Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


GIỌT LỆ CỦA ĐẤNG TIÊN TRI

(NCTG) “Chừng nào những người Hồi giáo chưa nhận ra những vấn nạn của chính họ, chưa hiểu ra rằng là những người như các biếm sĩ “Charlie Hebdo” đã dũng cảm chống lại những điều luật man rợ vì chính họ, thì thế giới Đạo Hồi còn phải sống chung với những kẻ cuồng tín quá khích mà chính họ là nạn nhân trực tiếp”.

Có thể rút ra những bài học gì sau vụ thảm sát
“Charlie Hebdo”? - Ảnh: Bertrand Guay

Trong cuộc tranh luận rất “nóng” hiện tại xung quanh vụ thảm sát tại trụ sở báo “Charlie Hebdo”, nhiều người cho rằng tờ báo đã “đi quá”, nước Pháp cũng quá dễ dãi trong kiểm duyệt. Chứ ở các nước như Anh, Úc, Mỹ... thì không có chuyện các biếm họa của “Charlie Hebdo” mô tả Đấng tiên tri Mohammad được xuất bản.

Xin được nhắc lại, ở đây đối tượng phản đối của các biếm họa “Charlie Hebdo” là Thánh luật Sharia, là Thánh Chiến Jihad cuồng tín, v.v... chứ họ không phản đối đạo Hồi chung chung. Các tín đồ đạo Hồi cuồng tín đã nhân danh Đấng tiên tri để áp dụng những luật lệ man rợ nhất lên con người trong ánh sáng văn minh của thế kỷ 21.

Ai đại diện cho những luật trên của đạo Hồi nếu không phải là Đấng tiên tri? Chính vì vậy, “Charlie Hebdo” chọn cách đưa hình ảnh của Mohammad để chế giễu cho những thứ ngu xuẩn ác độc áp đặt lên con người là có lý do của họ.

Hơn thế nữa, như nhận định trong một bài viết, “Charlie Hebdo” “là một tạp chí châm biếm cánh tả theo chủ nghĩa tự do”, “ngay từ khi mới ra đời, tờ tuần báo đã chủ trương thực thi những quyền tự do cơ bản bằng cách phê phán tệ tham nhũng, chỉ trích sự bành trướng vô độ của nhà nước, cũng như sự thái quá của tôn giáo. Được coi là không biết nể nang bất cứ ai, ngay những tượng đài của nước Pháp cũng bị báo đưa ra làm mục tiêu chế giễu”.

Vì vậy không thể kết luận “Charlie Hebdo” chọn riêng đạo Hồi để kích động gây hận thù với người theo Hồi giáo. Vì tờ báo chỉ trích một cách công bằng các đạo giáo khác và các chủ đề khác, khi họ cảm thấy cần lên tiếng cho những giá trị của nền dân chủ Pháp.

Như trong phát biểu của chủ bút Charbonnier vào năm 2012: “Khi chúng tôi tấn công phe hữu khuynh cứng rắn Thiên Chúa giáo… không ai đề cập gì đến điều ấy trên báo chí. Làm như “Charlie Hebdo” có quyền chính thức được tấn công phe hữu cứng rắn Thiên Chúa giáo. Nhưng chúng tôi lại không được phép chế giễu những thành phần Hồi giáo cứng rắn. Đó là một luật lệ mới… nhưng chúng tôi sẽ không tuân thủ nó”.

Ngoài nội dung phê phán, có nhiều ý kiến bàn bàn về hình thức và mức độ phê phán, cho là “Charlie Hebdo” đã đi quá trong tự do ngôn luận. Đây là một nhìn nhận cảm tính, một khi pháp luật nước Pháp cho phép tờ báo hoạt động và họ thắng trong nhiều kiện để tiếp tục sáng tạo. Một nhà nước pháp quyền là một nhà nước văn minh. Phán xét của tòa án Pháp cần được xem xét như thước đo pháp lý cho sự tồn tại của tờ báo và các tranh châm biếm trên đất Pháp.

Châm biếm là truyền thống của người Pháp từ thế kỷ 11 và chẳng có ai được miễn trừ, dù đó có là vua chúa, giáo hoàng hay lãnh đạo Đại Cách mạng. Xã hội Pháp từ thế kỷ Ánh sáng và thời Đại Cách mạng đã có thái độ liên tục chất vấn những hiện tượng xã hội. Và có lẽ mà vì thế nước Pháp đã tiến một bước dài trong dân chủ và tự do ngôn luận. Nói theo ý nhiều người hiện nay là đừng châm biếm nữa, là đi ngược với tinh thần người Pháp.

