CUỘC SỐNG VÀ NHỮNG HOÀI NIỆM
- Chủ nhật - 04/07/2010 04:06
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Những hình ảnh như thế này, biết đâu, mươi mười lăm, năm nữa cũng sẽ trở thành hoài niệm… - Ảnh: Phố hoa Hà Nội, Tết 2009 (Trần Lê, NCTG)
Chị ạ, đọc bài viết của anh Linh Vũ, rồi đến những gì chị viết, bỗng dưng em thèm được về nhà…!
Đương nhiên, nếu lời nói ấy thoát ra từ cửa miệng cô bé tuổi đôi mươi, tóc còn vương mùi giấy mực, vì lý do gì đó phải sống xa gia đình, thì chẳng có gì để lạm bàn. Còn ở đây, em đã đi được nửa đời người. Đã có thứ cơ bản nhất mà hầu hết con người ai cũng cần: một mái ấm với người đàn ông mình yêu thương, một mầm xanh để chăm lo vun bón.
Chị biết đấy, bao nhiêu đó đã chiếm gần hết thời gian, sinh lực cũng như trí lực, thì việc “nhớ nhà” (khi mình đã có mái nhà của riêng mình) giữa bộn bề lo toan, lại không phải vào dịp lễ tết nào cả, thì quả là rất lạ..
Chị làm em suy tư nhiều về những thứ ta gọi là “hoài niệm”. Đôi khi em cũng tự hỏi, thật ra ở nơi chôn nhau cắt rốn kia có còn như xưa đâu mà ta vẫn luyến nhớ và vẫn muốn quay về? Em tự giải thích với chính mình rằng: bởi còn cha mẹ, anh chị, họ hàng, mồ mả tổ tiên.
Nhưng chị ạ, em biết có những người dù không còn bất kỳ người thân nào ở nơi gọi là “quê hương”, họ vẫn nao nao nhớ về chốn ấy và vẫn khao khát được quay về. Vậy thì sợi dây huyết thống rõ ràng không phải là tất cả trong những thứ mang tên “hoài niệm” ấy. Ở đó còn nhiều điều khác nữa, mà ta không thể gọi tên…
Và em nghĩ, hoài niệm ở bản thân mỗi người có hình dáng khác nhau. Sự khác biệt đó càng bộc lộ rõ ở sự cách biệt về thời gian, sự cách biệt giữa thế hệ này và thế hệ khác. Có phải vì vậy mà em gái của chúng ta và các bạn cùng lứa không có trong lòng một Hà Nội ba mươi sáu phố phường với mái chùa cong cong, phố màu rêu rũ, cô gánh hàng hoa... như các thế hệ cha anh.
Nhưng có lẽ những điều (không giống bao thế hệ trước) mà các em ấy đang mang trong lòng về Hà Nội, đang dần (hoặc đã) trở thành hoài niệm. Em chắc rằng mươi mười lăm năm nữa - khi Hà Nội đổi thay, con người đổi thay - và biết đâu, các em ấy sẽ không còn sống tại Hà Nội nữa, thì chính những điều đó, vô hình nhưng lại mang giá trị thiêng liêng gắn kết giữa họ với mảnh đất gọi là “quê hương”.
Chúng ta sống và yêu - phần lớn mọi thứ đều nhờ vào “hoài niệm”. Thi thoảng, khi về quê, em vẫn mong tìm lại con đường đê ngập ngõ tối, rặng trâm bầu với đầy tiếng dế kêu, cánh đồng trơ hoác gốc rạ sau mùa cấy, và những con diều giấy thong dong trong tay lũ trẻ lắm bùn. Nhưng có còn đâu?
Quê hương em đã thay đổi hoàn toàn. Em chỉ còn thấy nhà nối tiếp nhà, chợ nối tiếp chợ, quán nhậu nối tiếp quán nhậu, và những con người ăn mặc bóng nhoáng đi trên những con xe bóng nhoáng... Nhưng em vẫn mong trở về đấy thôi! Vì điều gì? Em chắc rằng chị đã biết...
Có những điều... khi đã trở thành hoài niệm thì không bao giờ mất đi. Và hoài niệm không phải là thứ mà ta có thể bắt chước hay vay mượn của ai đó. Nó tự thân đến sau một quá trình sống, yêu thương và gắn bó lâu dài. Nên em muốn nói rằng hoài niệm cũng đến tự nhiên như việc mình “hít thở”. Đó là cảm giác thật sự của em mỗi lần nhớ về quê hương, cha mẹ, bạn bè, mỗi lần “vội vã trở về, vội vã ra đi…”
Con người, thật ra không thể “được sống” trọn vẹn nếu thiếu đi những hoài niệm. Nên đôi khi, dù ta biết mình đang dùng hoài niệm như một tấm khăn lụa hoàn mỹ để phủ lên thực tại ghẻ chốc hay hoang tàn, thì nó vẫn được chấp nhận. Có phải vì ngay trong sự chấp nhận ấy, con người đã nuôi ước mơ... mong một ngày thực tại có thể thay đổi tốt hơn và hoài niệm sẽ chỉ là một phần đời được nhắc đến lúc “trà dư tửu hậu” - một phần đời không thể quên, càng về già càng nhớ...
Cảm ơn anh Linh Vũ và chị, đã cho em một lần được viết lại những cảm xúc tưởng chừng đã cũ từ lâu..!