ĐƯA TIN HỒ ĐỒ NHƯ THẾ, NÊN CHĂNG?
- Thứ sáu - 26/10/2007 12:23
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Công bố ảnh cùng mọi thông tin nhân thân của nghi can (bị can), nghiễm nhiên coi họ là "thủ phạm" khi chưa hề có phán quyết của tòa án, nên chăng? - Ảnh chụp màn hình NLĐ
Đồng thời, với nội dung gần như nhau, đại đa số các báo đều đăng ảnh (không che mặt), địa chỉ, nơi học (không hề viết tắt, mà để nguyên xi)... cùng những thông tin nhân thân rất kỹ lưỡng (đến mức có vẻ hơi… bất thường!) của 4 SV (sau đó bị VKS cho phép khởi tố và bắt để tạm giam), cùng những người khác bị coi là có liên quan trong vụ này. Câu chuyện "clip sex đã bị phát tán như thế nào?" cũng được kể lại rất tỉ mỉ, đượm màu "hình sự".
Đọc báo, tôi cảm giác cả Công an HN lẫn báo chí - có thể vì "không chuyên nghiệp", có thể vì theo "thói quen" thường thấy ở Việt Nam... -, đã làm cái việc lẽ ra họ không có thẩm quyền: kết tội người khác trước khi có phán quyết (có hiệu lực pháp lý) của cơ quan tư pháp (tòa án) đưa ra!
Báo chí có nên làm thay nhiệm vụ của tòa án? - Ảnh chụp màn hình của VNN
Điều này được phản ánh ngay từ một số "tít" (title) báo. Chẳng hạn, "VietNamNet" (VNN) có bài "Tìm ra thủ phạm đưa clip-sex Thùy Linh lên mạng" (*): cùng lắm, chỉ có thể gọi những người mới bị bắt giữ là "nghi can", hoặc "thủ phạm giả định" (và nếu được VKS phê chuẩn các quyết định khởi tố, thì họ trở thành "bị can"); chừng nào chưa có phán quyết của tòa án - nhất là khi mọi thứ mới ở giai đoạn điều tra của cảnh sát - không thể dùng từ "thủ phạm" cho họ!
Cũng như vậy, trong các bài tường thuật, khi nhắc đến các bị can (và nghi can), các báo luôn "nghiễm nhiên" coi là họ đã phạm tội. Chẳng hạn, trong bài đã dẫn, VNN đưa danh sách 14 người bị coi là có liên quan với lời chú: "Các đối tượng tàng trữ, vận chuyển, biên tập và phát tán videoclip Thùy Linh". Như vậy, cần gì điều tra nữa, cần gì xét xử nữa, khi báo chí đã "công nhiên" khẳng định họ chính là người đã tham gia hành vi bị coi là tội hình sự này?
Tiếp đó, các báo đều thuật lại "câu chuyện phát tán clip" như thể nó đã được chứng tỏ một cách xác thực, xác đáng bởi cơ quan tư pháp, mà không hề nói rõ rằng, đây mới chỉ là giả thiết, là "version" của cơ quan cảnh sát điều tra. Chưa hề đến giai đoạn buộc tội - thông qua bản cáo trạng - của cơ quan kiểm sát, và còn xa mới tới kết luận chung cuộc của tòa án! Cho dù, có báo "chua" thêm câu "tại CQĐT, các đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội" thì xét trên phương diện luật học, điều này cũng chưa chứng tỏ bất cứ điều gì để kết luận!
Việc công bố danh tính, ảnh, địa chỉ... của các nghi can một cách ồn ào, trong trường hợp này và ở thời điểm này, khi hoàn toàn chưa có gì ngã ngũ, tôi cho là đã vi phạm rất trầm trọng vào đời tư và các quyền công dân của họ. Ở nước ngoài, hồ đồ như thế có thể bị kiện, sạt nghiệp như chơi, cho nên đây là điều truyền thông phương Tây không bao giờ dám làm - nhưng ở nước ta hình như chuyện này "không đáng kể" nên báo chí cứ "vô tư"?
Câu hỏi là nếu không phải những người bị "vạch mặt, chỉ tên" là thủ phạm thực sự, thì ai sẽ chịu trách nhiệm về những gì có thể xảy ra trong đời họ?
(Tôi có thể hình dung là nếu có bị kiện cáo hay "truy trách nhiệm", báo chí sẽ đổ lỗi cho Công an HN với lý do "trong họp báo, Công an bảo thế", và Công an HN thì có thể bào chữa bằng cách đổ lỗi cho... các bị can, nghi can vì "ai bảo... họ khai thế?"... Vậy là xong!?)
Phải chăng, khi tường thuật về những vụ án, các ký giả vừa nên có nghiệp vụ, “tay nghề”, vừa nên có sự chừng mực hơn? Nhất là trong những vụ mà bị can - nghi can là những thanh niên trẻ, và mỗi lời nói, nhận định không thỏa đáng của báo chí có thể để lại dấu ấn cay đắng trong suốt cuộc đời họ?