Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Dạy trẻ em đi trên thủy tinh để “rèn” dũng cảm: HẾT CHUYỆN RỒI SAO?

“Rèn lòng dũng cảm đối với trẻ em, trước hết nên hướng các em có bản lĩnh dũng cảm biết phản đối cái xấu, không a dua hùa theo đám đông nếu đám đông ấy bậy bạ. Tránh thói nịnh trên nạt dưới, biết đứng về phía yếu thế trong xã hội để biểu thị quan điểm của mình”.
Minh họa: Internet
Vài hôm nay, cuốn sách “Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1” đang “dậy sóng” trên mạng với bài học dạy cho trẻ đi trên thảm thủy tinh để rèn dũng cảm.

Đại loại, trang sách “gây bão” thuật lại câu chuyện, học sinh khi nghe bảo đi trên thảm thuỷ tinh thì sợ lắm (chúng nó có ngu đâu mà không sợ?), nhưng sau khi cô giáo “động viên” và hướng dẫn cứ đi đi cho “dũng cảm” thì cả lớp đều đi và rốt cục thấy là không có gì đáng sợ như các em nghĩ cả.

Và thế là cả lớp đã luyện được lòng dũng cảm bằng cách “nghe lời cô dạy” như vậy.

Câu chuyện trong sách gặp phải nhiều ý kiến, comment “trái chiều”, không ít người (nửa đùa nửa thật) cho rằng lòng dũng cảm ở học sinh chính là khi các cháu cự lại, không mù quáng nghe lời cô khi bị cô “xui ngu” như vậy.

Tiến sĩ Phan Quốc Việt, chủ biên cuốn sách thì bảo rằng, bài học đi trên thủy tinh đã thực hành suốt 15 năm qua và chưa học sinh nào bị thương (!). Trên Facebook, ông cũng đưa ý kiến của nhà giáo Văn Như Cương như một cách để bảo vệ cho phương pháp “giáo dục” của mình.

Có thể thấy, đây là một kiểu ngụy biện kinh điển, tức là lấy lời một nhân vật nổi tiếng ra để chứng tỏ cho cái lý của mình. Tuy rằng nếu đọc kỹ bài báo, thấy rõ rằng chính ông Văn Như Cương cũng còn rất ngần ngại về việc áp dụng đi trên thảm thủy tinh cho học sinh... lớp 1.

Đi trên than hồng hay mảnh chai - với một sự bố trí và chuẩn bị về cả đạo cụ lẫn phương pháp, tinh thần, chứ không phải cứ tự nhiên đi bừa - không phải là cái gì quá khó (hiểu), quá huyền bí, hoặc siêu đẳng, mà đều là những cái làm được, và thiên hạ họ cũng làm từ... tám đời rồi.

Điều này cũng đúng đối với nhiều “công phu đặc dị” khác như đập đầu vào đá, tay không đả hổ, uốn dẻo trên không... mà chúng ta vẫn hay thấy trên phim ảnh, lò võ, hoặc trong rạp xiếc.

Tuy nhiên cái sai bét là nếu ai đó coi đấy như là một “chuẩn mực” của lòng dũng cảm của trẻ em, khích học sinh muốn chứng tỏ lòng dũng cảm thì phải làm như thế, tức là áp dụng bừa bãi như một phương pháp giáo dục. Đây là điều vừa phản khoa học, vừa phi giáo dục, và lợi bất cập hại.

Không thể so sánh với tập bơi, hay tập võ... - là những cái vừa có ích cho sức khỏe, thể lực, tâm sinh lý học sinh, vừa hữu hiệu cho ứng dụng thực tiễn trong cuộc sống - chỉ vì lý luận “học gì chả có cái nguy của nó”.

Cần nói thêm rằng, trên mạng có thể tìm nhiều thông tin tạm coi là lời lý giải khoa học cho việc đi chân trần trên lửa hay thảm thủy tinh, trong trường hợp loại lửa đó và thảm thủy tinh đó được bố trí một cách thích hợp, và người đi có được huấn luyện thực hành, thì không sao cả.

Điều đó khác hẳn với việc thầy cô bảo học sinh cứ dũng cảm mà đi, không sao đâu, tưởng nguy hiểm chứ đâu có gì, v.v... Để rồi các em (lưu ý là ở tuổi mới vào lớp 1!) khi về nhà, có thể nổi hứng đốt lửa hay đập chai thách nhau đi qua để... thử lòng dũng cảm, là những nguy cơ rất nhỡn tiền!

Rèn lòng dũng cảm đối với trẻ em, trước hết nên hướng các em có bản lĩnh dũng cảm biết phản đối cái xấu, không a dua hùa theo đám đông nếu đám đông ấy bậy bạ. Tránh thói nịnh trên nạt dưới, biết đứng về phía yếu thế trong xã hội để biểu thị quan điểm của mình.

Đó là về đạo đức, tinh thần - còn về thể lực và kỹ năng sống cũng không thiếu cái cần học, rất thực tế, để có được lòng quả cảm như xử lý làm sao những tình huống oái oăm trong đời sống (thiên tai, địch họa, v.v...). Hết chuyện rồi sao mà bảo các em đi trên thảm thủy tinh?!

(*) Bài viết đã đăng trên “Tiền Phong”.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh