Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHỢT NGHĨ...

(NCTG) Hôm nay ngẫu nhiên ngó qua Vi-Ti-Vi 4, vốn được mở thường trực cho bọn trẻ nghe tiếng Việt, vì thấy một giai điệu trữ tình quen thuộc: “Hà Nội ngày tháng cũ”.

Chàng ca sĩ “tiên phong” với những hình ảnh của Hà Nội ngày tháng cũ - Ảnh: Internet

Bài này mình biết đã lâu, của Song Ngọc, không rõ sáng tác năm nào, nhưng nhiều ca sĩ xưa như Thái Thanh, Sỹ Phú, Khánh Hà... đã hát - cá nhân mình khoái Vũ Khanh ca.

Bản phát trên TV do Minh Quân hát, được giới thiệu là trong 1 CD gồm nhiều ca khúc nổi tiếng về Hà Nội. Do bà xã thích giọng ca của chàng ca sĩ mắt hấp háy vui vui này, nên lập tức mình tra ra info về CD, ở đây, thì được biết đĩa là sản phẩm Đại lễ, từ năm ngoái lận.

Tuy nhiên, điều khiến mình quan tâm trong bản tin, lại là một chi tiết có vẻ không đáng kể. Ấy là chuyện Minh Quân “tiên phong” hát lại một ca khúc từng bị cấm sau năm 1975: “Hà Nội ngày tháng cũ” là một nhạc phẩm rất nổi tiếng trước đây nhưng sau đó bị cấm hát tại Việt Nam. Say mê giai điệu và phần lời ý nghĩa của bài hát, Minh Quân đã xin Cục nghệ thuật biểu diễn cho phép phổ biến lại ca khúc này. Bài hát trở thành điểm nhấn trong album mới ra mắt của anh...”.

Ký giả khá kiệm lời nên độc giả có thể khó hiểu - và do đó, không… đánh giá được hết “chiến tích” trên của Minh Quân - khi một nhạc phẩm rất nổi tiếng, lại ca ngợi Hà Nội, thì sao phải cấm? Ai cấm? Mà giờ có người... thích hát, xin, là bỗng nhiên được... thôi cấm?

Mình không biết gì mấy về Song Ngọc, ngoại trừ vài thông tin trong loạt chương trình “70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam” (SBS radio - Úc Châu, Hoài Nam biên soạn). Đại loại, ông từng học sĩ quan trù bị tại Thủ Đức, rồi theo khóa “chiến tranh chính trị” ở Đà Lạt, sau 1975 thì di tản. Wikipedia Việt ngữ bảo ông là “nhạc sĩ, ca sĩ người Mỹ gốc Việt” (sic).

Hẳn nhiên, các loại “” (văn nghệ sĩ, sĩ quan...) trước 1975 ở miền Nam thì bị cấm là... phải rồi. Liên quan đến vụ này, mình vẫn giữ bộ sách “Văn hóa Văn nghệ phục vụ chủ nghĩa thực dân mới Mỹ tại Nam Việt Nam 1954 - 1975” của (P)GS. TS. Trần Trọng Đăng Đàn do ông cụ mình photo gửi sang cho mình tham khảo cách đây độ 15 năm (*).

Sách có phần phụ lục rất giá trị (và rất dày), đăng tải danh mục các tác giả trong Nam bị cấm toàn bộ, hoặc một phần tác phẩm, và danh mục các tác phẩm bị cấm vài tháng sau biến cố 1975 - ai ngồi tỉ mẩn thống kê ngần ấy cái tên, ngần ấy đầu sách... kể cũng kỳ công!

Cấm thì... cứ cấm thôi, nhưng cái khổ là có mấy khi các ông chức trách có nghe, đọc hay xem tác phẩm đâu? Hễ tác giả mà bị quy là “phản động” (vì sao đó, khái niệm này rộng lắm) thì ắt là tác phẩm bị cấm, bất kể nội dung, hay dở.

Tất nhiên, dễ hiểu là sau ngày thống nhất, chính quyền cách mạng có nhiều việc để làm, không thể ngồi tỉ mẩn xét từng trường hợp. Nhất là, nguyên tắc “cấm theo tác giả” còn tiện ở chỗ, như Phạm Duy chẳng hạn, ta “cấm toàn bộ sự nghiệp” cho chắc (bao hàm các sáng tác... từ 1975 trở về sau nữa!).

Nhưng... hơn 35 năm trôi qua rồi. Hình như, chưa bao giờ các thông tư cấm đoán - do.... Chính phủ Cách mạng Lâm thời, Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban hành (!) - được.. xét lại. Các danh mục tác giả, tác phẩm bị cấm đoán vẫn... y nguyên, ngoại trừ nếu có ai xin xỏ.

Một bài báo trên “Thanh Niên” cho hay, thời kỳ 1945-1975, miền Nam đã sản sinh chừng 10 ngàn ca khúc, nhưng đến năm 2008 mới có chừng 1 ngàn bài được cấp phép. Nghĩa là, chín phần mười số ca khúc vẫn... “khoan khoan ngồi đó chớ ra”!

Đấy mới là nói trên địa hạt âm nhạc, chứ về văn học và các loại hình nghệ thuật khác, bao nhiêu tác phẩm lớn của Việt Nam (nói chung, không chỉ là của Sài Gòn trước 1975) thế kỷ 20 vẫn không có cơ hội hiện diện trước người quan tâm?

Mình chợt nghĩ: Việt Nam giờ rất ổn định về chính trị, nên chăng cơ quan quản lý văn hóa nên bỏ chút thời gian và công sức mọn, ngồi lọc lại lần nữa, giải phóng cho những tác phẩm nào mà:

- không phản động,

- không chống đối,

- không thực dân - đế quốc - nô dịch,

- không phạm thuần phong mỹ tục,

- không... (cứ để tiêu chí thật cao vào cho chắc!),


thì cho chúng được đồng loạt tái sinh quách đi!

Đừng để thi thoảng ai có “nhu cầu”, phải đệ đơn này nọ, thì mới được xét lẻ tẻ và ban ơn, thời gian nghiệt ngã lắm. Và cũng đừng để việc đọc, nghe và tiếp cận những tác phẩm ấy chỉ là đặc quyền của mấy vị “nghiên cứu”, “phê bình”, “lý luận” tào lao kiểu Trần Trọng Đăng Đàn!

Được như thế thì đáng mừng lắm, vì tác phẩm và những giá trị tinh thần cũng cần được giải phóng không kém gì con người!

(*) Nói thêm, mình rất rầu lòng khi vô tình đọc quảng cáo này trên mạng:

“Bán sách của Trần Trọng Đăng Đàn: Cần bán cuốn “Văn hóa Văn nghệ phục vụ chủ nghĩa thực dân mới Mỹ tại Nam Việt Nam 1954 - 1975” của Trần Trọng Đăng Đàn do NXB Thông tin và NXB Long An in năm 1990. Tình trạng còn đẹp, như mới. Bác nào cần liên hệ xxx. Giá 50.000 đồng”.

Một bộ sách rất giá trị, không những độc giả được biết văn hóa văn nghệ miền Nam trước 1975 nô dịch thế nào, mà còn được cung cấp những thông tin về “nọc độc” của những đầu sách ngoại ấn hành ở trỏng thời ấy như “Bác sĩ Zhivago” hay “Gulag - Quần đảo ngục tù”..., được gìn giữ cẩn thận trong 20 năm, mà giá bằng... bát phở thời bão giá. Buồn!

Tác giả bài viết: Người Dân