Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHUỘNG KHOA HỌC, PHẢN KHOA HỌC

(NCTG) “Không phải kiến thức khoa học mà chính là tinh thần và phương pháp khoa học đã giúp con người và xã hội thoát được tư duy nô lệ vào thần thánh, bề trên, giáo sư, tiến sĩ, lãnh tụ, minh quân... Khoa học không chấp nhận sự tuân phục mà đòi hỏi sự kiểm chứng theo đúng nguyên tắc. Sự Thật không của riêng ai, đúng sai không tùy thuộc con người, phe phái”.
“Rất nhiều vấn đề quan trọng của con người và xã hội nằm ngoài phạm trù khoa học” - Minh họa: sikerado.hu
Không bao giờ nói không bao giờ. Never say never. Tôi từng tự nhủ là đừng bao giờ tranh cãi về câu chữ. Diễn đạt bằng ngôn từ thì cần theo định nghĩa và cách dùng chung trong xã hội đương đại. Người sao, ta vậy. Miễn hiểu nhau muốn nói gì là được. Nhưng đọc “Phây” hôm nay cầm lòng không đậu, đành phê bình cách dùng từ “khoa học” mà tôi thường thấy.

Đây không phải là nhận xét riêng của tôi. Ông thầy vật lý người Mỹ ngày xưa thường chỉ trích những thầy cô Mỹ khác, và nhất là học trò, đã dùng từ “khoa học” không chính xác. Toán học không phải là khoa học. Những môn về xã hội và nhân văn không phải là khoa học. Tôi còn chân ướt chân ráo fresh off the boat, lại mang tinh thần tôn sư trọng đạo của người Việt nên chẳng dám chất vấn thầy, chỉ cười thầm là thầy khó tính nhỉ.

Hôm nay nhìn lại, tôi nhận ra cái chi li nhỏ nhặt của điều thầy dạy có thể có ảnh hưởng lớn về tư duy và cả xã hội.

Hình như đối với rất nhiều người Việt, “khoa học” không chỉ là một danh từ khách quan, một định nghĩa thực tiễn mà còn có hàm ý cao quý nào đấy. Đây là một thái độ trái ngược với tinh thần khoa học của những người thích tôn sùng khoa học. Cách nhìn hay định nghĩa mù mờ, thiếu tính khách quan về khoa học xem chừng rất phổ biến với người Việt ngày nay.

Khi danh từ khoa học được tôn sùng thì tất nhiên là sẽ có nhiều “nhà khoa học”, làm “công tác khoa học”, “nghiên cứu khoa học” mà không rõ là khoa học gì. Thậm chí trong chuyện nghiên cứu văn chương, nghệ thuật tôi vẫn đọc thấy những “đánh giá khoa học”, “nhận xét khoa học”, “phê bình khoa học”, v.v... Cái đà này thì không chừng trong tiếng Việt sẽ có từ ngữ “nhà văn khoa học”, “nghệ sĩ khoa học” để tán dương họ trong tương lai.

Tôi vừa có phần ngỡ ngàng vừa buồn cười khi thấy danh từ “khoa học” như được khoác thêm những tính từ tôn quý. Mà nào phải chỉ có những vị trí thức với bằng cấp mậu dịch mới dùng từ khoa học một cách mới mẻ như thế. Răng lạ rứa? Tôi tự hỏi.

Sau một thời gian vòng vo trên mạng, tôi tin là đã có câu trả lời đúng. Bỏ qua các vị bằng cấp mậu dịch, tôi cảm thấy rằng đối với nhiều người hai chữ khoa học đã đồng nghĩa với “học thuật nghiêm túc” vốn vẫn còn thiếu sót. Nghiêm túc ở đây không phải là sự nghiêm trang, đạo mạo của người có học; cái này thì ta có quá thừa rồi. Nghiêm túc trong học thuật trước hết là sự ngay thẳng về những cái mới do mình, của mình và cái đã có, của người khác. Nghiêm túc trong học thuật đòi hỏi sự mạch lạc phân biệt giữa dữ liệu và quan điểm.

Lướt mạng, đọc báo Việt, tôi không thể không có cảm giác là nhiều người Việt thiếu tinh thần nghiêm túc về học thuật. Ví dụ như nhiều bài viết, hình ảnh không có xuất xứ rõ ràng. Facebook chỉ là chuyện giải trí, bạn bè trao đổi, cũng không nên chi li quá. Nhưng gây ra nhầm lẫn cho người đọc về “tác giả” của “tác phẩm” thì dù vô tình cũng là một thiếu sót dễ dàng tránh được nếu người viết có tinh thần học thuật nghiêm túc.