Điều cần nói ở đây còn là vấn đề dân nhập cư sang sống ở Paris. Liệu dân nhập cư được Paris và nước Pháp bao bọc vì những giá trị nhân đạo họ hằng theo đuổi, lại có thể bắt cả nước Pháp, cả Paris phải bỏ đi nét văn hóa truyền thống của mình, không được xuất bản biếm họa có hình Đấng tiên tri? Vậy thì “nhập gia tuỳ tục” hay là ngược lại?

Chắc chắn các đảng phái sở tại sẽ lập tức đưa ra những chính sách phản ánh quan điểm của mình trong vấn đề này. Cực hữu ở Châu Âu lớn tiếng nhân vụ việc “Charlie Hebdo” là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên cái văn minh của Châu Âu là sự cân bằng của hai phe tả và hữu qua bầu cử trung thực. Cho nên cứ để phiếu bầu nói lên chính kiến cuối cùng của người dân. Câu hỏi về tự do, dân chủ của người Pháp sẽ chỉ có thể được quyết định bằng lá phiếu bầu của chính những công dân Pháp.

Điều cần thay đổi để tốt lên là những người có trách nhiệm trong chính phủ Pháp về vấn đề nhập cư, chịu trách nhiệm về giáo dục, phải cố gắng hơn nữa trong tiến trình giúp đỡ những người nhập cư hòa đồng với văn hóa bản xứ, những trung tâm tư vấn về giáo dục phải làm việc tốt hơn nữa để hỗ trợ cộng đồng nhập cư, nhất cho thanh thiếu niên, nhóm này dễ bất mãn và dễ bị các nhóm quá khích lợi dụng.

Phải quan hệ chặt chẽ hơn nữa với những người đứng đầu các tôn giáo ở mỗi khu dân cư, để có thể có những biện pháp an ninh phòng ngừa ngăn chặn, hơn là xử lý khủng hoảng. Chứ không phải là làm ngược lại, ban hành những biện pháp cấm đoán về báo chí và truyền thông, hoặc ngả sang quan điểm cực hữu là cấm cửa nhập cư.

Nếu so sánh với Úc, có thể thấy truyền thống báo chí Úc không có các ấn phẩm Cartoon Print kiểu này, có lẽ vì cái hài hước châm biếm người Úc giản đơn hơn, cách diễn đạt sự hài hước cũng khác. Tuy nhiên, trong vấn đề này, người Úc ủng hộ kiểu tự do theo truyền thống và đặc thù của người Pháp. Ngay sau vụ khủng bố, hàng loạt các báo lớn ở Úc đăng bài kêu gọi tự do hơn nữa, phản đối kiểm duyệt, như sự khẳng định việc đoàn kết với “Charlie Hebdo” trong tự do ngôn luận, tự do biểu đạt.

Nước Úc cũng có chính sách thân thiện hơn với cái khăn choàng đầu so với Pháp. Phụ nữ đạo Hồi có quyền đội khăn ở công sở làm việc hay trong trường học. Trong công sở, nếu lãnh đạo vin vào cớ khăn choàng đầu không phải là đồng phục để không cho phép nhân viên theo Hồi giáo đội khăn thì đó là sự vi phạm luật chống phân biệt đối xử.

Nhưng nói như thế là không có nghĩa Úc không cứng rắn khi bị động chạm một cách thô bạo. Ví dụ họ phản ứng rất mạnh mẽ khi một giáo sĩ đạo Hồi Sheik Hilali giảng giải cho năm trăm tín đồ về vấn đề tội phạm tấn công tình dục, rằng phụ nữ không choàng khăn che đầu là hở hang như “uncovered meat”. Cụ thể, ông ta ví phụ nữ không choàng khăn thì hở hang kiểu như “mỡ để miệng mèo” (*).

Và kết luận nếu “con mèo” ăn miếng mỡ, thì “miếng mỡ có tội”, chứ không phải “con mèo”, có nghĩa là phụ nữ không choàng khăn là hở hang, như thế là khiêu khích đàn ông, làm đàn ông phạm tội. Cộng đồng Hồi giáo ở Sydney đã lên tiếng kịch liệt phản đối Sheik Hilali.

Các bạn ở Pháp có thế bắt chước làm hệt như Úc. Nhưng việc đó không đồng nhất với việc các bạn sẽ được các nhóm quá khích mang danh tôn giáo tha mạng. Vụ tấn công, bắt cóc người ở Lindt Cafe mới diễn ra ở Úc thể hiện điều này. Tay súng Hồi giáo quá khích bắt giữ con tin, mặc dầu những con tin này chẳng gây bất hòa gì. Hắn chọn đối tượng một cách ngẫu nhiên.

