Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


ĐI TỪ XỨ SỞ KỲ LẠ

(NCTG) “Những người vừa rụt rè vừa háo hức nghĩ mình sẽ hít thở, sẽ văn minh, sẽ đổi đời, sẽ và sẽ buồn nỗi buồn tha hương dằng dặc, không nói nên lời” - góc nhìn của nhà văn Dạ Ngân từ TP. Hồ Chí Minh.
Nhà văn Dạ Ngân (trái) trong buổi giao lưu và mạn đàm với cộng đồng Việt Nam tại Hungary, Budapest ngày 16/7/2021 - Ảnh: Trần Lê (NCTG)
Từ Nội Bài đi Frankfurt, trên cỗ bay Boeing 3 khối ghế, không nhiều người Việt Nam như tôi tưởng. Năm ba người du lịch như vợ chồng tôi, mấy chục người kia nhìn qua sống áo cung cách biết họ đi để có một thân phận gói trong hai từ “lao động”. Đây là chuyến bay từ Hà Nội đi Đông Âu qua ngả Đức nên không có gì lạ khi hầu hết đều là người Việt sông Hồng, người Bắc miền Trung hoặc người đất Cảng, đất Mỏ, tôi có thể nhận biết qua gương mặt và khi họ nói với nhau trong nhóm.

Chuyến bay dài, chỗ vợ chồng khá gần khu vệ sinh giữa và nhìn về khối ghế sau. Những người Việt tôi vừa mô tả ngồi rải rác ở khối ghế sau ấy. Từ sau sự cố 11/9 ở Mỹ, hầu như mọi hãng hàng không thông dụng đều chú ý không để một đoàn người của một quốc gia ngồi thành một cục. Có hai phụ nữ nông thôn – tôi chắc chắn thế - cứ bồn chồn và hay nhìn thẳng về phía tôi. Rồi họ níu tay nhau đứng lên, cách họ níu tay kẻ trước người sau khiến họ bị chú ý. Tôi ngượng ngùng lây và có ý chờ. Một người ghé xuống hỏi chỗ đi vệ sinh. Tôi chỉ cho họ và đứng hẳn dậy mở cửa giúp. Không hiểu sao họ níu nhau vào đó cùng lúc, việc ấy càng khiến họ bị chú ý hơn, với khách ngoại quốc, có thể ấy là một đôi đồng tính đang cần một chỗ…

Tôi không nghĩ vậy, tôi biết họ sợ. Sợ cái phòng toilet hẳn rất lạ lẫm, bí hiểm, có thể họ sẽ bị nhốt vì không biết ra bằng cách nào. Tôi thấy bất an. Người Việt máu đỏ da vàng, nếu tôi khác họ, chắc là dáng vẻ thị thành mà thôi. Rất lâu sau họ bước ra (không níu tay mà thu mình chạy lúp xúp về chỗ), tôi nói với chồng: “Em phải vào, em nghĩ họ bày bừa ở trong đó”. Quả như tôi linh cảm, dưới nền toilet là một đống giấy và… thứ nước vàng vàng của hai người còn nguyên trong bô cầu. Tôi xắn tay áo lên, cấp rấp xả, tôi dùng một núi giấy để chùi nền và một núi giấy để chùi tay sau khi rửa ráy kỹ. 

Tràn ngập trong tôi nỗi buồn có tên là kỳ lạ, chúng ta là đất nước vô vàn sự kỳ lạ, sự thậm thụt kỳ lạ, sự yếm thế gần như mãi mãi kỳ lạ và chừng như có cả sự hoang dã nguyên sơ rất kỳ lạ nữa.

Sau khi làm thủ tục nối chuyến thì khu dành cho Frankfurt – Đông Âu làm cho số người Việt đi từ Nội Bài thành một cụm đông áp đảo ở phòng chờ. Không khí đã khác: phòng nhỏ, người ít, tiếng Việt oang oang, hai phụ nữ khiến tôi phải dọn giấy chừng cũng bạo dạn hơn. Tôi càng buồn hơn: chúng ta là những người dễ quên, những người hồn nhiên và cũng dễ là những người bất chấp, ở giữa chỗ mạnh, ta thu mình ngay mà giữa chúng ta với nhau thì chẳng thấy khiêm nhu, ngẫm ngợi, nghĩ suy và không ai mang theo mình cuốn sách nào.
 
