CHUYỆN "THUẦN PHONG MỸ TỤC" VIỆT NAM
- Thứ hai - 07/05/2007 05:09
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Gần đây, tôi phải nghe và đọc cụm từ "thuần phong mỹ tục" (TPMT) "hơi bị nhiều" trên TV và trên báo chí...
Nhận xét về thời trang ăn mặc của giới trẻ thời nay cũng là cụm từ này, nhưng có chữ THIẾU ở đằng trước.
Bình luận về vụ bắt mấy vũ trường, báo chi cũng "phán" rằng tuổi trẻ sinh hoạt vui chơi ở đây "không đúng với TPMT Việt".
Phê vào giấy xin phép mở một cuộc triển lãm ảnh nuy (nude) của một nữ nghệ sĩ trẻ cũng là "không cho phép vì ảnh thiếu TPMT dân tộc".
Vậy TPMT dân tộc là thế nào? Lấy mốc gì để so sánh? Lấy ba-rem nào để đánh giá? Bởi vì, nếu đã gọi một giá trị để đánh giá là tính DÂN TỘC thì không thể nào thay đổi được sao? "Phàm là" tính DÂN TỘC, trải qua hàng nghìn năm vẫn thế chứ?
Vậy mà tôi dám khẳng định rằng sự đánh giá về TPMT Việt thay đổi theo từng thời kỳ và tùy thuộc vào những người có quyền đánh giá, có quyền phê phán, có quyền "thả ra" hay "co vào"...
Vào thập niên 70 thế kỷ trước, có phong trào "cắt quần loe tóc dài" của thanh niên rất gắt gao. May quá, những năm đó tôi đang du học nước ngoài nên khi về nước tôi chỉ được nghe kể lại... Đầu mỗi con đường lớn đều có một cái bàn, quây quần quanh đó là "thanh niên xung kích" và lãnh đạo cùng công an phường; nếu bắt được "tay chơi" nào thì sẽ cắt cái quần loe tơi tả... như lá chuối bị bão xé rách, còn tóc thì bị... húi cua.
Nhưng đáng nói là bà con hai bên đường thì lại rất sẵn lòng cứu giúp bọn thanh niên tội nghiệp đó: hoặc là báo cho chúng biết các anh hùng đang "núp" ở đâu, hoặc là cho chúng chạy vào nhà tá túc, chỉ đường cho chúng chạy nếu bị truy đuổi gắt gao... Bởi lẽ, mọi người nhận ra rằng quần loe tóc dài thì đâu phải là vi phạm cái TPMT lâu đời gì? Và rằng cái thời đó các cụ đã mặc đồ Tây rồi, ai mà vận áo the khăn xếp có khi lại còn bị bắt vào tù vì nghi là "lưu luyến đồ cụ Lý trưởng", "phong kiến" cũng nên!
Khi tôi về nước là cuối thập niên 70. Áo pull, quần bò loe, sơ-mi bó chít lấy người tôi mang về đang là "mốt" ăn chơi của thanh niên trong nước. Đầu năm 1978, tôi được mẹ dẫn vào Sài Gòn gặp gỡ bà con họ hàng mà khi ấy mới biết nhau. Từ lúc tôi xuống sân bay Tân Sơn Nhất, mọi người không ai nghĩ tôi là "dân cộng sản Bắc Việt". Họ ngây thơ tưởng tôi trở về từ Mỹ. Chồng bà dì ruột tôi là em trai của mẹ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, các con bà đưa tôi đến nhà nhà nhạc sĩ để khoe người họ hàng đặc biệt này, và lúc đó tôi đã được nghe Trịnh Vĩnh Trinh hát.
Mốt ăn mặc đã không còn là vấn đề gì nhưng tôi không biết lúc đó đang cấm nhảy nhót. Thường thì nhân sinh nhật, ai đó đứng ra tổ chức liên hoan và mở nhạc lên nhảy (thời đó thanh niên nghe nhạc ABBA, "Boney M"..., chứ chưa có "Modern Talking", "Joy"... như sau này). Một lần tôi được người yêu đang là sinh viên rủ đi ăn sinh nhật một người bạn. Vô phúc làm sao, nhà người bạn ấy lại ở ngay sau sứ quán Pháp. Cả bọn khoảng hơn 20 đứa toàn là sinh viên đại học của các trường, chỉ có tôi là "cán bộ nhà nước" (chủ nhà cùng vài người nữa thì không đi học, cũng chửa đi làm). Chúng tôi đang ngồi hí hửng ăn bánh, kẹo, lạc rang và mở chai rượu trắng, nghe nhạc, sau đó vài đứa ra nhảy thì bỗng rầm rầm công an cầm súng chạy vào và bắt cả bọn ra xe về đồn Hàng Trống. Biên bản ghi: "Nghe nhạc không lành mạnh và uống rươu, nhảy nhót".
