ĐỌC “CHUYỆN NGHỀ CÙA THỦY”, NGHĨ VỀ DÂN TỘC VIỆT
- Thứ năm - 29/08/2013 21:25
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Tôi mới ngờ rằng cái bệnh hiếp đáp nhau, giẫm đạp lên nhau, bắt người khác phải phục tùng đó là bệnh của một thể chế chính trị thì còn có thể sửa được, khi nó thay đổi tích cực lên thì những điều xấu ấy mất đi. Nhưng nếu đó là những khuyết tật của một dân tộc thì là đau đớn vô cùng” (đạo diễn Trần Văn Thủy).
Đạo diễn Trần Văn Thủy (đội mũ) và ông Lê Thanh Dũng - người chắp bút cho cuốn sách “Chuyện nghề của Thủy” - Ảnh: vov.vn
Tôi thích đạo diễn Trần Văn Thủy từ những năm 1987-88, khi lần đầu được xem “Hà Nội trong mắt ai”. Dạo ấy tôi mới về nước, đang rất hoang mang vì sự khác biệt giữa những lời tuyên truyền về đất nước đã ngấm vào máu từ khi còn nhỏ với thực trạng rối beng, buồn thảm đương thời.
Lần đầu tiên, tôi nghe có người so sánh những gì trẻ con Nhật được dạy với những gì sách vở nhồi nhét vào đầu trẻ em Việt Nam, nghe có người nói thẳng về sự nhỏ bé, nhếch nhác của văn hóa Việt Nam so với các di tích văn hóa nước ngoài. Lâu rồi không nhớ hết nhưng ấn tượng về bộ phim đó như một làn gió trong lành, thổi vào sự ngột ngạt trong tư duy của con người những năm tháng ấy.
Vài năm sau, phim “Chuyện tử tế” cũng của Trần Văn Thủy đã vạch cho tôi thấy sự suy đồi trong đời sống đạo đức của con người dạo ấy, khi không ai dám tử tế với ai. Tuy nhiên, câu chuyện về các bà sơ chăm sóc người hủi, chuyện ông giáo phải đi bán rau, chuyện nhà thơ sắp chết đã cho tôi niềm tin, rằng cái “tử tế” vẫn còn trong con người quanh mình, chỉ là xã hội đã không cho nó đất thể hiện hay nhân rộng ra.
Tuy nhiên, vừa xem, vừa đồng cảm mà cũng vừa lo sợ cho tác giả vì đã dám nói ra những điều mà nhiều khi chỉ nghĩ thôi cũng ít người dám.
Rồi Trần Văn Thủy biến mất với những tin đồn bị theo dõi, bị bắt giam, rồi được giải, rồi làm phim mới… Chỉ còn biết mừng ông mệnh lớn phúc lớn, vẫn bình an để lâu lâu còn có cái để xem, còn tin được rằng phim tài liệu không nhất thiết, không phải chỉ là dòng phim “cúng cụ”. Nhưng mỗi lần xuất hiện, Trần Văn Thủy lại khẳng định, ông vẫn là ông, một con người mạnh mẽ, có tâm có tài nhưng không khuất phục.
Còn nhớ lần ông xuất hiện trong buổi truyền hình trực tiếp ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam, khi Việt Nam chuẩn bị đưa vụ kiện ra tòa án Mỹ xét xử. Lúc ấy Trần Văn Thủy mới làm phim ở Mỹ về, khá nổi tiếng với những công trình làm cầu từ thiện cho Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cô MC xinh đẹp hỏi ông: “Thưa đạo diễn, được biết ông mới ở Mỹ về, xin ông cho biết phản ứng của người dân với vụ kiện của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam?”.
Trần Văn Thủy đã thẳng thắn nói: “Xin cho phép tôi nói thẳng, dù có thể khi chiếu lại các bạn sẽ cắt câu trả lời của tôi đi nhưng chúng ta sẽ không có cơ hội thắng vụ kiện này đâu vì không đời nào chính phủ một nước lại xử cho nước họ thua kiện cả”! Tội nghiệp cô MC mặt tái ngắt, cố giằng mic lại mà không kịp. Quả nhiên, ngày hôm sau chiếu lại, VTV đã cắt đoạn đó đi và cũng từ đó, không bao giờ thấy ông xuất hiện trên Đài Truyền hình Trung ương nữa.
Mới đây, tôi được cầm trong tay “Chuyện nghề của Thủy”, cuốn hồi ký về đời làm phim truân chuyên - mà nhiều đoạn cứ như trinh thám - của nhà đạo diễn. Đây là trích đoạn mà tôi cảm thấy tâm đắc nhất sách:
“… đi khắp nơi như vậy, chứng kiến cuộc sống của người dân Đức, Pháp, Bỉ, Ý, Anh, điều gì làm tôi xao động nhất? Phải nói rằng, lúc đó tôi là một người nản chí, tiêu cực. Tôi có cảm tưởng, cái cảm giác đè nặng bên trong tôi là vô vọng về dân tộc Việt. Tôi nói điều này ra thì cũng không đúng lắm, có thể thất lễ và làm mất lòng nhiều người, nhưng tôi nghĩ nó là sự thật. Tôi xin nói thật lòng như thế này: khi ở trong nước, tôi cứ nghĩ các khuyết tật mà xã hội Việt Nam có, thí dụ quan liêu, cửa quyền, bắt người khác nghĩ giống mình, áp đặt ý kiến là do cơ chế của chế độ chính trị, của một thứ “chủ nghĩa xã hội”.
