Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Cú đá của cảnh sát: LƯƠNG TÂM HAY ÁC NIỆM?

(NCTG) “Chạy xe coi thường tính mạng người khác đương nhiên phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, nhưng những người thi hành pháp luật cũng nên làm việc bằng lương tâm chứ không phải bằng ác niệm. Sự lộng hành của cường quyền đóng góp không nhỏ vào sự vô đạo đang giết chết đất nước này”.
Cú “giơ chân bật nhảy” đang gây nhiều tranh cãi - Ảnh chụp clip
Clip ghi lại hình ảnh một cảnh sát giao thông (CSGT) tung cước đá một nam thanh niên không đội mũ bảo hiểm chở một người khác trên xe máy chạy ngược chiều, khiến xe đâm vào dải phân cách làm cả hai người ngã văng xuống đường, đang làm rộ lên những ý kiến khen, chê trong công luận.

Trung úy Nguyễn Hoàng Anh, chủ nhân cú đá “thần sầu”, trả lời trên báo chí rằng đây chỉ là phản xạ phòng vệ” của anh: đơn thuần anh chỉ “giơ chân bật nhảy” khi chặn bắt người vi phạm, và việc các nạn nhân bị ngã là do “không làm chủ được tay lái” nên tự lao vào dải phân cách giữa và bị ngã.

Tạm bỏ qua những tình tiết cụ thể mà tùy từng người có thể có ý kiến khác nhau khi xem clip, thử đặt câu hỏi hành động của CSGT đúng hay sai?

- Nếu anh CSGT dùng mọi khả năng của anh ấy với mục đích ngăn cản hành động phi pháp của người đi xe máy mà hành động ấy có thể gây nguy hiểm cho người khác, thì anh CSGT đang thực hiện nhiệm vụ một cách chính đáng.

- Cùng một hiện tượng, nhưng nếu anh CSGT với mục đích thoả mãn cái ác trong người anh ta, bằng cách tung một cú đá “cho mày biết tay”, thì anh CSGT đã ngăn cản cái sai này bằng cách thực hiện một cái sai khác.

Cả hai khả năng trên đều có chung kết quả là anh CSGT, với cú đá chuẩn xác của mình, có thể đã góp phần giúp giảm bớt mối nguy cho người đi đường, nhưng bản chất hành động có sự khác biệt rất rõ.

Trong toán học thì dễ giải thích, xét 1 + 4 = 5 và 9 - 4 = 5. Cả hai bài toán này đều có “chung kết quả” là 5, nhưng “phép tính thì khác nhau”.

Mỗi người sẽ có cảm nhận khác nhau, nhưng nhìn cách mà anh CSGT thực hiện cú đạp chân, tôi cho rằng anh CSGT đang nằm ở trường hợp thứ hai, tức là anh ta đang thể hiện cái ác trong người nhiều hơn là thực hiện nghĩa vụ của một cán bộ CSGT.

Mặc dù kết quả, như chúng ta có thể lý giải, là anh CSGT góp phần giảm nguy cơ gây tai nạn của người lái xe ngược chiều cho những người khác đang tham gia giao thông.

Ở Mỹ có bộ luật Deadly Force, cảnh sát có quyền nổ súng, thậm chí bắn chết những ai mà họ cảm thấy có nguy hại cho xã hội. Bộ luật này cũng chịu nhiều sự tranh cãi, bởi vì không phải hành động bắn chết người nào của cảnh sát cũng đúng. Thế nên mới cần tòa án để giữ công bằng cho bất kỳ ai cảm thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm.

Ở Việt Nam, trong trường hợp cụ thể như vừa rồi, chúng ta chỉ có thể “cãi nhau” trên mạng, người nói đúng, kẻ nói sai, không biết đâu mà lần. Cách xử lý của chính quyền thì làm cho người dân càng mơ hồ hơn. Thực ra cách tốt nhất là ra tòa mà giải quyết, chứ tranh luận đúng sai chắc chắn là không có hồi kết.

Việc “giả sử như anh CSGT không đá cho hai người trên xe máy té ngã, thì họ có thể gây nguy hiểm cho những người đi đường khác” là kiểu lý luận khá mơ hồ, và thường không được chấp nhận ở một phiên tòa công chính vì không thể kiểm chứng, dù cho nó có khả năng xảy ra rất cao.

Chạy xe coi thường tính mạng người khác đương nhiên phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, nhưng những người thi hành pháp luật cũng nên làm việc bằng lương tâm chứ không phải bằng ác niệm. Sự lộng hành của cường quyền đóng góp không nhỏ vào sự vô đạo đang giết chết đất nước này.

Tác giả bài viết: Anh Thư, từ Sài Gòn