Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


GIỌNG HÀ NỘI CÓ TỘI GÌ?

(NCTG) “Đọc lại sự kiện 30-4 và những hệ lụy của nó, thấy kinh sợ quá, một nỗi buồn đau hãi hùng. Chúng ta, những công dân chẳng dính gì tới chiến tranh, nghĩa là không tham gia cầm súng trực tiếp ở cả hai phía, mà còn “ăn thua đủ” với nhau thế, huống chi, những người phải trả bằng máu cho cuộc chiến này?”.
Với “chất giọng” Hà Nội khá chuẩn (bằng chứng là được nhờ nói vào băng ghi âm để dạy tiếng Việt cho người nước ngoài), tôi chẳng bao giờ ngờ rằng, có lúc giọng Hà Nội lại gây ra cho tôi không ít buồn, đau, đến tận bây giờ...

Lần đầu tiên, tôi bị sốc nặng vì giọng Hà Nội của mình là vào năm 1998. Khi ấy tôi đến thăm một nhà văn tên tuổi của miền Nam ở Nha Trang, ông nói, cô sinh ở Hà Nội hả?

Nom ông gầy gò nhỏ bé, mắt mang ánh thép, quắc thước. Ông nghiến răng như cố kìm cơn giận dữ: “Vì Hà Nội của cô mà tôi mất sạch, mất hết!”.

Ông còn nói gì nữa tôi không nhớ, chỉ biết, tôi trơ mặt thớt cho ông chém, hả cơn giận. Con cá trườn đi từ đời nào.

Tôi im lặng, tôi biết nói gì? Chả lẽ tôi bảo, khi chiến tranh kết thúc, tôi tám tuổi, tôi có tội gì để ông, đáng tuổi ông ngoại tôi, tỏ thái độ thù hằn với tôi? Ông là người lớn, hơn nữa, ông lại là một nhà văn, liệu thái độ thù hằn với một người vô tội như tôi có đúng không?

Một nhà văn, một nhà văn hóa, còn thế, còn không giữ bình tĩnh nổi trước một giọng miền Bắc, giọng Hà Nội, thử hỏi những người khác thì sao?

Buồn! Chỉ thấy ông ta quả là vô lý!

Lần thứ hai, vào năm 2000, tôi bỗng nhiên thấy mình được gọi là “người bên kia sông”, bởi một đám sư sãi trong một ngôi chùa ở Huế. Họ đang ngồi hóng mát hay sưởi nắng ven sông thì chúng tôi đến. Tôi đưa một một người khách du lịch Mỹ đến ngôi chùa đó để bà chuyển một món quà.

Tôi cất giọng hỏi thăm họ tên vị sư cần gặp, cảm thấy lạnh gáy trước cái nhìn và tiếng cười thù hằn của họ, những người tu hành! Cứ như thể là đang ở thời chiến vậy! Tôi có tội gì để phải chịu đựng ánh nhìn ấy? Tôi giúp người ta chuyển quà đến cho ngôi chùa của họ cơ mà!

Ấm ức, thậm chí bị choáng váng buồn nôn bởi ánh nhìn đầy miệt thị ấy, chỉ muốn nhổ thẳng vào những cái mặt đó một bãi nước miếng! Chỉ thế thôi mà buồn mãi không thể nguôi ngoai... Đau!

Lần thứ ba, năm năm trước, ngay tại nước Úc, trong một cuộc gặp mặt cộng đồng Việt. Tôi đến theo một thư mời kiểu sinh hoạt cộng đồng. Đáp lại sự háo hức của tôi là lời giới thiệu nửa đùa nửa thật của người gửi thư mời: “Cô này là nhà báo cộng sản”. Tôi sững người! Tôi không thích cách đùa đó, nhăn mặt, nói luôn: “Xin ông đừng đùa như thế!”.

Khi có dịp gặp riêng, vì rất trân trọng ông, nên tôi buồn bã bảo: cần phân biệt chính quyền Hà Nội với người dân Hà Nội. Không nên có thái độ thù hằn như thế với tất cả người Hà Nội. Phải hiểu rằng, chúng ta đều là nhân dân, nạn nhân của chiến tranh, hay độc tài.

Người miền Bắc cũng chịu đủ đầy đọa với mức độ đau đớn khắc nghiệt chẳng kém gì người miền Nam cả.

Tôi vốn trân trọng các bài viết của ông. Và đó là lý do khiến tôi có mặt ở đó. Ông nói thế là có ý gì? Ông có nghĩ là ông làm tôi tổn thương không? Dù mười mươi đó là một lời nói đùa! Và có nên nói đùa như thế với một người khách, một bạn đọc? Tôi không hiểu?

Nghĩ mãi, tại sao ông ấy phải đùa như thế? Đấy là cách đùa của một trí thức thực thụ ư? Hay là ông ấy nói thật? Như vậy, tất cả ai đến từ miền Bắc, nói giọng Hà Nội, đều là cộng sản? Nói giọng Hà Nội thì có tội gì?

Chán! Và gần như tuyệt vọng về cái gọi là trí thức! Khi đã hiểu được cội nguồn lý do vì sao giọng Hà Nội bị “dị ứng” thì không còn ấm ức nữa, mà chỉ chán thôi.

Định kiến, hẹp hòi, nhỏ nhen là chuyện của muôn người, muôn nhà, muôn đời... Mình cũng thế, nên càng chán!

Hôm nay đọc lại sự kiện 30-4 và những hệ lụy của nó, thấy kinh sợ quá, một nỗi buồn đau hãi hùng…

Chúng ta, những công dân chẳng dính gì tới chiến tranh, nghĩa là không tham gia cầm súng trực tiếp ở cả hai phía, mà còn “ăn thua đủ” với nhau thế, huống chi, những người phải trả bằng máu cho cuộc chiến này.

Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, thì lại thấy, còn cãi nhau, còn tranh luận là còn hy vọng!

Các bài cùng chủ đề “Chiến tranh nhìn từ nhiều phía” trên NCTG:

TƯƠNG LAI ĐẤT NƯỚC

NẾU...

30-4, NGHĨ VỀ SỰ HỐI LỖI

NÓI VÀ LÀM

30-4 VÀ NHỮNG GÌ SAU ĐÓ

SINH NHẬT BA MƯƠI THÁNG TƯ

NHỮNG NGÀY 30-4 CỦA TÔI

30-4  

Tác giả bài viết: Bùi Mai Hạnh, từ Warrnambool (Úc)