CHO NHỮNG “NÀNG KIỀU” CỦA DU LỊCH VIỆT
- Thứ ba - 01/03/2016 21:18
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Khi hiểu biết của ta lớn lên thì là lúc ta hiểu mình quá nhỏ bé trên trái đất này, và thiên nhiên là để chung sống, nương nhờ, chứ không phải để chiếm lĩnh, phá hoại cho nhu cầu vô hạn của ta. Như thế ta bớt đi cái hưởng thụ RIÊNG để chia sẻ, dành dụm, bảo vệ cái CHUNG, cho người khác, cho thế hệ khác”.
Fanxipan sắp có cáp treo cùng thiền viện, Bản Giốc đón văn hóa tâm linh và spa nghỉ dưỡng, Phú Quốc tự hào Safari khủng nằm giữa rừng nguyên sinh, Sơn Đoòng cũng đang là điểm nhắm của những giấc mơ cáp treo, dọc hơn ba ngàn cây số bờ biển, gần sáu trăm resort đủ thể loại lớn bé... Những “hương sắc” của nền du lịch Việt Nam ngày càng mời gọi.
Người người mừng vui, những tiềm năng kinh tế rộng mở, những việc làm hứa hẹn tạo ra cho hàng trăm hàng ngàn người. Việc “chinh phục” những nóc nhà, những “cực” của đất nước không lúc nào hứa hẹn dễ dàng hơn thế. Khí thế nhà nhà đi du lịch, già trẻ lớn bé đi nghỉ dưỡng.
Còn gì tuyệt hơn giầy cao gót có thể nện trên nóc nhà Đông Dương, nằm xông hơi mát xa ngắm nhìn dòng thác phân chia ranh giới nhọc nhằn của hai “anh em sông liền sông”? Hay tung một cú gậy golf chạy qua mười mấy lỗ giữa rừng nguyên sinh hùng vĩ, còn lũ trẻ con vừa xem vừa ném đá lũ lạc đà hành hương quanh lòng hòn đảo nhiệt đới?
Chẳng có gì người Việt không thể với tới nữa!
Giữa dòng thác ào ạt của những giấc mơ thành hiện thực, giữa nhịp phát triển kinh tế du lịch lên như diều không dây, dường như mô hình win-win chia đều cho cả doanh nghiệp và khách hàng, hà cớ gì phải phanh lại? Lấy lý do gì để kìm hãm?
Kinh tế nào có thể bền vững hơn dân giàu nước mạnh? Văn hóa nào có thể bền vững hơn mọi vẻ đẹp tiềm ẩn đều được phơi bày, khai thác, sờ nắn được?
Ta nhìn rất rõ những lợi ích cho ta khi mọi thứ rõ trước mắt, và tác động trực tiếp đến mình. Điều đó hoàn toàn dễ hiểu, một con thú cũng biết lao đến miếng mồi đầu tiên trước mặt, cũng biết chui ngay vào cái hang yên ấm đầu tiên tìm thấy.
Nhưng con người, chỉ đặt yêu cầu cho mình có thể thôi sao?
Bao nhiêu rừng đầu nguồn bị đốn hạ, bao nhiêu thực vật nguyên sinh không thể phục hồi. Ta (cố) tin rằng tiền ta bỏ ra mua vé sẽ góp vào trồng mới cây ở chỗ khác. Rồi lại đóng góp vài trăm ngàn giúp dân vùng lụt, nhỏ vài giọt nước mắt thương đồng bào lũ quét trôi cả bản làng.
Ta yên tâm rằng dịch vụ ta tiêu dùng sẽ tạo ra việc làm cho người địa phương. Dù ta vẫn ngao ngán chê bọn choai choai bán đất vô công rồi nghề ngồi đầy khu đô thị mới ta ở, ta lên án những cô gái H’Mong suy đồi nhảy disco kiếm chồng trong hộp đêm Sapa.
