Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CÁI TÁT CỦA WILL SMITH

(NCTG) “Nếu từng cá nhân đều chọn cư xử không bạo lực, thì chính phủ của nó không thể chọn bạo lực, và nhờ đó thế giới sẽ trở nên hòa bình hơn, sẽ là một nơi an toàn hơn cho thế hệ tương lai của chúng ta” - góc nhìn của tác giả Hà Linh từ Seoul, qua cái tát khiến dư luận xôn xao của Will Smith.
Cái tát trong lễ trao giải Oscar khiến công luận tốn nhiều giấy mực - Ảnh: Reuters
Lúc đầu, mặc dù hầu như tờ báo nào cũng nói về cái tát của Will Smith nhưng mình chẳng để ý mấy. Nhưng khi mọi người bắt đầu bàn tán nhiều hơn, mình mới xem lại cái video ấy và nghĩ về nó cẩn thận hơn.

Quả thực, ngày xưa mình không nghĩ một cái tát lại quá nghiêm trọng. Mặc dù bố mẹ mình chưa từng động tay động chân với nhau, thậm chí chưa từng to tiếng với nhau, nhưng sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, mình từng nghĩ là nếu vợ sai quá thì chồng tát cho một cái để tỉnh ra là cần thiết. 

Mình từng không thể hiểu nổi một lời dạy của Chúa, mình nhớ đại loại là “Nếu bị tát vào má phải, thì mình chìa má trái ra”. Mình đã lý luận rằng nếu không tát lại thì ít ra phải chạy trốn chứ? 

Lần đầu tiên mình có cái nhìn khác là khi xem một bộ phim về Gandhi, về quá trình đấu tranh giành độc lập của ông và nước Ấn. Mình đã khóc khi xem từng lớp người tay không tấc sắt tiến lên và bị quân đội Anh đánh đập tàn ác, lớp này gục xuống, lớp khác tiến lên, bình thản, chấp nhận.

Họ không hề đánh lại, họ không dùng bạo lực để đáp lại bạo lực, cảm giác họ dang tay ôm bạo lực vào lòng, nhưng họ vẫn kiên định thể hiện yêu cầu chính đáng của họ. Và những người lính Anh càng ngày càng trở nên hoang mang trước dòng người không ngừng tiến lên đó. 

Nhưng kể cả như vậy, một cái tát của một anh chàng nào đó dành cho một anh chàng nào đó vì một trò đùa vô duyên (hay đôi khi độc ác) cũng vẫn không làm mình suy nghĩ nhiều.

Vậy nhưng, khi xem lại video về sự việc Will Smith lao lên sân khấu tát Chris Rock, không hiểu sao mình lại nghĩ tới những lý giải trong thiền định về sự tức giận bộc phát của con người. Thực sự, cái video làm mình thấy một Smith có một vấn đề nội tại âm ỉ, một sự bực tức không thể giải thoát, một người không bình an, và có thể trở nên bạo lực với bất kỳ một tác nhân dù đơn giản nào xuất hiện trước mặt anh.

Rõ ràng Smith đầu tiên đã cười với trò đùa của Rock, và người duy nhất không cười trong cái video ấy chính là vợ anh. Khi xem Smith tát Rock, mình đã nghĩ Smith đánh Rock có lẽ vì thấy tội lỗi với vợ. Trong mắt mình, có lẽ lý do cái tát không phải vì Rock đã lôi vợ anh ra đùa, mà vì anh đã trót hùa theo trò đùa đó.

Và mình thấy chính Smith là người cần phải làm gì đó để có được sự thanh thản, bình tâm trong anh. Nếu không phải Rock, thì sẽ là một người khác, một tác nhân khác, một lúc khác, sẽ làm cơn giận trong Smith bùng lên. Trò đùa (mà nếu Rock biết vợ Smith đau khổ vì rụng tóc mà vẫn làm thì là một hành động đáng lên án, nhưng cũng có thể Rock không biết) đã xuất hiện đúng thời điểm mà cơn giận của Smith đã không thể kìm nén được.

