Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


GỬI NGƯỜI BẠN HỌC

(NCTG) “Liệu thực trạng Việt Nam ngày hôm nay có xứng đáng với sự hy sinh của các cô gái Đồng Lộc?”.
Những cô gái Đồng Lộc “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” - Ảnh tư liệu
Nó lớn lên trong một biệt thự lớn và cổ từ thời Pháp, có sỏi trắng rải trên lối đi, có khu vườn với những gốc nhãn, gốc sấu tây..., xung quanh là một lớp tường rào có cổng khóa kín. Lũ trẻ từ khoảng chục gia đình trú ngụ tại đây, thường chỉ chơi trong chốn thiên đường khép kín này.

Thế giới của nó chỉ bao gồm ở nhà và ở trường. Ngây ngô, nó cứ tưởng ai cũng như nó. Trường nó học cứ ngày một xa hơn, và thế giới của nó cũng rộng hơn, cả nhờ không gian địa lý, cả nhờ những khuôn mặt bạn bè sơ thân cứ đến và đi. 

Thời ấy, cô khác nó. Một sự khác biệt đơn giản là do môi trường. Cô thường cười, một nụ cười tỏa nắng với thoáng láu lỉnh khi nhắc tới “nhút Thanh Chương”, là đặc sản của quê cô. Hình như nó đã từng ghen thầm với cô, vì nó chẳng biết gì về đặc sản của quê nó để mà yêu đến tỏa nắng cho nụ cười. 

Nhà cô bên bờ hồ Tây, là nơi lần đầu tiên nó lóng ngóng khỏa gầu múc nước. Nó biết mình luôn lóng ngóng. Ôi chao là mát, mặc ánh nắng trưa hè lấp loáng mặt nước giếng... Nó ưng sự ngăn nắp trong gia đình cô, và ưng dãy tủ sách, mà nó đoan chắc là cô đã đọc suốt.

Là bạn cùng lứa, nhưng cô hiểu biết thật nhiều, nhiều hơn nó. Nhờ cô mà nó biết “Quê hương tôi có con sông xanh biếc” được viết khi người Nam tập kết ra Bắc trong sự kỳ vọng rằng sẽ chỉ là hai năm chia cắt, rồi sẽ tổng tuyển cử, rồi sẽ thống nhất đất nước, để rồi chẳng có bất cứ tổng tuyển cử nào diễn ra.

Cô cũng là người đầu tiên nhắc đến các cô gái Đồng Lộc. Từ những ngày phổ thông đó cô đã mang trong mình những suy nghĩ già dặn và đã để lại những ảnh hưởng đầu tiên nơi đứa con nít như tờ giấy trắng là nó. Chẳng biết bạn bè cùng lứa có bị tác động của cô như nó.

Đã mấy chục năm bạn bè chẳng có dịp hàn huyên. Thấy bảo cô đã có hai nhỏ con gái giỏi giang, và lớn tuổi hơn cả mẹ nó thời còn cùng lớp với cô.

Nó đồ, hẳn các cô nhỏ ấy đã lớn lên trong nhịp ru của sóng nước Tây Hồ, vỗ về trong ký ức của người mẹ. Hẳn các cô đã nghe nói đến sự hy sinh của các cô gái Đồng Lộc, những người vĩnh viễn dừng lại ở lứa tuổi các cô. 

Thu về sương giăng mang sương khói Tây Hồ những năm phổ thông trở lại với nó. Nó nhớ bạn cũ, trường xưa, quê xa, nhớ Đồng Lộc, nhớ cô và các con gái cô - tất cả làm thành Việt Nam trong nó, một điểm chung nối tất cả họ với nhau.

Điểm chung ấy làm nó những muốn nhìn thẳng đôi mắt ngày nào láu lỉnh tỏa nắng, hỏi bạn chân thành, bất kể bạn đứng ở đâu trong xã hội Việt Nam xô bồ, chứ hoàn toàn không phải chỉ vì mấy hôm trước lại thấy bạn tươi tắn trên màn hình, vốn là nơi không phải ý kiến nào cũng được lắng nghe. “Bạn mình ơi, bạn nghĩ sao, liệu thực trạng Việt Nam ngày hôm nay có xứng đáng với sự hy sinh của các cô gái Đồng Lộc?”.

Hay là nói cách khác “nếu con gái bạn là một trong những thiếu nữ Đồng Lộc ngày nọ, bạn có thấy sự hy sinh của con và của mình được đền bù bằng thực trạng ngày hôm nay tại Việt Nam?”.

Phải chăng chính hiện tại sẽ quyết định, liệu những mất mát của người dân trong quá khứ có là vô nghĩa?

Tác giả bài viết: Minh Lan