CẦN CỨU NGƯỜI!
- Thứ tư - 09/09/2015 13:02
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Phải cứu người”, một khi họ hội tụ đủ điều kiện để được cứu vớt theo luật định, bất kể “cái bộ dạng thằng này trông mà ghét”, “lo cho gia đình chưa xong hơi đâu cõng thằng ất ơ”, vì chúng ta đã trót là con người, và ít nhiều đã nhận và hưởng những giá trị văn minh...”.
(Những suy nghĩ tản mạn)
Cũng như trong trường hợp xung đột Nga - Ukraine, “thế giới mạng” của Việt Nam đã nóng lên với rất nhiều cuộc tranh luận sôi nổi, nhiều khi gay gắt, và đa dạng, liên quan tới cuộc khủng hoảng tỵ nạn trên tầm vóc lớn bất ngờ mà Châu Âu đang phải gánh chịu.
Những tranh luận thời gian qua thường là xung quanh chuyện cứu giúp như thế nào, mức độ ra sao, chứ ít ai chủ trương không cứu trợ. Tuy nhiên, có thể rất nhiều người vẫn lẫn lộn giữa hai khái niệm hoàn toàn khác biệt là di dân (kinh tế) và tỵ nạn (chính trị, chiến tranh).
Nếu là di dân, thì việc tiếp nhận hay không hoàn toàn phụ thuộc nước sở tại, không ai bắt một nước nhận một người chỉ vì người đó nghèo đói hay rét mướt, hoặc neo đơn, v.v... Mọi thứ được điều tiết bởi Luật Ngoại kiều tại địa phương và những điều luật có liên quan.
Tuy nhiên với người (tuyên bố mình là) tỵ nạn thì khác, nước sở tại bắt buộc phải tiếp nhận và xét đơn tỵ nạn của họ, không thể bảo “tôi ghét anh”, “trông chị đáng nghi lắm”, “tôi cũng đang khó khăn nên kệ ông, mời ông về nước vài năm nữa tôi khá tôi tiếp sau”, v.v...
Đối với người tỵ nạn, mọi thứ được điều tiết bởi các luật có liên quan mà đa phần các quốc gia Châu Âu đã cam kết, như Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, coi quyền tỵ nạn như một trong những quyền cơ bản của con người, mọi người đều có quyền xin và hưởng tỵ nạn để tránh sự truy bức, ngược đãi, hoặc chiến tranh.
Hoặc, là Công ước năm 1951 của Liên Hiệp Quốc về vị thế của người tỵ nạn, mà hơn 200 ngàn người di tản Hungary năm 1956 đã là vụ “thử lửa” đầu tiên, và sau đó, hàng triệu người Việt vượt biển sau biến cố 1975 đã được hưởng những điều khoản đầy tình người của nó.
*
Cứu trợ người tỵ nạn, đương nhiên mang tính nhân đạo, nhưng không hề là hành động cảm tính, hiểu theo nghĩa có phần tiêu cực của từ này, tức là do mủi lòng nên con người thiên về làm những cái tốt về mặt tình người nhưng xét về đại cục có thể làm hỏng những cái cần lý trí lạnh lùng.
Để xử lý làn sóng tỵ nạn hiện tại, song song và ngoài việc cùng nhau lo những việc rất lớn, mang tính cội rễ - như chấm dứt chiến tranh, lật đổ độc tài, để người dân khỏi phải bỏ xứ hàng loạt ra đi -, trước hết các nước cần thực hiện những cam kết quốc tế liên quan đến người tỵ nạn.
Một khi đã tiếp nhận người tỵ nạn để xét đơn, rồi sau đó chấp nhận họ là người tỵ nạn, thì những chế độ chính sách hay sự ưu đãi dành cho người đó đến đâu là tùy thuộc vào khả năng theo từng thời điểm của chính quyền sở tại, người tỵ nạn không thể bắt buộc phải nọ kia.
Chuyện quản lý họ, hoặc giám sát họ để họ khỏi trở thành... khủng bố là nhiệm vụ của các cơ quan công quyền, với cả bộ máy hùng hậu trong tay. Một khi đã trở thành một người dân nội địa, thì tất cả những gì diễn ra với họ, chính quyền phải có phần trách nhiệm.
Như tuyên bố của Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhấn mạnh người tỵ nạn ở Đức phải hội nhập, không được tạo dựng một xã hội riêng song song với xã hội chính mạch. Để làm được điều đó, ngoài nỗ lực và ý thức của người tỵ nạn, có phần trách nhiệm nặng nề của chính quyền sở tại.
*
Mình rất thích nhận xét này của một “công dân mạng”: “Khi giải quyết một vấn đề lớn là người tỵ nạn, lãnh đạo không theo cảm tính, mà theo luật quốc tế. Một trong những luật đó là Geneva Conventions, có tính ràng buộc nước đã ký. Trong khi chờ đợi “giải quyết” được khủng bố (who/what/how/why/where) thì phải cứu người, đó là dấu hiệu của xã hội văn minh”.
“Phải cứu người”, một khi họ hội tụ đủ điều kiện để được cứu vớt theo luật định, bất kể “cái bộ dạng thằng này trông mà ghét”, “lo cho gia đình chưa xong hơi đâu cõng thằng ất ơ”, vì chúng ta đã trót là con người, và ít nhiều đã nhận và hưởng những giá trị văn minh...
Đức Giáo hoàng Phanxicô trong bài giảng trước hai vạn giáo dân tại quảng trường Thánh Phêrô ngày hôm nay, đã nhấn mạnh: những giáo đường và giáo xứ đóng cửa trước người tỵ nạn thì không còn là nhà thờ nữa, mà đơn thuần chỉ là những bảo tàng viện.
Không chỉ lương tâm, mà những bổn phận đã cam kết cũng ràng buộc chúng ta - những con người và những chính phủ - về điều đó...