Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


DÂN CHỦ VÀ TRUYỀN THÔNG, MỘT GÓC NHÌN

(NCTG) “Như tuyệt đại đa số những hoạt động của con người trong xã hội, người làm truyền thông đáp ứng một nhu cầu để thu lợi cho bản thân, không khác gì người thầy thuốc hay thầy giáo. Vấn đề cần đặt ra không phải là chuyện “kim tiền” mà là nhu cầu của ai, với mục đích gì, hậu quả thế nào và làm sao để xã hội tiến bộ thay vì thoái hóa”.
Chung quy vẫn là chuyện... “kim tiền” - Minh họa: Internet
Donald Trump đắc cử tổng thống ở Mỹ và Brexit ở Anh là hai quyết định dân chủ vẫn đang gây nhiều tranh luận cho người Việt. Những người bị thất vọng lại một lần nữa đặt câu hỏi nghi ngờ về sự thích hợp của thể chế dân chủ. Những người ủng hộ thì dĩ nhiên là hồ hởi với sức mạnh dân chủ (có thể chỉ tạm thời cho đến khi họ không đồng ý với một quyết định dân chủ khác). Không ít người thuộc cả hai bên cùng thóa mạ truyền thông (Mỹ) gian dối và đòi hỏi những người làm việc trong ngành truyền thông (cả Mỹ lẫn Việt) phải có đạo đức, phải liêm chính. Tôi tin rằng đây là cách nhìn không thực tế, nặng cảm tính. Kết cục của cách nhìn như thế chỉ là lời kêu gọi đạo đức nhàn nhạt và một thái độ yếm thế mà độc tài vẫn ưa thích.

Hãy bàn về truyền thông. Như tuyệt đại đa số những hoạt động của con người trong xã hội, người làm truyền thông đáp ứng một nhu cầu để thu lợi cho bản thân, không khác gì người thầy thuốc hay thầy giáo. Nói nôm na thì ham muốn làm tiền là một động lực tự nhiên, càng chê bai thì càng có thêm nhiều tay đạo đức giả chứ không thể làm xã hội bớt kẻ ham tiền. Vấn đề cần đặt ra không phải là chuyện “kim tiền” mà là nhu cầu của ai, với mục đích gì, hậu quả thế nào và làm sao để xã hội tiến bộ thay vì thoái hóa.

Báo chí, truyền thông ở Mỹ đáp ứng hai nhu cầu: thông tin về vụ việc và phân tích, bình luận, đưa quan điểm theo chủ quan của cá nhân người viết. Đây là hai hoạt động rất khác nhau với những đòi hỏi và khả năng làm tiền khác nhau. Không thể đánh đồng hai hoạt động này khi nói về truyền thông.

Tường thuật thông tin có giá trị thì phải đúng theo thực tế khách quan, dữ kiện cụ thể, trắng đen rõ ràng có thể kiểm chứng. Phóng viên Mỹ bị sa thải vì đã sửa hình hay dàn cảnh là chuyện bình thường. Nghiêm khắc như thế không phải vì đạo đức mà vì lý do chính là “kim tiền”. Không một ai, bất kể trái phải, tư bản hay cộng sản, lại ham thích mua món đồ mình nghi ngờ là giả hiệu. Một lần mất uy tín là có thể thua lỗ đậm. Chính vì thế mà những cơ quan truyền thông lớn đều rất coi trọng sự chính xác khi tường thuật vụ việc. Thông tin sai, suy luận trật vì phóng viên bị gạt hay dữ liệu thiếu chính xác cũng không phải là chuyện hiếm. Mỗi lần như thế, báo đài đều công khai đính chính để tránh bị đối thủ cạnh tranh lợi dụng làm giảm uy tín, giành thị trường.

Sự trung thực được bảo đảm bởi chính động lực “kim tiền” VÀ truyền thông độc lập, tự do cạnh tranh chứ không phải vì những giá trị người Việt vẫn nói mãi đến nhàm. Liêm chính, “đạo đức nghề nghiệp” không phải là nguyên nhân mà là hệ quả của chất lượng nghề nghiệp cao do sự độc lập, tự do cạnh tranh và thái độ “kim tiền”.

