Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Cháy rừng Amazon: CẦN TỈNH TÁO NHẬN ĐỊNH VẤN ĐỀ

(NCTG) “Yêu môi trường, nhưng đừng yêu một cách mù quáng”.
Rừng Amazon cháy rụi ở vùng Boca do Acre, Brazil (ngày 24-8-2019) - Ảnh: Bruno Kelly (Reuters)
Trong những ngày vừa qua, dư luận dậy sóng với những hình ảnh rừng Amazon bị cháy, với hashtag #PrayForAmazonas (Cầu nguyện cho Amazon) được liên tục nhắc đến trên mạng xã hội, cùng với những nhận xét đầy bi quan về viễn cảnh môi trường của Trái đất. Mình không lên tiếng vội, vì linh tính có vài điều gì đó không thật trong vụ này.

1. Cẩn thận với hình ảnh.
 
ok

Đây là 2 trong những hình ảnh được lưu truyền nhiều nhất để “chứng minh” rừng Amazon bị cháy khủng khiếp như thế nào trong năm nay (2019). Nhưng người ta vừa mới bóc mẽ hai tấm ảnh này: ảnh bên phải là từ tháng 6-1989, còn ảnh bên trái đã được tạp chí “Nature” dùng trong một bài báo xuất bản vào năm 2012.
 
a2

Tương tự, hai tấm ảnh tiếp theo cũng không liên quan gì đến rừng Amazon bị cháy năm nay, nhưng vẫn được dùng tuyên truyền rộng rãi. Ảnh trên góc phải là của nhiếp ảnh gia Daniel Beltra chụp vào năm 2008 ở Brazil, và ảnh dưới góc phải là chụp vụ cháy tại Khu rừng Quốc gia Bitterroot ở bang… Montana (Mỹ).

Dường như cảm thấy hiệu ứng hình ảnh từ những đám cháy rừng vẫn chưa đủ, người ta còn thêm vào hình ảnh các thú rừng phải chịu khổ nạn như thế nào khi rừng Amazon bị cháy năm nay:
 
a3

Một lần nữa, ảnh khỉ mẹ khóc ngất ôm xác con là của nhiếp ảnh gia Avinash Lodhi chụp tại Ấn Độ, tháng 4-2016. Ảnh con thỏ bị cháy đen là từ vụ cháy rừng tại California, tháng 11-2018.

2. Cẩn thận với giả định “khu rừng già bao ngàn năm đang bị thiêu rụi” và cứ “cháy là do biến đổi khí hậu”.

Trên thực tế, theo như tờ “New York Times” đưa tin, đa số các đám cháy hiện nay là ở những khu đất được dùng cho canh tác nông nghiệp, những nơi mà rừng đã bị phá bỏ trong nhiều năm qua. Và những đám cháy này là do con người tạo ra chứ không liên quan nhiều đến biến đổi khí hậu. Đây là phương cách thường dùng của nông dân Brazil để chuẩn bị đất cho vụ mùa năm sau.

Tuy nhiên, các vụ cháy vẫn có thể trở nên trầm trọng hơn, thậm chí vượt ra ngoài tầm kiểm soát vì ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

3. Cẩn thận trước các trò chơi ném bùn nhau.

Hiện nay, tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và các tổ chức tranh đấu cho môi trường đổ lỗi cho nhau trong vụ cháy rừng Amazon này. Trên thực tế, điều mà ta cần quan tâm hơn là nạn phá rừng tại Brazil. Từ năm 2014, kinh tế Brazil bắt đầu đi vào suy thoái, và người ta phải dựa vào hai nông sản chính để xuất khẩu: đó là đậu nành và thịt bò. Rừng cây bị phá bỏ dần dần để lấy đất trồng đậu nành và chăn nuôi bò.

Sau khi Bolsonaro nhậm chức tổng thống vào đầu năm nay, người ta nhận định rằng ông này không những không bảo vệ rừng mà thậm chí còn khuyến khích phá thêm. Tuy vậy, chúng ta vẫn phải cần những số liệu thống kê chính thức vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau mới biết có bao nhiêu phần trăm là sự thật.

Bolsonaro cũng không chịu thua. Ông ta đổ trách nhiệm vụ cháy này lên các tổ chức bảo vệ môi trường, cho dù không đưa ra được bằng chứng nào.

4. Kết luận.

Chị ơi, đừng quá khắt khe chuyện hình ảnh!”, có bạn góp ý cho mình như vậy, ý bạn là những hình ảnh cháy rừng, những hình ảnh thương tâm của thú rừng, cho dù là “không thật” - theo nghĩa là hình ảnh lấy từ những sự kiện khác không liên quan đến sự kiện Amazon hiện nay - nhưng được lưu truyền với “thiện chí” thì chúng ta ít nhiều cũng nên nhắm mắt bỏ qua, bởi lẽ phải đăng tải những hình “cực mạnh” thì mới đánh động được lương tâm thiên hạ.

Mình không nghĩ vậy. Trong thời đại chiến tranh thông tin hiện nay, bất cứ một tai nạn hay một thảm họa nào cũng đều có thể lọt vào vòng xoáy của những tin giả. Người ta sẵn sàng dùng những hình ảnh thương tâm nhất để thao túng dư luận, người ta không ngần ngại gì thổi phồng một sự kiện từ con kiến thành con voi để mua lấy sự giận dữ của công dân toàn cầu.

Ở đây, đa số người đọc chỉ tiếp cận được những gì đang xảy ra tại Amazon qua hình ảnh. Đưa những hình ảnh không đúng sự thật lên, bị vạch trần, bao nhiêu người sẽ còn tin tưởng vào tính chính danh của chúng ta, vốn mang danh bảo vệ môi trường? Và những kẻ ở phía bên kia chiến tuyến, ngầm ủng hộ tàn phá rừng nào sẽ để ta yên, “đấy thấy chưa, bọn đạo đức giả bảo vệ môi trường chỉ được cái fake news là giỏi!”.

Con đường đi đến địa ngục được lót trải bằng thiện chí” (The road to hell is paved with good intentions) là như thế. Chúng ta dễ dãi với việc sử dụng hình ảnh thì cũng là đánh mất lợi thế hiếm hoi còn sót lại của mình.

Như vậy không có nghĩa là chúng ta bác bỏ mức độ nghiêm trọng của vụ cháy rừng Amazon năm nay. Nhưng cần phải tỉnh táo trước những bức ảnh thất thiệt lan truyền như virus, những tiêu đề gây sốt.

Yêu môi trường, nhưng đừng yêu một cách mù quáng.

Tác giả bài viết: Hải Lý, từ Canada