Chỉ vậy thôi nhưng chúng tôi bị quy là những thanh niên dại dột, vi phạm TPMT, sống "lai căng" nên bị nhốt hơn 10 ngày. Con trai thì bị nhốt với bọn trộm cắp, con gái thì bị nhốt chung với mấy chị cave, ngày ngày bị lôi lên hỏi cung. Cuối cùng chúng tôi cũng được thả, riêng cậu chủ nhà (tôi còn chưa kịp biết tên) thì bị 3 năm tù vì trong nhà cậu ta có những cuốn tạp chí Pháp (mà bây giờ bán ngoài đường nhan nhản, lúc đó gọi là "văn hóa phẩm đồi trụy"), và vì tội "tổ chức nhảy trái phép". Thật tội!
Khi trở về trường học, các sinh viên bị kỷ luật đúp 1 năm, có trường thì đuổi học vài đứa. Tôi cũng bị cơ quan kiểm điểm, cũng may từ viện trưởng cho đến trưởng phòng tôi đều là dân Tây học về nên họ rất thông cảm, thậm chí còn bắt tôi kể chuyện trong tù dạy mấy chị cave nhảy nhót thế nào, công an hỏi cung ra sao, sinh viên nhà ta trả lời thế nào? Để rồi cả hội cười ngặt nghẽo.
Nhưng buồn cười hơn cả là ông trưởng đồn ấy lập thành tích lớn nên được thăng chức, còn đến ngày 26-3 năm sau thì Trung ương Đoàn phát động phong trào các trường đại học tổ chức vũ hội trong sinh viên. Các "tội phạm" bị bắt năm trước, khi đó đều trở thành "hạt giống", phải ra nhảy "mồi" để "làm gương" cho các bạn khác.
Từ dạo ấy đến thập niên 90, cả nước các vũ trường mọc lên như NẤM sau mưa, chuyện nhảy nhót không còn bị đánh giá là "vi phạm TPMT" nữa. Dân trong nước tự hào là còn nhảy "sành điệu" hơn dân Tây học về, phong trào "quốc tế vũ" len vào tận các công sở, ngoài vườn hoa... Mọi người đều thấy tác dụng của nó là giải trí, vận động thân thể, giảm cân, là nghệ thuật để biểu diễn để đi thi quốc tế...
Trở về vụ New Century ầm ĩ mới đây, vũ trường này tồn tại đã gần chục năm và những tai tiếng về nó thì bây giờ "các cụ" bảo biết hết: biết rõ nó là tụ điểm ăn chơi của các đại gia, các thanh niên ăn chơi sa đọa, các người mẫu - diễn viên trong đường dây gái gọi cao cấp, nơi buôn bán ma túy, nơi mà các thanh niên trí thức, cán bộ công sở cũng có mặt. Nơi rượu Tây uống như... nước. Nơi mà các băng nhóm đến để thanh toán lẫn nhau... Ở đó, các cô gái mặc hở hang nhảy nhót thân hình uốn éo khêu gợi (nhảy không uốn éo thì không lẽ, người cứ đơ như cái cọc? - người viết bình luận). Là nơi mại dâm tại chỗ (bằng chứng là những bao cao su dùng rồi bị tịch thu tại trận, cùng những viên thuốc lắc).
Một nơi hang ổ như vậy, tối nào cũng có hơn ngàn thanh niên đến công khai làm những chuyên trái với TPMT (lần này cụm từ ấy lại thấy xuất hiện), "các cụ" đã biết tuốt, biết... tỏng tòng tong mà sao lại cứ để nó tồn tại bao năm? Hay để... dử cho nhiều nhiều mới bắt?! Hay... là nhân cớ này để đóng cửa tất cả các vũ trường ở trong nước, vì sự quản lý yếu kém của các cấp, các bộ các ngành?
Một tấm ảnh trong triển lãm “Closer” (bị từ chối tổ chức) của Nguyễn Kim Hoàng - Nguồn ảnh: talaGallery
Cô bạn nghệ sĩ trẻ của tôi chụp một xê-ri ảnh nuy rất đẹp và không hề dung tục, thô thiển hay gợi dục. Tôi đã xem trên mạng những bức ảnh ấy, và chẳng hề lấy làm ngạc nhiên khi cô xin phép làm triển lãm mà không được. Bởi vì trong thời điểm này, các cấp lãnh đạo an toàn nhất là phải giữ cái ghế của mình. Nghệ thuật bao giờ cũng có chỗ để cho người ta soi mói, bình luận mỗi người một kiểu... Cứ viện cái lý do từ chối "không phù hợp với TPMT Việt" là chắc, chả ai dám bắt bẻ!
Cô bạn nhỏ của tôi, chớ nản lòng! TPMT dân tộc ta thay đổi theo từng thời điểm, và cách đánh giá của con người cũng (phải) thay đổi!