Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HÀ NỘI SẼ LÀ THÀNH PHỐ KHÔNG CÂY XANH?

(NCTG) “Đối với đại đa số người dân, không ai hình dung được dự án “tuyến đường sắt đô thị trên cao” sẽ có tác động như thế nào đối với đời sống hàng ngày và tinh thần của họ. Không một ý kiến phản biện nào của các nhà khoa học hay kiến trúc sư… được đăng tải trên báo chí chính thống. Đây chính là điều nguy hiểm nhất, khi người dân bị bưng tai bịt mắt trước những điều thiết yếu đối với sinh mạng và hạnh phúc của họ, và chỉ ngã ngửa khi sự đã rồi!”.

Không thể “phát triển” bằng cách chặt cây xanh và hủy hoại bộ mặt cũng như tầng sâu văn hóa đô thị! (Ảnh: 150 cây xà cừ trên đường Nguyễn Trãi, Trần Phú bị bức tử) - Nguồn: Phương Sơn (vnexpress.net)


Chỉ cần là một người yêu và xót xa cho cảnh quan của Hà Nội cũng đủ nhận thấy rằng, “tuyến đường sắt đô thị trên cao” bao gồm tám tuyến đường, hàng trăm km nối từ trung tâm Hà Nội ra ngoại vi, trong đó tuyến chạy qua khu phố cổ Hà Nội (gồm 11,5 km, 3,1 km lộ thiên, còn lại là công trình ngầm), sẽ ảnh hưởng thay đổi toàn bộ khu vực phố cổ với các đường phố quan trọng nhất, nhiều giá trị di sản nhất: Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Thụy Khuê, Hàng Giấy, Hàng Đường, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Ngang, Hàng Bài, Phố Huế.

Tuyến 3, Ga Hà Nội đến Nhổn (dài 12,5 km với 9,6 km trên cao, 2,6 km ngầm) và tuyến 2, Cát Linh Hà Đông, đang đưa vào thi công với hàng loạt cây xà cừ trên trăm tuổi, trồng từ thời Pháp bị chặt hạ (112 cây đã bị chặt, 91 cây bị di dời (!) 157 cây dự kiến bị chặt). Các tuyến còn lại chạy từ Nam Thăng Long (khu C1) tới địa phận phía Tây Hà Nội (Thượng Đình) và từ quận Hà Đông về Hà Nội…

Dù là công trình ngầm (CTN) dưới lòng đất hay lộ thiên, đường sắt cao tốc (ĐSCT) này cũng sẽ đòi hỏi phải triệt phá cây xanh trên tất cả vùng đất nó đi qua, vì CTN gây ảnh hưởng tới nước ngầm và rễ cây, chưa kể tác động của nó đối với hệ thống cấp thoát nước ngầm đô thị và cảnh quan trên mặt đất. Bạn hãy tưởng tượng toàn bộ khu vực trung tâm Hà Nội, từ Bờ Hồ Gươm cho đến đường Phan Đình Phùng rợp mát bóng cây, phố Hàng Ngang, Hàng Đào với chợ Đồng Xuân, phố Huế bán buôn sầm uất của hàng bao lớp người gắn bó yêu thương Hà Nội… sẽ ra sao, sau cuộc đào xới chặt phá vĩ đại có tên là ĐSTC này?

Một Hà Nội không có bóng cây xanh, với những cột trụ, đường ray nghênh ngang án ngữ trên những mái ngói (cũng chẳng còn rêu phong nữa)?

Ai cũng hiểu rằng nhu cầu tăng thêm diện tích, mở rộng không gian đô thị là cần thiết cho phát triển. Nhưng thay vì di chuyển, đưa các nhà máy, xí nghiệp, công sở, khu dân cư ra xa hơn phía ngoại ô và thành lập các đô thị vệ tinh, đương nhiên cùng với nó là giảm thiểu lưu lượng người và xe ở khu vực phố cổ - di sản (nơi chỉ duy trì một phần hoạt động hành chính - thương mại và chủ yếu phục vụ văn hóa, du lịch) như một giải pháp dễ dàng, hợp lý, để bảo tồn không gian kiến trúc cổ ngàn năm của Hà Nội, thì những người hữu trách, không hiểu vì lý do gì lại chọn phương thức xây ĐSTC (!) để điều hòa giao thông, tránh ùn tắc và “phát triển kinh tế” cho khu vực trung tâm phố cổ!

