Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHUYỆN CHẶT CÂY VÀ SỰ MINH BẠCH

(NCTG) “Niềm tin chỉ đến cùng với sự minh bạch. Minh bạch để dân hiểu, bàn luận, đóng góp. Minh bạch để dân kiểm tra giám sát. Minh bạch để chịu trách nhiệm cá nhân”.

Môt dự án không minh bạch, làm sao người dân có thể tin tưởng? - Ảnh: Internet


Người Hà Nội nào cũng có những kỷ niệm gắn bó với thành phố của mình. Tôi nhớ thuở cấp ba đã bao ngày đạp xe dưới những tán cây trên đường Phan Đình Phùng. Thời đại học thì vi vu trên đường Hoàng Diệu, chấp nhận đi vòng chỉ vì mê những hàng cây.

Chế Lan Viên đã viết: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở - Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”.

Cây không chỉ là cây. Cây là một phần tâm hồn của thành phố, của người thành phố. Chặt một cái cây là khoét đi một mảnh tâm hồn.

Thế nên người dân Hà Nội và những thành phố khác muốn biết, và với toàn bộ quyền chính đáng của những công dân thành phố, phải được biết những cây nào sẽ bị chặt.

Ông Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Đăng Long phát biểu với báo chí: “Câu chuyện cây trả lời rất nhiều nhưng tại sao vẫn cứ theo đuổi, là cố tình không chấp nhận ý kiến người ta,người ta nói việc chặt cây xanh rất minh bạch như vậy, anh cứ cố tình theo đuổi không tin người ta. Bây giờ anh có ý kiến và người ta đã trả lời rồi, rất nhiều người có trách nhiệm trả lời trên báo chí rồi”.

Tôi xin khẳng định rằng ông Phan Đăng Long nói không đầy đủ và không chính xác.

Lời phát biểu của ông mới được một vế vì ông chỉ nói sẽ chặt cây nhưng không nói nếu chặt sai thì phải làm sao. Mà muốn biết chặt sai hay đúng thì phải thăm cây lúc nó còn đó. Bằng không, đến khi chỉ còn cái gốc thì ai chứng minh được cây có “sâu mục”, “không đảm bảo an toàn” thật hay không? Cái lý đó, nghĩ rằng trẻ con cũng hiểu.

Thế nên việc chặt cây nhất thiết phải công khai trong cả hai công đoạn: lập kế hoạch và thực hiện. Kế hoạch phải cụ thể đến từng cây để người dân kiểm tra được. Phải công khai kế hoạch trước và dành thời gian để thảo luận, xác minh, thống nhất. Kế hoạch ổn rồi phải thực hiện cho đúng, không chặt thiếu hay thừa một cây.

Những buổi họp báo không thể mời toàn bộ người dân. Những bài báo, lời phát biểu chung chung không gói đủ thông tin. Chúng tôi, những người dân bình thường, cũng không thể lần mò trong rừng văn bản, nghị định, thông tư để nhặt nhạnh từng câu, từng ý.

Cái chúng tôi cần là một bản danh sách và/hoặc bản đồ cụ thể, được đăng công khai và lâu dài trên mạng để mọi người đều xem được bất cứ lúc nào. Tới ngày 17-3-2015 này, không có gì giống như thế được công bố. Thế nên không thể có chuyện “chặt cây xanh rất minh bạch”.

Trong bộn bề cuộc sống này ai cũng có bao việc phải lo. Không người dân nào muốn phải bỏ công sức lo những việc họ đã giao cho chính quyền. Chúng tôi muốn tin các ông lắm chứ!

Nhưng niềm tin chỉ đến cùng với sự minh bạch.

Minh bạch để dân hiểu, bàn luận, đóng góp. Minh bạch để dân kiểm tra giám sát. Minh bạch để chịu trách nhiệm cá nhân.

Minh bạch hóa là đòi hỏi khách quan và sẽ là một bước đi đúng đắn để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Tác giả bài viết: Lê Ngọc Minh, từ Amsterdam (Hà Lan)