Nhiều bạn bảo vệ cho hành động của Smith, cho rằng có thể thông cảm được, thậm chí cho rằng Rock xứng đáng với cái tát vì đã miệt thị ngoại hình vợ Smith, Smith chỉ là người đang cố bảo vệ người vợ bị ức hiếp của mình. Điều này làm mình liên tưởng tới những hành động khủng bố đối với tòa báo “Charlie Hebdo”.

Nên nhớ rằng tòa báo đã châm biếm niềm tin tín ngưỡng thiêng liêng của người theo đạo Hồi. Vậy thì những người theo đạo Hồi bị tổn thương vì niềm tin thiêng liêng bị cười cợt ấy có quyền thảm sát những người làm báo chỉ dùng ngòi bút không? 

Đa số những người theo đạo Hồi nói rằng không, và tách bản thân ra khỏi hành động man rợ đó. Họ gọi đấy là những kẻ khủng bố, không phải là những người theo đạo chân chính.
 
Có lẽ lý do cái tát của Smith không phải vì Rock đã lôi vợ anh ra đùa, mà vì anh đã trót hùa theo trò đùa đó
Có lẽ lý do cái tát của Smith không phải vì Rock đã lôi vợ anh ra đùa, mà vì anh đã trót hùa theo trò đùa đó

Cũng như bản thân Smith cũng thấy rằng mình đã sai và xin lỗi Rock trên Twitter. 

Lý do là vì, thế giới ngày nay lựa chọn niềm tin của Gandhi, triết lý của Rousseau, rằng bạo lực không bao giờ là giải pháp. Cụ thể hơn, một việc anh đấm vào mặt một người vì họ đang đùa (có thể có ý xấu hay không) là một việc đáng lên án.

Bản thân mình nếu có thể mình thích cách làm của thiền sư Thích Nhất Hạnh, rằng tôi tha thứ cho những lời lẽ tàn ác của anh, bởi đó có thể chỉ là anh thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức hoặc đơn giản là anh đang có sự bực tức gì đó ở trong lòng, và việc làm tổn thương người khác làm anh đỡ đau khổ hơn. Hoặc nếu không ta hoàn toàn có thể mang câu chuyện ấy ra tòa để có thể được giải quyết theo pháp luật.

Trong trường hợp của Smith, anh chỉ cần lên sân khấu và nói rằng “Rock, nếu anh không biết thì vợ tôi đang rất đau khổ vì chứng rụng tóc, và trò đùa của anh làm tổn thương cô ấy”. Hoặc như nhiều người khác đã từng bị lôi ra làm trò đùa trên các sân khấu Oscar hay các sân khấu trao giải khác, về nhà, và sau đó lên án trò đùa ấy trên mạng xã hội.

Một hành động như vậy có lẽ đã làm Rock trở thành kẻ tội đồ, và Smith trở thành anh hùng.

Nhưng bây giờ, với hành động điềm tĩnh, chuyên nghiệp sau khi bị tát, và tuyên bố sẽ không kiện Smith, rất nhiều người đã dành sự tôn trọng cho Rock, còn Smith đang phải đối mặt với sự phản ứng dữ dội của công chúng. 

Bây giờ, mình đã lập gia đình, đã có con, và vì thế mình gặp rất nhiều các phụ huynh và trẻ em khác. Hầu hết các phụ huynh đều nhận thức được rằng con mình có cảm xúc, vui, buồn, tức giận và nhìn nhận, tôn trọng cảm xúc của con.

Nhưng hầu tất cả đều dạy con rằng, con sẽ có lúc tức giận (thậm chí con được quyền và phải biết tức giận trước những điều sai trái) nhưng con không được làm hại bản thân và những người khác chỉ để giải tỏa sự tức giận của con. 

Hành động của Smith đã giúp mình một lần nữa ngẫm nghĩ về vấn đề bạo lực, củng cố thêm niềm tin phản đối bạo lực trong mọi tình huống của mình.

Mình hy vọng càng ngày càng nhiều người cũng tin vào điều này, bởi nếu từng cá nhân đều chọn cư xử không bạo lực, thì chính phủ của nó không thể chọn bạo lực, và nhờ đó thế giới sẽ trở nên hòa bình hơn, sẽ là một nơi an toàn hơn cho thế hệ tương lai của chúng ta.

Tác giả bài viết: Hà Linh, từ Seoul (Hàn Quốc)