Ngày nay nhiều người vẫn lo ngại, một mối lo chính đáng, về tương lai của truyền thông Mỹ vì sự thiếu cạnh tranh và hoạt động độc lập do hoàn cảnh kinh tế. Không mấy ai nghiêm túc lo ngại về đạo đức của nhà báo (có thể ngoại trừ những người tin vào “alternative facts”).

Dĩ nhiên đây là chuyện nhàn đàm khi nói về thực tế ở quê nhà. Việt Nam không có một nền báo chí đúng nghĩa, không xứng đáng được liệt danh cùng hàng ngũ quốc tế là “quyền lực thứ tư” mà chỉ là cơ quan tuyên truyền. “Nhà báo nói láo ăn tiền” là một câu nói đùa xưa nay của người Việt. Nguyên nhân không phải vì nhà báo Việt chạy theo “kim tiền” hay thiếu đạo đức hơn ai. Tôi xin nhại theo một câu nói nổi tiếng về anh hùng dân tộc để thưa rằng chỉ có một dân tộc u muội và bất hạnh mới kêu gọi và trông chờ vào đạo đức của nhà báo, bác sĩ, thầy giáo, quan chức… (hay của bất cứ ai trước những cám dỗ trong xã hội).

Thay vì lại nói về những điều hiển nhiên đến nhàm như là sự thối nát của chính quyền và thể chế độc đoán nói chung, tôi muốn nói đến trách nhiệm của người tiêu thụ sản phẩm truyền thông.

Tin tức không phải lúc nào cũng giật gân, có sức thu hút người xem. Đây là điều may cho xã hội (tin được chú ý thường là tin xấu) nhưng bất lợi cho kinh tế của truyền thông. Bù vào đấy, những bài bình luận, quan điểm “nảy lửa”, “sắc sảo”... có thể được sáng tác theo nhu cầu của độc giả. Viết hay và viết đúng trở nên lẫn lộn vì “đúng” ở đây tùy vào chủ quan, cũng như “hay”. Tất cả những bài này đều mang tính “định hướng quần chúng” vì muốn thuyết phục người đọc theo quan điểm của người viết. Đây là một hoạt động mà tự nó không có gì gian trá. Người đọc cần đòi hỏi sự minh bạch nơi người viết thay vì đòi hỏi “liêm chính” hay gán ghép động cơ bất hảo cho người viết.

Liêm chính là một khái niệm đạo đức thường nhạt nhòa cho cả người đọc và người viết trước ánh sáng của “kim tiền”. Minh bạch - khai rõ nguồn tài trợ và quan hệ, nếu có, với đối tượng của bài viết - là một đòi hỏi cụ thể có khả năng kiểm chứng. Người đọc không cần phải nghi ngờ và người viết cũng phải cân nhắc để tránh cảnh tình ngay lý gian có ảnh hưởng xấu đến giá trị của chính mình.

Đây là một đòi hỏi bình thường trong mọi nền báo chí tự do, nhưng tôi e rằng nó vô nghĩa ở Việt Nam. Khi báo chí tự do không được phép tồn tại hay hoạt động độc lập thì truyền thông chỉ là cơ quan tuyên truyền của chính quyền. Nhà báo nhận tiền làm PR cho doanh nghiệp thì phỏng có khác gì ăn lương làm theo lệnh của chính quyền. Người đọc không thể vừa chấp nhận sự lệ thuộc của truyền thông vào chính quyền vừa đòi hỏi nhà báo phải thánh thiện “liêm chính”.

Những nước độc tài không có “nhà báo” theo định nghĩa thông thường. Nhận xét chủ quan của tôi là ngành truyền thông Việt Nam chỉ có hai loại người. Đa số là những nhân vật chuyên công tác tuyên truyền, ca nhạc giải trí, đời sống văn hóa,  nghệ thuật văn chương vân vân và vân vân, vô thưởng vô phạt trong khuôn khổ được chính quyền cho phép. Đáng tiếc là vì hoàn cảnh mà những người này khó có thể được đồng nghiệp quốc tế coi trọng. Một thiểu số nhỏ thực chất là những chiến sĩ dám hy sinh tự do cá nhân để nói điều họ tin là đúng. Tôi nghĩ bất cứ một nhà báo Mỹ có lòng tự trọng nào cũng không dám đặt mình ngang hàng với họ vì cả thế giới phỏng có được mấy người như thế.

