Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CÓ CÒN LÀ NƠI CHỐN CỦA LỄ HỘI?

(NCTG) “Chẳng nhẽ từ nay người tự do phải tự giam tù mình trong bốn bức tường và trong tư tưởng? Để dành bầu trời tự do ngoài kia cho cái xấu, cái ác và kẻ giết chóc thỏa sức tung hoành ngang ngược?”.
Kinh thành Ánh sáng phải chăng chỉ còn là ánh hào quang yếu ớt còn sót lại?
“Paris est une fete” là chủ đề của kỳ pháo hoa trong lễ hội 14-7 năm nay.

Có nên đi xem không đây? Năm nay lần đầu tiên Quốc khánh mình không đi đâu chơi xa. Vốn chả ham gì pháo hoa nhưng nghe đề tài này thấy có tí xúc động.

“Paris est une fete” (Paris là một lễ hội) là câu chắc ai sống ở Pháp đợt khủng bố tháng 11 năm ngoái đều biết. Đó là tên một tác phẩm của Hemingway, nhà văn Mỹ sống ở Pháp và viết tác phẩm này trong những năm đầu thập niên 20 thế kỷ trước.

Số là chỉ trong mấy ngày sau khi kênh truyền hình BFMTV phỏng vấn cụ bà Danielle, người đến đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân cuộc khủng bố, thông điệp hòa bình của bà đã được truyền đi và lay động khắp nước Pháp:

C'est très important d'apporter des fleurs à nos morts, c'est très important de lire plusieurs fois le livre d'Hemingway Paris est une fête”. “Nous sommes une civilisation très ancienne et nous porterons au plus haut nos valeurs. Nous fraterniserons avec les 5 millions de musulmans qui exercent leur religion librement et gentiment et nous nous battrons contre les 10 000 barbares qui tuent, soi-disant au nom d'Allah”.

(Rất quan trọng việc đến đặt hoa tưởng niệm những nạn nhân, cũng rất quan trọng đọc lại nhiều lần “Paris est une fete” của Hemingway. Chúng ta là một nền văn minh lâu đời và mang theo, trên tất cả, những giá trị của chúng ta. Chúng ta kết bằng hữu với với 5 triệu người Hồi giáo sống và theo tín ngưỡng của họ một cách tự do và thân thiện. Chúng ta đấu tranh chống lại 10 ngàn kẻ man rợ giết người - tự lấy danh nghĩa vì Thánh Allah).

Câu nói chống phân biệt và kỳ thị tôn giáo đầy tính nhân văn này không chỉ làm xúc động nhiều người, mà cũng khiến tác phẩm “Paris est une fete” ít được biết đến trước đây trở thành cuốn sách được tìm kiếm và mua tặng cháy hàng trong thời gian sau đó. Mình cũng tìm mỏi mắt ở thư viện nhưng không thấy!

Giờ đây “Paris est une fete” là một thông điệp hòa bình và tôn vinh Paris trong ngày lễ hội 14-7 này. Làm lòng mình không khỏi chùng xuống khi nghĩ về nó - đội Pháp không mang về lễ hội hằng mong đợi, lấy đi nước mắt của bao đứa trẻ, trời Paris sau 10-7 lại trở lạnh và âm u như cái không khí ảm đạm của buổi diễu hành sáng nay.

Paris có còn là chốn phồn hoa của lễ hội, của tinh hoa nghệ thuật, là Kinh đô Ánh sáng thu hút những nghệ sĩ hàng đầu thế giới, những năm tháng trước Thế chiến trong tác phẩm của Hemingway, nhà văn phản chiến và đa tình?

Có lẽ thực tế đã quá xa, dù ánh hào quang vẫn cố yếu ớt hắt lại?
 
*

Trên chuyến tàu cùng chồng con đi xem pháo hoa về, nghe tin dữ ở Nice. Cũng là những người như mình, vừa trở về hân hoan sau những phút chiêm ngưỡng màn bắn pháo hoa rực rỡ, bên những người thân, rất nhiều gia đình với con nhỏ... chào đón một kỳ nghỉ hè. Những đứa trẻ cũng như con mình, vừa trầm trồ “c'est plus que beau, maman” (còn hơn cả đẹp nữa mẹ ơi).
 
