Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CỘI NGUỒN ĐỂ YÊU THƯƠNG

(NCTG) “Hãy bắt đầu từ những thỏa hiệp, chấp nhận các chính kiến khác biệt, với mục tiêu chung là cùng làm gì đó đóng góp cho sự thay đổi tốt đẹp của đất nước Việt Nam, cội nguồn yêu thương của mỗi chúng ta!”.
 
Phát áo No-U cho người tham dự biểu tình tại Warszawa chống chính sách gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông


Với nhiều người Việt làm ăn, sinh sống ở nước ngoài, quê hương Việt Nam luôn là cội nguồn để thương nhớ, là nơi có những tình cảm gắn bó sâu đậm nhất. Việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và mới đây xua ngư dân ra Biển Đông để tranh dành chủ quyền trong khu vực khiến cộng đồng người Việt ở nước ngoài dường như còn lo lắng hơn cả đồng bào ở trong nước.

Trong tháng 5-2014, các cuộc biểu tình chống chính quyền Trung Quốc đã được cộng đồng người Việt phát động ở nhiều thành phố lớn trên thế giới. Khi chính phủ Việt Nam còn chần chừ chưa đưa được ra bất kỳ một quyết định nào, thì cộng đồng người Việt ở Ba Lan - với nỗ lực lớn lao - vẫn tổ chức buổi biểu tình ôn hòa lần thứ hai, mong gây được sự chú ý của chính quyền nước sở tại và quốc tế đối với vấn đề Biển Đông.

Nhóm tổ chức đã quyên góp để in tờ rơi, đặt may cờ Ba Lan, cờ EU, bóng bay, áo phông in hình chim hòa bình, áo logo NO-U... Họ chủ trương biểu tình ôn hoà, không mang màu sắc chính trị, đảng phái. Tất cả mọi người, mọi màu cờ đều có thể tham gia với mục đích chung là phản đối Trung Cộng. Tuy nhiên, trong cả hai lần, “cộng đồng cờ đỏ” ở Ba Lan đều đã hứng chịu nhiều “búa rìu” của “phe cờ vàng”.

Xung đột “đỏ” - “vàng”

Những tranh luận không dứt về việc màu cờ nào được phép mang trong các cuộc biểu tình đã khiến nhóm tổ chức ban đầu phải tìm cách giải thích, sau thì đành buông xuôi bất lực. Trên các diễn đàn, “phe cờ vàng” sử dụng những lời lẽ thóa mạ nặng nề nhất dành cho đồng bào mang cờ đỏ và những người đã để cho cờ đỏ được giương lên. (Xin ghi chú thêm là thành phần chủ chốt của nhóm tổ chức là người Việt mang quốc tịch Ba Lan).

Đặc biệt, trong cuộc biểu tình phản đối Trung Cộng lần thứ hai tại Warszawa, có sự góp mặt của một phái đoàn dân sự gồm bốn thành viên do tiến sĩ Nguyễn Quang A dẫn đầu, nhân dịp đoàn sang một số nước Châu Âu (trong đó có Ba Lan) vận động cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Họ là những người đang miệt mài đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.

Tuy nhiên, trong lời phát biểu tại cuộc biểu tình, không hề nghe thấy họ kêu gọi tẩy chay lá cờ đỏ sao vàng, hay phát động đấu tranh vì những mục đích mà họ đang theo đuổi. Cùng bà con trong cộng đồng, họ đã hô vang những khẩu hiệu phản đối Trung Cộng, kêu gọi bảo vệ ngư dân Việt Nam...

Có thể đặt câu hỏi: đối với những nhà hoạt động cải cách cho Việt Nam, mục tiêu đấu tranh dân chủ để đất nước thay đổi tốt đẹp lên, hay đấu tranh dân chủ để lật đổ chính quyền hiện tại? Nếu đấu tranh dân chủ ở Việt Nam mà coi những đồng bào cờ đỏ sao vàng là kẻ thù, là đối thủ phải tận diệt, thì hoạt động dân chủ sẽ không bao giờ có chỗ đứng, sẽ bị chính người dân bài trừ.

Có hay không mâu thuẫn trong lòng xã hội? Có, và hiện tại số người bức xúc, mâu thuẫn với chính quyền là khá đông, nhưng một bộ phận không nhỏ vẫn có cuộc sống chấp nhận được, hàng ngày vẫn đi nhậu, đi cà phê, đi mua sắm, đi du lịch... Những bất cập trong xã hội với số đông là chuyện từ trước đến nay vẫn thế, họ bức xúc đấy, chửi đấy, nhưng không tìm cách thay đổi vì nghĩ khó thay đổi, nên thà là thích nghi (?) với chúng.

Phải chăng, lịch sử Việt Nam đã tạo cho con người Việt Nam tính cam chịu rất lớn, tính nhẫn nại rất phi thường, và cả tính bàng quan rất cao độ?

