Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Đọc “Tuổi 20 yêu dấu”: CẢM XÚC VÀ NHẬN THỨC

(NCTG) “Dù sao đi nữa cuộc sống cũng có những giá trị đẹp đẽ của nó, không thể vì bất cứ lý do gì mà hủy hoại nó đi. Bạn trẻ, tin tôi đi! Nếu chưa trưởng thành, chưa thực sự đủ lông đủ cánh thì bạn cũng đừng vội vã tuột xích như tôi. Và mái tóc bạc trên đầu tuổi xanh” (Nguyễn Huy Thiệp)
Tiểu thuyết “Tuổi 20 yêu dấu” - Ảnh: Internet
Thời tiết tháng Ba ở châu Âu thật phập phù: vẫn còn những đợt lạnh, mưa tuyết, gió cóng tay, nhưng xen vào đó những ngày “đánh lừa cảm xúc” như sáng hôm nay: nắng vàng ruộm, trời khá xanh, cành cây khẳng khiu đã điểm vài nụ lốm đốm. Tưởng thế thôi, ra ngoài vẫn lạnh lắm, toàn Châu Âu đang lockdown vì Covid-19, chẳng có chỗ nào mở cửa để đi. Vậy đành nằm nhà mở Facebook ra lướt.

Tôi bỗng thoảng thốt khi thấy một loạt ảnh nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (NHT), lâu lắm rồi chẳng mấy khi nghe tin về ông. “Ôi! Thương nhớ…” là câu bật ra đầu tiên trong tôi. Sau khi đọc thêm mấy bài báo, mấy bài phỏng vấn tóm tắt về sự nghiệp của NHT, những nhân vật trong “Tướng về hưu”, “Không có vua”, “Thương nhớ đồng quê”… lại hiện lên rõ mồn một.

Trí nhớ của con người kể ra rất buồn cười. Dạo này tôi hay quên, nhiều khi vừa ra xe xong không nhớ mình đã bấm khóa chưa, chìa khóa vừa cầm trong tay không biết để đi đâu, điện thoại vừa nghe xong lúc sau tìm mãi mới thấy. Vậy mà có những cảm xúc từ lâu lắm rồi thỉnh thoảng nhớ lại vẫn thấy như chạm vào da thịt, có những hình ảnh nhắm mắt vào vẫn hiện ra, và có những điều đọc một lần vẫn thuộc từng câu chữ.

Truyện ngắn của NHT đối với tôi thuộc dạng như vậy. Cũng định giở ra đọc lại, nhưng nhìn ra mảnh vườn nắng, líu lo tiếng chim bình yên tôi lại không muốn có một “cảm xúc mạnh” vào lúc này. Các truyện ngắn của NHT không cái nào không để lại ấn tượng, đưa người đọc qua đủ các cung bậc của cảm xúc, không hợp với không gian ngày hôm nay.

Bỗng tình cờ đập vào mắt tôi là trang bìa cuốn tiểu thuyết: “Tuổi 20 yêu dấu”. Tôi chưa từng đọc tiểu thuyết nào của NHT. Chắc do nhiễm “xu hướng đọc của thời đại”, càng ngày tôi càng ngại đọc các tiểu thuyết dài, chỉ thích đọc những mẩu ngắn ngắn, video quá 3 phút là cũng chẳng muốn mở ra xem.

Bài báo viết cách đây ba năm viết về buổi ra mắt cuốn sách “Tuổi 20 yêu dấu” tại Trung tâm Văn hóa Pháp. Ngoài sơ tóm qua loa về nội dung cuốn sách xoay quay chủ đề một thanh niên tuổi mới lớn, do “mâu thuẫn với gia đinh” mà bỏ nhà ra đi bụi đời, sa chân vào con đường nghiện ngập… bài báo chẳng nêu lên điều gì hấp dẫn, cũng chẳng thấy nhấn mạnh về văn phong hay cách kể chuyện “lạ đời” của NHT. Một chi tiết duy nhất đánh thức sự tò mò trong tôi: Khuê - nhân vật chính trong tiểu thuyết là con trai của nhà văn.

Vậy đây không phải là một tiểu thuyết tự nghĩ ra trong đầu, không phải một kịch bản văn học, một vở kịch hay một kiếm hiệp bí ẩn. Đây là một cuốn tự chuyện, một hồi ký - một trong những thể loại văn học tôi rất thích vì tôi tin rằng chẳng chuyện gì hay bằng chuyện có thật. Chính NHT cũng đã từng tuyên bố: “Tôi chỉ viết những gì tôi đã sống…”.

