Đọc báo trong nước: KHEN... VÔ LỐI!
- Thứ sáu - 10/09/2004 22:19
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lục trong đống báo cũ (để “thanh lý”, khỏi rác nhà, vợ kêu!), ngẫu nhiên tôi tìm lại được mẩu chuyện sau, về nhà thơ Hoàng Cầm (HC), đăng trên tờ “Văn nghệ trẻ” ở trong nước. Sau khi ca ngợi ông HC một hồi, nhân vật “tôi” (Lê Văn Ba) trong bài thuật lại cuộc trò chuyện giữa ông ta và nhà thơ HC:
Nhà thơ lái sang một chuyện vui khác:
- Vừa rồi có hai cô người Mỹ nghiên cứu về văn học Việt Nam đến gặp tôi. Hai cô học ở Mỹ nhưng phát âm rất chuẩn, nói được cả những tiếng lóng. Một cô bảo: “Chúng cháu ghen với bác đấy”. Tôi cười: “Ghen cái gì? Chắc là các cô thấy tôi yêu hơi nhiều?” “Bác yêu ai thì việc gì chúng cháu phải ghen! Mà chắc cháu ghen là ghen bác được sinh ra ở nước Việt Nam, có ngôn ngữ Việt Nam rất thơ. Dường như ngôn ngữ Việt Nam là dành cho thơ. Chỉ cần đọc Nguyễn Du (ND), Hồ Xuân Hương (HXH) là hiểu ngôn ngữ Việt Nam thơ đến mức nào”.
Các cô nói thêm:
- Ngôn ngữ Việt Nam, thơ Việt Nam có những từ, những vần điệu chỉ đọc lên chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim, tấm lòng mà không thể nào diễn tả, giải thích nổi.
Rồi một trong hai cô đọc to:
- Như câu này chẳng hạn: “Ngán nỗi ôm cầm những tấp tênh” (thơ HXH). Cái chữ “tấp tênh” ấy hay quá, thơ quá. Nhưng hiểu được, cảm được mà phân tích thì thật khó, dịch ra tiếng nước ngoài thì càng khó.
Thoạt đầu, đọc qua bài viết, tôi thấy cũng... vô thưởng vô phạt, chả có tính thông tin gì đặc biệt, câu chữ, chuyện trò đều tròn trịa, có mở có kết rất “có hậu” (happyending). Tuy nhiên... Bản thân tôi, vốn là một người mê thơ HC. Nhưng tự nhiên, tôi thấy hơi “nghi vấn” với câu chuyện hai cô gái người Mỹ mà ông kể.
Dân mình hay sa vào hai thái cực: hoặc là cái gì anh Tây cũng nhất (“Tây mà lại!”, “đúng là của ngoại!”...), hoặc “cứ phải ta cơ” (“đéo mẹ, chỉ thèm quả cà pháo!”, “bọn Tây lắm thịt thà, nhưng toàn thứ “lai kinh tế”, chả ngon bằng của ta”...). Áp dụng vào văn học, thì hoặc là “đọc Victor Hugo, Leon Tolstoy..., thấy buồn cho dân ta!”, “đúng là nền văn học nhỏ mọn!”; hay ngược lại “Tây, làm sao thưởng thức được “Truyện Kiều”?!”, “cứ phải cho chúng nó nghe... lục bát, mới biết tay!” (?)...
Tôi thì có quan điểm “trung dung”, nghĩa là Việt Nam nhà mình nói chung cái gì cũng mới ở mức tầm tầm, chả to quá, nhưng cũng không đến nỗi quá bé. Chả cần là “đỉnh cao trí tuệ loài người”, nhưng cũng không đến mức “hạng bét”. Về văn, ta chửa có ai ở tầm giải Nobel, nhưng các cụ Nguyễn Tuân, Nam Cao... cũng khá lắm chớ! Gần đây, tôi cho là ông Nguyễn Huy Thiệp cũng đáng nể.
Tuy nhiên, gọi là “trung dung”, nhưng tôi có cái tật là cứ thấy ai khen “ta” quá, là đâm nghi! Dài dòng văn tự, “minh định lập trường” rõ ràng như thế, để đi vào “mổ xẻ” mấy câu lãng xẹt của hai cô Tây (?):
1. “Mà chắc cháu ghen là ghen bác được sinh ra ở nước Việt Nam, có ngôn ngữ Việt Nam rất thơ. Dường như ngôn ngữ Việt Nam là dành cho thơ. Chỉ cần đọc ND, HXH là hiểu ngôn ngữ Việt Nam thơ đến mức nào”.
