Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


ĐÔ THỊ XANH VIỆT NAM - CÓ BỀN VỮNG?

(NCTG) “Một đô thị không thể là bền vững nếu nó xây để thụ hưởng cho nhóm người này trên nền của phẫn nộ, bần cùng hóa của nhóm người khác. Khó có đô thị nào có nền móng bền vững khi hình thành trên những thửa đất “sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý”. Tức là thu hồi lúc nào cũng được, bằng giá do nhà nước quy định...” - nhận định của tác giả Bùi Uyên từ Paris.
Những khu đô thị “xanh”, “kiểu mẫu” mọc lên như nấm ở Việt Nam thời gian gần đây, có thực sự là “bền vững”? - Ảnh: phumyhungcity.com.vn
Hôm nay 12-12, kỷ niệm 5 năm Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu, được coi là thành công khi đạt được cam kết của các quốc gia. Tưởng chừng nó chỉ liên quan đến môi trường nhưng nó vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả của nhiều vấn đề đô thị xã hội hiện nay. 

Chúng ta hay được nghe nói đến khái niệm “bền vững”, như một tiêu chí phát triển cân bằng mà mọi quốc gia đều đồng thuận cùng hướng tới. Vậy thực tế, nước ta đang ở đâu trên tiến trình này, về mặt đô thị? 

Đô thị xanh... vỏ?

Những năm gần đây, các khu đô thị, khu nghỉ dưỡng “sinh thái” Việt Nam xuất hiện nhiều. Nhà cửa tiện nghi cao cấp, chứng chỉ công trình xanh đầy đủ, cây xanh rợp bóng, dịch vụ công cộng cũng không thiếu. Phải thừa nhận đó là những thành tựu đáng mừng, nâng cao chất lượng sống của người sử dụng. Hàng năm, những xếp hạng “đô thị đáng sống” vinh danh những đô thị mơ ước ấy, như đích đến của bộ mặt đô thị. Chúng là minh chứng đầy tự hào về sự “xanh”, và bước tiến “bền vững” của xây dựng đô thị, với đầy đủ hình hài của một đô thị sánh ngang thế giới. Như vậy đã đủ chưa? Đơn giản thế thôi mà sao thế giới vẫn kêu gọi phấn đấu “bền vững”? 

Thật ra, đây mới chỉ mới là một vài khía cạnh bề nổi của đô thị bền vững. Đô thị bền vững đòi hỏi sự cân bằng tiêu chí xã hội, gắn liền với khái niệm “đô thị vị nhân sinh”, “bình đẳng môi trường”. Đó là chia sẻ và bình đẳng tiếp cận và cơ hội. Biểu hiện bằng không gian dễ tiếp cận cho người tàn tật, bằng nhà ở xã hội, bằng việc tham gia lấy ý kiến và tham gia cộng đồng. Đó là môi trường tự nhiên được bảo vệ để cả cộng đồng thụ hưởng, không phải trở thành một tài sản tư hữu đặc quyền. Đó là giao thông công cộng, xe đạp để giảm tiêu hao năng lượng, ưu tiên di chuyển gần, khai thác kinh tế, tiêu dùng sản phẩm địa phương...

Cũng như hiện nay, chứng chỉ LEED của Mỹ cho công trình xanh là một trong những chứng chỉ danh giá cho các tòa nhà ở Việt Nam, đó là một bước tiến rất đáng cổ vũ và ghi nhận. Tuy vậy, hình như chưa một đô thị nào (dám?) đặt mục tiêu chứng chỉ “khu ở xanh” của LEED. Vì khi đó, những tiêu chí về tôn trọng môi trường hiện hữu, gìn giữ đất nông nghiệp, kết nối giao thông công cộng, tỷ lệ không gian chung, không gian xanh, tiết kiệm tài nguyên nước, v.v... sẽ phải được đưa vào. 

Đô thị bền vững phải bắt đầu từ lựa chọn khu đất giảm thiểu tác động đến xã hội, môi trường, bảo vệ tối đa nguyên trạng động thực vật và cuộc sống sở tại, chứ chưa cần nói đến không có chuyện giải tỏa thu hồi bất chấp tranh chấp, khiếu kiện.ű

Xây dựng trên nền móng xung đột xã hội, đứt gãy văn hóa

Một đô thị không thể là bền vững nếu nó xây để thụ hưởng cho nhóm người này trên nền của phẫn nộ, bần cùng hóa của nhóm người khác. Khó có đô thị nào có nền móng bền vững khi hình thành trên những thửa đất “sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý”. Tức là thu hồi lúc nào cũng được, bằng giá do nhà nước quy định - một trong những nguồn cơn của những xung đột xã hội ngày càng đẩy lên cao trong những làng ven đô trong những năm gần đây.

Nói cách khác, nắm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất và định giá đất thu hồi, nhà nước toàn quyền hưởng chênh lệch giá trị, hoặc đổi chác giá trị đó cho các nhà đầu tư. Đôi bên chia sẻ chiếc bánh lợi ích, người nông dân lao động trên mảnh đất hàng chục năm, người dân nắm “quyền sử dụng”, nhiều khi bị gạt ra bên lề hoặc chịu phần thua thiệt trong cuộc chia chác này.

