CHO HAY KHÔNG CHO?
- Chủ nhật - 13/05/2012 05:18
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Lòng trắc ẩn thì ai cũng có, cảm giác tự nhiên của con người là khi thấy đồng loại khó khăn thì muốn giúp đỡ nên nếu bị lừa thì đương nhiên là rất bực rồi. Tôi nghĩ là tôi vẫn cho khi có người xin, hay khi nhìn thấy cảnh đáng giúp đỡ, chỉ hi vọng là có thể tỉnh táo mà cho đúng người”.
Bức ảnh người mẹ cõng con tàn tật đang lưu truyền trên mạng cuối năm ngoái và những tình tiết có liên quan làm dấy lên câu hỏi, phải chăng lòng tốt nhiều khi bị lạm dụng?
Đã lâu rồi tôi bắt đầu có cảm giác ngại ngần khi cho tiền bất cứ người ăn xin nào. Dù đôi khi vẫn cho họ, nhưng cho với cảm giác cho xong chuyện, đỡ bị làm phiền, chứ không còn cảm giác ái ngại, thương cảm, thực lòng muốn giúp đỡ. Chẳng qua là cũng bị lừa quá nhiều lần, lừa ngay trước mắt, bị lừa rồi còn bị ăn chửi, cực chẳng đã, thôi đành cảnh giác để khỏi mua bực vào thân.
Để kể ra những lần bị lừa thì nhiều vô kể, mà hình như lần nào tôi cho ai cũng là bị lừa cả. Một bận, dừng ở ngã ba đợi đèn xanh trên đường đi làm, có một chị te tái đi tới xin có hai ngàn đồng thôi, nói là bị nhỡ xe về quê, nên xin tiền để mua vé. Chặc lưỡi nghĩ có hai ngàn, cho nhanh để đi cho kịp đèn xanh, nhưng vừa đến cơ quan, kể chuyện thì bị anh bảo vệ cười ha hả vào mặt: “Ối giời ơi em có biết mụ ta bị nhỡ xe cả tháng nay không? Anh cho một lần rồi, hôm sau lại gặp, lại bảo nhỡ xe, anh bảo sao chị nhỡ xe suốt thế, chị ta lườm anh đứt đuôi mắt rồi ngoảy đít đi”.
Mấy lần ở bến xe buýt cũng có vài bà ra vẻ người đàng hoàng xông tới, bảo bác quên ví ở nhà, cần 3.000 mua vé xe buýt thôi, nhưng tôi cảnh giác không cho nữa. Chiêu bài của mấy người này là họ bị nhỡ việc chứ không phải ăn xin đâu nhé, nên xin hẳn số lượng đàng hoàng là hai, ba hay năm ngàn luôn. Nghĩ bụng, nếu cả ngày xin được 20 người thì lương chả cao bằng viên chức bậc trung à? Mà không cho họ là y như rằng họ chì chiết ra vẻ ta đây đàng hoàng, chê mình ky bo, thậm chí còn chửi đổng.
Lần nữa ở cổng bệnh viện, thiếu chút xíu nữa là tôi bị một ông lừa ngoạn mục. Đang đi gửi xe để vào phòng khám, một ông trông dáng khổ khổ, tay cầm cuốn sổ y bạ cuộn vào tay, đi lại trình bày rằng bác chụp Xquang bị thiếu hẳn 11.000 đồng. Tôi suýt cho tiền luôn nhưng chột dạ, bảo bác cho cháu xem y bạ của bác bị bệnh gì mà phải chụp Xquang thế. Ông ta lúng túng, cứ cuộn cuốn sổ y bạ lại và đi thẳng không thèm trả lời.
Đi ăn uống, kiểu gì cũng có dăm lần bảy lượt người ăn xin đến, cho người này chả nhẽ không cho người kia. Tôi đành chọn tiêu chí ai thật già cả, yếu đuối, hay tàn tật nặng nề mới cho tiền. Thế mà cũng không thoát. Có dạo ở Hà Nội có lẽ ai cũng biết anh chàng biết thổi sáo bằng mũi. Anh ta đeo cái giấy chứng nhận vào cổ, ý là chứng nhận anh này có tài thổi sáo và bị tàn tật ở chân hay sao đó, anh lê la tập tễnh đi khắp nơi, đút cây sáo vào một bên lỗ mũi to đùng, thổi véo von. Các đôi trai gái tâm sự ở bên hồ sẽ bị anh tiếp cận, nếu không cho tiền ngay thì anh cứ đứng thổi sao bằng mũi bên cạnh, nhìn mất hết vẻ lãng mạn vốn có. Mà khi đã cho anh tiền xong, thì anh cất bước thẳng tưng đi tiếp, chẳng còn tập tễnh tẹo nào. Nhìn bị lừa ngay trước mặt mà chỉ biết chặc lưỡi cho xong chuyện.
