Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


ĐI GIỮA NHỮNG LẰN RANH GIỚI

(NCTG) “Với những người muốn có tự do báo chí, được viết ra những điều mình tin, thì cần tự tháo cái vòng kim cô trên đầu. Và điều đầu tiên là dám từ bỏ cái thẻ nhà báo đi”.
Một tấm thẻ nhà báo bị rút ngay trước kỷ niệm 21-6 của giới báo chí trong nước đang là đề tài tranh luận xôn xao trên mạng - Minh họa: Internet
Báo chí và nhà báo có một sứ mệnh quan trọng là giám sát xã hội, đảm bảo cho sự minh bạch trong hoạt động của chính quyền, của nhà nước. Nhà báo chân chính hẳn luôn cố gắng đi tìm sự thật (hoặc những gì gần với sự thật nhất), phơi bày cái xấu, đặt câu hỏi để tìm ra câu trả lời cho các vấn đề còn bỏ ngỏ.

Trong nỗ lực ấy, họ có thể bị tuýt còi, bị kiểm duyệt thông tin bởi cơ quan chức năng. Và thường trực một cuộc đấu giằng co dai dẳng giữa một bên luôn muốn nới rộng hơn giới hạn về tự do báo chí, tự do ngôn luận với một bên kiên định lập trường, “chủ trương đường lối” và ý chí kiểm duyệt, ngăn chặn những thông tin mà họ chủ quan cho rằng “không có lợi cho xã hội” và áp đặt những hình phạt vì bài viết “gây bức xúc trong dư luận” (mà dư luận đời thực còn nhìn ra ai với ai chứ dư luận mạng thì dễ ngụy tạo do tính ẩn danh).

Những lằn ranh giới lúc thì được đẩy xa, lúc thì bị co xiết lại. Không thôi.

Hôm nay, Ngày Nhà báo Cách mạng Việt Nam (21-6), bạn bè tag nhau chúc mừng. Người gửi thiệp hoa. Cõi mạng Facebook rộn ràng. Quan sát chuyển động thì cũng thấy nhiều điều để ngẫm nghĩ, đặc biệt sau sự việc đang nóng và gây tranh cãi là quyết định xử phạt vi phạm và thu hồi thẻ nghiệp vụ của nhà báo Mai Phan Lợi (*), báo “Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh” hôm qua.
 
​ Nhà báo Phan Lợi, một gương mặt năng nổ và được biết tới nhiều của làng báo Việt Nam Nhà báo Phan Lợi, một gương mặt năng nổ và được biết tới nhiều của làng báo Việt Nam
Nhà báo Phan Lợi, một gương mặt năng nổ và được biết tới nhiều của làng báo Việt Nam

Nhà báo Phan Lợi bị thu thẻ nhà báo sau khi tờ báo nơi anh công tác ra quyết định “tạm đình chỉ chức vụ đồng thời kèm theo báo cáo cụ thể về những sai phạm của Mai Phan Lợi với tư cách là một nhà báo, Đảng viên”. Trước đó, Phan Lợi đã cho đăng trong một diễn đàn báo chí có khoảng 12 ngàn thành viên mà anh là quản trị viên (admin) một dòng trạng thái (status) về vụ máy bay rơi kèm theo cái poll lấy ý kiến. Phan Lợi hẳn đã muốn đặt câu hỏi hoặc mở rộng suy nghĩ đa chiều về những nguyên do có thể dẫn đến vụ tai nạn đó. Có thiếu sót, thì chỉ là cách đặt câu hỏi và dùng từ ngữ của anh chưa được “tế nhị” cho lắm vào thời điểm nhạy cảm, và tất nhiên, không vừa lòng nhiều người.

Ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông lên tiếng bảo vệ quyết định của Bộ trên báo điện tử “Vietnamnet”: “Mai Phan Lợi đã có hành vi vi phạm về việc đưa thông tin trên mạng xã hội các cơ quan chức năng đã nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn tái phạm. Gây bức xúc cho cộng đồng gần đây nhất là việc Mai Phan Lợi đưa ra thăm dò nhân vụ máy bay Su-30 và Casa 212 bị nạn trên biển khi đang làm nhiệm vụ xúc phạm đến gia đình, người thân, đồng đội liệt sĩ và Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngoài ra hành vi của Mai Phan Lợi về mặt nghề nghiệp là trái đạo đức, về đạo lý của con người cũng không thể chấp nhận được”.

