CÂU CHUYỆN NIỀM TIN
- Thứ ba - 17/03/2015 13:16
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Không muốn có cái nhìn một chiều lúc nào cũng phản bác, lên án nhưng đúng là muốn tin tưởng vào sự trong sạch của các dự án tiền tấn ở Việt Nam sao khó quá! Với hàng loạt chính sách không hợp lòng dân, với đủ trò tham nhũng, hành động và phát ngôn thiếu trình độ, thiếu văn hóa, với những sự mập mờ như việc chặt 6.700 cây này và còn bao vụ việc khác, người ta thốt lên “lâm tặc” hay “cướp ngày là quan” có cái lý của nó”.
“Cái gì cũng phải hỏi ý kiến hay sao? Bây giờ chỉ có chuyện trồng cây mà phải hỏi ý kiến dân! Tôi hỏi thế đất nước bây giờ động đến cái gì đi hỏi dân thì bầu ra chính quyền làm gì...” - Ảnh: Cây xanh bị chặt hạ trên đường Nguyễn Chí Thanh
Nhân chuyện “lâm tặc” giữa Thủ đô
Nóng ruột vụ chặt cây, tìm hiểu ra thấy Sở Xây dựng “nhà mình” nghiên cứu về dự án này; với số liệu và thông tin đưa ra cũng khá chi tiết thể hiện một dự án đã định hình từ lâu. Xét về góc độ thuần túy nghiên cứu, do không được nắm rõ nên khó nói nó hợp lý như thế nào (hy vọng có người làm dự án này trong Sở giải thích giùm, nhưng e là thường các bác lại ko “rỗi hơi” giải thích cho dân!). Mình nghĩ rằng nếu việc thay cây này được diễn ra từ từ hợp lý, và người dân có thông tin thì chắc có khi họ còn ủng hộ là đằng khác.
Tuy nhiên, mình có đọc bài công bố về kế hoạch thay và trồng mới cây, loại bỏ cây không phù hợp, giữ lại cây đặc trưng, cây khỏe. Với cái cách mà người ta chặt đồng loạt cả một dãy phố như Nguyễn Chí Thanh, từ cây non đến cây cổ thụ, chẳng chừa lấy cây nào, với quy mô lớn và làm thật nhanh theo cái kiểu “trước khi dư luận kịp lên tiếng” để “trở tay không kịp”, làm sao người dân không bất bình và nghi ngờ về động cơ phía sau.
Trên thực tế, việc thay cây không phù hợp hay chặt bỏ cây bệnh cũng có diễn ra bình thường trong công tác quản lý cây và thiết kế cải tạo đô thị. Nhưng với quy mô lớn mà lại không cấp bách như để giải tỏa xây dựng các dự án giao thông hạ tầng, và nằm ở các không gian công cộng (trên đường phố), thì việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mỹ quan đô thị trong vài năm sau khi thay/chặt cây, nếu không có hình thức thay thế ngay lập tức.
Vì vậy, để thực hiện công tác này, các biện pháp lên chương trình theo từng giai đoạn là điều tất yếu. Viêc chặt cây cần luân phiên, chia theo cấp độ cấp bách (cây chết loại bỏ trước, thay cây dần dần, chặt đến đâu thay ngay đến đó..). Như tìm hiểu trong nghiên cứu của Bộ Xây dựng thì kế hoạch thay cây này là trong thời gian ba năm 2015-2017, nay đột ngột thực hiện trong vài tháng!
Nói chuyện với các bạn Pháp làm trong ngành quy hoạch đô thị, ngoài việc họ bất bình với cách làm “vì không có kinh phí nên tranh thủ mùa xuân, kêu gọi các công ty tham gia chặt cây trên 17 tuyến phố”, họ còn nhắc đến một ý “phải thay một cách không nhận thấy (để tránh ảnh hưởng) đối với người dân” - một tiêu chí mà có lẽ còn xa công tác quy hoạch Việt Nam mới có tầm nhìn nhân văn và coi trọng mỹ quan như thế!