Chuyện “chính nghĩa”, “chính danh”

Với đại đa số người dân Việt hiện nay, chỉ chống giặc ngoại xâm mới là có chính nghĩa. Kể cả có bất đồng với chính phủ, hiện tại đa phần nhân dân vẫn muốn chỉ tập trung vào một mục tiêu duy nhất: đồng lòng ủng hộ chính phủ chống Tàu Cộng. (Tiếc thay, cho đến thời điểm này chính phủ Việt Nam chưa chứng minh một cách rõ ràng về quan điểm của họ trước họa ngoại xâm Trung Quốc...).

Khi “phe cờ vàng” hiềm khích đồng bào cờ đỏ là “ngu muội, u mê”, “không biết đường mà đi biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam, phản đối chính phủ thân Tàu”..., họ đã trộn lẫn mục đích đấu tranh chống ngoại bang của đồng bào cờ đỏ với đấu tranh xung đột ý thức hệ của cộng đồng cờ vàng. Họ hay nhắc tới tính chính danh của màu cờ, nhưng trong thực tế mọi sự dường như không như họ nghĩ.

Nếu người nước ngoài search tìm quốc kỳ Việt Nam trên mạng, họ chắc chắn sẽ thấy biểu tượng cờ đỏ sao vàng đầu tiên. Hiện tại, thế giới chỉ nhận diện Việt Nam bằng biểu tượng này. Khi ai đó cứ cố tình chứng minh là cộng đồng cờ đỏ là ngu muội, Đảng Cộng sản ở Việt Nam không có chính nghĩa, lá cờ đỏ là không chính danh, v.v… và tìm mọi cách để đưa lá cờ vàng vào trong nhận thức của cộng đồng cờ đỏ... thì họ chỉ tốn công vô ích.


Cờ đỏ cùng quốc kỳ Ba Lan và EU trước ĐSQ Trung Quốc tại Warszawa


Chừng nào chưa có được thay đổi tích cực nào hơn cho xã hội Việt Nam, tạo ra ích lợi thiết thực cho người dân Việt Nam, chừng đó số đông có thể vẫn yêu màu cờ ấy. Với cộng đồng đó, cờ đỏ đó đơn giản là biểu tượng của đất nước. Yêu nước là cảm nhận chủ quan nằm trong tiềm thức. Không ai có thể ép buộc người khác phải yêu nước theo một khuôn mẫu khác với những định hình mình đã có sẵn.

Yêu nước cũng không đồng nghĩa với yêu chế độ. Với cộng đồng cờ đỏ sinh ra và lớn lên sau biến cố 1975, họ không biết có màu cờ khác ngoài màu cờ hiện tại. Chửi họ là kém hiểu biết, không có kiến thức lịch sử cũng không làm cho họ công nhận cờ vàng ba sọc đỏ.

Cần những biến chuyển ra sao?

Việt Nam cần thay đổi cái cũ lạc hậu bằng cái mới tiến bộ, nhưng đồng thời phải đảm bảo được quyền lợi lâu dài, tốt đẹp hơn những gì mà đại bộ phận người dân đang được hưởng. Đấu tranh bạo lực hay đấu tranh ôn hoà? Nếu đấu tranh bạo lực thì khả năng là đại đa số người dân Việt Nam không ủng hộ. Đất nước Việt Nam đã trải qua bao đau thương, tổn thất trong các cuộc chiến. Người dân cần sự ổn định, hoà bình, để phát triển.

Đấu tranh ôn hòa thì phải có nguồn lực tài chính lớn mạnh cùng với nhóm lãnh đạo xuất chúng, có tầm nhìn chiến lược. Lãnh đạo phong trào đấu tranh dân chủ phải tập hợp được nguyện vọng của mọi tầng lớp trong xã hội, phải có khả năng thuyết phục quần chúng đoàn kết. Phải biết chấp nhận cả những nhóm bất đồng chính kiến. Phải đoàn kết mới có được sức mạnh.

“Phe cờ vàng” muốn ngay lập tức bài trừ cộng sản và toàn bộ quần chúng đứng dưới màu cờ đỏ sao vàng, e rằng chính họ sẽ bị cô lập. Thiết nghĩ, quê hương Việt Nam là của chung người Việt, dù là người được dung dưỡng dưới chế độ nào. Chế độ là nhất thời, đất nước và nhân dân là mãi mãi.

Hãy bắt đầu từ những thỏa hiệp, chấp nhận các chính kiến khác biệt, với mục tiêu chung là cùng làm gì đó đóng góp cho sự thay đổi tốt đẹp của đất nước Việt Nam, cội nguồn yêu thương của mỗi chúng ta! (*)

(*) Chủ đề này chính những đồng hương người Việt ở Ba Lan cùng quan điểm với tôi cũng đã bỏ cuộc tranh cãi từ lâu. Biết rõ mọi bất đồng trong vấn đề lựa chọn màu cờ không thể được giải quyết chỉ bằng tranh luận, nhưng tôi vẫn mong bằng những góp nhặt của mình góp phần nào lý giải cho những khác biệt mà cộng đồng cờ vàng không muốn chấp nhận ở những đồng bào mang cờ đỏ.

Đây cũng là một chia sẻ mang tính cá nhân, không phải là một bài nghị luận. Nên nếu có nhiều sai sót trong lập luận, mong độc giả lượng thứ!

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Thu Nga, từ Warszawa (Ba Lan)