Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


ĐÃ ĐẾN, ĐÃ THẤY VÀ ĐANG “NGỘ”

(NCTG) “Cuộc chuyển giao dân chủ ở xứ này đã diễn ra cách đây 27 năm, nhưng cuộc chuyển mình thực sự ở xứ sở này dường như vẫn còn nhiều trở lực. Xem thế để thấy rằng, dân chủ dù ở bất kỳ góc nào trên trái đất này, đều không phải là bữa trưa miễn phí. Sự trả giá cho món quà đó của Thượng đế tùy thuộc vào sự thông tuệ, đức vị tha và lòng kiên nhẫn của các chính khách có tầm nhìn vượt thời đại”.
Tác giả trao đổi với Tướng quân Botz László, Chủ tịch Hội Hữu nghị Hung-Việt (người đứng giữa) - Ảnh: Trần Lê
Gần nửa thế kỷ, khi trở lại Đại học Tổng hợp Eötvös Loránd (ELTE) vào một ngày Thu cuối tháng 8, tôi đi như mộng du giữa thanh thiên bạch nhật. Khoa Ngữ văn và Triết học năm nào nay đã được chuyển thành Viện Thần học. Dẫn tôi về thăm lại “chốn xưa”, TS. Bùi Minh Phong, một Giáo sư người Việt giảng dạy tại ELTE, vừa tản bộ trên khu phố đi bộ chính Váci (Váci utca), vừa giải thích về những biến đổi “bể dâu” ở xứ sở biết bao thân quen nhưng vẫn lạ lẫm này. 

Theo GS. TS. Bùi Minh Phong, Hung đang “xài” tiền EU để tái xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng lại từ chối nhận người nhập cư do châu Âu phân bổ. Tổng thống Pháp Macron mới đây đã cảnh báo: “Hungary đừng coi EU như một quầy hàng tự động ở siêu thị, chỉ lấy các thứ bỏ vào giỏ mà không muốn trả tiền”. Vâng, quan hệ Hung-EU đang bước vào thời kỳ chớm căng thẳng... Trong chuyến đi quanh Châu Âu, ông Macron đã “lánh mặt” Hungary và Ba Lan, hai nước anh em vốn được coi là thân nhau nhất trong lịch sử.

Hung-Nga: Cái bề ngoài đánh lừa

Xe chúng tôi bị chặn trên đoạn đường vào nội ô, ưu tiên cho đoàn xe nhà nước đón quốc khách quan trọng trong ngày 28-8. Tổng thống Nga Putin tới Budapest bằng hai chuyên cơ đặc biệt. Ngược lại với quan hệ Hung-EU có vẻ như đang bị nguội đi, bang giao Hung-Nga lại nổi lên như một mô hình “thân hữu” những năm gần đây.

Tuy nhiên, cái bề ngoài ấy chỉ đánh lừa được các lữ khách. Lướt mấy bản tin nhanh, tôi ghi lại đây ý kiến của phân tích gia Jarábik Balázs từ Carnegie Endowment for International Peace, tại Washington: “Thủ tướng Hungary Orbán Viktor muốn lấy thể chế của Tổng thống Nga Vladimir Putin làm hình mẫu nhằm kiến tạo Hungary thành một nhà nước “phi tự do” (illiberális állam). 

Chuyến thăm Hungary lần thứ hai chỉ trong vòng hơn nửa năm của Tổng thống Nga, nhìn bề ngoài, là dấu ấn cho quan hệ nồng ấm của “bộ đôi” Putin-Orbán. Trước nay, Putin chưa bao giờ thăm hai lần bất cứ một thành viên nào của EU trong vòng 12 tháng. Nhưng nếu quan sát kỹ hơn, mối liên hệ giữa hai thủ lĩnh hàng đầu của mỗi nước thật ra không phải lúc nào cũng “cơm lành canh ngọt.

