ĐỪNG PHÁN XÉT - VÌ BẠN CHẲNG PHẢI LÀ THÁNH!
- Thứ năm - 18/10/2007 21:12
- In ra
- Đóng cửa sổ này
"Phải chăng cứ nhà báo là tự cho mình cái quyền sục vào ngõ ngách cuộc đời người khác để phê phán, rao giảng đạo đức?"
1. Tôi rất bức xúc vì vụ này. Làm báo mà sao thiếu chuyên nghiệp, xâm phạm đời tư của người khác một cách không thể chấp nhận được! Phải chăng cứ nhà báo là tự cho mình cái quyền sục vào ngõ ngách cuộc đời người khác để phê phán, rao giảng đạo đức? Thật là ngu xuẩn đến nức cười!
Hôm nọ, nhân "vụ Vàng Anh", vô tình thế nào tôi vào blog của một người tự xưng là nhà báo. Bình sinh không bao giờ tôi muốn để lại những nhận xét với nội dung không đồng tình trên blog của người khác, nhất là người chưa quen biết, nhưng bữa đó bực không chịu nổi, phải để lại mấy lời với anh ta (cô ta) vì:
- Thứ nhất, dù là nhà báo, anh ta (cô ta) cũng không có quyền tự tiện tung ảnh của người khác lên nơi công cộng. Bạn trai của diễn viên thủ vai Vàng Anh (Thùy Linh) không phải là tội phạm, nhà báo không có quyền sử dụng hình ảnh của cậu ấy nếu chưa được phép của thân chủ.
- Thứ hai, anh ta (cô ta) nhân danh ai mà dám phê bình Vàng Anh là "thiếu đạo đức", "vô văn hóa", "làm chuyện kín ở nơi công cộng"? Tôi nhắn lại với anh ta (cô ta) rằng, xin lỗi, Thùy Linh làm tình và quay phim để cho cô ấy xem chứ không phải để cho bạn xem. Bạn đã đi xem trộm băng của cô ấy rồi còn chửi bới thì chẳng khác gì một đứa đi rình trộm người khác thay quần áo rồi lại lu loa lên: "Trời ơi, có đứa cởi truồng kia. Vô văn hóa quá!"
Sở dĩ tôi nhắc lại mấy góp ý này, vì báo chí Việt Nam đầy rẫy cái kiểu phán xét rao giảng đạo đức như thế. Người ta chưa bị tòa án kết tội thì đã bị báo chí kết tội rồi!
2. Cái sự thích can thiệp đời tư và rao giảng đạo đức của báo giới Việt Nam, tôi đồ rằng có một phần là chịu ảnh hưởng của văn hóa.
Tôi nhận thấy người Việt Nam dùng từ "phải" rất nhiều. Cái gì cũng "chúng ta phải/ bạn phải/ anh/ chị phải..." Cứ thử nghe các bài phát biểu (nói chuyện) của các quan chức mà xem. Sự thích áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác chắc là có nguồn gốc sâu xa từ thói quen sinh hoạt cộng đồng, trong đó thể diện của một người cũng là thể diện của những người trong cùng cộng đồng, cho nên luôn phải khuyên nhủ dạy dỗ nhau. Ngoài ra, chắc là do tính tôn ti trật tự của hệ thống. Những nền văn hóa chịu ảnh hưởng của Khổng Giáo đều coi trọng tôn ti trật tự, cái gì cũng "phải", "phải", "phải" ..., một... lô xích xông các "luân thường đạo lý". Người trên dạy người dưới, người dưới dạy người dưới nữa, mà người bằng vai phải lứa cũng "phải" có nghĩa vụ dạy nhau! Không có tự do ý chí, không có khoảng cách cá nhân!
3. Sống trong một nền văn hóa dễ bị bóp nghẹt bởi các "luân thường đạo lý" như vậy nên mới nảy sinh ra thói đạo đức giả. Khôg mấy ai dám nói thật ý thích, suy nghĩ của mình vì sợ bị các "luân thường đạo lý" đè chết, nên đành phải nói dối. Vào các trang "web đen" ầm ầm, xem phim sex không chán mắt, nhưng hễ ai nói động đến sex là cứ phải... nhảy đựng lên phản đối thì mới ra là con người có đạo đức!
Buồn cười nhỉ? Dân chúng buồn tình vào cà phê ôm hôn sờ soạng nhau thì động gì đến giới ký giả? Thùy Linh tự quay phim cảnh giường chiếu của mình, thì làm sao? Nhà báo là ai, nhân danh ai, dựa vào cái gì mà tự cho mình cái quyền phán xét người khác?
Có một dạo, báo chí hải ngoại "đánh" nhạc sĩ Phạm Duy tơi tả vì vụ "Thiên duyên tình mộng" (hay "Nhục tình ca"), khiến ông phải thanh minh lên xuống. Tôi mà là ông, tôi không quan tâm! Ừ tôi viết nhạc sex đấy, có sao không? Tại sao có phim sex mà lại không thể có nhạc sex? Hàng ngày quý vị có làm cái việc ấy không? Tại sao việc ấy của quý vị thì quý vị coi là sạch sẽ mà tôi nói về nó thì quý vị lại kết tội tôi "thác loạn"?!
Tốt nhất, ai muốn dạy dỗ rao giảng, hãy về nhà làm điều đó với con cháu mình chứ đừng nhân danh ai hay cái gì mà áp đặt suy nghĩ hạn hẹp của mình lên các công dân khác. Ai cũng có quyền sống theo cách của mình, miễn là không phạm pháp.
4. Tôi là một nhà giáo và tôi thấy may mắn là mình làm giáo viên, có cơ hội để góp phần thay đổi cái lề thói đạo đức giả và lối áp đặt suy nghĩ, phán xét, ít nhất là trong những người trẻ, tương lai của đất nước.
Tôi đã từng nói với sinh viên của mình thế này: "Các em có quyền nói lên suy nghĩ của mình. Không ai có quyền áp đặt suy nghĩ của họ lên các em, cho dù đó là bố mẹ, thầy cô hay chính quyền. Nếu các em có thể chứng minh là các em đúng, các em cứ việc hành động theo cách suy nghĩ của mình. Nhưng muốn suy nghĩ đúng thì cần học, không ngừng học mới chọn lựa được cho mình con đường đi của mình và không cho phép người khác điều khiển mình". Những cậu bé, cô bé 18, 19 tuổi của tôi rất khoái chí. Cầu mong các em sẽ trở thành những con người có hiểu biết, có tri thức để dần dần thay đổi lề thói của một xã hội kém văn minh.