Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CUỘC XÂM LƯỢC VÀ SỰ "ĐỔI ĐỜI"

(NCTG) “Tôi chợt tự hỏi trong số hơn 10 ngàn người Việt sinh sống tại Ukraine, có bao nhiêu người quyết tâm ở lại để cùng người dân bản xứ bảo vệ mảnh đất thân thương này? Vì suy cho cùng, chính Ukraine đã cưu mang, bao bọc cho họ trong nhiều năm tháng của cuộc đời” - trăn trở của tác giả Lâm Bình Duy Nhiên từ Lausanne, Thụy Sĩ.
Ảnh: Valentyn Ogirenko (Reuters)
Từ hơn hai tuần qua, cả thế giới chỉ còn biết mỗi một sự kiện, mỗi một nỗi buồn, đó là cuộc xâm lược Ukraine của quân đội Nga.

Cơn đại dịch Covid-19 từng hoành hành cả nhân loại trong gần hai năm bỗng nhường bước lại cho cuộc chiến tại Ukraine. Truyền thông quốc tế huy động nhân lực và phương tiện để đưa tin về những trận đánh tại cửa ngõ của Âu châu. Bom, đạn và khói lửa chiến tranh, tưởng chừng chỉ còn là những ký ức lịch sử sau Đệ nhị Thế chiến, nay bỗng hiện về, gợi lại những hình ảnh đau thương và tang tóc…

Những ngày qua, hình ảnh của một đất nước Ukraine yên lành và xinh đẹp đã không còn nữa khi những cuộc không kích của Nga đã và đang tàn phá và huỷ diệt. Vượt lên trên tất cả mọi lý do hay nguyên nhân dẫn đến cuộc xâm lược tàn bạo, bị lên án quyết liệt bởi cộng đồng quốc tế chính là hình ảnh tang tóc của cả một quốc gia, một dân tộc. Gần hai triệu người Ukraine đã phải rời bỏ mảnh đất thân yêu để chạy nạn chiến tranh. Ba Lan, Hungary, Đức… đã mở rộng vòng tay tiếp nhận người dân Ukraine.

Nhiều quốc gia trong Liên Âu cũng đã thể hiện tinh thần đoàn kết và hỗ trợ nhân dân Ukraine trong thời khắc khó khăn.

Dư luận Châu Âu từng bàng hoàng trước bức ảnh của Aylan Kurdi, em bé 3 tuổi người Syria, bị chết, trôi dạt trên một bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ khi chạy nạn chiến tranh. Nay họ lại bị ám ảnh bởi hình ảnh của Valerij, 4 tuổi, cùng gia đình đi qua biên giới Ba Lan hay hình ảnh của một em bé 11 tuổi, một mình đi vào Slovakia, không cha, không mẹ…

Những người phụ nữ bồng bế con thơ, những người lớn tuổi, già yếu, đã bỏ lại tất cả tại quê hương để tìm đường sống. Chắc chẳng ai từng nghĩ đến cảnh tượng một ngày phải sống trong nỗi lo sợ của chiến tranh. Trớ trêu thay, đó lại là hiện thực.

Bất chấp phải đương đầu với một đội quân xâm lược hùng mạnh, người dân Ukraine vẫn kiên cường chống trả khiến cho cả thế giới ngưỡng mộ.

Sự anh hùng của nhân dân Ukraine còn là một tấn bi kịch khi họ đơn độc trong cuộc chiến quân sự bảo vệ chủ quyền. Thế giới không thể làm gì hơn để cứu giúp họ ngoài những biện pháp trừng phạt về kinh tế và ngoại giao. Cái chết bi hùng của một dân tộc dường như đã được báo trước…

Nhưng dẫu có thất bại, người dân Ukraine vẫn chọn cái chết hiên ngang để bảo vệ quê hương. 

Biết bao người Ukraine đã quyết định chọn con đường ở lại để chiến đấu. Họ, kể cả những công dân chưa từng cầm vũ khí, nay sẵn sàng bỏ lại tất cả, kể cả gia đình thân thương để cùng nhau quyết chiến với quân đội Nga.