Cùng chồng, nhà văn Nguyễn Quang Thân, trong buổi giao lưu - Ảnh: Trần Lê (NCTG)
Cùng chồng, nhà văn Nguyễn Quang Thân, trong buổi giao lưu - Ảnh: Trần Lê (NCTG)

Tôi cứ băn khoăn ấy mà quan sát khi chúng tôi đến Budapest. Thực ra người Việt ở thủ đô Hungary không đông. Khu trung tâm cổ nguyên vẹn dù đất nước họ có mấy thập niên xã hội chủ nghĩa. Một số người Việt du học hồi trước rồi ở lại đã có nhà riêng trong những khu biệt thự, nhà vườn. Các con của anh Thân (*) đưa chúng tôi đi chợ người Việt và chỗ sinh sống của những người mới di cư bán chính thức hoặc không chính thức vào Hungary sau khi Liên Xô sụp đổ, kéo theo việc thay đổi thể chế ở các nước Đông Âu. Số người Việt này khá rậm rạp, phải dập mặt ngoài chợ, đánh hàng minh bạch hoặc không minh bạch, họ dạt từ Nga hoặc từ các nước từng thuộc Liên Xô sang, chọn Hungary vì đất rộng người thưa và người hiền. Năm 2010 chúng tôi đến, thảy đều có việc ở chợ và thu nhập tương đối, có căn hộ nhỏ ở chung cư khiêm nhường và…

Tôi thấy ở Mỹ, tôi thấy ở Pháp những người Việt tươi sáng nhờ những nước ấy giàu, dễ tạo điều kiện cho người nhập cư vừa làm lụng vừa học hành hòa nhập rồi sẽ có an sinh tốt. Có một sự khác biệt khá rõ cho hai cộng đồng Việt ở hai khối nước ấy, khối Tư bản thịnh vượng và khối hậu Cộng sản chật vật. Lịch sử đồng hành với họ, những người Việt Đông Âu ấy và tôi ngửi được, tôi cầm được, tôi có thể cân được triết lý Việt rõ ràng nhất ở họ: “Hy sinh đời bố củng cố đời con”.

Những bữa ăn trên nền phòng khách y như Hà Nội. Những câu chuyện thế giới thế gian và con người không khác gì chúng tôi ở Hà Nội. Ngồi chạm vào đầu gối, chạm vào cùi tay nhau, eo ơi, sau bao nhiêu năm xa đất nước, sau bao nhiêu cây số để đến giữa Budapest này mà vẫn nguyên gói ghém, trăn trở, khó khăn, ưu phiền. Những đứa con của họ ít khi ngồi với bố mẹ và khách của bố mẹ, chỉ vì chúng là thể hệ lóng ngóng tiếng Việt, cội nguồn xa vời và chúng được bao bọc để sẽ thực sự đổi đời bằng học vấn, bằng quốc tịch và tư thế EU.

Một lần, con trai thứ của anh Thân dừng lại cho chúng tôi thấy một siêu thị mini mà nó ao ước, đó là mục đích của nó để được nhàn thân ở góc phố nào đó gần ngôi nhà vườn nào đó. Tôi không chú ý siêu thị mà Sài Gòn đang và sẽ có nhiều, tôi chỉ không rời vẻ sung sướng mê mẩn của con với cơ ngơi ấy. Những người phụ nữ còn nguyên gốc nhà quê trên chuyến bay hôm tôi sang đây sẽ là nhân công của những chỗ như thế này – những người vừa rụt rè vừa háo hức nghĩ mình sẽ hít thở, sẽ văn minh, sẽ đổi đời, sẽ và sẽ…

Sẽ buồn nỗi buồn tha hương dằng dặc, không nói nên lời. Xứ sở kỳ lạ hay là kỳ cục của chúng ta đã sản sinh ra ba cuộc chiến ngót cả thế kỷ, bảo sao không nhiều mất mát, hận thù, ly tán, trốn chạy? Vẫn, gần 50 năm sau 1975, vẫn có thêm nhiều người Việt quyết bỏ nước ra đi chỉ với tâm niệm “Hy sinh đời bố củng cố đời con”.

Chuyến Đông Âu năm ấy cứ khiến tôi buồn mãi.

Ghi chú:

(*) Nhà văn Nguyễn Quang Thân (1936-2017).

(**) Tác giả là nhà văn, hiện sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh.

Tác giả bài viết: Dạ Ngân, từ TP. Hồ Chí Minh - Ngày 8/12/2021