Toàn bộ công trình ĐSTC này nằm trọn vẹn trong khu vực đô thị di sản của Hà Nội, bao gồm Hoàng Thành Thăng Long, Ba mươi sáu phố phường, các công trình văn hóa, tâm linh quan trọng như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hồ Gươm, đền Ngọc Sơn, đền Quán Thánh nơi đặt pho tượng đồng đen Hộ quốc Tướng quân, một trong Tứ Trấn linh thiêng của Hà Nội, đền Bạch Mã, Voi Phục… Ngay cả nếu như chỉ để phục vụ mục đích phát triển du lịch, thì công trình ĐSTC này cũng là một sự hủy hoại vô phương cứu chữa đối với cảnh quan kiến trúc của phố cổ di sản Hà Nội.

Nền đất Hà Nội là đất phù sa bồi lắng, nhiều nước ngầm, không thích hợp để xây dựng công trình ngầm dưới lòng đất. Thêm vào đó là “di chỉ chồng lên di chỉ” của các triều đại Lý, Trần, Lê… mà đến nay chưa có một đánh giá nào đầy đủ về phạm vi, số lượng, ý nghĩa khoa học và văn hóa của các di chỉ này kể cả ở trong và ngoài nước.

Để cho nhà thầu Trung Quốc thẳng tay tọc mạch động chạm, đào bươi vào đất thiêng, long mạch tổ tiên truyền đời của Thăng Long Hà Nội, có người con dân Việt nào chịu đựng nổi nguy cơ của nỗi đau khổ và điếm nhục này?

Trả một cái giá như vậy để đổi lấy việc “giải tỏa, thông thoáng về giao thông” ở khu vực phố cổ Hà Nội và vùng phụ cận, là điều không một con người có suy nghĩ bình thường và lương tri nào có thể chấp nhận.

Bao biện cho việc chặt phá hàng cây xà cừ trăm tuổi trên tuyến đường Trần Phú – Nguyễn Trãi (tuyến đường này có đoạn song song, gần sát với đường Nguyễn Thái Học đi qua Văn Miếu và khu vực Hồ Hoàn Kiếm), quan chức Trưởng phòng Quản lý hạ tầng môi trường công trình ngầm Trần Trọng Hiếu cho biết, “sau khi chặt hạ cây phần dải phân cách giữa sẽ bị xóa bỏ để làm đường đi cho xe cơ giới. Sở Giao thông Vận tải đã có phương án trình thành phố, trong đó làn xe gần vỉa hè dành cho xe máy, xe thô sơ; làn bên ngoài dành cho ô tô.

Mặc dù cây xà cừ được trồng gần 100 năm, đường kính trên 50cm, nhưng ông Hiếu khẳng định đây không phải là loại cây đô thị. Do là cây to lại có bộ rễ chùm nên hàng xà cừ hai bên đường phố Hà Nội cực kỳ nguy hiểm cho người dân cũng như tuyến đường sắt trên cao
”.

Bài báo trên còn cho biết thêm: “Theo Sở Xây dựng, trên toàn thành phố Hà Nội hiện nay có trên 5.000 cây xà cừ được trồng từ thời Pháp, tập trung chủ yếu ở một số tuyến phố lớn như Kim Mã, Nguyễn Trãi, Quang Trung… Do không phải là loại cây đô thị, rất dễ đổ vào mùa mưa bão nên Sở Xây dựng đang xây dựng lộ trình thay thế dần toàn bộ hệ thống xà cừ trên các tuyến đường của thành phố”.

Trong khi đó, thông tin từ trang Wikipedia tiếng Việt cho hay, xà cừ là loại cây “tăng trưởng rất nhanh, có thể phát triển tốt trên nhiều loại đất, rất phù hợp với nền đất cát của vùng ven biển miền Trung Việt Nam, cây có bộ rễ sâu có thể thích nghi việc chóng chịu điều kiện thiếu nước. Xà cừ có thể được gây trồng rộng rãi để làm cây xanh đường phố, cảnh quan công viên”.

