Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Ghi chép: CHUYỆN CÁC BIỂU TƯỢNG

(NCTG) Việc một số CĐV Việt Nam phất cờ đỏ sao vàng ở vài trận EURO 2020 gần đây có gây ra nhiều ý kiến “thuận” và cả “trái” chiều. Điều đó âu cũng là bình thường vì tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, và cờ quạt cũng là một hình thức tự do biểu đạt. Nhưng nhìn chung, những “chỉ dấu” mang tính biểu tượng, nếu sử dụng không “trúng” nhiều khi cũng nguy hiểm, hoặc ít nhất là hài, kỳ hay lố bịch.
Cờ Việt treo tại nhiều trận đấu của giải EURO 2020 làm dấy lên nhiều lời khen chê trên các mạng xã hội
Cách đây 9 năm, mình có dẫn các bác... lãnh đạo một tỉnh nọ tham quan lâu đài Sans Souci, Cung điện Mùa hạ của vương triều Frederick Đại đế (Phổ) tại TP. Potsdam. Ngay ở bến đậu xe buýt ra một chút, một ông nghệ sĩ đường phố ăn vận cổ kính như thời phong kiến, thấy đoàn nhà mình vừa đi tới, đã lập tức thổi... “Như có Bác Hồ...”. Rồi liền sau đó, nonstop, là bản “Trống cơm”, vui vẻ và rộn ràng.

Hai bài trên chơi không có gì khó về mặt nhạc học, nhưng cái hay là ở sự dụng công tìm tòi và chơi đúng chỗ. Đặc biệt là sao ổng nhận ra đây là đoàn đến từ... Giao Chỉ quận, đấy mới là cái kỳ tài, chứ chuyện thấy dân Việt chơi nhạc Tàu thì cơm bữa. Dĩ nhiên, màn trình diễn của ổng gặt hái được sự hưởng ứng nhiệt liệt của đoàn: đồng chí trưởng đoàn bắt nhịp cho cả đoàn đứng quanh... hát theo, rất nhộn.

Nhân vụ đó, mình nhớ kỷ niệm đi cùng với 1 bà HDV người Hung, đôi bên có hàn huyên, trao đổi kinh nghiệm. Rất tội, bả kể là có lần đi tour cho 1 đoàn Việt Nam (mà bà sơ suất không hỏi trước họ đến từ đâu), bà còn thuộc vài bài thời “chống Mỹ cứu nước”, trong đó có “Vùng lên nhân dân miền Nam anh hùng...” (mà tất nhiên bả không hiểu nội dung, chỉ nghĩ là một bài vui, bạn bè Việt hồi xưa dạy).

Sau khi kể chuyện cách mạng Hungary 1956 rất được đoàn tán thưởng, vui chuyện, thế nào bà lại chuyển hướng, hát vài câu cho đoàn (hóa ra là các bác tỵ nạn từ Mỹ), thì lập tức đoàn mặt nặng trịch, và bả không được 1 xu tiền tip nào! Mình vừa buồn cười, vừa thương, bảo bả “phải lựa chứ, có phải “cách mạng” bao giờ cũng tốt đâu, lắm khi không phải đầu cũng phải tai, cứ hát... bolero cho lành”.
 
Nghệ sĩ đường phố ở Sans Souci (Potsdam, Đức), tháng 10/2002 - Ảnh tư liệu
Nghệ sĩ đường phố ở Sans Souci (Potsdam, Đức), tháng 10/2002 - Ảnh tư liệu

Nói vậy chứ mình cũng có một dịp rất cảm động khi dùng biểu tượng... Hung!

Số là trong 1 tour tổ chức cho bà con cộng đồng, mình không tìm thấy cờ quạt chuẩn đâu, nên mang luôn... cờ Hung đi làm hiệu. Cũng là nhân dịp Quốc khánh Hung 20/8.

Tới phố cổ Salzburg, tự nhiên nghe thấy đằng sau có tiếng nói “trời, một cậu Châu Á cầm cờ MÌNH kìa!”. Và sau đó là những tiếng xì xào rất vui “chắc Tầu đấy, Tầu bây giờ họ du lịch nhiều lắm!”.

Mình quay lại, thì thấy một group các cụ hưu trí Hung, dẫn đầu mà một bà HDV chắc cũng độ 65-70 tuổi. Trước hết là mình cải chính, tôi đâu phải Tầu, tôi là dân Việt, sống ở Hung. Rồi tán hươu, vượn vài phút, sau đó chào các cụ và xin phép đưa đoàn đi tiếp.

Khi chia tay, bà HDV Hung nói, giọng rơm rớm: “Tôi thấy... ngạt thở khi nhìn thấy cờ của MÌNH ở nơi xa thế này, và rất cảm động khi anh gọi Hungary là NƯỚC TA, cầu Chúa ban phước cho các anh, chị!”.

Đấy là một kỷ niệm không quên của mình, khi một biểu tượng đã được dùng một cách không có ý thức, nhưng lại mang lại sự gắn kết và kéo con người lại gần nhau...

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh