Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


ĐÒN ROI HAY KHÔNG?

(NCTG) “Ngay chính cái giây phút từ trên cao nhìn xuống, mình giơ cao tay và con phản ứng tự vệ giơ tay lên đỡ, nhìn vào ánh mắt khiếp sợ của con, mình vỡ vụn”.
Đòn roi, bạo hành trẻ em để lại những hậu quả khôn lường - Minh họa: Internet
Cứ mỗi lần báo chí và mạng xã hội rộ lên những tranh luận về việc có nên đánh phạt trẻ hay không, lại nhắc đến vấn đề mình vẫn đối mặt từng ngày. Đó là kiên trì theo đuổi giáo dục không roi vọt trong gia đình.

Mình đã tét mông con hai lần, vài lần vung tay trước mặt dọa con. Tất cả đều trong những cơn nóng giận không làm chủ bản thân nhưng mình không cho phép mình hạ tay tát con. Mình nhớ từng lần, và hối hận chừng đó lần...

Nhưng sau mỗi lần như vậy, hoặc ngay chính cái giây phút từ trên cao nhìn xuống, mình giơ cao tay và con phản ứng tự vệ giơ tay lên đỡ, nhìn vào ánh mắt khiếp sợ của con, mình vỡ vụn. Cơn nóng giận thực ra lúc đó chỉ là giận chính bản thân. Thấy mình đang hóa thành con quỷ. Phút giây ấy và sau đó, trong đầu mình chỉ còn thấy hai từ “hèn” và “thất bại”.

Hèn - của một người lớn, trưởng thành, có đủ các công cụ nhận thức, thể chất, quyền lực đều mạnh hơn - lại phải dùng biện pháp hèn hạ đường cùng để trấn áp một đứa trẻ yếu hơn về mọi mặt!

Thất bại - trong mọi phương pháp đối thoại, mọi tư duy giáo dục, mọi hình thức truyền đạt. Để phải chọn cách dùng bạo lực với một con người khác!

Vì thế, mình “chiến đấu”, để không hèn, không thất bại. Nhất là trong việc chăm sóc một con người mà mình yêu thương nhất. Một người lớn ngày mai, phó mặc sự khôn lớn thành người vào tay mình, thật ra là một kẻ bất toàn, cũng loay hoay học làm cha mẹ.
 
*

Xưa mình có bị đòn roi hay không? Có.

Ở nhà xưa chỉ có bố phạt đánh, mẹ thì không lần nào. Nhưng bố mình có kiểu phạt roi mà mình nghĩ có lẽ tốt nhất người ta có thể làm ở thời đại Việt Nam ba chục năm trước.

Những lần phạt không nhiều. Mỗi lần, bố sẽ nói chúng tôi mắc tội gì, chúng tôi công nhận tội không, rồi bố hỏi tội đó chúng tôi tự đánh giá mấy roi. Thương lượng xong thì nằm ra ông phết vào mông từng đó.

Nó giống như một phiên tòa có đem ra xét xử, mà bị cáo cũng có chút tiếng nói và có thể xin “giảm án”. Có thể vì thế dù bị đánh có lúc đau, nó không mang lại ám ảnh gì lớn với mình. Không ấm ức, oan uổng hay khiếp sợ.

Cũng có vài làm bố đánh trong cơn tức giận. Nó bộc phát đột ngột và là những cái bạt tai. Chỉ hai lần thôi nhưng mình vẫn nhớ rõ.

Giờ nghĩ sự khác nhau giữa hai cách đánh, và hai ấn tượng khác nhau còn lưu lại trong mình. Mới hình dung những ám ảnh đứa trẻ sẽ mang theo suốt đời như thế nào khi chúng chịu đòn roi theo cách thứ hai, khi trong cơn nóng giận người lớn mất tự chủ, có thể kèm theo mạt sát bằng lời, và không có lý lẽ giáo dục trong đó.

*

Những người trưởng thành hay nói “tôi được dạy nên người nhờ đòn roi”, nếu họ được giáo dục ít bạo lực hơn, họ còn có thể “nên người” tốt hơn nữa?

Họ có thể có tố chất mạnh mẽ, có tâm lý vững vàng. Nhưng có thể con cái họ, hay những đứa trẻ bị đánh khác, có những trẻ nhạy cảm hơn, tâm lý yếu hơn, hoặc có những tác động vào nhân cách không dễ nhận diện.

Không bạo lực, không đòn roi, không phải là thứ rảnh quá nên người ta mới nghĩ ra. Xã hội đã tiến lên những bước dài về hiểu biết những dư chấn tinh thần, những hậu quả ăn sâu vào tiềm thức, thể hiện ra ở cách hành xử của chúng ta ngày hôm nay mà ta không biết. Những người lớn phạm tội, có xu thế bạo lực hay xâm hại trẻ em, không ít có một quá khứ không yên ả tuổi thiếu thời.
 
*

Mình kể câu chuyện của mình, của một đứa con từng chịu đòn. Mình nghĩ mình cũng nên người, nhưng vì rất nhiều thứ khác, rất nhiều từ yêu thương và hiểu biết, không phải nhờ đòn roi. Và bây giờ, mình lựa chọn không đánh phạt con.

Mình thấy lựa chọn này khó hơn nhiều, vì phải “giáo dục” bản thân cách đối thoại, giảm nóng giận và tăng tính kiên nhẫn. Mình cũng đang loay hoay thôi, chưa hề thành công, vẫn phải cố gắng dài dài, và vẫn chưa làm chủ bản thân được mọi lúc, đôi khi nó áp lực ngược lên chính mình. Nhưng mình nhất định sẽ theo đuổi nó...

Tác giả bài viết: Bùi Uyên, từ Paris