Ở Pháp, khi “Charlie Hebdo” đi tiên phong, chống lại cái xấu xa tồi tệ của đủ loại đạo giáo, các vấn đề chính trị xã hội thì họ bị chọn là mục tiêu của những kẻ theo đạo hồi quá khích. Điểmn khác biệt, tờ báo là nạn nhân được lựa chọn kỹ càng, chứ không phải ngẫu nhiên mà thôi.

Người Anh lạnh lùng và cẩn trọng vẫn bị đánh bom ở tầu điện ngầm.

Và còn muôn vàn các vụ đánh bom giết hại người vô tội, giết hại trẻ em ở các trường học ở ngay những nước Đạo Hồi thống trị, mà có lẽ chỉ cần liệt kê tên thôi, đã tốn cả trang giấy.

Nghĩa là còn IS, Al Qaeda, Boko Haram, còn Thánh Chiến thì còn máu đổ.

Vậy câu hỏi được đặt ra ở đây đối với những tín đồ Hồi giáo chân chính là các bạn đã làm những gì? Và đã làm đủ chưa để ngăn chặn những kẻ cuồng tín quá khích, đang nhân danh Đấng tiên tri phá hoại đạo Hồi từ bên trong? Hay thay vì lên án khủng bố, các bạn lại đặt ngược vấn đề, rằng “Charlie Hebdo” phải có lỗi gì thì mới bị giết chứ?

“Charlie Hebdo”, sau sự kiện đau lòng, đã khẳng định mình tiếp tục sống với sự ủng hộ của hơn bốn triệu người biểu tình thể hiện sự đồng cảm với tờ báo, với tự do ngôn luận. Các hoạ sĩ sống sót của tờ báo nén những ngổn ngang xúc động trong lòng, chung tay cho ra đời ấn phẩm mới nhất với hình Đấng tiên tri nước mắt rơi, tay cầm thông điệp “Je suis Charlie”, ngay trong trang đầu.

Để đón tiếp số báo mới này, những tín đồ đạo Hồi ở nhiều nước đã biểu tình, thể hiện sự phẫn nộ và dẫn đến những cuộc đụng độ bạo lực.

Sự phản đối này chứng tỏ ở nhiều nơi, người Hồi giao chưa, hoặc có lẽ không nhận ra là “Charlie Hebdo” chỉ lên án những luật lệ man rợ do những kẻ quá khích áp dụng lên con người. Thay vì bất bình là phải sống và tuân thủ những đạo luật man rợ trên, họ lại xuống đường bạo lực về mấy tranh biếm họa.

Ngay trong cùng thời gian xảy ra vụ khủng bố ở Paris, tại Nigeria, hai ngàn dân lành đã chết dưới tay khủng bố Boko Hara. Những tímn đồ Hồi giáo chân chính nghĩ gì? Họ không thấy cần phản đối Boko Haram, và hai ngàn người chết không đủ để họ xuống đường, và mấy cái tranh biếm họa quan trọng hơn chăng?

Chừng nào những người Hồi giáo chưa nhận ra những vấn nạn của chính họ, chưa hiểu ra rằng là những người như các biếm sĩ “Charlie Hebdo” đã dũng cảm chống lại những điều luật man rợ vì chính họ, thì thế giới Đạo Hồi còn phải sống chung với những kẻ cuồng tín quá khích mà chính họ là nạn nhân trực tiếp.

Liệu phản đối “Charlie Hebdo” có phải là tiếng nói đồng tâm của tất cả các tín đồ đạo Hồi?

Chả nhẽ Đấng tiên tri Mohammad không được quyền nhỏ lệ khi nhiều mạng người đổ máu chỉ vì họ dám cầm bút phản ánh tội ác của những kẻ cuồng tín, nhân danh Ngài áp dụng những luật lệ man rợ lên con người?

Cầm trên tay mẩu giấy “Je suis Charlie”, có lẽ Ngài muốn nói với những kẻ cuồng tín rằng: đừng nhân danh Ngài làm những điều ngu xuẩn độc ác, hãy để cho Ngài nói lên tiếng nói của chính bản thân mình! Đơn giản, thế thôi!

(*) “If you take out uncovered meat and place it outside on the street, or in the garden or in the park, or in the backyard without a cover, and the cats come and eat it… whose fault is it - the cats or the uncovered meat? “The uncovered meat is the problem”.

Tác giả bài viết: Phương Lan, từ Sydney (Úc)