ĐỂ TRẺ EM ĐỪNG NGÃ VÀO HỐ SÂU CỦA NGHÈO ĐÓI, BẤT CÔNG
- Thứ sáu - 06/01/2023 13:47
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Kinh tế cần “phát triển đồng hành với tính nhân văn, ở đó, những cánh tay cùng nâng đỡ, để không còn những đứa trẻ phải tụt xuống những hố sâu của nghèo đói, bất công”, theo góc nhìn của tác giả Bùi Uyên từ Paris.
Nhiều người đi du lịch nước ngoài về khen dịch vụ, khách sạn, trung tâm thương mại... ở Việt Nam còn xịn hơn, đẹp hơn, tốt hơn nước ngoài. Chuỗi bệnh viện, trường học, nhà ở, siêu thị của một tập đoàn nọ đẳng cấp, chất lượng không thua kém Âu Mỹ. Có những người quen sau nhiều năm sống tại nước ngoài, trở về Việt Nam, kể lại “Việt Nam giờ giàu lắm, phát triển lắm rồi, khối thứ hơn Châu Âu, đừng từ nước ngoài (không biết gì) nghĩ nước mình còn lạc hậu, giờ không còn nghèo đói thiếu ăn đâu”.
Nhiều đứa trẻ thành phố được đón rước với xe và tài xế riêng, tiện nghi công nghệ đời mới nhất, chỉ chờ lớn để gửi đi du học những trường đắt đỏ Anh - Mỹ. Còn ít điều kiện hơn thì cũng học trường quốc tế, du lịch nước ngoài, sớm tối học nhạc họa với thầy cô giáo riêng, học tiếng với người bản ngữ với chi phí bằng vài tháng lương của người lao động.
Vậy là đất nước giàu mạnh hơn, tiện ích hạ tầng chất lượng hơn. Thế thì quá đáng mừng.
Ở góc khác, một cậu bé thiệt mạng khi cùng vài bạn bè chui vào công trường nhặt sắt vụn, để kiếm tiền đi học võ. Hôm qua, và đến tận giờ, nhiều đứa trẻ phải buộc túi ni lon hay treo dây chăng qua sông mùa lũ để đến trường. Số trẻ chết đuối vẫn hàng ngàn mỗi năm. Năm ngoái, những lều lán căng bạt trên nền đất giữa đồng ruộng, buộc những đứa trẻ cấp 1-2 phải “cách ly vì F1-F2 Covid” hàng tuần giữa cái lạnh cắt da thịt mùa đông. Năm kia, 39 người Việt trẻ tuổi vượt biên sang Anh kiếm mưu sinh, chết ngạt trong chiếc xe thùng oan nghiệt.
Những quỹ “Cơm có thịt”, “Xây trường cho trẻ vùng cao” và hàng ngàn những chiến dịch từ thiện khác vẫn vận động tiền của của nhà hảo tâm để đưa một số nhu cầu tối thiểu ấy đến trẻ vùng xa.
Đi học, ăn thịt, có áo ấm, chỉ là những nhu cầu tối thiểu, quyền lợi cơ bản nhất của lũ trẻ thôi mà?
“Vì nước ta còn nghèo, chinh quyền không lo hết được, cần phải huy động nguồn lực xã hội hóa” là câu trả lời thường thấy.
Nhiều đứa trẻ thành phố được đón rước với xe và tài xế riêng, tiện nghi công nghệ đời mới nhất, chỉ chờ lớn để gửi đi du học những trường đắt đỏ Anh - Mỹ. Còn ít điều kiện hơn thì cũng học trường quốc tế, du lịch nước ngoài, sớm tối học nhạc họa với thầy cô giáo riêng, học tiếng với người bản ngữ với chi phí bằng vài tháng lương của người lao động.
Vậy là đất nước giàu mạnh hơn, tiện ích hạ tầng chất lượng hơn. Thế thì quá đáng mừng.
Ở góc khác, một cậu bé thiệt mạng khi cùng vài bạn bè chui vào công trường nhặt sắt vụn, để kiếm tiền đi học võ. Hôm qua, và đến tận giờ, nhiều đứa trẻ phải buộc túi ni lon hay treo dây chăng qua sông mùa lũ để đến trường. Số trẻ chết đuối vẫn hàng ngàn mỗi năm. Năm ngoái, những lều lán căng bạt trên nền đất giữa đồng ruộng, buộc những đứa trẻ cấp 1-2 phải “cách ly vì F1-F2 Covid” hàng tuần giữa cái lạnh cắt da thịt mùa đông. Năm kia, 39 người Việt trẻ tuổi vượt biên sang Anh kiếm mưu sinh, chết ngạt trong chiếc xe thùng oan nghiệt.