Ta cho con cái cả đời du lịch chỉ đếm sao... khách sạn, mọi cuộc chinh phục, khám phá đều qua lăng kính xe hơi và đôi chân cáp treo. Rồi ta oán thán hỏi sao chúng chỉ biết chơi games, xài đồ công nghệ, ăn đồ ăn nhanh?
Một khi có resort cao cấp cho ta nghỉ dưỡng, có trung tâm thương mại mát lạnh giữa lòng thành phố cho ta mua sắm, ta không cần biết nước thải xả ra biển ta tắm, ra sông cạnh nhà ta không, tiền lãi có đóng thuế trả dân hay không. Ta không hỏi sao thành phố hay tắc đường hơn? Không khí ngột ngạt hơn? Mỗi mùa hè lại thêm nóng? Sapa vì sao vài năm nay lại có tuyết rơi?
Dù ta vẫn viết trên danh thiếp hay dưới mỗi chữ ký hàng dài những học vị, học hàm để không ai quên được ta có học đến mức nào, nhưng nhất quyết ta không muốn nhìn xa hơn phạm vi tầm tay ta với tới. Nhận thức, và hiểu biết của ta, có bao giờ dùng để ta bớt thỏa mãn những nhu cầu hưởng thụ trước mắt, vật chất và sinh lý, để dõi theo nhu cầu đạo đức tinh thần, lý tưởng, trách nhiệm xã hội?
Chúng ta đang ùn ùn đi du lịch ở những mớ lẩu quần thể tâm linh văn hóa, cùng spa sân golf. Khách đến trả một cục tiền, hả hê hưởng thụ, xả rác, chủ đầu tư khai thác triệt để “lợi nhuận kinh tế”. Vài năm, những vẻ đẹp tiềm ẩn mới lạ ấy rã rời, tiều tuỵ, hay thay hình đổi dạng. Những thắng cảnh kia, thân phận còn bế tắc hơn nàng Kiều, không thể nhảy xuống Tiền Đường mà trốn chạy! Còn chúng ta, có tự hào khi đóng vai “khách làng chơi”?
Khi hiểu biết của ta lớn lên thì là lúc ta hiểu mình quá nhỏ bé trên trái đất này, và thiên nhiên là để chung sống, nương nhờ, chứ không phải để chiếm lĩnh, phá hoại cho nhu cầu vô hạn của ta. Như thế ta bớt đi cái hưởng thụ RIÊNG để chia sẻ, dành dụm, bảo vệ cái CHUNG, cho người khác, cho thế hệ khác.
Nó khác với ngăn cản phát triển du lịch đại trà để “ích kỷ”, giữ cho riêng mình. Nó muốn buộc khai thác du lịch phải tính đến việc bảo vệ và đặt ra những giới hạn ảnh hưởng tối thiểu. Phát triển bền vững chắc chắn là phải để phát triển, nhưng không phải bằng mọi giá.
Vặn nhỏ bớt một vòi nước, giảm một độ máy điều hòa, nhặt một vỏ lon giữa rừng, bớt ăn một món thú hiếm, từ chối một nhãn hiệu độc hại, gây ô nhiễm, không cổ vũ các dự án phá núi lấp sông, những điều đó có nguy hại đến sức khỏe, sự sống còn của ta, có làm giảm đi tăng trưởng kinh tế? Hay nó đưa ta đến gần hơn một cá nhân văn minh, một cộng đồng tiến bộ?
Để dám nhìn thẳng hơn mắt con mình khi dạy nó yêu môi trường và hứa với nó “cha mẹ sẽ dành một tương lai tốt đẹp cho con”.
Rộng hơn, chúng ta có dám đặt câu hỏi ta làm được gì để môi trường phát triển của con cháu ta trong sạch hơn, minh bạch hơn? Bởi vì, nếu tất cả những cố gắng ta làm hôm nay, chỉ đặt mục tiêu kinh tế lên hàng đầu, thì ngoài tiền bạc, ta không biết ta còn “thừa kế” lại cho con cháu, không những tàn dư bệnh tật, ô nhiễm, mà cả một môi trường phát triển không lành mạnh, của chính thế hệ ta tiếp tay.