Tôi bấm nhắn tin hỏi anh bạn, kho tàng văn học sống tại Budapest:

- Anh ơi, có cuốn “Tuổi 20 yêu dấu” của NHT không cho em mượn? 

- Làm gì có, cuốn đấy anh cũng chưa đọc, viết từ lâu rồi nhưng dạo trước không được in trong nước, Pháp mua bản quyền rồi!

Mức độ tò mò trong tôi càng tăng mạnh, viết cái gì “nhạy cảm” mà tới 15 năm sau mới được ra sách? Sao “bọn” Pháp lại mua bản quyền tiểu thuyết này? Hội nước ngoài nghiên cứu văn học Việt Nam nhiều khi còn thính mũi hơn cả giới phê bình văn học nước nhà.
 
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp với cuốn “Tuổi 20 yêu dấu” - Ảnh: Internet
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp với cuốn “Tuổi 20 yêu dấu” - Ảnh: Internet

Chẳng biết sự phát triển của thông tin tin học có đáp ứng được hết các nhu cầu của con người hay không, du lịch qua mạng có thay thế được các chuyến đi và những mối tình online có đẹp hơn tình yêu đời thường hay không, nhưng đáp ứng về dữ liệu thì thật tuyệt vời: chỉ vài phút sau tôi đã yên vị trên ghế salon, dí mắt vào màn hình ngấu nghiến đọc

Đúng như tôi suy đoán, “Tuổi 20 yêu dấu” rất dễ đọc, cứ như xem nhật ký hay nghe một cậu thanh niên tự thuật. Mặc dù tuổi 20 trong tôi cũng chỉ còn là dĩ vãng, làm mẹ của hai đứa con tuổi teen, tôi không thể không bật cười bởi kiểu suy nghĩ tưởng như “cụ non” nhưng lại rất ngây thơ điển hình của giai đoạn mới vào đời này. 

Khuê, nhân vật chính là một cậu con trai thành phố có hoàn cảnh khá may mắn: có bố, có mẹ ,có anh trai. Mẹ chiều con, nấu ngon, chăm sóc giặt giũ quần áo. Bố có học, có tâm, viết lách có tiếng. Anh trai ngoan, giỏi, khéo tay. Khuê là sinh viên đại học đàng hoàng, chẳng làm gì xấu, chỉ đơn giản cậu ta đang tuổi dậy thì và trong tâm lý của một gia đinh xã hội Việt Nam thì khái niệm “dậy thì” không tồn tại.

Cho đến tận 15 năm sau khi cuốn sách được in ra ở Việt Nam, các tóm tắt đánh giá vẫn dùng từ “Khuê nổi loạn”. Khuê không mang những tính cách mạnh, ngầu, góc cạnh, ranh mãnh, độc ác… như các nhân vật khác của NHT trong các truyện ngắn đình đám.

Bởi đơn giản Khuê chỉ là một thanh niên thành thị mới lớn con nhà lành. Khuê đang khám phá thế giới xung quanh và khám phá bản thân. Mặc dù yêu mẹ và biết được mẹ chiều nhưng Khuê vẫn bực khi bị mẹ hỏi “muốn ăn gì”, Khuê yêu bố khâm phục bố có tài nhưng vẫn cười khi bố nói dối những chuyện lặt vặt hay sõ gái, Khuê công nhận anh mình khéo tay nhưng lại lên mặt chê ông anh ngu.

Khuê khỏe mạnh, thông minh, có chính kiến nhưng lại luôn tự ti nghĩ mọi người coi mình chỉ là con muỗi, con gián. Cái tuổi dậy thì đấy mâu thuẫn như vậy. Khi Phương Tây có cả hàng trăm năm với bao công trình nghiên cứu khoa học về biến đổi hoóc-môn, sự phát triển của các tế bào thần kinh trong bán cầu não để chứng mình cho những hành động, suy nghĩ tuổi dậy thì thì Phương Đông vẫn coi đó là “nổi loạn” .

Mới đọc hết chương đầu tôi đã giật mình, NHT dưới cái nhìn của Khuê muốn đề cập tới một vấn đề lớn nhất của xã hội: Giáo dục! Giáo dục ở nhà trường, giáo dục trong gia đình và giáo dục ngoài xã hội. Tôi lật vội chương cuối: “Cát Bà 2003”. Ôi, những suy nghĩ trăn trở của NHT đi trước thời đại nhiều quá, nhận ra cái cốt lõi sớm quá nên phải gần 20 chục năm sau một số người mới nhận ra.
 