Những quỹ “Cơm có thịt”, “Xây trường cho trẻ vùng cao” và hàng ngàn những chiến dịch từ thiện khác vẫn vận động tiền của của nhà hảo tâm để đưa một số nhu cầu tối thiểu ấy đến trẻ vùng xa.
Đi học, ăn thịt, có áo ấm, chỉ là những nhu cầu tối thiểu, quyền lợi cơ bản nhất của lũ trẻ thôi mà?
“Vì nước ta còn nghèo, chinh quyền không lo hết được, cần phải huy động nguồn lực xã hội hóa” là câu trả lời thường thấy.
Nước ta nghèo hay giàu? Hình ảnh nào mới phản ánh đúng sự phát triển của Việt Nam đương đại?
Hay ai giàu lên cứ giàu, cứ hưởng những hạ tầng tiên tiến nhất, có biết đến sau lớp bụi mù của cỗ xe kinh tế, rơi rụng, dạt bên lề, hay bị cán bẹp, số phận những đồng bào khác đang bần cùng mỗi ngày?
Tất cả là mảnh ghép phản ánh sự chênh lệch mức sống và cơ hội tiếp cận giáo dục, hạ tầng xã hội, của trẻ em, mà cũng là của cha mẹ chúng, của những thành phần khác xa một trời một vực, dù cùng là dân một nước. Những đứa trẻ không có trường học, không có đường đến trường, không có bữa ăn đủ chất, không có tiền để học thêm hoạt động thể chất (như ví dụ em Nam phải kiếm tiền học võ), là thiếu những hạ tầng tối thiểu, không đảm bảo quyền lợi cơ bản của trẻ em.
*
Trong đợt giãn cách vì dịch Covid ở Pháp, chính quyền Pháp có một quyết định khác với nhiều nước Châu Âu, đó là cố gắng duy trì cho trẻ em được đến trường nhiều nhất. Lý do đưa ra là sau giai đoạn giãn cách đóng cửa toàn bộ trong hơn 1 tháng đầu tiên, người ta thống kê thấy lộ rõ sự chênh lệch về tiếp cận giáo dục của trẻ em nông thôn và thành thị, trẻ em nghèo và gia đình khá giả hơn.
Đó là về tiếp cận Internet, do không có đủ máy tính làm nhiều em nhỏ không theo được bài học, việc không được ăn bữa trưa và chiều ở trường (miễn phí hoặc giá rất tượng trưng với các gia đình thu nhập thấp) tang nguy cơ trẻ thiếu dinh dưỡng, bỏ bữa, Ngoài ra còn nguy cơ bạo hành gia đình, ảnh hưởng tâm lý khi không được vui chơi, tiếp xúc chúng bạn. Và liên tiếp các đợt bùng phát dịch bệnh sau đó, nhiều hoạt động kinh tế phải ngừng trệ, nhưng trường học vẫn cố gắng duy trì dù rất phức tạp.
Có thể thấy, đó là một quyết sách áp dụng chung cho toàn quốc, lại không dựa trên số đông, mà lại hướng quan tâm đến sự thiệt thòi của một nhóm nghèo thiểu số.
Nó cũng giống như trong công việc thiết kế nhà ở, khi tỉ lệ người khó khăn về đi lại chỉ chiếm có 5% dân cư, thì 100% các công trình và không gian công cộng phải thiết kế cho nhóm người này có thể sử dụng. Rõ ràng, những tư duy này không đặt lợi ích kinh tế, lợi ích đa số có điều kiện tốt hơn, lên hàng đầu.
Quay lại nước ta, ở đây là chuyện một đất nước, một địa phương đang tập trung nguồn lực vào đâu: chính sách xóa đói giảm nghèo trên số liệu luôn rất khả quan.
Vậy mà sao mùa lũ vẫn xếp hàng đợi mỳ gói, mùa đông áo ấm vẫn lũ lượt chở lên miền ngược, đều đặn hàng năm không giảm? Những tỉnh thống kê nghèo nhất nước, nhận những hỗ trợ xóa nghèo, lại là tỉnh có những tượng đài đắt đỏ hay có số đăng ký xe hơi đắt tiền nhiều nhất cả nước!
Một đất nước được gọi là tăng trưởng mạnh, có đảm bảo cho tất cả người dân, đảm bảo cho mọi đứa trẻ mọi miền đất nước được cải thiện những phúc lợi tối thiểu? Hay sự giàu lên, hạ tầng đồ sộ tiên tiến hơn, chỉ dồn vào một số chỗ trũng, một bộ phận dân cư, chỉ chảy vào một số nhóm người riêng?