Hơn nữa, đọc thông tin cây xà cừ ko thích hợp làm cây đô thị (mình mò mẫm trên mạng không thấy bài báo hay thông tin nước ngoài nào viết như thế; chỉ có thông tin là loài cây này còn dùng làm thuốc ở Châu Phi), rồi lại thấy vài bài báo gần đây nói giá gỗ xà cừ tăng mạnh tại thị trường Việt Nam. Bảo di dời cây thì đi đâu, như thế nào? Mình được biết về việc di chuyển cây trồng cho Thư viện Quốc gia Pháp đòi hỏi công nghệ và phương tiện khá phức tạp để đảm bảo không chặt rễ và di chuyển cây kích thước lớn, nên Việt Nam di dời cây được là việc khó tin.
Kết nối những yếu tố trên, hay trên thực tế, đơn thuần đây sẽ là sự chặt khúc bán gỗ, như ông Phó Ban Tuyên giáo trả lời phỏng vấn ngon lành “doanh nghiệp giao phụ trách sẽ quyết định làm việc gì, phù hợp mục đích”?
Một vụ việc còn đang là thời sự ở Toulouse là thông báo nguy cơ phải chặt bỏ 40.000 cây tiêu huyền (platane, gắn liền với hình ảnh dòng Canal du Midi) do bị mắc một loại nấm không có thuốc chữa đã làm rúng động cả thành phố và nước Pháp. Sau hàng loạt tranh luận cũng như mong muốn giữ cây của các thành phố khác (vì bệnh này lây lan dần cho tất cả giống cây tiêu huyền trên toàn nước Pháp), kết quả là việc chăt hạ cây đã được dừng lại để chờ các nhà khoa học và viện nghiên cứu nông nghiệp thử nghiệm tìm các loại thuốc chữa.
So sánh về chính sách và phương tiện vật chất giữa hai nước là không thể, nhưng cây bệnh hàng loạt còn cố giữ như vậy trong khi cả cây lành cây khỏe đều bị chặt chỉ vì bị một nhóm nghiên cứu cho là “xấu mỹ quan đô thị” thì có quá dễ dãi không? Hơn nữa, một chi tiết đi ngược chiều và phản khoa học là ở chỗ, nếu ở Tây “biện pháp chống cây lây lan bệnh là phải đa dạng hóa các cây đô thị” vì đặc tính bệnh của cây là một loại bệnh chỉ lây lan trên một loại cây, không lây sang giống khác, thì ở ta với lý do cây bệnh, người ta giảm bớt sự đa dạng của các giống cây!
Không muốn có cái nhìn một chiều lúc nào cũng phản bác, lên án nhưng đúng là muốn tin tưởng vào sự trong sạch của các dự án tiền tấn ở Việt Nam sao khó quá! Với hàng loạt chính sách không hợp lòng dân, với đủ trò tham nhũng, hành động và phát ngôn thiếu trình độ, thiếu văn hóa, với những sự mập mờ như việc chặt 6.700 cây này và còn bao vụ việc khác, người ta thốt lên “lâm tặc” hay “cướp ngày là quan” có cái lý của nó.
Bảo sao khi niềm tin vào cái chính trực, vào người cầm cân nẩy mực điều hành xã hội không còn; người dân chỉ còn biết lo cho cá nhân mình và người thân, gửi niềm tin vào tôn giáo; mê tín khấn vái tràn lan; tích cực hơn thì làm từ thiện, bỏ tiền túi gánh cho cái đất nước đáng ra phải chăm lo chính sách xã hội hơn là đẽo tượng hàng ngàn tỉ hay xây những công trình “nhất thế giới”!
Sự thờ ơ với vận mệnh đất nước là lựa chọn khi chả ai cho phép bày tỏ yêu nước, nên ngày càng chẳng ai để tâm xem có thêm bao nhiêu hòn đảo bị mất. Vì chính trên mảnh đất liền hình chữ S cũng còn quá nhiều mất mát không gì bù đắp được, chẳng phải do ngoại xâm mà do chính sâu mọt tràn lan.
Tin tưởng vào đâu đây?