Bây giờ ra ngoài, đi nhiều, tiếp xúc nhiều, đọc nhiều, nhất là những báo chí chống Cộng cực đoan, tôi thấy không ít chuyện băn khoăn. Ai mà không theo mình thì dằn mặt, thù oán, tẩy chay. Thế tôi mới ngờ rằng cái bệnh hiếp đáp nhau, giẫm đạp lên nhau, bắt người khác phải phục tùng đó là bệnh của một thể chế chính trị thì còn có thể sửa được, khi nó thay đổi tích cực lên thì những điều xấu ấy mất đi. Nhưng nếu đó là những khuyết tật của một dân tộc thì là đau đớn vô cùng.
Đè nặng lên trong tôi vẫn là cái cảm giác dân tộc mình khó khăn mà khá lên được, khó lòng đuổi kịp các nước, dù là những nước trung bình trên thế giới. Đó là sự thật. Ai càng yêu nước nhiều càng buồn nhiều!
Hồi đó, phóng viên tờ “Đức - Việt” tại Frankfurt/M đã hỏi tôi:
“ Thử nghĩ xa hơn một chút. Hiện tình là vậy thì lỗi lầm bắt đầu từ đâu?”.
Thay vì trả lời, tôi kể lại một lần đối thoại ngắn ngủi với một nhà báo cộng sản Pháp. Trong một buổi chiêu đãi báo chí tại Hà Nội cuối năm 1987, nhà báo nọ nâng ly chúc mừng hai bộ phim của tôi (“Hà Nội trong mắt ai” và “ Chuyện tử tế”) được công chiếu. Rồi ông nhún vai bảo rằng: “Nhưng công bằng mà nói, các ông đổ lỗi cho Chính phủ, cho nhà nước của các ông nhiều quá”.
Tôi hỏi: “Ông là người ngoại quốc, có thể ông có cái nhìn tinh tế hơn?”. Ông ta lại nhún vai: “ Cũng chẳng có gì đáng gọi là tinh tế cả. Phương ngôn Pháp của chúng tôi có câu: “Nhân dân nào, Chính phủ nấy”. Các ông rất xứng đáng với chính phủ của các ông!”. Cũng cần phải nói thêm rằng lúc thực hiện phim, chúng tôi đã gặp biết bao nhân tài Việt Nam. Giả sử nhân tài Việt Nam được trọng dụng, bản thân họ cũng có một tinh thần tích cực đóng góp vào công cuộc kiến thiết, chắc chắn đất nước sẽ khá lên nhanh chóng”.
(“Chuyện nghề của Thủy”, trang 326 -327)
Đọc những dòng trên, tôi bất giác nhớ lại “Mười điều bi ai của dân tộc Việt” mà cụ Phan Chu Trinh đã nhận xét từ đầu thế kỷ thứ 20:
1. Trong khi người nước ngoài có chí cao, dám chết vì việc nghĩa, vì lợi dân ích nước; thì người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đọa đày.
2. Trong khi người ta dẫu sang hay hèn, nam hay nữ ai cũng lo học lấy một nghề; thì người mình chỉ biết ngồi không ăn bám.
3. Trong khi họ có óc phiêu lưu mạo hiểm, dám đi khắp thế giới mở mang trí óc; thì ta suốt đời chỉ loanh quanh xó bếp, hú hí với vợ con.
4. Trong khi họ có tinh thần đùm bọc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau; thì ta lại chỉ quen thói giành giật, lừa đảo nhau vì chữ lợi.
5. Trong khi họ biết bỏ vốn lớn, giữ vững chữ tín trong kinh doanh làm cho tiền bạc lưu thông, đất nước ngày càng giàu có; thì ta quen thói bất nhân bất tín, cho vay cắt cổ, ăn quỵt vỗ nợ, để tiền bạc đất đai trở thành vô dụng.
6. Trong khi họ biết tiết kiệm tang lễ, cư xử hợp nghĩa với người chết; thì ta lo làm ma chay cho lớn, đến nỗi nhiều gia đình bán hết ruộng hết trâu.
7. Trong khi họ ra sức cải tiến phát minh, máy móc ngày càng tinh xảo; thì ta đầu óc thủ cựu, ếch ngồi đáy giếng, không có gan đua chen thực nghiệp.
8. Trong khi họ giỏi tổ chức công việc, sắp xếp giờ nghỉ giờ làm hợp lý, thì ta chỉ biết chơi bời, rượu chè cờ bạc, bỏ bê công việc.
9. Trong khi họ biết gắng gỏi tự lực tự cường, tin ở bản thân; thì ta chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật.
10. Trong khi họ làm việc quan cốt ích nước lợi dân, đúng là “đầy tớ” của dân, được dân tín nhiệm; thì ta lo xoay xở chức quan để no ấm gia đình, vênh vang hoang phí, vơ vét áp bức dân chúng, v.v...
Cụ Phan Chu Trinh đã nhìn thấy trước cảnh “dịch chủ tái nô” (đổi chủ nhưng người dân vẫn làm NÔ LỆ) của nước Việt Nam. Cụ đã đúng khi nói con đường giành độc lập - tự do cho Việt Nam phải bắt đầu từ “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Nhưng ai sẽ là người đưa cái dân tộc hỏng từ bên trong này ra khỏi đường hầm tăm tối hiện nay?