Báo Việt trên mạng thì thường hay nhì nhằng, trộn lẫn dữ kiện và ý kiến. Nhiều người chấp nhận và góp phần tuyên truyền quan điểm, nghi vấn tùy theo cảm tính như là thực tế khách quan hay sự thật lịch sử. Trong môi trường như thế, những người viết lách nghiêm túc, trích dẫn, chú thích, phân tích rạch ròi được nể trọng thì cũng dễ hiểu thôi. Nhưng nghiêm túc không đồng nghĩa với khoa học, tinh thần khoa học, hay phương pháp khoa học.

Một ví dụ điển hình để minh họa là sự khác biệt trong việc dẫn chứng. Trong một bài viết khoa học, dẫn chứng chỉ có hai mục đích: xác nhận công trình của người trước và đưa nguồn để người đọc có thể đào sâu hơn nếu muốn. Nhưng khi đề tài không phải là một vấn đề khoa học thì trích dẫn còn có một mục đích quan trọng khác. Dù vô tình hay cố ý, trọng lượng và sự tiếp nhận của điều được trích dẫn tùy thuộc vào vị thế của người được trích dẫn.

Tư tưởng bất hủ về tự do ngôn luận - “tôi không chấp nhận điều bạn nói nhưng tôi sẽ chiến đấu đến cùng cho quyền được nói điều đó của bạn” - vẫn được cho là của Voltaire, nhưng thật ra là câu của nữ văn sĩ Anh, Evelyn Beatrice Hall, trong một tác phẩm về Voltaire. Bà Hall không lừng lẫy như ông Voltaire. Thế là tên tuổi của Voltaire đã được trưng dụng. Không biết bà có buồn không. Nhiều người qua bao nhiêu nhiêu thế hệ vẫn vô tình nghĩ rằng câu nói tuyệt vời này là của Voltaire.

Chuyện khoa học thì trái ngược. Khi trích dẫn một công trình nào, mười anh như một, mười chị cả mười đều không nhiều thì ít cùng tiếc rẻ rằng đấy không phải là công trình của mình. Tất cả đều biết là giá trị của một nhận định khoa học hoàn toàn không tùy thuộc người nói là cái Tí, cu Tèo hay ông Albert, bà Marie. Khoa học là sự tìm hiểu và tri thức về một phạm trù hoàn toàn khách quan, độc lập với tư duy của con người.

Những chủ thuyết, những vấn đề mà trên nguyên tắc không thể được kiểm chứng (chính xác hơn là không thể bị phủ định) bằng thực nghiệm thì, theo định nghĩa, không phải là những đề tài khoa học. Phương pháp khoa học - thiết lập giả thuyết đưa đến những tiên đoán có thể bị phủ định bằng thực nghiệm - không thể áp dụng vào những đề tài như thế.

Đây là một điều hiển nhiên đến nhàm cho bất cứ ai từng học về khoa học tự nhiên. Thế thì tại sao ta lại gán mấy từ “khoa học”, “phương pháp khoa học” cho những nghiên cứu về triết, sử, văn chương, chính trị vân vân và vân vân? Động lực nào? Có ích lợi hay tai hại gì khi nhập nhằng như thế?

Theo chủ quan của tôi thì người Việt nhìn thấy trong hai chữ “khoa học”, cũng như trong mảnh bằng tiến sĩ, một cái hào nhoáng có thể đem lại sự nể trọng và niềm tin vào những điều được cho là “theo khoa học”; trọng và tin những người là “nhà khoa học”. Tuy không có ý gian trá, không như chuyện bằng cấp mậu dịch, nhưng gán danh khoa học cho những vấn đề ngoài khoa học không chỉ là một việc làm thiếu nghiêm túc mà, theo tôi, còn có hại.

Dù đã tạo ra những thành quả kỹ thuật huy hoàng, những “phép lạ” nếu lùi lại hai trăm năm, khoa học và phương pháp khoa học sẽ không bao giờ có thể là chìa khóa để giải mở mọi khúc mắc về tri thức. Rất nhiều vấn đề quan trọng của con người và xã hội nằm ngoài phạm trù khoa học. Dù vô tình, cái danh “khoa học” thường cản trở sự nghi ngờ, chất vấn và tranh luận của quần chúng. Thật thế.

Khoa học xưa nay vẫn tạo ra một thực tế mâu thuẫn: một lãnh vực hoàn toàn khách quan lại buộc người không có chuyên môn phải có niềm tin. Dĩ nhiên đây không phải là một niềm tin mù quáng mà là một niềm tin dựa trên bản chất khách quan và khả kiểm của khoa học. Ví dụ, tôi không có khả năng và điều kiện để tự mình kiểm chứng thuyết tương đối, nhưng tôi tin Einstein vì người khác đã kiểm đi kiểm lại nhiều rồi. Không sai với họ thì cũng chẳng sai với tôi.

