Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHỚ ĐỂ CÔNG LÝ BỊ NHẠO BÁNG...

(NCTG) “Không được để niềm tin vào công lý vốn dĩ đã bị sói mòn, ngày càng co hẹp đi...”.
Mẹ người tử tù: “Chỉ có nước mắt làm bạn với tôi trên mọi nẻo đường, chẳng biết khóc cùng ai”
Vụ án đã có những sai sót về tố tụng như đã nêu. Những sai sót đó có làm thay đổi bản chất vụ án hay không?”. 17/17 thành viên “nhất trí” biểu quyết là “Không thay đổi bản chất vụ án”. Mười bảy cánh tay sẽ đi vào lịch sử nền tư pháp Việt Nam một cách nhơ nhuốc và đáng căm phẫn!

Có lẽ chưa bao giờ những nền tảng của luật pháp lại bị chà đạp một cách bỉ ổi và trắng trợn như thế, ngay từ cách đặt câu hỏi. Bản chất vụ án không phải là một cái gì bất di bất dịch, mà nó là cái có được trong quá trình điều tra và xét xử, nói ngắn gọn, nó phụ thuộc vào thủ tục tố tụng.

Khi thủ tục tố tụng đã phạm phải những sai sót khổng lồ, như hoàn toàn không có vật chứng, có nhiều biểu hiện cho thấy khả năng dàn dựng, sắp đặt, ép cung và hành hạ thể xác, tinh thần bị cáo, khiến bị cáo phải có những lời khai “hợp ý” ai đó, thì bản chất vụ án sẽ là như thế nào?

Nhận xét về phán quyết này của phiên Giám đốc thẩm vừa rồi, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng: “Bản chất vụ án không thể có trước chứng cứ, tồn tại ngoài chứng cứ. Nếu tuân thủ theo nguyên tắc “suy đoán vô tội” mà cơ quan tố tụng chuyển thành “suy đoán có tội” là vi hiến”.

Và đó là điều mà nhiều cá nhân, tổ chức đã lên tiếng, bất chấp sự quy chụp ngu xuẩn và ngạo ngược, kỳ lạ thay, lại đến từ một thẩm phán - Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ. Không thể im lặng, vì im lặng sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm trong tương lai.

Bởi lẽ, bất cứ ai cũng có thể trở thành một “tử tù dự khuyết”, nếu không cần bằng cứ, mà chỉ cần dựa trên một “niềm tin” bí ẩn nào đó rằng kẻ đó có tội. “Suy đoán vô tội” được lật ngược thành “suy đoán có tội”. “Chỉ” cần bị cáo có lời khai “phù hợp” với một kịch bản được dàn dựng.

Mà làm sao để làm được điều đó? Có rất nhiều cách, nhưng đơn giản và nhỡn tiền nhất là ngụy tạo và dùng nhục hình buộc bị cáo học thuộc và “diễn” cho đến mức thuần thục màn kịch, trước khi dựng lại hiện trường. Chưa xa, là trường hợp tày liếp của ông Nguyễn Thanh Chấn...

Hồ Duy Hải có nằm trong trường hợp tương tự hay không, chưa thể khẳng định. Nhưng điều cốt yếu là không được để cho những “ca” như vậy trở nên phổ biến, như thể đương nhiên nó phải thế. Không được để niềm tin vào công lý vốn dĩ đã bị sói mòn, ngày càng co hẹp đi...

Và đó là lý do cần phải lên tiếng. Như trong bản kiến nghị này...

(*) Kiến nghị đòi công lý cho tử tù Hồ Duy Hải.​

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh