Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“DÂN QUYỀN TRONG KHUÔN KHỔ” (?)

(NCTG) “Sống trong xã hội thì không ai có quyền tự do tuyệt đối mà mọi điều đều phải nằm trong khuôn khổ. Tuy nhiên, khuôn khổ đó chính là luật pháp”- góc nhìn của TS. Vũ Thị Phương Anh từ Sài Gòn từ một vụ “cưỡng chế” để buộc xét nghiệm Covid-19 đang gây nhiều ý kiến trái chiều hiện tại.
Một phụ nữ bị phá cửa nhà, cưỡng chế ra sân chung cư để lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 - Ảnh cắt từ video
Sáng nay tình cờ đọc một đoạn trao đổi giữa hai bạn trên mạng Facebook liên quan đến việc chính quyền địa phương đã phá cửa xông vào nhà lôi xềnh xệch một phụ nữ trẻ đi xét nghiệm, có lực lượng bảo vệ dùng bạo lực khóa tay kè hai bên như tội phạm.

Bạn thứ nhất cho rằng rằng chính quyền địa phương đã sai luật khi tự ý xông vào nhà người khác mà không có lệnh, và dùng bạo lực cưỡng chế trong khi người phụ nữ kia không phải là tội phạm nguy hiểm. Nếu có thể làm gì đó, thì cùng lắm chỉ là phạt hành chính đối với người phụ nữ ấy mà thôi.

Người bạn trẻ thứ hai thì bênh vực hành vi đó của chính quyền địa phương với câu nói rất hoa mỹ rằng: “Dân quyền gì cũng phải trong khuôn khổ. Không chịu nghe thì phải bắt thôi (!)”.

Nói qua nói lại, không ai chịu ai, người bạn thứ nhất đề nghị chấm dứt nhưng người thứ hai vẫn tiếp tục nói một cách mạnh mẽ và đầy tự tin như thể mình là người nắm chân lý trong tay. Không những thế, bạn ấy còn tự hào tuyên bố mình là tình nguyện viên chống dịch (cho nên mới có quyền phát biểu?), còn ai nói hay chỉ là những người ngồi nhà chém gió trên bàn phím mà thôi.

Tôi theo dõi cuộc trao đổi trên mà cảm thấy rùng mình kinh sợ và ngao ngán. Đặc biệt tôi lưu ý chính câu nói của bạn ấy là “dân quyền gì cũng phải trong khuôn khổ”. Thì đúng thế; sống trong xã hội thì không ai có quyền tự do tuyệt đối mà mọi điều đều phải nằm trong khuôn khổ. Vấn đề là bạn ấy nói khuôn khổ mà không hề hiểu cái khuôn khổ mà bạn ấy nhắc đến chính là luật pháp - là điều mà bạn thứ nhất đã sử dụng để phản đối hành vi của chính quyền địa phương trong hành động nói trên.
 
Khi những kẻ tự coi là đại diện cho chính quyền có cách hành xử bị nhiều người dân liên tưởng tới cảnh “sai nha” thời xưa - Ảnh cắt từ video
Khi những kẻ tự coi là đại diện cho chính quyền có cách hành xử bị nhiều người dân liên tưởng tới cảnh “sai nha” thời xưa - Ảnh cắt từ video

Vâng, luật pháp là gì nếu không phải là những quy tắc chung mà tất cả mọi người trong xã hội đều phải tuân theo để xã hội có thể có được sự bình ổn để phát triển. Một xã hội có pháp luật và có tinh thần thượng tôn pháp luật chính là dấu hiệu của sự văn minh mà nhân loại đã sáng tạo ra để thoát khỏi một xã hội man rợ, nơi kẻ mạnh nắm toàn quyết sinh sát đối với những người xung quanh - một kiểu chế độ chiếm hữu nô lệ, đã được những xã hội văn minh tiến bộ bộ xóa đi từ rất lâu rồi.

Nhưng cái tư duy “tao có quyền và có sức mạnh; mày không nghe thì tao dùng bạo lực” hình như vẫn còn tồn tại nhan nhản khắp nơi tại Việt Nam trong từng cá nhân, từng gia đình, từng cơ quan đơn vị. Và tất nhiên, ta cũng thấy biểu hiện này trong chính quyền các cấp. Đợt dịch vừa qua đã bộc lộ rất rõ tư duy này, từ vụ bánh mì không phải là hàng thiết yếu, đến việc nơi này nơi khác cho người đi truy lùng bắt bớ lôi hết F0 - thậm chí lúc đầu còn lôi cả F1 - đi cách ly (gây tâm lý hoảng loạn và đẩy người dân đến chỗ đi trốn). Và gần đây nhất là vụ phá cửa xông vào nhà cưỡng chế người đi test mà tôi đang đề cập ở đây.