Tôi rất bất bình các trường hợp lấy trẻ con ra để làm công cụ kiếm tiền. Đi mấy nước châu Á tình hình cũng tương tự chả khác gì Việt Nam. Có lần công tác tại Bangkok, tôi đi bộ trên vỉa hè vào lúc trời khá khuya, gặp một bà mẹ thiểu não ngồi ôm con, trán đắp khăn ướt như bị sốt cao lắm. Một đám khách du lịch nữa cũng dừng lại và chúng tôi đều móc túi cho chị ta tiền, dù chị ta không xin ai, nhưng nhìn cảnh thương tâm ai cũng muốn cho. Tôi nghĩ đến con gái ở nhà, bèn ngồi xuống hỏi han, sờ trán đứa bé xem thế nào, hóa ra trán nó mát rượi, đang ngủ ngon lành. Bà mẹ ngượng, mặt cứ cắm xuống, coi như không hiểu tiếng Anh, nên cứ lờ đi. Có rất nhiều bà mẹ, lôi con còn đỏ hỏn, bé tí được mấy tháng, ngồi lê la khắp nơi trời nắng nóng. Họ ngồi với mật độ quá dày đặc, nên có cho cũng không xuể.
Theo báo “Thanh Niên”, trong khoảng 30 phút, có gần 10 người ghé lại cho tiền bà cụ chứ không hề mua vé số - khi phát hiện bị theo dõi và chụp hình, bà quay sang giậm chân, chửi bới phóng viên với những lời lẽ rất thiếu văn hóa!
Tới Ngày của Mẹ, trên Facebook các bạn post bức ảnh bà mẹ cõng con trai bị tàn tật đi bán vé số bao năm nay cũng làm nhiều người xúc động, trong đó có tôi. Nhưng khi tìm thông tin về bà mẹ này thì tôi được nghe nhiều thông tin trái chiều rằng đã có rất nhiều người cho bà cụ tiền, cho xe lăn, thậm chí chả ai mua vé số mà chỉ cho tiền, số tiền đủ để mua nhiều cái xe lăn mà cụ vẫn không mua, bán xe đi lấy tiền mà vẫn địu con để đi kiếm tiền cho dễ, nếu có ai chụp ảnh đưa tin còn bị cụ mắng. Nghe mà chả biết nên vui hay buồn.
Chợt nhớ dạo nọ có chuyện phì cười. Ông hàng xóm của tôi đã 70 tuổi, làm nghề bơm vá săm xe đạp khá vất vả. Một hôm có một anh trung niên cao to đeo bị vào nhà ông xin tiền, trình bày hoàn cảnh mất cắp gì đó. Ông già nổi đóa lên, túm cổ gã ăn xin bảo: “Anh nhìn tôi có già bằng bố anh không?? Mà hàng ngày phải bán mặt cho đất bán lưng cho giời, bơm xe, vá săm kiếm tiền, anh nhìn thân anh sức dài vai rộng mà đi ăn xin không thấy xấu hổ à? Biến ngay!”. Gã kia liền cắp đít đi thẳng.
Vẫn nghe bảo có nơi cả làng đi ăn xin về xây nhà lầu, thuê trẻ con đi xin tiền, ăn xin là một nghề, v.v…, nhưng mà nhiều lúc vẫn không tin, vẫn bị hụt hẫng. Lòng trắc ẩn thì ai cũng có, cảm giác tự nhiên của con người là khi thấy đồng loại khó khăn thì muốn giúp đỡ nên nếu bị lừa thì đương nhiên là rất bực rồi. Tôi nghĩ là tôi vẫn cho khi có người xin, hay khi nhìn thấy cảnh đáng giúp đỡ, chỉ hi vọng là có thể tỉnh táo mà cho đúng người.