Bản tiếng Pháp của “Tuổi 20 yêu dấu”
Bản tiếng Pháp của “Tuổi 20 yêu dấu”

Khuê hoàn toàn không “nổi loạn”, hoàn toàn bình thường, suy nghĩ phát triển bình thường và chính vì cậu bé trong sáng nên cậu ta mới thấy nhiều bài giảng trên giảng đường đại học là chán, là vô bổ, là giả dối. Khuê càng không ngu dốt hay lười nhác, chỉ các giảng viên bất tài, chuyên môn kém mới không biết truyền đạt kiến thức một cách rành mạch cho sinh viên, lôi cuốn giới trẻ.

Biết bao chàng trai cô gái đã là nạn nhân của lối giáo dục này trong bao nhiêu năm qua? Nếu cúi đầu cam chịu, từ những cành xanh mơn mởn sẽ được đào tạo thành những khúc gỗ khô cằn vô cảm. Còn nếu không chấp nhận sẽ được liệt vào danh sách “nổi loạn” và ranh giới để xa vào vũng lầy chỉ mỏng manh như một sợi tóc!

Khuê bước qua ranh giới sợi tóc đơn giản đến mức không thể giải thích nổi: “Tại sao ư? Tại sao thì tôi cũng chẳng hiểu tại sao như vậy? Như người ta nói, sai lầm dẫn tới sai lầm. Giống như trò chơi xếp hình đô-mi-nô. Chỉ là một cú hẩy nhẹ của số phận là bắt đầu cho những phiêu lưu... Con người, bạn thấy không, thật điên rồ và vô nghĩa lý chẳng ra quái gì...”.

Biết bao bà mẹ cứ nghĩ nấu các món ngon cho con, giặt quần áo cho con, chăm bẵm chiều chuộng con là biết yêu con? Biết bao ông bố cứ nghĩ kiếm cho con đủ tiền ăn học là hết trách nhiệm? Biết bao thế hệ nghĩ rằng cứ phải “tẩn cho nó một trận nó mới hiểu vấn đề”? Tất cả đều dùng lá chắn “tình thương” và “giáo dục gia đình” ra để biện luận cho những hành động của mình.

Đã bao ông bố bà mẹ chỉ vì một phút tức giận mà hất con mình xuống vực thẳm của cạm bẫy xã hội rồi hối không kịp? Nhiều lắm, chẳng thể trách họ: bố mẹ sinh ra trong thời đại của bố mẹ, thời đó giáo dục thế nào họ tiếp nhận như thế và truyền lại tới đời con mình, đều đặn như gien di truyền trong học thuyết của Darwin. Chí có xã hội biến đổi, gien biến đổi mà giáo dục mãi không biến đổi theo. 

Khi còn bé, con người ta nhận được giáo dục gia đình và nhà trường. Nhưng có lẽ giáo dục xã hội mới là cái theo ta suốt cả cuộc đời. Môi trường sống, nơi làm việc, những người bạn xung quanh có ảnh hưởng rất lớn tới suy nghĩ, hành động và tính cách của con người. Hiếm bố mẹ nào hiểu được vì sao giới trẻ “đầy đủ” hiện nay lại phải đương đầu với nhiều cạm bẫy hơn cả thời “thiếu ăn thiếu mặc” của bố mẹ chúng.

Chẳng ai hiểu cóc khô gì! Tôi muốn gào toáng lên như vậy. Thời của tôi đang sống là thời chó má. Tin tôi đi, một trăm phần trăm là như thế đấy!”.
 
Tác giả trong tọa đàm nhân dịp ra mắt “Tuổi 20 yêu dấu”, tháng 10/2021 - baoquocte.vn
Tác giả trong tọa đàm nhân dịp ra mắt “Tuổi 20 yêu dấu”, tháng 10-2018 - Ả​nh: baoquocte.vn

Trong hoàn cảnh xã hội coi đồng tiền là quan trọng nhất, gian dối là chuyện thường ngày, những kẻ lợi dụng chức danh để làm giầu được kính nể, khó mà hy vọng thế hệ trẻ sẽ giữ được mãi cái trong sáng bản năng. Những tiếng kêu cứu của giới trẻ thực ra đều chìm vào vô không: những chàng trai nghiện ma túy, đua xe bất chấp mạng sống, những cô gái làm điếm kiếm tiền… chúng đâu muốn thế?