Và hơn thế nữa, đứa con ấy sẽ chỉ nhìn thấy thứ duy nhất nó cần có để mở cánh cửa Doremon đặt chân đến bất kỳ đâu, tìm được mọi thứ nó cần, chỉ là có được thật nhiều TIỀN. Ngoài cách đó ra, nó không biết thước đo nào của GIÁ TRỊ, không biết làm thế nào để HẠNH PHÚC.
Đó có phải là một viễn cảnh tươi đẹp và bền vững?
Người người mừng vui, những tiềm năng kinh tế rộng mở, những việc làm hứa hẹn tạo ra cho hàng trăm hàng ngàn người. Việc “chinh phục” những nóc nhà, những “cực” của đất nước không lúc nào hứa hẹn dễ dàng hơn thế. Khí thế nhà nhà đi du lịch, già trẻ lớn bé đi nghỉ dưỡng.
Còn gì tuyệt hơn giầy cao gót có thể nện trên nóc nhà Đông Dương, nằm xông hơi mát xa ngắm nhìn dòng thác phân chia ranh giới nhọc nhằn của hai “anh em sông liền sông”? Hay tung một cú gậy golf chạy qua mười mấy lỗ giữa rừng nguyên sinh hùng vĩ, còn lũ trẻ con vừa xem vừa ném đá lũ lạc đà hành hương quanh lòng hòn đảo nhiệt đới?
Chẳng có gì người Việt không thể với tới nữa!
Giữa dòng thác ào ạt của những giấc mơ thành hiện thực, giữa nhịp phát triển kinh tế du lịch lên như diều không dây, dường như mô hình win-win chia đều cho cả doanh nghiệp và khách hàng, hà cớ gì phải phanh lại? Lấy lý do gì để kìm hãm?
Kinh tế nào có thể bền vững hơn dân giàu nước mạnh? Văn hóa nào có thể bền vững hơn mọi vẻ đẹp tiềm ẩn đều được phơi bày, khai thác, sờ nắn được?
Ta nhìn rất rõ những lợi ích cho ta khi mọi thứ rõ trước mắt, và tác động trực tiếp đến mình. Điều đó hoàn toàn dễ hiểu, một con thú cũng biết lao đến miếng mồi đầu tiên trước mặt, cũng biết chui ngay vào cái hang yên ấm đầu tiên tìm thấy.
Nhưng con người, chỉ đặt yêu cầu cho mình có thể thôi sao?
Bao nhiêu rừng đầu nguồn bị đốn hạ, bao nhiêu thực vật nguyên sinh không thể phục hồi. Ta (cố) tin rằng tiền ta bỏ ra mua vé sẽ góp vào trồng mới cây ở chỗ khác. Rồi lại đóng góp vài trăm ngàn giúp dân vùng lụt, nhỏ vài giọt nước mắt thương đồng bào lũ quét trôi cả bản làng.
Ta yên tâm rằng dịch vụ ta tiêu dùng sẽ tạo ra việc làm cho người địa phương. Dù ta vẫn ngao ngán chê bọn choai choai bán đất vô công rồi nghề ngồi đầy khu đô thị mới ta ở, ta lên án những cô gái H’Mong suy đồi nhảy disco kiếm chồng trong hộp đêm Sapa.
Ta cho con cái cả đời du lịch chỉ đếm sao... khách sạn, mọi cuộc chinh phục, khám phá đều qua lăng kính xe hơi và đôi chân cáp treo. Rồi ta oán thán hỏi sao chúng chỉ biết chơi games, xài đồ công nghệ, ăn đồ ăn nhanh?
Một khi có resort cao cấp cho ta nghỉ dưỡng, có trung tâm thương mại mát lạnh giữa lòng thành phố cho ta mua sắm, ta không cần biết nước thải xả ra biển ta tắm, ra sông cạnh nhà ta không, tiền lãi có đóng thuế trả dân hay không. Ta không hỏi sao thành phố hay tắc đường hơn? Không khí ngột ngạt hơn? Mỗi mùa hè lại thêm nóng? Sapa vì sao vài năm nay lại có tuyết rơi?