Những ông bố ôm hôn con thơ, nói lời chia tay với vợ trên sân ga để nhập ngũ mà không hề biết tương lai ra sao. Những giọt nước mắt lăn dài trên má của những người mẹ tiễn con trai quay về bảo vệ đất nước. Những hình ảnh thảm khốc và bi hùng của một thời đại tưởng chừng không còn khói lửa chiến tranh.

Khi thủ đô Kyiv đang bị xiết chặt và phải hứng chịu những cuộc tấn công dữ dội bởi quân thù thì người dân tại đây vẫn bất khuất, đoàn kết chống trả. Họ không chịu lùi bước và đầu hàng. Đó chính là sự trả lời thuyết phục nhất cho lòng dũng cảm của nhân dân Ukraine mà chính Putin và cả thế giới đã đánh giá thấp.

Chính ông Vitali Klitschko, Thị trưởng Kyiv, đã tuyên bố: Kyiv không cần một Thị trưởng nữa. Kyiv cần một người chiến binh để bảo vệ đất nước. Chúng tôi chiến đấu cho những giá trị dân chủ.

Khi xem thời sự, thấy những người Ukraine từ các quốc gia khác tự nguyện quay về Ukraine để cầm súng chiến đấu, bất chợt con gái tôi đã hỏi: Ba ơi, nếu Thụy Sĩ bị chiến tranh, ba có đi lính để đánh giặc không?.

Tôi bất ngờ trước câu hỏi của đứa bé 11 tuổi. Tôi thừa biết khả năng mảnh đất này bị chiến tranh là rất thấp, tôi có thể đưa ra một câu trả lời cho có, gọi là lấy lệ cũng chẳng sao nhưng tôi cảm thấy cần phải trả lời cho con một cách thành thật nhất.

Nhìn con gái, tôi nói ba sẽ ở lại và đóng góp sức lực của mình để chung tay bảo vệ nơi này. Con biết vì sao không? Đơn giản vì mảnh đất này đã cho ba quá nhiều điều, từ tri thức đến hạnh phúc gia đình nhưng trên tất cả, nó đã mang lại cho ba những giá trị Tự do đúng nghĩa mà ba luôn luôn khao khát có được trong cuộc đời.
 
Ảnh: Evgeniy Maloletka (AP)
Ảnh: Evgeniy Maloletka (AP)

Tôi thật sự cảm động khi lần đầu nhắc đến những gì mà mảnh đất này đã cưu mang tôi. Nó không đơn thuần chỉ là một chốn dung thân của một kẻ tha hương. Đó chính là quê hương, nơi tôi phải có trách nhiệm bảo vệ nó như nó từng bảo vệ chính bản thân tôi.

Đó cũng lời tâm tình của kẻ từng phải bỏ tiền đúc lót để khỏi đi nghĩa vụ quân sự tại quê nhà. Khẳng định bổn phận và trách nhiệm của một công dân đối với đất nước đón nhận mình là điều cần thiết vì đó là lương tâm của bản thân mình. Nghe có vẻ quá dễ vì tôi đang không phải chạy nạn chiến tranh như hàng triệu người khác.

Nhưng khi nhìn thấy hình ảnh điêu tàn của dân tộc Ukraine, thấy lòng quả cảm của người dân tại đây cũng như nhiều thông tin về những cuộc chạy nạn của đồng bào người Việt tại Ukraine, tôi không khỏi chạnh lòng.

Cũng như bao người bản xứ, nhiều người Việt phải bỏ lại cuộc sống thanh bình tại đây để thoát khỏi bom đạn chiến tranh. Họ ra đi là điều dễ hiểu nhưng gần như cùng lúc với chiến tranh là những cuộc “đổi đời” của không ít người đang sinh sống tại Ukraine. Họ tìm mọi cách “tháo chạy” đến những quốc gia Châu Âu.