Đều vì không được giáo dục tốt, thiếu tình thương gia đình, bị quăng ra ngoài xã hội với đầy những gian lận trắng đen chẳng biết đường nào mà lần. Chúng đều là nạn nhân và đáng thương như tất cả các nhân vật của NHT. Dám nghĩ, dám viết, NHT thẳng thắn tố cáo:

Thật ra những kiến thức đấy chỉ nhằm trang bị cho người ta sống phù hợp với một khuôn khổ xã hội chật hẹp đúng với cơ chế chính trị hiện hành mong muốn mà thôi. Đổi mới hoàn cảnh trong không gian khác, thời gian khác với một cơ chế chính trị khác đi, con người gần như phải làm lại từ đầu.
 
Điều mà chúng ta tưởng bở là “kiến thức” ấy thực ra cực kỳ vớ vẩn, phiến diện, thậm chí còn hủ bại nữa. Người nào trung thành với nó thì chỉ suốt đời sống trong thế giới quan và nhân sinh quan “giáo khoa thư”. Càng được giáo dục, con người càng bị lúng túng, bản năng tự nhiên tuyệt vời gần như bị che lấp hoàn toàn, không được bộc lộ. “Trở lại bản lai diện mục” chỉ là câu nói trăng trối nghẹn ngào nuối tiếc của người sắp chết mà thôi
”.

Vốn liếng về thâm nhập xã hội của NHT nhiều không kể xiết. Cả một bức tranh về cuộc sống đô thị hiện lên rõ mồn một từ Bờ Hồ mờ ảo buổi tối tới những quán ăn đêm trong phố cổ đón khách chơi, toà nhà hát lớn kiến trúc pháp cổ bên cạnh vườn hoa nhiều phóng uế bừa bãi, đường phố tắc nghẹt giờ tan tầm với đầy rẫy quán cà phê chat, Internet chơi game

Tấm gương phản ánh xã hội đầy đủ nhất vẫn là giới trẻ. Lũ bạn xung quanh Khuê: từ nhà quê lên tỉnh học đòi ăn diện, tới con nhà giầu bố làm to được trang bị đủ các thiết bị máy tính hiện đại, từ cô gái con nhà cha đạo Tin Lành chỉ vì muốn làm sạch môi trường sống mà chẳng may gặp nạn, tới mấy thằng con nhà cầm đồ chuyên lừa đảo nghiện hút. 

Những gì xảy ra với Khuê sau cái đêm bỏ nhà ra đi vèo vèo lao đi như chẳng may đặt mông lên cái cầu trượt nước dài vô tận, ly kỳ như “Dế mèn phiêu lưu ký” của tuổi 20.

Người đọc bị cuốn theo những cảm xúc của chàng trai trẻ: lúc lơ ngơ khi đến gặp ông giám đốc một công ty ma, thương cảm đến nghẹn lòng khi nụ hôn đầu đời của cậu ấy lại giành cho một cô gái thánh cốt sống” chỉ nằm chờ chết, ôm bụng cười với những ỡm ờ của các em sinh viên trường điện ảnh, thót tim trong trường đoạn đua xe máy chui qua gầm xe của lũ con nhà giàu coi tính mạng như rác.

Những chi tiết miêu tả bệnh viện của NHT thì không thể hiện thực hơn từ y tá tới bác sĩ, từ bệnh nhân tới người nhà. Bệnh viện có lẽ cũng là một xã hội thu nhỏ với đầy các nhân vật vừa nực cười, vừa đáng thương hay đáng trách.

Khuê đến với ma túy đơn giản như ăn một bữa cơm. Cái đáng sợ là nó có thể xẩy ra với bất kể con nhà ai, ở bất kể thời điểm nào, bất kể một nới nào trên thế giới. Tôi nghĩ chính vì yếu tố này mà nước ngoài mua ngay bản quyền xuất bản “Tuổi 20 yêu dấu”.

Bởi những thanh niên như Khuê là điển hình của tầng lớp thanh niên thế kỷ 21: cậu ta không còn là một nhân vật đặc biệt của một nước Châu Á thời kỳ hậu chiến, không ở một làng quê hẻo lánh nào đó mà điều gì xẩy ra với cậu Khuê bằng xương bằng thịt ấy cũng có thể xẩy ra với con tôi, con bạn, với một cậu bé tóc đen da vàng hay mắt xanh tóc nâu sống ở Châu Âu, Châu Mỹ.

