Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


GIÁO DỤC MÙ MÀU

(NCTG) Mình vốn nghĩ phân biệt màu sắc là chuyện dễ nhất trên đời, chỉ cần có thị lực bình thường là làm được. Nhưng hóa ra mọi chuyện không đơn giản như vậy.

Thế giới và cuộc sống quanh ta vốn dĩ có rất nhiều sắc màu... - Minh họa: Internet

Hôm nay đi mua đồ, lúc ra thấy xe máy bị kẹt giữa hai cái xe to khác. Đồ rằng cái cột sống lão hóa của mình không đủ khả năng tự xoay xở, mình gọi anh trông xe khoảng ngoài bốn mươi, trông khỏe mạnh, sáng sủa: “Anh rút hộ cái xe máy đen kia với”.

Đang ngồi nhổ râu bị gọi dậy, chàng có vẻ bực bội, dáo dác nhìn rồi hỏi: “Cái nào cơ?”. Mình nhắc lại: “Cái Honda màu đen ấy” rồi bước đến chỉ tận nơi. Chàng gắt: “Thế mà bảo là xe đen làm người ta không hiểu. Cái xe này màu xanh”.

Mình buồn cười quá vì cái xe Lead của mình màu ghi sẫm, dân gian gọi là màu nòng súng, giữa những xe vàng đỏ xung quanh và trong bóng râm thì gọi là đen cho nhanh nhưng có người lấy xe cho là tốt rồi, chả buồn đáp lại.

Ý chừng trông mặt mình chưa “tâm phục khẩu phục” nên chàng bồi thêm: “Về xem lại đăng ký đi” làm mình càng buồn cười vì đăng ký ghi rõ là “Màu ghi”.

Chuyện cũng bình thường vì mình có kinh nghiệm là đàn ông Việt vốn không chịu thua phụ nữ cái gì, càng ít học càng tự tin, dù là với khách hàng cũng không thể bỏ qua. Nhưng chuyện này làm mình nhớ đến một trường hợp khác.

Hồi đại học mình có dịp ở cùng phòng một thời gian với một bạn ở tỉnh xa. Mình rất ngạc nhiên khi phát hiện ra nhận thức về màu sắc của bạn ấy và của mình hoàn toàn khác nhau. Trừ những màu cơ bản như đen và trắng, còn lại chúng mình không thể thống nhất với nhau về bất kỳ màu nào. Mình bảo màu nâu hay vàng da cam thì bạn ấy bảo màu đỏ, màu xanh lá mạ thì thành màu vàng, bạn không thể phân biệt xanh lá cây được với xanh da trời...

Bảng màu của bạn chỉ có những màu cơ bản nhất, còn những màu kiểu như đỏ bordeaux, xám thép, cà phê sữa... là chịu. Vì thế khi chung sống có những hiểu nhầm rất khó đỡ khi yêu cầu nhau làm việc này thì làm nhầm sang việc khác.... Mà bạn ấy rất bảo thủ, nhất định cho là mình đúng. Mình cũng không biết nói thế nào vì chả có căn cứ để bắt bẻ bạn ấy.

Nhìn chung bạn ấy cũng hiền lành, dễ thương, chỉ là từ nhỏ đời sống chỉ có ngần nấy màu sắc, xung quanh gọi sao quen vậy, nhà trường lại không dạy hội họa nên càng chẳng có điều kiện để học về màu sắc. Còn mình thích hội họa, có điều kiện xem phim ảnh nhiều và đời sống ở thành phố cũng nhiều màu sắc hơn.

Càng sống lâu càng thấy bệnh “mù màu” ấy lan sang cả những lĩnh vực khác. Bạn chỉ quen nghĩ một chiều, mọi chuyện trên thế giới đều quy về hai màu đen và trắng, hễ những gì cấp trên hay nhà trường dạy đều là chân lý không thể nghi ngờ, những gì khác đều sai không thể cứu vãn. Chính vì vậy bạn không có hứng thú gì với văn học, nghệ thuật, trừ những thứ đã có trong sách giáo khoa vì đã được “định màu” rõ ràng.

Về sau mình mới hiểu, ngôn ngữ là tấm gương phản ánh thế giới, thế giới của bạn ấy chỉ có ngần nấy màu thì không thể đòi hỏi bạn biết nhiều hơn. Và khi cả làng nói ngọng thì ai cũng tưởng là mình nói sõi! Chỉ tiếc là bạn nghĩ không cần thay đổi, rủ đi xem bảo tàng, ra ngoài ngắm cảnh cũng hiếm khi chịu đi, hoặc đi nhìn rồi về.

Sống ở nước ngoài nhưng chỉ thích xem những phim hành động, thấy sách văn học mình mượn về cũng cầm lên xem qua rồi để xuống. Vì thế đâu vẫn đóng đó. Điều đáng ngạc nhiên là mình phát hiện ra có rất nhiều người như vậy, chỉ là ở mức độ khác nhau. Chính vì vậy bạn càng yên tâm.

Cũng may là chỉ ở với nhau một thời gian ngắn và mình nghĩ đó chỉ là một nhược điểm nhỏ, không ảnh hưởng gì đến đời sống sau này. Lúc đầu thì đúng như vậy, bạn chăm chỉ, hiền lành nên kết quả học tập khá, may mắn tìm được một công việc ổn định trong cơ quan kinh doanh của Nhà nước, đời sống cũng khá giả. Và cách nhìn đời đơn màu của bạn lại rất hợp ý các sếp cũng xuất thân loanh quanh như bạn nên càng thuận lợi.

Nhưng dần dần đường công danh của bạn cứ chững lại. Thời mở cửa công việc phức tạp hơn, đòi hỏi phải có cái nhìn đa chiều, luôn cập nhật cái mới để có phản ứng kịp thời nhưng bạn đã quá thời để cập nhật bảng màu của mình. Và thế là bạn phải ngậm ngùi chứng kiến những người trẻ hơn cứ vượt mặt mình.

Sự đơn màu đã không cho bạn nhiều niềm vui cá nhân, vốn giàu tự ái, bạn càng buồn khổ. Tính hiền lành, khép kín cũng không cho phép bạn thổ lộ cùng ai, kể cả gia đình nên nỗi buồn càng lớn.

Mỗi lần gặp nhau, nhìn bạn gượng vui nhưng không che giấu được mặc cảm, tự ti, mình vừa thương vừa tiếc. Thà không thành công từ đầu chứ đã có mà mất thì khổ quá.

Hóa ra cái giáo dục mù màu có tác hại nhiều hơn mình tưởng!

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Ánh, từ Hà Nội