Điều đáng nói là bạn trẻ thứ hai trong cuộc nói chuyện trên đang ở độ tuổi sung sức nhất, mới ngoài 30, thuộc hạng khá trong xã hội, đã tốt nghiệp đại học và có công ăn việc làm tử tế với mức lương ổn định. Những người này thực sự đang là rường cột của quốc gia, là lực lượng chính để thực hiện mọi kế hoạch phát triển đất nước (đưa đất nước tiến vào thời đại mới, làm chủ khoa học kỹ thuật sánh vai cùng bạn bè năm châu gì đấy bla bla bla như người ta thường nói).

Các bạn có cách suy nghĩ giống như bạn thứ hai ở trên tôi đã gặp rất nhiều ở ngoài đời. Các bạn ấy nhiệt tình và có tinh thần xã hội, sẵn sàng tham gia vào những việc công ích (ví dụ như tình nguyện đi chống dịch), và ưu điểm lớn nhất của các bạn ấy là rất “có ý thức tổ chức”. Cấp trên nói gì là nghe răm rắp, không bao giờ hỏi lại dù mình không hiểu rõ hoặc có thể chính họ cũng thấy vô lý ở điểm này điểm khác. Đối với họ chỉ có một điều là quan trọng: tuân lệnh cấp trên tuyệt đối, và thi hành ngay tắp lự. Mặc dù ý đồ thực sự của cấp trên là gì, và cần phải thực hiện ra sao để tránh những hậu quả không lường trước thì trong đa số trường hợp các bạn ấy thường chưa rõ (vì có bao giờ hỏi lại đâu mà rõ!).
 
Một hành vi phản cảm, khi vào biếm họa, càng trở nên đau xót... - Ảnh: Facebook
Một hành vi phản cảm, khi vào biếm họa, càng trở nên đau xót... - Tranh: Họa sĩ Lê Thanh Hiền​

Đặc điểm của những bạn này là rất ít khi đọc luật vì chỉ quen theo lệnh, thậm chí lệnh miệng. Hình như ở Việt Nam luật pháp là một điều xa xỉ chỉ làm ra cho có để trang trí. Còn thực thi thì mọi người đều chờ vào các văn bản dưới luật - tức là sự diễn giải luật của cấp được trao quyền thực thi. Và hầu hết mọi vấn đề ở Việt Nam đều xuất phát từ chỗ này: cấp dưới không đủ năng lực để phán đoán hoặc diễn giải đúng các yêu cầu của luật và chỉ đạo của cấp trên nhưng vẫn thực hiện với sự hừng hực “nhiệt tình cách mạng”. Nên một khi mình đã có quyền trong tay thì “luật là tao, tao là luật”, “nếu không nghe thì phải bắt thôi.”

Đây đúng là một bi kịch của Việt Nam, và rất tiếc là nó đã kéo dài suốt nhiều thế kỷ nay, từ thời phong kiến mà cách mạng đã thành công trong việc lật đổ để xây dựng một chế độ không có người bóc lột người (xin lỗi, tôi bị hơi thuộc bài nên cứ nhắc đến là lại tuôn ra cả tràng dài...). Mà đến giờ - thời đại 4.0 với cả 0.4 gì đấy - mà những người trẻ rường cột quốc gia vẫn cứ có tư duy như thế thì thật là đáng buồn!

Ta phải làm gì đây? Tôi, một bà giáo già về hưu, chẳng có tham vọng gì lớn lao mà chỉ muốn kêu gọi mọi người hãy đọc luật, hiểu luật để nắm vững quyền của mình. Và lên tiếng bằng cách này hay cách khác để bảo vệ quyền của mình khi nó bị chà đạp bởi bất cứ ai, kể cả bởi chính quyền (họ không cố tình làm sai - tôi tin như thế - mà chỉ là vì họ không hiểu và chúng ta cần giúp cho họ hiểu). Bởi, cái “khuôn khổ” của dân quyền mà bạn trẻ nói trên nhắc đến không chỉ áp dụng cho người dân mà còn áp dụng cho cả chính quyền nữa.

Nếu như chính quyền các cấp không ý thức hoặc cố tình phá vỡ cái khuôn khổ do pháp luật đưa ra, thì có thể nói huỵch toẹt như thế này: thực sự chúng ta chẳng hề có dân quyền gì hết. Tất cả hiến pháp, luật pháp gì đó chỉ là viết ra cho có với người ta, vậy thôi!
 
Khi người làm công tác quản lý - “công bộc” của dân - có tư duy đáng sợ...
Khi chính quyền - “công bộc” của dân - có tư duy đáng sợ...

Chợt nghĩ thêm, ngay cả khi đi bắt can phạm người ta cũng phải thực hiện theo luật tố tụng hình sự. Nếu cơ quan thực thi pháp luật mà không làm đúng thì người dân vẫn có quyền kiện như thường. Chứ nếu không, thì người ta viết ra các loại luật để chơi hay là sao vậy nhỉ?

Tác giả bài viết: TS. Vũ Thị Phương Anh, từ Sài Gòn