Dù Hungary đã quyết định phong “Công dân Danh dự” cho Tổng thống Putin… Và để giảm bớt sự nhòm ngó, truyền thông Hung đưa tin ông Putin chỉ thăm Budapest chớp nhoáng 6 tiếng đồng hồ. Mục đích chuyến đi cũng gói gọn trong việc Tổng thống Nga được mời sang để dự khai mạc Thế vận hội Judo. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Liên bang Nga lại công khai nhấn mạnh, ông Putin thăm Hungary theo lời mời chính thức của Thủ tướng Orbán Victor. 
 
Hai thủ lĩnh hội ngộ tại Budapest sau 7 tháng - Ảnh: index.hu
Hai thủ lĩnh tá​i hội ngộ tại Budapest sau 7 tháng - Ảnh: index.hu

Bối cảnh chuyến thăm chớp nhoáng này cũng được báo chí “săm soi” với chuyến thăm Hungary hơn nửa năm trước đây. Lúc bấy giờ, dư luận chú ý đến sức ép của EU đòi tiếp tục cấm vận Moscow. Giờ đây, giữa hai nước đang có các cuộc mặc cả sít sao xung quanh chuyện Nga giúp Hung mở rộng nhà máy điện hạt nhân ở Paks-2 (trị giá 12 tỷ USD). Theo Ngoại trưởng Hungary Szijjártó Péter thì mọi chuyện nay đã an bài.

Ngoài ra, chính sách “Hướng Đông” của Budapest cũng mới chỉ ở giai đoạn tuyên truyền là chính. Hơn nữa, việc lái con tàu Hungary của Thủ tướng Orbán theo hướng “phi tự do hóa” chưa hẳn là do Orbán muốn đi theo vết chân của Putin. Việc “bẻ lái” này được giới quan sát đánh giá là do truyền thống văn hóa chính trị của Hungary, nhất là từ hoài niệm về chính thể “độc đảng” trong cách vận hành đất nước theo một dạng “tân phong kiến(neo-feudalizmuznào đó.

Hung-Việt: Thử thách qua thời gian

Ngày 25-9 tới đây, chuyên cơ của Thủ tướng Orbán Victor sẽ đáp xuống sân bay quốc tế Nội Bài, góp thêm một chuyến công du nữa của lãnh đạo cấp cao Hungary thăm chính thức Việt Nam, vốn đang trở thành tập quán giữa hai nước trong những năm gần đây. “Quan hệ Hung-Việt đúng là một trong những bang giao đã được thử thách qua thời gian, bất chấp những thay đổi diễn ra trên thế giới, khu vực và mỗi nước”.

Nhận định trên được Đại sứ Nguyễn Thanh Tuấn khái quát trong diễn văn kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam tại Budapest, khi ông nói về quan hệ bền vững và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước đang không ngừng được củng cố và phát triển. Trao đổi với tướng quân Botz László, Chủ tịch Hội Hữu nghị Hung-Việt ngay tại sân Viện Bảo tàng Lịch sử Quân sự Hungary tối 1-9, chúng tôi cùng nhắc lại những kỷ niệm đầy tình nghĩa về những người lính và thường dân Hungary đã từng sát cánh cùng Việt Nam trong những năm tháng khốn khó thời chiến tranh.

Vẫn lớp lớp những hồi ức, câu chuyện với Bakos Ference, một bạn vong niên hơn 30 năm nay mới có dịp gặp lại, thật xúc động. Hơn 20 năm không mấy khi dùng, nhưng tiếng Việt của anh vẫn “chuẩn không cần chỉnh” như thời cả hai phải căng ra để dịch cho Kádár János và Lê Duẩn. Trước đó, trong đàm phán chính thức với các đoàn nhà nước, tôi thường dịch từ Hung ra Việt, còn anh thì ngược lại. Nhưng lần ấy, anh bảo tôi, Thắng hãy dịch ra tiếng Hung đi, để tôi dịch lời ông Kádár sang tiếng Việt, vì ông Lê Duẩn nói cực kỳ khó hiểu…

Lái kỷ niệm về “thì hiện tại”, Feri nhắc lại, sau chiến tranh, chúng ta từng thảo luận vì sao Việt Nam khó phát triển. “Anh nhớ không, tên của TBT Lê Duẩn, phát âm tiếng Hung thành ra “Le Zu-hon” (lezuhan, tiếng Hung nghĩa là “rơi tự do”). Vậy thì làm sao mà phát triển nổi? Chúng tôi cùng ngậm ngùi và liên hệ ngay tới sự phân loại của Ngân hàng Thế giới mới đây, từng xếp Việt Nam vào nhóm nước “không muốn phát triển”, khi so sánh lượng tiền ODA trong 30 năm đổi mới nhiều đến vậy với kết quả chưa tương xứng. 

