Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHUYÊN KHÔN - DẠI TÌNH NGUYỆN

(NCTG) “Chê trách không rõ ràng, khuyên nhủ sinh viên nửa vời, để bố mẹ cấm con làm tình nguyện, thì đúng là vừa phụ nhiệt huyết của các em, không những thế còn hướng các em theo suy nghĩ thiên về “chọn việc nhẹ nhàng”, đẩy phần gian khó cho người khác. Ngồi máy lạnh tất nhiên là sướng, nhưng có thể các em đã bị tước đi cơ hội LÀM GIÀU về nhiều mặt!”.
Các tình nguyện viên tạo dải phân cách sống trước đường vào Đại học Thủy Lợi - Ảnh: Facebook
Mấy hôm nay, trên mạng xã hội Facebook rộ lên một số ý kiến như “mổ bò” về việc các bạn sinh viên tình nguyện làm thành dải phân cách sống dưới tiết trời nóng như đổ lửa để phân làn giao thông giữa mùa thi cử. Chủ đề này có lẽ không đến nỗi quá to tát để phải bàn luận nhiều, nhưng bản thân mình cứ nghe đến hai chữ “TÌNH NGUYỆN” là lại ngóng mọi tin tức như thể còn trẻ.

Trong chuyện này, mình thì nghĩ nên phân biệt hai vấn đề khác nhau: sinh viên làm tình nguyện và sự quản lý, chính sách xã hội của chính quyền. Cái nếu cần chê trách có lẽ là vấn đề thứ hai mà thôi.

Về hành động của sinh viên tình nguyện, minh nghĩ ai chê các em theo kiểu “chọn gì không chọn ra đứng đường”, “không hiệu quả”, “nhiệt tình thiếu suy nghĩ, sao không chọn việc khác, bớt hao sức nguy hiểm tính mạng...” là họ đã mất tinh thần tình nguyện rồi. Nhiều khả năng họ chưa làm tình nguyện bao giờ, hoặc đã bị cuộc sống bào mòn để quên mất một thời tuổi trẻ sôi nổi và nhiệt huyết có thừa.

Có những việc đã suy lên tính xuống vài lần, sợ thiệt hơn thì không còn là “tình nguyện” nữa. Mười tám, đôi mưa là cái tuổi để dấn thân, để học từ những vấp ngã và trải nghiệm. Những người toan tính sớm, hoặc mưu cao trí thâm hơn từ tuổi mới lớn, hay đơn thuần là không có cùng cách trải nghiệm đó, thì họ đã không chọn làm sinh viên tình nguyện. Vậy thì phán xét nhau thật là khập khiễng!

Hồi học cấp ba và sau đó, lên đại học, mình cũng có chút ít tham gia tình nguyện, mà hoạt động tình nguyện của sinh viên nói chung là bỏ thời gian và sức lực. Đi dạy trẻ là nhẹ nhàng nhất, còn đi dọn vệ sinh môi trường, nhổ cỏ nghĩa trang đều mệt, nặng nhất còn có đập đá làm đường cho bà con dân tộc miền núi.

Dạo đó, mình suy nghĩ đơn giản làm tình nguyện để giúp ai được gì thì giúp, nhưng sau này nghĩ lại thì thấy công việc tình nguyện đã giúp mình rất nhiều. Bản thân mình được hiểu thêm các giá trị của cuộc sống, tăng TRẢI NGHIỆM và CHIA SẺ hơn với những cảnh đời khó khăn. Bọn mình thực sự không nghĩ đến danh lợi hay chấm điểm thành tích, vì nếu muốn vậy thì cố ngoi lên làm lãnh đạo Đoàn bằng nhiều cách như kiểu ca hát hoặc tổ chức sự kiện đoàn thể còn khỏe hơn nhiều!

Mình nghĩ các em sinh viên tham gia tình nguyện ngày nay cũng có tâm niệm đơn giản vậy thôi. Hãy nhớ, các em mới chỉ ở tuổi mười tám đôi mươi! Có thể sau này nhìn lại, các em thấy mình đã làm những việc mất nhiều công sức mà hiệu quả không nhiều, nhưng ngay cả từ thất bại cũng dạy cho các em nhiều hơn là chẳng làm gì cả! Giống như dạy trẻ tập đi mà cứ nắm tay nó dắt đi đường bằng, đường tắt thì bao giờ nó đứng thẳng được và không gục ngã ngay sau cú vấp đầu tiên?

Vả lại, cái gì là Ý NGHĨA, là HIỆU QUẢ hơn, chúng ta không thể, hoặc khó phán xét vào vị trí của người khác.

Về mặt vĩ mô hơn (mà mình thấy đa số các ý kiến chê trách thường hướng vào), vấn đề ở đây là các hoạt động quản lý, tổ chức của các đoàn thể, giao thông và ý thức người tham gia giao thông. Lại vẫn là những chủ đề “biết rồi, khổ lắm...”, chuyện sinh viên tình nguyện lấy thân thể mình để phân làn giao thông cũng chỉ là một sự việc để nhấn thêm vấn đề, để chỉ thêm cái “lỗi hệ thống” lớn hơn mà thôi.

Qua năm tháng, giờ nhìn về nước ta và các nước nghèo, nơi chính sách xã hội không tốt hoặc không có, hoặc bộ máy quản lý kém cỏi, thì đương nhiên phải thấy rằng tình nguyện hoặc từ thiện là làm cái việc mà đáng ra ở những xứ văn minh thì phải thuộc trách nhiệm của nhà nước, phải bỏ tiền ngân sách nhà nước ra mà làm. Nếu lại giở lý do “nước ta còn nghèo”, “nước họ giàu chấp làm gì” thì cứ quẩn quanh chuyện con gà quả trứng - nước ta nghèo thì thế, hay nước ta thế nên nghèo?