Họ và tôi, cũng như Einstein, đều không có vai trò gì trong cái đúng sai của thuyết tương đối. Vì vậy mà một lãnh vực tri thức hoàn toàn không cần niềm tin, không cần biết ai là ai, trong thực tế lại tạo ra được nhiều niềm tin chính đáng vào chính nó và vào những người nghiên cứu về nó. Không chừng đây chính là động lực cho khuynh hướng đánh đồng “nghiêm túc” với “khoa học”.

Trong nhiều lãnh vực quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người và xã hội như chính trị, triết học, văn chương, v.v... giá trị đúng sai ít hay nhiều gì cũng có tính cách chủ quan. Vì thế mà tôi tin rằng đặt niềm tin vào các lý thuyết gia, bình luận gia, phê bình gia, giáo sư, tiến sĩ... thay vì tự mình chất vấn và suy luận để chấp nhận hay khước từ quan điểm của họ theo chủ quan của mình là một thiếu sót đáng tiếc trong tư duy.

Thiếu tính khách quan và khả kiểm của khoa học, niềm tin đành phải dựa vào danh vọng, bằng cấp, địa vị của những chuyên gia trong các lãnh vực này. Đây là chỗ dựa hết sức ọp ẹp. Một người mũ cao áo dài nói nhảm được nhiều người đạo cao đức trọng nhảm theo không phải là chuyện hiếm thấy.

Ví dụ, nhận định của Susan Sontag rằng cộng sản là phát-xít với khuôn mặt người vẫn được tán tụng hơn ba chục năm nay như là một câu nói đáng chú ý. Có thể là thế, tùy người đọc. Cá nhân tôi cho rằng đây là một câu vô nghĩa nếu không nói là sai vì cộng sản cũng như phát-xít đều không có khuôn mặt gì khác hơn là mặt người.

Những thủ đoạn lừa đảo, khống chế của cả hai cũng không có gì đặc thù hơn những mánh khóe của Machiavelli hay Tào Tháo. Kết quả bầu cử của Tây Ban Nha, ngay trong những năm gần đây, đã nói rất nhiều về sự nông cạn không có giá trị trong thực tế của nhận định này. Câu nói nhàn nhạt này hẳn đã bị quên lãng từ lâu nếu người nói không nổi tiếng như Sontag.

Tai hại hơn, những khái niệm hay chủ thuyết chính trị, những tư tưởng về đạo đức xã hội vốn không mang tính chất khoa học, không thể dùng phương pháp khoa học để nghiên cứu vẫn được gán danh khoa học. Đây là những đề tài quan trọng mà mọi người đều có thể, đều nên tham dự bàn luận theo kinh nghiệm và chủ quan của mình.

Nhưng cái mác “nhà khoa học” của những người chuyên định hướng quần chúng thường làm nhiều người khác chấp nhận dựa cột mà nghe theo vì sợ không đủ “trình”. Thực tế thì ngay những nhân vật nổi đình nổi đám xưa nay - từ Khổng Tử, Karl Marx thời trước đến Francis Fukuyama, Thomas Friedman thời nay... - đều chỉ là những người có tư tưởng và khả năng diễn đạt hấp dẫn. Những điều họ cổ súy hoàn toàn không nằm ngoài sự cảm nhận, phán xét, và lựa chọn của một công dân được giáo dục bình thường.

Không phải kiến thức khoa học mà chính là tinh thần và phương pháp khoa học đã giúp con người và xã hội thoát được tư duy nô lệ vào thần thánh, bề trên, giáo sư, tiến sĩ, lãnh tụ, minh quân... Khoa học không chấp nhận sự tuân phục mà đòi hỏi sự kiểm chứng theo đúng nguyên tắc. Sự Thật không của riêng ai, đúng sai không tùy thuộc con người, phe phái.

Dù phạm trù áp dụng có giới hạn trong thực tế, tinh thần và phương pháp khoa học đã khiến con người có sự tự tin vào khả năng tìm hiểu Sự Thật của chính mình và có được tư duy độc lập, không chấp nhận sự trấn áp, kiểm duyệt tư tưởng: Con người văn minh hiện đại.

Cách dùng từ “khoa học” và “nhà khoa học” một cách tùy tiện và tôn kính của nhiều người Việt mang đậm màu sắc hủ lậu của Nho giáo.

Tác giả bài viết: Nguyễn Chánh, từ Hoa Kỳ