Không thể dán biển “khu nghỉ sinh thái” khi chúng ta đổ bê-tông giữa rừng nguyên sinh, rừng dự trữ sinh quyển. Người ta lấp sông hồ thật để đào kênh rạch nhân tạo kiểu Nhật, kiểu Tàu. Người ta giải tỏa ruộng nương nhà ở bao đời của dân địa phương để xây vào đó lâu đài phong cách Châu Âu. Công viên kiểu Nhật kiểu Tàu ấy cũng đầy cây xanh, mặt nước, động thực vật, căn nhà phong cách Châu Âu ấy đảm bảo mọi tiêu chuẩn “xanh”. Nhưng những màu Xanh đó, lại tô trên một phông nền cào bằng, xóa trắng những yếu tố tự nhiên, bản địa. Chúng không bao giờ xứng với mục tiêu “bền vững” cho sự phát triển mai sau.
 
Vườn Nhật ở Vinhomes được “tô trên một phông nền cào bằng, xóa trắng những yếu tố tự nhiên, bản địa” - Ảnh: cafefcdn.com
Vườn Nhật ở Vinhomes được “tô trên một phông nền cào bằng, xóa trắng những yếu tố tự nhiên, bản địa” - Ảnh: cafefcdn.com

Việc “cấy ghép” một khu đô thị như ốc đảo cao cấp trong mơ, nhưng quay lưng, không tính đến kết nối với làng xã, bối cảnh hiện có, là một hiện tượng phổ biến ở ta. Chỉ cần nhìn hình ảnh vệ tinh, dễ nhận ra bằng mắt thường những đứt gãy không gian này. Nhưng những đứt gãy xã hội, văn hóa, cũng dần hiển hiện ở những khu vực ven đô. Chuyển đổi ngành nghề chóng váng, thậm chí cưỡng bức, bởi chuyển đổi đất đai. Ngay cả sự “giàu lên” đột ngột nhờ đền bù, cũng phần lớn là con dao hai lưỡi đẩy người nông dân phải sống bám vào đô thị, nhưng đầy chênh vênh và khó có ổn định dài hạn. Nguy cơ triệt tiêu những nghề truyền thống, lối sống và văn hóa nông thôn pha tạp và biến tướng. Liệu đó có phải là một sự phát triển xã hội vững bền? 

Quản trị, giám sát sự bền vững

Dễ thấy những lập luận “bền vững kinh tế” “làm giàu, tạo việc làm địa phương” chắc nịch. Nhìn sâu hơn, giàu cho ai? Ngân sách dùng làm gì? Chúng ta sẽ thấy nó có là sự giàu mạnh bền vững không. Chúng ta có bao giờ liên hệ vì sao nếu cách dự án phát triển kinh tế bền vững để làm giàu cho dân, tăng phúc lợi cho xã hội, thì sao cùng với sự đô thị hóa mấy chục năm nay, cũng là lúc các nước Châu Âu thống kê tăng vọt những đường dây xuất khẩu chui, buôn người hay bắt cóc trẻ vị thành niên” Việt Nam? Liệu có liên quan đến những cô gái khắp chốn thôn quê lũ lượt đi “cưới chồng” mà thực chất là làm người giúp việc ở Hàn Quốc? Có mối liên hệ nào với những quan chức mua suất hộ chiếu nước ngoài, hay khi có lệnh truy nã thì đã yên ấm trời Tây với những gia sản người bản xứ còn mơ ước? 

Sự bền vững trong những dự án Tây Âu, được hoạch định trên nền tảng những quy định pháp lý chi tiết và minh bạch, mà bất kỳ người dân nào cũng tra cứu được, và bất cứ lúc nào cũng có thể trích luật để giám sát và khiếu kiện chính quyền. 

Sự bền vững của quản lý các dự án, hay rộng hơn là cả sự quản lý xã hội, không nằm trong một cái khung lý tưởng không có lỗi lầm, không có sai phạm, mà ở cơ chế “sửa lỗi” , giám sát của nó. Cũng chính vì thế, khái niệm phát triển bền vững, ngoài 3 trụ cột chính Kinh tế - Xã hội - Môi trường, được phát triển lên với một vòng tròng “quản trị bền vững” bao bọc lấy nó.

Kết

Cách làm dự án quy hoạch hiện nay, ngay cả gắn mác “sinh thái”, “xanh” và mục tiêu bền vững, mới chú tâm đến cái vỏ, hay chăm sóc phần “ngọn” mà ít nhìn đến phần “rễ”, cũng lơi là đánh giá tầm ảnh hưởng tác động môi sinh. Như khi chúng ta muốn trồng một cây xanh tốt, mà không quan tâm xem nó có một mảnh đất vững chãi và sạch sẽ để bám rễ hay không. Chúng ta cũng không chăm sóc cho cái gốc rễ đó, càng không quan tâm đến tác động của nó lên những cây cỏ, động vật khác cùng chung sống. Một là chúng ta đang tự huyễn hoặc, đánh lừa mình, hai là chúng ta đang làm nên những cành lá xanh tốt bằng đồ giả.

Một cái nhìn toàn diện hơn về phát triển bền vững, không chỉ cần thiết đối với người làm việc trực tiếp xây dựng đô thị, mà việc có cái nhìn sâu hơn của đại chúng, cũng vô cùng thiết yếu, bởi chúng ta chính là người quyết định nhu cầu thế nào là đô thị “đáng sống”. Và sự ổn định thịnh vượng của mỗi cá nhân và con cháu họ, tuỳ thuộc không nhỏ vào sự phát triển cân bằng chung của các mặt Xã hội - Kinh tế - Môi trường nơi họ đang sống.

(*) Tác giả là KTS, hiện làm việc tại Paris (Pháp).

Tác giả bài viết: Bùi Uyên, từ Paris