Tuy nhiên, cũng trang này đã tự ý thêm thông tin giới hạn đường kính thân cây dưới 400mm (40 cm) để “tránh gãy đổ do mưa bão” trong khi không có bất cứ trang mạng nào về khoa học khuyến cáo thông tin này. Cây xà cừ là loại gỗ quý, được trồng ở Châu Âu vào nửa đầu thế kỷ 19, chủ yếu lấy bóng mát cho các con đường và được xếp vào sách Đỏ các loài cây cần bảo vệ, có thể xem thêm ở Bách khoa toàn thư mở bản Anh ngữ.

Cung cấp những thông tin sai lệch với nền tảng khoa học để đánh lừa dư luận và người dân là một điều trái ngược với lương tâm của bất kỳ ai tối thiểu muốn làm người.

Chưa ai đánh giá hết những tác hại với môi trường và đời sống của việc chặt phá cây xanh ở Hà Nội như hiện nay, nhưng một điều chắc chắn mà ai cũng biết: hàng cây xà cừ trăm tuổi đã và đang bị phá hiện nay, những hàng cây cổ thụ ở đường Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, ở phố cổ di sản sẽ bị chặt phá nếu ĐSTC chạy tới đó, sẽ vĩnh viễn không bao giờ còn khôi phục lại được.

Lý do: Một, diện tích trồng cây sau khi cây bị đốn bỏ được trưng thu vào việc khác (như ý kiến trên đây). Hai, các công trình mà vì để thi công, phải chặt cây, đều không có một hạng mục nào dành cho diện tích cây xanh, chưa nói tới việc bù lại diện tích cây đã bị chặt phá. Ba, nếu tìm cách trồng cây xanh “thay thế” tại khu vực ngoại thành, thì than ôi, dẫu có trồng được rừng đi chăng nữa, không gì có thể bù đắp nổi một cảnh quan trơ trụi không bóng cây ở khu phố cổ.   

Theo nguồn tin từ báo chính thống trong nước, Hà Nội hiện có khoảng 10.000 (mười ngàn) cây xanh bóng mát và quy hoạch “phủ xanh” đến năm 2030 đưa ra chỉ tiêu đạt 15 mét vuông cây xanh một đầu người. Nếu chỉ nghe những con số này thì thấy rất yên tâm, nhưng nó mới chỉ là những con số trên giấy, người ta nói với nhau cho vui miệng. Hiện nay Hà Nội mới chỉ có những dự án chặt cây chứ chưa có dự án trồng cây nào được đưa vào thực hiện theo bản quy hoạch nói trên. Hãy cứ chặt cây cho được việc trước, trồng lại hay không còn khối thì giờ để tính!

Một đô thị non trẻ mà không có bóng cây, không ai có trí khôn lại có thể chấp nhận được điều này. Một đô thị ngàn tuổi đã từ bao đời nay được biết đến như tổng thể của những kiến trúc hiền hòa, duyên dáng bên bóng mát của cây xanh che rủ, cây xanh đã trở thành một phần của cảnh trí hài hòa không thể tách rời, trở thành phần hồn của con người, vẻ đẹp của một lối sống nhân văn, hướng thiện, biết trân quý và gìn giữ môi trường tự nhiên, nay sắp trở thành ĐÔ THỊ KHÔNG CÂY.

Dự án xây ĐSTC đã được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đưa vào thực thi, nhưng đối với đại đa số người dân, không ai hình dung được dự án này sẽ có tác động như thế nào đối với đời sống hàng ngày và tinh thần của họ. Không một ý kiến phản biện nào của các nhà khoa học hay kiến trúc sư… được đăng tải trên báo chí chính thống. Đây chính là điều nguy hiểm nhất, khi người dân bị bưng tai bịt mắt trước những điều thiết yếu đối với sinh mạng và hạnh phúc của họ, và chỉ ngã ngửa khi sự đã rồi!

Tác giả bài viết: Khánh Phương, từ Lancaster, Pennsylvania (Hoa Kỳ)