Sự chênh lệch trong hoàn cảnh này, là sự bất bình đẳng cơ hội, nhiều phần bởi những chính sách phát triển không hài hòa, tập trung vào lợi ích kinh tế, chưa chú trọng công bằng cơ hội cho mọi người dân, chịu thêm nạn tham nhũng. Khoảng cách này ngày càng bị giãn xa, đến đứt gẫy xã hội.
Hậu quả ngắn hạn có thể là người thất học, không có việc làm sẽ bần cùng hóa, nguy cơ trộm cắp, phá phách (bắt đầu như những em nhỏ nhặt trái phép phế liệu trong công trường).
Dài hạn sẽ là việc quá tải hạ tầng đô thị khi người dân sống ở vùng nông thôn, vùng ít hạ tầng, ít cơ hội sẽ dồn lên mưu sinh ở thành phố. Các ngành sản xuất, nông nghiệp sẽ thiếu nhân công, đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Nền kinh tế sản xuất teo tóp dần. Sự phát triển mất cân bằng như thế, không phải là một hướng đi lâu bền.
Hướng phát triển không bền vững này cũng thấy rõ bằng việc phê duyệt hàng loạt các dự án bất động sản xóa các vùng đất nông nghiệp, hay tác động vào vùng tự nhiên cần bảo vệ. Giá trị gia tăng sinh lời chủ yếu nằm trong chênh lệch chuyển đổi mục đích sử dụng đất, và việc bán qua lại “lướt sóng” của các nhà đầu tư có của đến từ đô thị lớn. Một phần rất ít giá trị ấy được chuyển đổi thành những phúc lợi, hạ tầng phát triển công cộng cho trẻ em hay những tầng lớp nghèo nhất tại địa phương.
Trước hiện thực này, chúng ta làm được gì?
Đầu tiên, hiểu đúng bản chất của vấn đề đã là một điều cần thiết. Nhận thức thước đo phát triển quốc gia hay con người không chỉ tập trung vào chỉ số kinh tế. Sự ổn định chung của xã hội phải dựa trên sự quan tâm đến thành phần yếu thế, thì mới hướng sự quan tâm của xã hội để rút ngắn những khoảng cách, những chênh lệch bằng những hỗ trợ không chỉ vật chất ngắn hạn, mà tạo điều kiện học tập, mưu sinh lâu dài.
Để cho trẻ em ở mọi miền được có cơ hội học tập, vui chơi, dinh dưỡng, khám chữa bệnh, tiếp cận thông tin (sách vở, Internet) gần hơn với bạn bè đồng trang lứa nơi thành thị.
Mỗi lần có những sự việc thương tâm xảy ra với con trẻ, hay những tai nạn đáng tiếc, nếu chỉ dừng lại ở xót thương, hay gửi quyên góp, thì có đủ để ngăn những điều đáng tiếc sau này?
Một đám cháy thiệt mạng nặng nề, nên là cơ hội để xiết chặt kiểm tra phòng cháy, bổ xung các quy chuẩn cứu nạn.
Một đứa trẻ như em Vân Anh bị bạo hành đến chết, phần vì ép học đủ, viết đẹp, phải là cơ hội để mỗi gia đình nhìn lại sức ép điểm số, bài vở lên trẻ em, cân nhắc hơn với việc dùng đòn roi với trẻ như một hình thức “giáo dục”; hội nhóm bảo vệ trẻ em tìm những kênh báo động sớm hơn, luật pháp siết chặt hình phạt với những kẻ xâm phạm trẻ em...
Và giờ đây, sự việc đau lòng với bé Nam ngay đầu năm, phải là cơ hội để nghiêm ngặt hơn với an toàn công trường, phải để tìm cách đưa những cơ chế hỗ trợ đến được với trẻ em nghèo, không chỉ học văn hóa, mà cả đảm bảo dinh dưỡng, tham gia lớp học ngoại khóa, văn thể mỹ,…
Được như thế, mỗi chúng ta, cùng nhau, cảm thông và trưởng thành hơn sau mỗi mất mát, cũng như chính sách, luật pháp chặt chẽ hơn, để bớt tái diễn những sự việc đau lòng, ngăn chặn tận gốc rễ. Kinh tế sẽ phát triển đồng hành với tính nhân văn, ở đó, những cánh tay cùng nâng đỡ, để không còn những đứa trẻ phải tụt xuống những hố sâu của nghèo đói, bất công.
(*) Hình chọn minh họa cho bài viết là cậu bé 10 tuổi đang vui đùa chốn vườn quê, xin cắt từ bìa truyện “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của tác giả Nguyễn Ngọc Thuần, mà tôi mới đọc năm nay. Một cuốn truyện để lại ấn tượng sâu sắc về vẻ đẹp vừa lãng mạn của tuổi thơ nông thôn và tràn ngập tính nhân văn.