Nhàn nhạt phê phán đạo đức, đòi hỏi sự liêm chính, trong sạch không tham nhũng… dễ có được sự đồng thuận như tuyên bố “em yêu mẹ em”. Khó hơn nhiều, và có lẽ cũng nguy hiểm hơn nhiều, là lên tiếng đòi hỏi quyền tự do ngôn luận, đòi tự do cho những người bị giam cầm chỉ vì tiếng nói. Khi không có tự do ngôn luận thì kêu gọi đạo đức và liêm chính là một việc làm ai cũng đồng tình nhưng vô dụng như đã hiện rõ trong những năm qua. Thế nhưng tự do ngôn luận, báo chí tự do xem chừng vẫn là chuyện xa vời, có lẽ vì sự liên quan mật thiết giữa tự do ngôn luận, tự do báo chí và chế độ dân chủ. 

Theo phỏng đoán chủ quan của tôi, đa số người Việt vẫn chưa cảm nhận được giá trị phổ quát của tự do ngôn luận và dân chủ. Xem chừng họ dù vô tình hay cố ý vẫn đánh đồng sự đòi hỏi tự do và dân chủ với ý muốn lật đổ chính quyền hiện hành. Sự thật thì trong bốn mươi năm qua, một số Việt kiều ở Mỹ vẫn nuôi ảo tưởng “phục quốc” nhân danh tự do dân chủ. Tôi nghi ngờ họ không hiểu gì về tự do và dân chủ. Tôi cũng không ngạc nhiên nếu đa số người Việt không ủng hộ họ. Nhưng điều đáng tiếc là nhầm lẫn những người, những phong trào như thế và những tranh chấp, chém giết theo phe phái ở Trung Đông với tinh thần dân chủ, mỗi người dân một lá phiếu để quyết định chính sách chung một cách hòa bình cho những vấn đề khó khăn và phức tạp.

Một sự nhầm lẫn khác khiến người Việt nhìn quanh và thất vọng với lý tưởng dân chủ, nghi ngờ sự ưu việt của thể chế dân chủ, hay đặt điều kiện về dân trí để có dân chủ mà không “loạn” là quan điểm là “nhân dân luôn luôn đúng” hay “sự sáng suốt của nhân dân”. (Điều oái ăm khôi hài là chính nhà nước toàn trị lại chuyên hót những khái niệm ba láp này.) Không hề có cơ sở gì để tin rằng chân lý thuộc về đám đông. Hơn nữa, một quyết định khó khăn phức tạp như chọn tổng thống hay Brexit thì thế nào cũng có triệu người vui và triệu người buồn. Những vấn đề về phát triển kinh tế, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, chọn cá, chọn thép, chơi Mỹ, chọc Tàu vân vân đều là những đánh đổi không đơn giản.

Sự ưu việt của thể chế dân chủ nằm ở khả năng sửa sai, thay đổi vì lợi ích chung. Cơ sở của khả năng này không phải là lòng yêu nước thương dân, đạo đức liêm chính, thế giới đại đồng hay những giá trị văn hóa chủ quan không bảo đảm khác. Cơ sở của thể chế dân chủ chính là bản chất tự nhiên của con người: Không ai với hệ thần kinh bình thường lại muốn chọn lựa những điều mình tin là tệ hại cho bản thân và gia đình mình. Trong lịch sử cận đại của nhân loại hơn hai trăm năm nay, không hề có một xã hội dân chủ liên tục quyết định sai lầm, lụn bại vì dân trí thấp hay thiếu người anh minh lãnh đạo. (Ngược lại, dân trí cao như người Đức mà sơ hở để mất dân chủ là cũng điêu đứng ngay.)

Không tin vào dân chủ có nghĩa là tin vào sự lãnh đạo của một người hay một thiểu số nào đó. Đây cũng là niềm tin vào trí tuệ sáng suốt thấy được tương lai lâu dài và lòng thánh thiện của những nhân vật lãnh đạo. Một lần nữa, chỉ một dân tộc u muội và bất hạnh mới trông chờ vào minh chủ hay một thiểu số tinh hoa lãnh đạo.

Tác giả bài viết: Nguyễn Chánh, từ Hoa Kỳ