Nỗi sợ hãi có thể đẩy lùi văn minh nhân loại? - Ảnh: Vụ khủng bố ngày 13-7-2016 tại Nice (Pháp)
Nỗi sợ hãi có thể đẩy lùi văn minh nhân loại? - Ảnh: Vụ khủng bố ngày 13-7-2016 tại Nice (Pháp)

Họ cũng có thể là những thanh niên như bao nhiêu bạn trẻ đứng cạnh mình vừa nãy, giữa màn pháo hoa đã không khỏi xúc động mà cùng cất lời “Les Marseillais”, bài quốc ca vốn bi hùng nhưng hát lên giữa đám trẻ lại mang cái không khí khác tươi tắn và bay bổng hơn. Vừa đủ vút lên giữa đám đông trên cầu, không quá nặng nề để gợi không khí tưởng niệm.

Mình đã tự hỏi liệu họ có hát lên với tâm thế của những người trẻ với lòng tự tôn dân tộc đang trỗi dậy, để trong số đó sẽ chọn con đường cực hữu? Hát lên để tách mình ra khỏi những kẻ xung quanh, mang màu da và ngôn ngữ khác?

Quay lại nhìn họ, thấy họ dựa vào nhau mỉm cười, giọng hát lúc lên cao xuống thấp theo nhịp những bông pháo hoa phản chiếu trong mắt họ. Trên những gương mặt bừng sáng như những đứa trẻ, chỉ đọc được niềm vui đơn thuần trong không khí ngày hội.

Vậy mà, ở trên bờ biển phía Nam, những gia đình, những đứa trẻ, những thanh niên giống như chúng mình ở đây bên dòng sông Seine, chẳng trừ màu da, tôn giáo, lại chịu một kết cục khác cho ngày lễ hội chung!

Tự trách mình đã thiếu cẩn trọng khi ra đường tối nay, vì sức quyến rũ của “Paris est une fete”. Mình và những người thân yêu có thể chịu kết cục giống như gần 80 nạn nhân ở Nice kia! Hay mỗi người dân vô tội đều có thể trở thành một trong 300 người ở Baghdah, một trong hàng ngàn người làm nạn nhân của khủng bố mỗi năm trên thế giới?

Nhưng nghĩ lại, tự bao giờ nạn nhân phải tự kết tội mình trước cả hung thủ? Phải trói mình thay vì còng tay tội phạm? Chẳng nhẽ từ nay người tự do phải tự giam tù mình trong bốn bức tường và trong tư tưởng? Để dành bầu trời tự do ngoài kia cho cái xấu, cái ác và kẻ giết chóc thỏa sức tung hoành ngang ngược?

Vẫn biết, lý tưởng tươi đẹp mà ta hằng tin và thực tế sợ hãi vẫn là khoảng cách lớn ngày càng bị khoét sâu. Nó có thể kéo cả một quốc gia lớn mạnh tự lựa chọn đóng chặt cửa ngõ nhà mình sợ hệ lụy. Nó có thể khiến những người trẻ chọn quay lưng với thế giới để co cụm trong niềm tự hào dân tộc cực đoan.
 
Thế giới sẽ đi về đâu? - Ảnh: Reuters
Thế giới sẽ đi về đâu? - Ảnh: Reuters

Khi văn minh nhân loại chỉ lớn lên bằng những cánh cửa mở và những cái bắt tay, thì trên thực tế, là những cánh cửa khép lại, những hàng rào dựng lên, những nòng súng chĩa vào nhau hay những kẻ láng giềng đòi thôn tính.

Thực tế này sẽ đẩy văn minh nhân loại về đâu? Làm sao vượt qua nỗi sợ hãi đến đánh mất chính mình này?

Tác giả bài viết: Bùi Uyên, từ Paris