Tìm hiểu hoạt động tình nguyện trong trường đại học ở các nước phát triển thì thấy có hai mảng:

- Một là đi làm tình nguyện tại các nước nghèo, cũng như sinh viên Việt Nam (học y đi cùng các tổ chức y tế, học kiến trúc đi xây nhà cho dân..). Các tổ chức phi chính phủ hoặc các địa phương bảo lãnh, tổ chức, sinh viên đi cùng và có người quản lý, chịu trách nhiệm, có bảo hiểm sức khỏe và thân thể. Sinh viên tham gia phải trên mười tám tuổi và ký cam kết chịu trách nhiệm về hành động tham gia của mình (dưới mười tám cũng được nhưng phải có giấy tờ cho phép của bố mẹ).

Đồng nghiệp cùng chỗ mình thực tập vừa về từ chuyến đi tình nguyện xây nhà ở một vùng hẻo lánh ở Nam Phi. Hơn ba mươi tuổi đầu rồi, nhưng vẫn hớn hở chia sẻ cảm xúc hơn đứa trẻ. Rồi nghe mình nói chuyện hụt chuyến đi tình nguyện cũng ở Châu Phi, mấy đứa xung quanh cổ vũ “để con cho chồng vài tuần rồi đi lại đi”. Tuổi làm tình nguyện ở đây xem chừng không có giới hạn!

- Mảng thứ hai là làm tình nguyện tại nước sở tại, ví dụ tham gia các hoạt động về di sản, bảo vệ môi trường. Cũng hoạt động chân tay cả thôi, nhưng thường mang tính chất một dạng đi “thực hành” về một chủ đề nào đó (ví dụ ai học ngành kiến trúc có thể ra công trường phục chế một bức tường thành cổ).

Còn rất nhiều thể loại khác như giúp đỡ việc nhà cho người già neo đơn, vận động xin tiền cho các quỹ (bạn nào chê sinh viên tình nguyện Việt Nam xin tiền như ăn xin mà sang đây xem họ đứng đường bám từng người để xin vài phút nói chuyện về các quỹ nhân đạo, trông ra còn “thảm” hơn ta nhiều).
 
Các bạn trẻ có đáng bị chê trách? - Ảnh: Facebook
Các bạn trẻ có đáng bị chê trách? - Ảnh: Facebook

Đầy hoạt động mang tính thời điểm cũng “đứng đường” cả, mưa hay nắng thì “ăn may”, miễn là có dự trù và trang bị đầy đủ, đội cứu thương cứu hỏa đừng chầu chực sẵn nhỡ có biến. Nhưng quả thật mạng người ở đây quý hơn, nên việc gì nguy hiểm thì người ăn lương, có chuyên trách đứng ra làm, tình nguyện viên chỉ làm những việc an toàn hơn thôi.

Đặc biệt, nếu làm từ thiện bằng tiền của sẽ được nhà nước bồi hoàn lại 75% trừ ngược vào thuế thu nhập (trong giới hạn nhất định, tránh rửa tiền). Làm hoạt động xã hội, tình nguyện nếu số giờ lớn sẽ tính phần trăm (%) vào năm hưu trí. Điều này cho thấy quan điểm của nhà nước là nhân dân không phải tham gia từ thiện bằng tiền túi, không làm hoạt động xã hội mà không được ghi nhận, mà nếu muốn làm thì nhà nước sẽ hỗ trợ, sẽ đền bù phần nào.

Thế nên, đừng nên nhập nhằng hai chuyện: hành động tình nguyện của sinh viên và các vấn đề xã hội, sự quản lý của chính quyền để “đẩy các em ra đường”. Chê trách không rõ ràng, khuyên nhủ sinh viên nửa vời, để bố mẹ cấm con làm tình nguyện, thì đúng là vừa phụ nhiệt huyết của các em, không những thế còn hướng các em theo suy nghĩ thiên về “chọn việc nhẹ nhàng”, đẩy phần gian khó cho người khác. Ngồi máy lạnh tất nhiên là sướng, nhưng có thể các em đã bị tước đi cơ hội LÀM GIÀU về nhiều mặt!

Điều cần thiết ở đây là việc tổ chức hoạt động tình nguyện sao cho hiệu quả hơn, thực chất hơn, tránh rủi ro, đảm bảo an toàn cho các em (trước mắt rút ngắn thời gian, luân phiên, giảm người...). Người tham gia giao thông cũng nên có ý thức hơn, chứ cứ chen lấn nhau đi nhanh một chút, chui vào đâu đó mát mẻ rồi lướt FB kêu ca “sao các em ấy dại thế, đứng nắng?”, có bao giờ soi lại mình không?

Ít nhất chưa thúc đẩy được nhiều cho tiến bộ xã hội, đơn thuần để lo an toàn cho các thí sinh cùng các vị phụ huynh ngồi vỉa hè dưới trời nóng 45 độ đợi con, thì việc tuyên truyền biện pháp phòng bị và cách chống say nắng - như các bạn thuộc nhóm “Vì một Hà Nội Xanh” đã làm - cũng đã là rất tốt rồi.

Có lẽ còn giá trị hơn rất nhiều so với mình ngồi đây và gõ những dòng này...

Tác giả bài viết: Bùi Uyên, từ Paris