Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CÓ MỒM ĐỂ LÀM GÌ?

(NCTG) “Tôi rất khinh những kẻ mang danh trí thức, người nổi tiếng mà chuyên nói ngược lại với suy nghĩ của đông đảo quần chúng, những sự việc sai lè lè ra họ vẫn cố tình bào chữa hoặc nói mát mẻ mỉa mai, công kích những người dám lên tiếng một cách thẳng thắn”.
Cá chết hàng loạt, người dân lâm vào cảnh cùng cực, nhưng với nhiều người đây là chuyện không cần quan tâm trên Facebook - Ảnh: vietnamnet.vn
Dạo này cứ vào mạng là bức xúc không chịu nổi - mà chả phải chỉ dạo này, lúc nào lên mạng cũng phải bức xúc vì chuyện gì đó, nhưng đỉnh điểm từ vụ cá chết hàng loạt thì một “cư dân mạng” là tôi không thể nào tránh được việc ngó Facebook một cái rồi lại buông vài câu than vãn chán đời.

Mẹ tôi lẩm bẩm: “Nói bé bé cái mồm, tai vách mạch rừng, nói thì giải quyết cái gì”. Được thể tôi lại càng nói to hơn: “Ơ hay mẹ này, có nói cũng không cho nói thì mồm sinh ra để làm gì, con thấy tức thì con nói, sao mẹ cũng sợ?”.

Mẹ tôi đã về hưu, ngoài 60 tuổi, bà cũng đọc “Bên thắng cuộc” hay “anhbasam” là tiến bộ ra phết đấy chứ, nhưng đọc thì để biết thôi, còn nói gì thì phải nói nhỏ trong nhà với nhau. Những chướng tai gai mắt ở xã hội này đương nhiên bà đều biết hết, chả lạ gì.

Mà lạ, ở cõi mạng này, bạn càng tỏ ra bức xúc vì những điều “bất cập” của xã hội thì bạn càng trở nên lạc lõng, cô đơn. Chả lạc lõng sao được khi mà đến 95% bạn ngoài đời thân thiết chả bao giờ than vãn gì trên mạng, như thể mọi thứ ổn thỏa ở mức cao nhất.

Với một số rất đông, cá có chết, rác có xả, ăn trộm bánh mì bị đi tù nhưng công an hà hiếp, bạo hành chết dân vẫn nhơn nhỡn... thì họ cũng chả thể hiện sự quan tâm, Facebook của họ phải là hoa, là đồ ăn, là selfie, là tắm biển, v.v...

Ừ thì chơi FB thế nào là quyền của mỗi người, nhưng đằng này họ lại hay tỏ thái độ với người bức xúc. Nào là “ôi dào, sao suốt ngày nói chuyện tiêu cực thế, viết gì hay vui phấn khởi cho đời nó tươi chứ?”, hay “chúng mày đi rồi nên thích nói gì mà chả được, bọn tao mà nói công an nó túm thì chết”.

Cũng không ít người thổ lộ “tao chả quan tâm chuyện chính trị chính em, lo nồi cơm nhà mình chả xong còn nói chuyện chính trị”. Hơn thế nữa, họ còn chê bai những ai hay có ý kiến phản biện là “suốt ngày bới bèo ra bọ, viết linh tinh”.

Gần đây, qua mấy vụ việc như chặt cây xanh, thảm họa cá chết, v.v..., nhờ có mạng xã hội đưa ý kiến người dân nên tạo ra nhiều áp lực tích cực đến các quyết sách của chính quyền. Mạng xã hội càng ngày càng khẳng định vai trò của nó, nhiều người nhận ra tiếng nói của họ không chỉ là đá ném nước sâu mà cũng góp gió thành bão.

Cá nhân tôi, rất trân trọng những “hot facebookers” đã dám nói ra những điều họ nghĩ để thể hiện chính kiến của mình, tác động tích cực lên ý thức của một bộ phận không nhỏ những cư dân mạng khác nhằm tạo sự thay đổi nào đó cho xã hội tốt lên.

Những người đó có thể là MC, nhà báo, nhiếp ảnh gia hay đơn giản chỉ là một bà mẹ “bỉm sữa” biết làm thơ, hay một chị giáo viên dám nói dám nghĩ dám “post FB”. Tại sao lại phải sợ sệt đến mức không dám thích hay chia sẻ các nội dung mình tâm đắc chỉ vì nó có vẻ “phản động”?

Hay đơn giản là bày tỏ một ý kiến, một thái độ cũng phạm húy, đụng chạm đến thế sao?

Ừ thì tôi cũng hiểu một số người không dám post gì nói gì vì công việc, vì bị nhắc nhở. Họ có quyền im lặng, tôi không đánh giá hay phán xét gì họ, nhưng hãy để cho người khác lên tiếng, đừng dèm pha nhắc nhở hay xa lánh những ai “mở miệng” bất chấp sự an nguy của bản thân.

Tôi rất khinh những kẻ mang danh trí thức, người nổi tiếng mà chuyên nói ngược lại với suy nghĩ của đông đảo quần chúng, những sự việc sai lè lè ra họ vẫn cố tình bào chữa hoặc nói mát mẻ mỉa mai, công kích những người dám lên tiếng một cách thẳng thắn.

Nhiều người bảo, quan điểm khác nhau thôi, có gì mà làm phức tạp lên, nhưng với tôi đây không chỉ là sự khác nhau đơn thuần về quan điểm mà là sự khác nhau về hệ giá trị. Nếu thế thì đành thôi, việc của ai người đó làm, cốt mình cảm thấy việc mình đang làm là đúng đắn dù có cô đơn lạc lõng.

Tác giả bài viết: Quỳnh Mai, từ Hà Nội