Dù ta vẫn viết trên danh thiếp hay dưới mỗi chữ ký hàng dài những học vị, học hàm để không ai quên được ta có học đến mức nào, nhưng nhất quyết ta không muốn nhìn xa hơn phạm vi tầm tay ta với tới. Nhận thức, và hiểu biết của ta, có bao giờ dùng để ta bớt thỏa mãn những nhu cầu hưởng thụ trước mắt, vật chất và sinh lý, để dõi theo nhu cầu đạo đức tinh thần, lý tưởng, trách nhiệm xã hội?
Chúng ta đang ùn ùn đi du lịch ở những mớ lẩu quần thể tâm linh văn hóa, cùng spa sân golf. Khách đến trả một cục tiền, hả hê hưởng thụ, xả rác, chủ đầu tư khai thác triệt để “lợi nhuận kinh tế”. Vài năm, những vẻ đẹp tiềm ẩn mới lạ ấy rã rời, tiều tuỵ, hay thay hình đổi dạng. Những thắng cảnh kia, thân phận còn bế tắc hơn nàng Kiều, không thể nhảy xuống Tiền Đường mà trốn chạy! Còn chúng ta, có tự hào khi đóng vai “khách làng chơi”?
Khi hiểu biết của ta lớn lên thì là lúc ta hiểu mình quá nhỏ bé trên trái đất này, và thiên nhiên là để chung sống, nương nhờ, chứ không phải để chiếm lĩnh, phá hoại cho nhu cầu vô hạn của ta. Như thế ta bớt đi cái hưởng thụ RIÊNG để chia sẻ, dành dụm, bảo vệ cái CHUNG, cho người khác, cho thế hệ khác.
Nó khác với ngăn cản phát triển du lịch đại trà để “ích kỷ”, giữ cho riêng mình. Nó muốn buộc khai thác du lịch phải tính đến việc bảo vệ và đặt ra những giới hạn ảnh hưởng tối thiểu. Phát triển bền vững chắc chắn là phải để phát triển, nhưng không phải bằng mọi giá.
Vặn nhỏ bớt một vòi nước, giảm một độ máy điều hòa, nhặt một vỏ lon giữa rừng, bớt ăn một món thú hiếm, từ chối một nhãn hiệu độc hại, gây ô nhiễm, không cổ vũ các dự án phá núi lấp sông, những điều đó có nguy hại đến sức khỏe, sự sống còn của ta, có làm giảm đi tăng trưởng kinh tế? Hay nó đưa ta đến gần hơn một cá nhân văn minh, một cộng đồng tiến bộ?
Để dám nhìn thẳng hơn mắt con mình khi dạy nó yêu môi trường và hứa với nó “cha mẹ sẽ dành một tương lai tốt đẹp cho con”.
Rộng hơn, chúng ta có dám đặt câu hỏi ta làm được gì để môi trường phát triển của con cháu ta trong sạch hơn, minh bạch hơn? Bởi vì, nếu tất cả những cố gắng ta làm hôm nay, chỉ đặt mục tiêu kinh tế lên hàng đầu, thì ngoài tiền bạc, ta không biết ta còn “thừa kế” lại cho con cháu, không những tàn dư bệnh tật, ô nhiễm, mà cả một môi trường phát triển không lành mạnh, của chính thế hệ ta tiếp tay.
Và hơn thế nữa, đứa con ấy sẽ chỉ nhìn thấy thứ duy nhất nó cần có để mở cánh cửa Doremon đặt chân đến bất kỳ đâu, tìm được mọi thứ nó cần, chỉ là có được thật nhiều TIỀN. Ngoài cách đó ra, nó không biết thước đo nào của GIÁ TRỊ, không biết làm thế nào để HẠNH PHÚC.
Đó có phải là một viễn cảnh tươi đẹp và bền vững?