Đang “ngộ” dần trong hy vọng

Trong bài diễn văn mới đây, Thủ tướng Orbán Victor nói rằng cuộc bầu cử Nghị viện Hungary vào mùa xuân tới sẽ là định hướng quan trọng đối với toàn châu Âu. Phe đối lập thật sự phải vượt lên các viên chức điều hành Cộng đồng Châu Âu từ Brussels và mạng lưới của Soros cùng với các phương tiện tuyên truyền đồng lõa. Những gì diễn ra ở Hungary sắp tới sẽ có ý nghĩa quan trọng, bởi vì một Hungary lớn mạnh hơn sẽ là một đóng góp chủ chốt trong việc ngăn chặn điều mà Orbán gọi là “sự suy thoái của Ki-tô giáo ở Âu châu”.
 
Ngay bây giờ chúng ta là tương lai của Châu Âu. Thủ tướng Orbán Viktor phát biểu tại Đại học hè và Trại sinh viên lần thứ 28 diễn ra ở Băile Tuşnad sáng 2-8
Ngay bây giờ chúng ta là tương lai của Châu Âu. Thủ tướng Orbán Viktor phát biểu tại Đại học hè và Trại sinh viên lần thứ 28 diễn ra ở Băile Tuşnad sáng 2-8-2017

Thật ra, khi diễn thuyết như trên tại Đại học hè và Trại sinh viên lần thứ 28 diễn ra ở Băile Tuşnad (Rumani) vào sáng 2-8-2017, Thủ tướng Orbán dường như đã quên mất bài diễn văn nổi tiếng của Thủ tướng Medgyessy Péter bên chiếc đồng hồ cát tại Quảng trường Anh hùng 13 năm trước đây, khi Hungary tham gia EU, trở lại với “ngôi nhà Châu Âu sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản.

Giờ đây, vị Thủ tướng ba nhiệm kỳ của một xứ 10 triệu dân đang độc diễn một quyền lực hầu như tuyệt đối. Và kỳ lạ thay, một dân tộc nhỏ bé đã từng trải qua ba làn sóng “di dân” trong suốt hơn 500 năm để đến được trung tâm Châu Âu, một dân tộc đã từng tình nguyện “cải đạo” để thực sự hội nhập với cộng đồng văn minh nhân loại, vị thủ lĩnh tối cao của dân tộc ấy, giờ đây đang từ chối những người nhập cư khốn khó vào một Châu Âu hiện đại.

Cuộc chuyển giao dân chủ ở xứ này đã diễn ra cách đây 27 năm, nhưng cuộc chuyển mình thực sự ở xứ sở này dường như vẫn còn nhiều trở lực. Xem thế để thấy rằng, dân chủ dù ở bất kỳ góc nào trên trái đất này, đều không phải là bữa trưa miễn phí. Sự trả giá cho món quà đó của Thượng đế tùy thuộc vào sự thông tuệ, đức vị tha và lòng kiên nhẫn của các chính khách có tầm nhìn vượt thời đại.

Liệu trong chuyến thăm Hà Nội tới đây, Thủ tướng Orbán Viktor có thật sự cởi mở để chia sẻ các nan đề mà ông đang đối mặt từ tận Trung Âu xa xôi và sục sôi đến những lãnh đạo Việt Nam, tại một xứ sở cũng đang hừng hực độ nóng trước các chuyển động ngầm về địa-chính trị ở Đông Á? Câu trả lời khó dự đoán có thể đến sau 25-9 này không?

Tác giả bài viết: Đinh Hoàng Thắng, từ Budapest