Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHUYỆN VỀ NGƯỜI TỴ NẠN

(NCTG) “Khi một em nhỏ được hỏi “có người nước ngoài ở nhà trẻ không?”, em đã trả lời: “Không ạ. Ở nhà trẻ chỉ có trẻ con thôi”. Trẻ con vô tư và bao dung hơn người lớn chúng ta quá nhiều”.
Một chiều bình yên ở Passau
Thi thoảng tôi và bố chồng hay đàm đạo về chính trị sau khi đọc báo và nghe đài.

- Bố nghĩ gì về người tỵ nạn?

- Sau Thế chiến thứ 2, có rất nhiều người Ba Lan chạy sang Đức tỵ nạn. Sau bao nhiêu năm họ trở thành một phần quan trọng trong hệ thống lao động Đức. Ở làng mình cũng có hai gia đình người Ba Lan, sống ở trên đồi sau nghĩa trang đó con. Con cái họ thành đạt, toàn bác sĩ, kỹ sư và chẳng ai nhớ rằng họ là “người tỵ nạn” cả.

- Ở các thành phố lớn, chính quyền không đủ sức để lo cho người tỵ nạn nữa. Họ thậm chí đi gõ cửa nhiều gia đình để hỏi trợ giúp, nhất là về chỗ ở. Nếu có người của chính quyền gõ cửa và hỏi, bố có sẵn lòng giúp không?

- Bố sẽ giúp, với điều kiện đó không phải là IS hay khủng bố.

- Nếu là IS hay khủng bố, làm sao họ nói cho bố biết được?

- Ừ, đúng thế thật. Vậy tốt nhất là quyên góp đồ đạc, tiền hay làm các cách khác. Còn chỗ ở thì có lẽ đành phải chối từ.
 
*

Suy nghĩ của bố chồng tôi có lẽ cũng giống như rất nhiều người Đức khác. Họ đồng cảm và muốn giúp đỡ người nhập cư nhưng cũng sợ hãi vì với tình hình khủng bố phức tạp như hiện nay, chẳng ai dám chắc điều gì. Họ sẵn sàng giúp đỡ nhưng cũng dè dặt và thăm dò.

- Còn anh thì sao? Tôi hỏi chồng

- Nói thực, anh cũng rất phân vân, chưa biết nghiêng về phía nào. Một phần anh nghĩ tại sao họ lại tới đây mà không chấp nhận ở lại quê hương mình. Nếu ai cũng bỏ quê hương để ra đi, thế giới này sẽ lộn xộn hết cả. Một phần anh thử đặt mình vào hoàn cảnh giống như vậy, chắc chắn anh cũng làm như thế vì đó là bản năng sinh tồn của con người. Và tại sao chúng ta có đầy đủ mọi thứ trong khi những người khác đói nghèo, tại sao chúng ta cảm thấy khó chịu nếu phải chia sẻ miếng cơm manh áo với những người đang trong cảnh khốn cùng? Khi một em nhỏ được hỏi “có người nước ngoài ở nhà trẻ không?”, em đã trả lời: “Không ạ. Ở nhà trẻ chỉ có trẻ con thôi”. Trẻ con vô tư và bao dung hơn người lớn chúng ta quá nhiều.
 
Chiến tranh
Chiến tranh

Còn tôi thì sao?

Thực sự tôi không hài lòng khi nghĩ tới cảnh ra phố bỗng nhiên người đông nghìn nghịt, xếp hàng dài ở siêu thị hay bác sĩ. Hệ thống y tế của Đức luôn trong tình trạng quá tải thì nay chắc còn nguy cơ vỡ tung. Hệ thống phúc lợi liệu có được đảm bảo như trước? Rồi nguy cơ khủng bố.

Chính quyền có biết những khủng hoảng này không? Chắc chắn họ biết rõ.

Họ có biết có thể quân IS sẽ trà trộn? Chắn chắn là họ cũng đủ thông thái hơn chúng ta để lường trước nguy cơ đó.

Nhưng vì sao họ vẫn tiếp nhận người nhập cư?

Một xã hội văn minh là xã hội đặt vấn đề nhân đạo, vì con người lên hàng đầu. Người Đức trong lịch sử đã từng là những kẻ phân biệt chủng tộc. Nhưng giờ đây họ lại đang tạo ra một thế giới hoà hợp đa sắc tộc ngay trên mảnh đất đã từng là những lò diệt chủng người Do Thái.

Tôi cũng như bạn. Tôi cần có những người bạn để chia sẻ niềm vui, để leo trèo cây cối. Tôi cũng như bạn, muốn nhìn thấy cầu vồng, cũng có những lo lắng và sợ hãi để hiểu về thế giới này”.

Đó là lời bài hát được các em học sinh trường Albert-Gutzman Schule ở Berlin thể hiện, được phát trong chương trình buổi sáng ở kênh SAT 1.

Đúng vậy, tôi cũng như bạn, muốn có một cuộc sống hòa bình và yên ổn, những đứa trẻ được chạy nhảy, chơi đùa.

Tôi chợt nhớ tới ánh mắt của cậu bạn người Afghanistan khi kể về hành trình 14 ngày trên chuyến xe tải bão táp và chết chóc tới Châu Âu. Tôi nghĩ tới những giọt nước mắt vỡ oà của chị Amal, người Syria trong lớp học tiếng Đức khi kể về Aleppo bằng những từ tiếng Đức chắp vá: “Aleppo, kaputt, Bomb, mein Haus, kaputt, mein Auto, kaputt…” (Aleppo, tan hoang hết cả, bom, nhà tôi hỏng, ôtô hỏng…).

Có lẽ không ai muốn rời nơi chôn nhau, cắt rốn của mình trong hoàn cảnh như thế. Tôi may mắn sinh ra và lớn lên khi chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc. Nhưng thực sự chính những giờ phút này, lần đầu tiên tôi hiểu được giá trị của cuộc sống thanh bình.

Tôi khâm phục và tự hào về những gì nước Đức đang làm.

Tác giả bài viết: Hoài Vũ, từ Burgshwalbach (CHLB Ðức) - Ngày 15-9-2015