều trường hợp chúng mang vỏ bọc tôn giáo. Những vụ khủng bố bằng cách bắt cóc, giết người vô tội thường nhằm gây sức ép chính trị, vì mục đích chính trị. Trong vụ hành quyết nhà báo tự do James Foley, người đứng đầu chính phủ một loạt nước Phương Tây như Mỹ, Anh, Pháp, Úc... đều đã phải lên tiếng và đề cập đến những chính sách nhằm đối phó với khủng bố.

Vì rõ ràng vụ hành quyết này sẽ phần nào gây hoang mang lo lắng trong dân chúng, tất nhiên sẽ có nhiều câu hỏi và sức ép từ phía công chúng lên chính phủ, nhất là đối với chính phủ Mỹ và Phương Tây về chính sách quân sự đối với Iraq và Syria.

Thứ hai, khủng bố cần “khán giả”, càng nhiều “khán giả” càng tốt, vì mục đích của chúng là gieo nỗi kinh hoàng cho số đông. Và trong trường hợp này, những trang mạng xã hội như Youtube, vô hình chung, trở thành phương tiện truyền tải thông tin của các nhóm khủng bố đến hàng triệu “khán giả”.

Hình như IS đã phần nào đạt được mục đích của mình. Vì cho dù chỉ có một người chết, không có cả loạt người chết như những vụ khủng bố lớn 9-11 WTC hay “khán đài” lớn Boston Boombing. Việc tăng đột biết lượt xem đoạn video hành quyết man rợ dẫn đến việc những trang mạng xã hội như Youtube và Twitter phải xem xét lại những qui định và chính sách thông tin của mình.

Họ đã buộc phải xem xét giữa đâu là quyền tự do bày tỏ ý kiến (vì không ít ý kiến cổ súy cho bạo lực hay khủng bố chẳng hạn) và những giá trị đạo đức nhân bản.

Tôi ngồi hàng giờ đọc những thông tin mà bạn bè và đồng nghiệp đăng tải về James. Anh đã từng lăn lộn nhiều chiến trường như Iraq, Afganistan, và từng bị giam cầm ở Lybia, từng chứng kiến bạn đồng nghiệp thiệt mạng trong trận chiến, James hiểu những hiểm nguy mà mình đang đối mặt.

Nhưng đam mê nghề nghiệp và khát vọng chuyển tải thông tin trung thực đến với bạn đọc đã khiến James luôn muốn có mặt ở những nơi nguy hiểm nhất.


Từ hai năm nay, chiếc ruy-băng màu vàng trên cửa và trên cây xung quanh ngôi nhà của gia đình James Foley ở Rochester - New Hampshire, với hy vọng người ký giả bị bắt cóc ngày 22-11-2012 sẽ trở về...
- Ảnh: AP

Jim là một người Mỹ tuyệt vời và nó tin vào những điều tốt đẹp nhất của đất nước này”. Đấy là những gì người mẹ của nhà báo tự do James Foley nói về con mình trong những giây phút vô cùng đau thương đối với trái tim bà.

Chính nghĩa không đứng về phía những kẻ bịt mặt, giết người vô tội!

Ghi chú (của NCTG):

(*) Tên cũ là Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Cận Đông (Islamic State of Iraq and the Levant - ISIL), nhóm chiến binh Jihad, gồm các tay súng Hồi giáo cực đoan và khủng bố dòng Sunni cằm đầu các hoạt động bất hợp pháp ở Iraq và Syria.

Tác giả bài viết: Phương Lan, từ Sydney (Úc)