Tôi đọc lại những dòng Phan Lợi viết mà bạn đọc chụp được trước khi anh gỡ xuống và có lời xin lỗi. Thì ra, đây là những phát ngôn bị coi là “gây bức xúc cho cộng đồng” (cá nhân tôi cũng sợ nhất cái kiểu bức xúc của cộng đồng, của dư luận ấy)
 
Ảnh sưu tầm trên Internet về status của Phan Lợi
Ảnh sưu tầm trên Internet về status của Phan Lợi

Phan Lợi tải câu hỏi lên một diễn đàn do chính anh làm chủ. Ở chốn công cộng mạng xã hội Facebook có hơn 12 nghìn thành viên của anh, thì mỗi lời anh nói hay viết hẳn có ngàn người biết. Cả chục ngàn người thì ít cũng có trăm hoặc nghìn người không đồng ý với anh (chưa kể những va chạm khác trong đời thực của nhà báo này). Và phải chăng đó chính là cộng đồng đang gây dư luận để tạo ra cớ cắt thẻ nhà báo và giáng chức, tước đi quyền làm báo của nhà báo này?

Phan Lợi công tác tại báo “Pháp luật TP. Hồ Chí Minh”. Xét ở góc độ tòa báo, thì rõ ràng, một nhân viên sẽ phải tuân theo các quy định về hình ảnh của cơ quan nơi mình làm việc. Khi nào mình chỉ là đại diện và là tiếng nói của chỉ cá nhân mình? Khi nào thì bất cứ cái gì anh làm sẽ bị nhìn nhận là của cơ quan đó? Hẳn không công ty đơn vị, cơ quan nào dễ chịu khi thấy hình ảnh của mình bị nhân viên làm xấu đi. Có nhiều công ty cho nhân viên nghỉ ngay lập tức (nếu có quy định về phát ngôn, hình ảnh, thương hiệu và hai bên đã cam kết). Chưa kể đến, nhiều đơn vị phải bỏ nhiều tiền để xử lý các ảnh hưởng không mong muốn do sai lầm của nhân viên mang lại.

Hãy đặt bạn ở vị trí người quản lý mới thấy việc sử dụng mạng xã hội post quan điểm này nọ của nhân viên rất đau đầu. Có lợi và cũng đầy tai hại. Công ty nhỏ cũng như to đều sẽ bị ảnh hưởng tới hình ảnh, uy tín và bị coi như là quan điểm chính thức của cơ quan ấy nếu cơ quan ấy “dung dưỡng” những quan điểm “trái chiều”. Nó không đơn giản là việc kiểm duyệt ai nói gì, làm gì nhưng đã là cam kết giữa bên sử dụng lao động và người lao động thì phải tuân thủ. Nếu anh cảm thấy không tuân thủ được, hoặc nó vô lý thì anh có thể xin thôi việc rồi thì anh đăng tải gì thì đăng. Vi phạm pháp luật nào đó thì anh chịu. Với vụ Phan Lợi, có lẽ cũng chỉ nên xử lý ở cấp tòa báo là đủ cảnh báo và hạn chế được việc những nhân viên khác có thể sẽ vi phạm.
 
Các tờ báo lớn trên thế giới đều có cách hành xử hợp lý trong việc cảnh báo và nhắc nhở đối với nhân viên - Ảnh: techraptor.net
Các tờ báo lớn trên thế giới đều có cách hành xử hợp lý trong việc cảnh báo và nhắc nhở đối với nhân viên - Ảnh: techraptor.net

Cách xử lý của tòa báo “The New York Times” có thể là một tham khảo. Hôm thứ Hai vừa qua, Phó Thư ký Tòa soạn phụ trách các chuẩn mực báo chí của báo, ông Philip Corbett đã gửi cảnh báo và nhắc nhở nhân viên phòng tin tức dùng tài khoản mạng xã hội của mình để đăng tải những bình luận, những quan điểm chính trị, những quan điểm chống đối hoặc ủng hộ các vấn đề gây tranh cãi.

