Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


ĐỂ TẾT VỀ ĐÚNG NGHĨA

(NCTG) “Nếu Tết đúng nghĩa, nó sẽ không kéo dài cả tháng, làm ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, đến nỗi năm nào đến gần Tết chúng ta cũng xúm vào bàn có nên bỏ Tết cổ truyền để ăn Tết Tây hay không. Tết không có tội. Tại các anh chị, các bạn làm Tết trở thành méo mó, rồi lại đòi bỏ nó”.
Hãy để Tết về đúng nghĩa: ngày sum họp của gia đình, người thương... - Minh họa: Internet
Tết là sum vầy. Tết là gia đình.

Nhưng người lớn giờ đa số sợ Tết.

Vì Tết, đối với người lớn, là lo toan.

Trước Tết phải lo quà biếu sếp. Và quà Tết phải xứng đáng. Có một sự cạnh tranh ngầm trong việc mua gì, phong bì bao nhiêu cho sếp.

Tết còn là quà bên nội, bên ngoại. Tuy chuyện gia đình nhưng mà không giỡn được. Không chu đáo thì lục đục lớn chứ chẳng đùa đâu. Việc tặng quà hợp ý bố mẹ chồng/vợ còn được tính là một tiêu chuẩn chứng tỏ con dâu tốt, chàng rể hiền cơ mà?

Tết là dọn dẹp, mua sắm. Không phải mua sắm cho mình, mà còn là mua sắm để trưng. Nếu chỉ cho mình thì còn đơn giản, nhưng vì trưng nên không thể xuề xòa được, phải chỉn chu.

Tết là mối lo tiền mừng tuổi. Phải chạy khắp nơi đổi tiền. Tiền phải mới láng cóng. Trẻ con thì lắm, đứa nào cũng phải mừng: con, cháu trong nhà, rồi trẻ hàng xóm, con cháu đồng nghiệp, con cháu sếp. Mừng ít thì bị chê kẹt xỉ, nhiều thì biết bao nhiêu cho vừa?

Tết còn là chuỗi nhậu triền miên. Nhậu cơ quan, nhậu bạn bè, nhậu đối tác, nhậu chòm xóm. Chạy sô nhậu nhẹt cũng làm người ta oải lắm rồi. Mà cuộc nhậu nào cũng phải tới bến, vì cả năm chỉ có một lần. Trên bàn nhậu thì phải nhiệt tình hết lòng. Nên tai nạn giao thông dịp tết năm nào cũng tăng đột biến.

Tết là đầu tắt mặt tối bếp núc. Ông nhậu thì bà phải dọn. Ông nào càng quảng giao thì bà vợ càng đau khổ. Liệu mà nấu cho đuề huề, không chồng lại bị chê có vợ đoảng. Liệu mà cư xử dịu dàng, không chồng lại bị chê vợ la sát. Liệu mà kiềm chế càu nhàu, sai chồng, không chồng lại bị chê đội vợ lên đầu.

Tết là ì ạch cả tháng sau Tết vì mệt quá, hết Tết rồi phải xả hơi.

Tết là mê tín dị đoan phát triển cực thịnh. Vì người ta đi cầu chỗ này, khấn chỗ kia. Chùa chiền nghe nói linh thiêng từ Nam ra Bắc được mùa tiền lễ, người ra vào nườm nượp. 

Tết là vì quá nhiều lo toan nên người ta đi mua tuốt: mứt tết, bánh chưng, giò chả, đồ ăn. Mệt thế còn sức đâu mà chuẩn bị.

Vì Tết giờ đâu còn vị Tết xưa mấy đâu? Chả thế mà mình luôn mơ Tết xưa.

Tết đúng nghĩa là cho gia đình (sếp à, xin lỗi; bạn bè à, cả năm rồi; Tết là chỉ ưu tiên chồng/vợ con, bố mẹ, ông bà, cô dì chú bác họ hàng thôi).

Là cả nhà xúm vào, bố mẹ và con cái dọn dẹp nhà cửa, trang hoàng hoa lá cành đào cây mai, bố mẹ và con cái cùng xúm vào gói bánh chưng, làm giò, làm nem, nấu canh măng, bố mẹ và con cái cùng bày biện mâm cỗ cúng tổ tiên ông bà, bố mẹ và con cái cùng ngồi ăn một bữa cơm kéo dài 3-4 tiếng vì có quá nhiều chuyện để buôn dưa lê dưa bở, bố mẹ và con cái cùng nhau lên chùa cầu nguyện đầu năm mới sức khỏe, an vui cả nhà...

Nếu gia đình hiện nay quá nhỏ so với xưa (mỗi nhà chỉ có 1-2 con thôi), thì sao không mở rộng khái niệm gia đình lại? Là bố mẹ cô dì chú bác cùng các con cháu cùng tụ tập? Chọn một nhà ai đấy là địa điểm, rồi quay vòng? Hãy quên sếp đi, quên bạn cùng cơ quan đi, quên bạn bè ngày thường đi. Để Tết chỉ là tận hưởng tình thân thôi?

Nếu Tết đúng nghĩa là vậy, mình tin rằng nó sẽ không kéo dài cả tháng, làm ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, đến nỗi năm nào đến gần Tết chúng ta cũng xúm vào bàn có nên bỏ Tết cổ truyền để ăn Tết Tây hay không?

Tội nghiệp Tết. 

Tết không có tội. Tại các anh chị, các bạn làm Tết trở thành méo mó, rồi lại đòi bỏ nó.

Tác giả bài viết: Hà Linh, từ Toulouse (Pháp)