Phải là những nước thật giàu có. Không phải là Ba Lan nhân đạo hay có khi ngay cả nước Đức phồn thịnh, họ muốn chọn Anh, Thuỵ Sĩ hay Bắc Âu. Dường như đã có những đường dây đưa người đi tỵ nạn đến những quốc gia giàu có. Dẫu không có giấy tờ hợp pháp tại Ukraine nhưng họ vẫn muốn tận dụng chiến tranh và sự nhân đạo của Châu Âu, dẫu có vi phạm pháp luật, để được vào các nước Châu Âu.

Nhiều người Việt vẫn tự tin rằng một khi đã bước chân vào lãnh thổ quốc gia nào đó thì họ sẽ ở lì lại luôn. Họ sẽ tìm mọi cách để “hợp thức hoá” giấy tờ bằng những chiêu trò rất Việt.

Cứ xem những thông tin, thậm chí những mánh khoé của nhiều người nhằm tìm đường lách luật thì chúng ta có thể hiểu rằng sự tang tóc của dân tộc Ukraine lại chính là cơ hội may mắn của không ít người Việt. Đáng buồn thay!

Cách đây gần 3 năm, 39 thi thể người Việt chết trong container tại Essex (Anh Quốc) đã làm chấn động dư luận. Ngày nay, khi Ukraine bị xâm lược, đó lại là một “cơ hội”, ít hiểm nguy, cho nhiều người muốn chạy vào Anh dưới chiêu bài “tỵ nạn chiến tranh”.

Tôi chợt tự hỏi trong số hơn 10 ngàn người Việt sinh sống tại Ukraine, có bao nhiêu người quyết tâm ở lại để cùng người dân bản xứ bảo vệ mảnh đất thân thương này?

Vì suy cho cùng, chính Ukraine đã cưu mang, bao bọc cho họ trong nhiều năm tháng của cuộc đời.

Nhưng chắc có lẽ ít ai chịu ở lại để đón chờ cái chết vì một Ukraine như những người dân anh hùng, bất khuất và kiên cường của xứ sở này.

Tôi tin rằng những người Việt ra đi, chắc chắn họ có lý do chính đáng và không ai có thể đánh giá hay phê phán cho những quyết định đó. Có thể họ đã phải suy tư nhiều để rời khỏi quê hương Ukraine.

Nhưng tôi vẫn thầm mong rằng, ai đó đang “tranh thủ” những thời khắc tang thương của dân tộc Ukraine để được “đổi đời”, để phủi tay trước những công ơn mà mảnh đất này từng mang lại cho họ, hãy bớt vô cảm và ích kỷ trước nỗi đau của người dân tại đây.

Hãy bớt kháo nhau những thông tin sai lệch về chính sách nhận người Ukraine tỵ nạn chiến tranh của các quốc gia thuộc Liên Âu. Hãy thôi tự hào về sự thông minh khi lách luật và qua mặt các chính phủ Phương Tây để đạt được mục đích tỵ nạn chiến tranh khi mà họ đã không còn bị bom đạn uy hiếp.

Hãy chia sẻ đôi chút với người dân Ukraine, nạn nhân chính của cuộc xâm lược tàn khốc. Họ xứng đáng được thế giới đón nhận và giúp đỡ.

Người Ukraine chạy nạn thường là phụ nữ, trẻ em. Họ vẫn giữ một niềm tin sớm được quay về quê hương khi chiến tranh chấm dứt, như lời của bà Karin Keller-Sutter, Bộ trưởng Liên bang Thụy Sĩ. Đó là những hình ảnh đau thương khiến cho nhân loại cảm thông và ra sức giúp đỡ.

Hình ảnh ấy khác lắm so với hình ảnh nhiều gia đình người Việt đang tìm mọi cách đổi đời từ trong khói lửa chiến tranh tại Ukraine.

Dường như chiến tranh là sự bất hạnh cho dân tộc Ukraine nhưng lại là một cơ hội “có một không hai” của không ít người Việt. Đáng buồn và đáng trách thay!

Tác giả bài viết: Lâm Bình Duy Nhiên, từ Lausanne (Thụy Sĩ)