“Tuổi 20 yêu dấu” dưới con mắt của một cậu thanh niên Việt phân tích về một chủ đề cả thế giới quan tâm: giáo dục thế hệ trẻ!

Những gì muốn dạy dỗ con trai, gửi gắm tới giới trẻ, NHT trút hết vào chương gần cuối. Tuy chưa bao giờ gặp ngoài đời, nhưng xem qua một số đoạn video các buổi giao lưu, tôi đoán NHT không thuộc loại ăn nói lưu loát. Văn phong càng trôi chảy thấm vào người đọc bao nhiêu thì NHT ngoài đời càng ấp úng trong câu chữ diễn đạt bấy nhiêu. Có khi chính đó cũng là cái bi kịch của đời ông: một nhà văn nổi tiếng lừng danh nhưng lại không bộc lộ được tình cảm, nói được với con những điều muốn nói.
 
Cát Bà - Ảnh: Internet
Cát Bà - Ảnh: Internet

Tôi hình dung trong đầu cảnh hai bố con NHT ra đảo Cát Bà sống cả năm trời: hàng ngày cậu con theo tàu đánh cá ra khơi lao động để thay đổi môi trường sống, về với thiên nhiên, gặp gỡ những con người tuy bình thường nhưng lại thật phi thường như anh thương lái đò cụt chân, ông già chồng đu đủ trên đảo… NHT ngồi chờ con trong căn phòng nhỏ nhìn ra vịnh, miệt vài viết tiểu thuyết “Tuổi 20 yêu dấu”, cứ như tuôn ra tất cả những yêu thương, ân hận, nuối tiếc dồn nén trong lòng nhà văn.

Và ở độ tuổi nửa đời người, NHT đã suy nghĩ về cái chết, có lẽ do ảnh hưởng của Phật giáo cho rằng ngay từ khi vừa sinh ra, cái chết đã luôn gắn liền. Ông hình dung rõ đám tang của mình như những đám tang ông đã từng được chứng kiến trong đời:

Tôi biết bố tôi vẫn thích những đám ma dân giã của người Việt Nam nhà quê. Có thể nó vớ vẩn, nhiều khi còn nhếch nhác và chẳng văn minh chút nào nhưng ở đó nó có sự giản dị - điều thiết yếu cần thiết cho nhà văn và cái chết.
 
Phú Thọ - Ảnh: Internet
Phú Thọ - Ảnh: Internet

Có lần tôi đã theo bố tôi dự một đám ma ở vùng núi trên Phú Thọ. Dàn nhạc hiếu có mấy người kéo nhị, thổi kèn, đánh trống, đánh thanh la. Xung quanh họ là những người đô tùy (khêng vác bàn thờ và quan tài) mặc áo nẹp. Người đánh trống vừa hát và đám đô tùy họa theo. Tôi nhớ mãi những lời hát ngô nghê và ai oán nhiều khi chẳng có vần có điệu gì: 

Tùng tùng trống đánh ngũ liên
(- Nay là ngũ liên!)
Ba hồi chín tiếng lấy tiền cho tôi!
(- Tiền trả cho tôi!)

Kìa mây xanh xanh, kìa nước xanh xanh
(- Dô hò dô!)
Và mái tóc bạc trên đầu tuổi xanh
(- Dô hò dô!)

Sau bài hát người ta bắt đầu nâng quan tài lên, vừa đi vừa nói chuyện, cũng chẳng có vẻ gì là đau khổ cả
”.

Ở một phương xa, tôi cầu mong cho vong linh của ông được siêu thoát. Hy vọng tiểu thuyết “Tuổi 20 yêu dấu” sẽ là cẩm nang của các bậc cha mẹ, cuốn sách yêu thích của rất nhiều thế hệ trẻ.

Dù sao đi nữa cuộc sống cũng có những giá trị đẹp đẽ của nó, không thể vì bất cứ lý do gì mà hủy hoại nó đi. Bạn trẻ, tin tôi đi! Nếu chưa trưởng thành, chưa thực sự đủ lông đủ cánh thì bạn cũng đừng vội vã tuột xích như tôi. Và mái tóc bạc trên đầu tuổi xanh.

Ghi chú​:

(*) “Tuổi 20 yêu dấu” được viết từ tháng 1-2003, sau đó được dịch và xuất bản từ năm 2005 ở Mỹ, rồi ở Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Canada.

Tác giả bài viết: Bác sĩ Đặng Phương Lan, từ Budapest - Ngày 23-3-2021