Chả hiểu có phải họ (hai cô Mỹ) nói chính xác như thế không? Chứ tôi thấy đoạn này đặc thù là ý tưởng của dân ta gán cho người Tây!
“Ngôn ngữ Việt Nam rất thơ”? “Dường như ngôn ngữ Việt Nam là dành cho thơ”? Mấy câu này tôi thấy có thể dành cho đa số các ngôn ngữ trên thế giới, chả riêng gì tiếng ta (có lẽ trừ tiếng... Đức, vốn bị coi là hơi khó nghe, nhưng nước Đức cũng có lắm thi hào tầm cỡ quốc tế, nên thực sự tôi không dám bàn!) “Tiếng Việt Nam nói lên nghe như hát”, “có chất thơ”..., tôi đã từng nghe người Hung khen như thế, vào những năm mà “bốn phương vô sản đều là anh em”. Có thể thế thật, nhưng bây giờ, mỗi lần đến những khu có đông dân mình, đôi khi tôi đến phát ngượng vì những âm thanh ồn ào, ngọng líu lường mà không thèm sửa... không hề “thơ” chút nào!
“Chỉ cần đọc ND, HXH là hiểu ngôn ngữ Việt Nam thơ đến mức nào”? Chả hiểu hai cô Mỹ định nói đến cái gì? Đến tài uốn theo vần điệu du dương của hai vị kể trên? Nếu theo khía cạnh ấy thì ngôn ngữ Hung còn “thơ” gấp... tỉ, vì cách cấu từ trong tiếng Hung khiến ta có thể gò vận rất dễ dàng.
2. “Ngôn ngữ Việt Nam, thơ Việt Nam có những từ, những vần điệu chỉ đọc lên chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim, tấm lòng mà không thể nào diễn tả, giải thích nổi”.
Câu này cũng có thể ứng với mọi thứ ngôn ngữ trên thế giới, cả “sinh ngữ” lẫn “tử ngữ”. Đâu phải là cái “đặc quyền”, “đặc lợi” gì của tiếng Việt?
Để bạn đọc đỡ... sốt ruột, tôi xin nói luôn mà khỏi trích dẫn dài dòng, là cái câu than “hiểu được, cảm được [một câu thơ tôi thấy khá bình thường của “bà Chúa thơ Nôm” - TT] mà phân tích thì thật khó, dịch ra tiếng nước ngoài thì càng khó” cũng thuộc trường hợp nói trên.
Đến đây, tôi xin rút (bừa) ra kết luận như sau:
- Một: có thể hai cô gái tóc vàng (?), mũi lõ đã “học vẹt”, quá thuộc bài! Khá khen cho họ!
- Hai: có thể họ chỉ khen theo phép xã giao của Tây.
Trong cả hai trường hợp, chả cần phải tin vào đó mà tự “vẻ vang dân Việt”!
Dĩ nhiên, vẫn còn khả năng ông ký giả ghi... xạo. Khả năng gì khác nữa thì tôi không dám nghĩ đến...
Tưởng đã xong! Nào ngờ, đọc một tờ báo “Tiền Phong” ra đời sau đó dăm tháng, tôi lại được thấy mẩu chuyện “Mỹ khen ta” này, lần này dưới ngòi bút một tác giả khác (Nguyễn Văn Chương). Trong bài thứ hai đó, ông HC được khen (các cô Mỹ “tỏ ra rất sung sướng, hãnh diện” khi được gặp ông, một “nhà thơ nổi tiếng”), tiếng Việt được khen (thông qua mấy câu kiểu “Luồng gió thông reo vỗ phập phòm” của bà HXH) và hai cô Hoa Kỳ “khá trẻ đẹp” cũng được khen (thông qua tiếng Việt: “vốn liếng tiếng Việt... rất khá”, “nói, viết và hiểu tiếng Việt hơn cả... người Việt”, “trình độ tiếng Việt khá “siêu”...). Rõ là... khéo nịnh lẫn nhau, Mỹ - Việt đề huề quá!
Nói chung, tôi rất ngờ vực những “thông tin” kiểu này. Nhất là câu “khen” bất hủ và khá... vô lối của cô Mỹ trong bài viết thứ hai: “Cháu thách cả nhân loại trong suốt thiên niên kỷ thứ ba sắp tới, xem có dân tộc nào, đất nước nào lại sản sinh ra được một HXH nữa đấy”.
Tự tin là tốt. Nhưng có cần tự vỗ ngực khen mình như thế?