Gửi các đồng nghiệp: 

Giữa lúc diễn ra cuộc tranh cử tổng thống nhiều tranh cãi và quyết liệt, cũng như sau sự kiện tồi tệ ở Orlando, thì cũng là thời điểm để kịp thời nhắc các bạn về việc đăng tải trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Trên các tài khoản mạng xã hội của cá nhân, các nhân viên phòng tin của “Times” nên tránh không viết bình luận, quảng bá, đưa ra các quan điểm chính trị hoặc đứng về phía bên nào đối với các vấn đề nóng. Kể cả khi bản thân bạn không trực tiếp tham gia vào việc đưa tin một chủ đề cụ thể, thì các đồng nghiệp của chúng ta đang làm việc cật lực để giữ gìn uy tín của “Times” và sự công bằng, và chúng ta không nên làm gì để khiến công việc của họ khó khăn hơn…


Sự kịp thời của “The New York Times” giúp nhân viên của họ ý thức được việc làm gì, hoặc không nên làm gì để ảnh hưởng tới chính mình, tới các công việc của đồng nghiệp và của chính tòa báo. Nhìn lại ở Việt Nam qua các vụ việc của nhà báo Đỗ Hùng, hay Phan Lợi bạn sẽ đồng ý với tôi sự hỗ trợ pháp luật từ tòa báo không bao giờ là thừa. Và hẳn là các anh vẫn có thể đưa được quan điểm của mình mà tránh được “dư luận” bức xúc.
 
Báo chí Việt Nam rất cần những nhà báo bản lĩnh, ở đâu viết cũng được, bất kể có thẻ hay không... - Minh họa: tieudungplus.vn
Báo chí Việt Nam rất cần những nhà báo bản lĩnh, ở đâu viết cũng được, bất kể có thẻ hay không... - Minh họa: tieudungplus.vn

Và ở Việt Nam, một nhu cầu cấp thiết đòi hỏi mỗi tòa báo xây dựng cho mình một bộ Quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp. Nó cần thiết vì sẽ giúp các đơn vị, các cá nhân biết cách hành xử chuẩn mực nhất khi họ ở những vị trí có ảnh hưởng rộng tới xã hội.

Chúng ta sẽ tránh được rất nhiều vụ việc “Phan Lợi tương lai” nếu cơ quan báo chí có các Quy định, quy tắc ứng xử, Quy tắc đạo đức nghề nghiệp, và có những nhắc nhở kịp thời. Mọi thứ ghi rõ trong thỏa thuận hợp đồng. Bất kỳ ai nhận vị trí nào cũng được yêu cầu đọc kỹ trước khi đặt bút ký và tuân thủ. Bộ phận pháp luật cũng có thể đưa ra các cảnh báo. Nếu nhân viên nào không đồng tình thì có thể xin nghỉ việc.

Với cơ quan chủ quản cấp Bộ, mọi can thiệp trong trường hợp này đều mang tính hành chính và có thể bị coi là sự can thiệp hành chính thô bạo, không cần thiết, và bị phản ứng là điều dễ hiểu.

Quyết định và hình phạt thì cũng ra rồi. Cũng không đổi được. Nhưng đã là nhà báo bản lĩnh thì ở đâu cũng viết được. Không có cái thẻ cũng viết và đăng được. Khi có thêm cái mác của tòa báo (tức là dùng hình ảnh của cơ quan) thì rõ ràng vị thế của người đó tăng hơn, lời nói và câu viết có trọng lượng hơn. Cái thẻ giúp anh ta đi xa hơn trong con đường sự nghiệp thăng quan tiến chức và bổng lộc. Đó là lý do tại sao, ai cũng biết cái thẻ nó siết mình nhưng vẫn cố bám riết hoặc phấn đấu để có nó.

Nhưng với những người muốn có tự do báo chí, được viết ra những điều mình tin, thì cần tự tháo cái vòng kim cô trên đầu. Và điều đầu tiên là dám từ bỏ cái thẻ nhà báo đi.

Với anh Phan Lợi, không có thẻ nhà báo có lẽ nên ăn mừng. Welcome to the land of freedom!

Ghi chú (của NCTG):

(*) Nhà báo Phan Lợi, từng giữ cương vị Trưởng văn phòng đại diện báo “Pháp luật TP. Hồ Chí Minh” tại Hà Nội, là sáng lập viên Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển RED Communication, sáng lập viên và Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng MEC, và cũng là một trong những cá nhân hoạt động xã hội dân sự được mời gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 24-5 vừa qua tại Hà Nội.

Tác giả bài viết: Đỗ Thùy, từ Hà Nội