Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CÁI LÝ CỦA NHỮNG “ÔNG KẸ”

Tuần này, có hai việc nổi cộm liên quan đến cái lý của những “ông kẹ”.

Ðoạn clip “thả mèo xuống nước” gây bức xúc trong chương trình “Con yêu của mẹ” phát trên VTV3 lúc 19 giờ 50 tối 17-4 - Phải chăng, đó là sản phẩm của sự ngu dốt và bất nhân, như ý kiến của nhiều bạn đọc? - Ảnh chụp màn hình


Thứ nhất, việc VTV dạy trẻ đối xử tàn bạo với mèo trong chương trình “Con yêu của mẹ”. Nhiều vị phụ huynh đã bày tỏ sự bức xúc và phẫn nộ trước cảnh chú mèo bị 4 em bé khoái chí buộc chặt vào hai chiếc chai nhựa rỗng, thả xuống nước, rồi bị lật sấp và vũng vẫy dưới mặt nước.

Sau khi dư luận lên tiếng, “ông” VTV đã ra công văn gửi các báo và cậy báo chí đăng tải:

Nội dung văn bản là kết luận từ nhiều cuộc họp do phó tổng giám đốc VTV Nguyễn Thành Lương chỉ đạo các bên liên quan tìm hiểu rõ sự việc: “Ðây là một sự việc rất đáng tiếc và chúng tôi đã rút kinh nghiệm nghiêm khắc với tất cả các bộ phận liên quan”.

Kết quả cuộc họp cũng chỉ ra: trong khi xây dựng kịch bản chương trình phát sóng ngày 17-4, ê-kíp sản xuất có ý tưởng thể hiện thông qua hành động không đúng của trẻ nhỏ để những người làm cha mẹ khuyên can con mình không được làm như vậy. Tuy nhiên, do “cách nhìn chưa thấu đáo từ ê-kíp sản xuất và người duyệt, khi phát sóng rộng rãi trên kênh VTV3, chương trình đã gây bức xúc cho nhiều bậc làm cha mẹ”.

Cũng như vụ cô Lượm: một lời xin lỗi chính thức và tử tế từ “ông kẹ” sao khó ghê!

Tiếp theo là vụ việc của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (VNA - Vietnam Airlines), được cho là đã hành hung, gây thương tích và xúc phạm danh dự với ông Lê Minh Khương, HLV đội tuyển Taekwondo Việt Nam, trong chuyến bay VN1169 ngày 18-4, hành trình Hà Nội - TP HCM.

Vụ việc liên quan đến hành khách Minh Khương chưa đâu vào đâu mà VNA đã có những ý kiến như sau:

Phải sử dụng biện pháp mạnh, cưỡng chế

Trao đổi với báo “Người Lao Động”, ông Từ Văn Sửu, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ An ninh hàng không Đà Nẵng, cho biết hoàn toàn không có chuyện nhân viên an ninh hành hung ông Khương. Khi lực lượng an ninh mời ông Khương xuống máy bay, ông Khương không chấp hành nên buộc phải sử dụng biện pháp mạnh, cưỡng chế.

Ông Đỗ Anh Đào, Phó đội trưởng đội an ninh cơ động, người tham gia giải quyết vụ việc trên chuyến bay này, cho biết chỉ có 4 nhân viên an ninh lên máy bay giải quyết vụ việc, không phải gần 20 người như phản ánh của hành khách trên báo chí.

Được biết, VNA đang xem xét khả năng từ chối vận chuyển đối với hành khách Lê Minh Khương trên các chuyến bay của hãng”.

Tôi không nghe hai bên nói vì chắc chắn đương sự sẽ giành phần lý về mình.

Tôi chỉ nghe bên thứ ba.

Và đây là ý kiến bên thứ ba:

Nhân chứng nói gì?

Bạn đọc Liên Hương (TP HCM): “Ông Khương không hề la hét”

Tôi cùng bay chuyến VN1169 với HLV Lê Minh Khương. Tôi ngồi hàng ghế số 15. Cùng bay còn có ca sĩ Quang Hà và đạo diễn Trần Lực, trong đó Quang Hà ngồi hàng ghế 10 ngay sau khoang Thương gia (khoang C). Còn ghế của ông Khương là 37K.

Trong sự việc này, tôi khẳng định ông Khương đúng. Lúc đó, ông Khương chỉ yêu cầu trả lại thẻ lên tàu (boarding pass), nếu không có thì rà danh sách để trả lại chỗ ngồi thì bất ngờ tiếp viên gọi an ninh tới.

Bốn nhân viên an ninh cầm dùi cui điện lên máy bay, kẹp cổ kéo ông Khương vào khoang C rồi kéo màn lại. Đến lúc đó mới nghe tiếng ông Khương la hét. Thậm chí cha ông Khương đã lớn tuổi cũng bị bẻ tay. Nhân viên an ninh sau đó còn cầm dùi cui điện đi rảo dọc hai hàng ghế.

Còn chiếc ghế 1C mà VNA bảo ông Khương chiếm của cô Eileen Tan là ghế bị mất thẻ lên tàu, tiếp viên bảo ông Khương ngồi tạm vào đó để chờ giải quyết.

Ca sĩ Quang Hà: “Nhân viên an ninh dùng dùi cui điện đánh ông Khương”

Ban đầu, tôi thắc mắc vì sao máy bay không bay và nghe nói có một ông khách đòi xuống nên tôi ra xem có việc gì không. Khi tôi ra thì thấy cô tiếp viên tên Hoa (tiếp viên trưởng Trịnh Thị Hoa – PV) đang nói chuyện với ông khách, sau biết đó là HLV Lê Minh Khương.

Lúc đó, tôi bênh vực tiếp viên Hoa bởi bản thân từng di chuyển nhiều trên các chuyến bay nên rất cảm thông với công việc của các tiếp viên. Tôi có khuyên hai bên nếu không có gì thì thôi.

Một lúc thấy các tiếp viên nói chuyện với ông Khương có vẻ to tiếng. Thấy cách cư xử không hợp lý vì một bên là khách hàng, một bên là người phục vụ nên chúng tôi lại ra khuyên.

Bên tiếp viên quyết định gọi an ninh lên. Lúc chúng tôi chứng kiến thì thấy anh Khương bị xô, bẻ tay và đè xuống sàn. Một anh an ninh dùng dùi cui điện đánh vào ngực và người của anh Khương. Anh Khương không chống cự và đánh lại mà chỉ kêu lên: “Bố ơi, cứu con!”. Chúng tôi đến can ngăn và đi xuống, không bay tiếp nữa”.

Tôi nghĩ sự thật đã rõ ràng.

Nhưng phía VNA vẫn chưa có động thái gì thể hiện việc mình là đơn vị kinh doanh dịch vụ biết tôn trọng khách hàng.

Họ vẫn cho là họ có lý chăng?

Nếu quả như thế là đó đúng là cái lý của những “ông kẹ”.

Bài học đầu đời mà cha mẹ dạy cho con cái là khi có lỗi phải biết nhận lỗi và sửa sai.

Nhưng ai sẽ dạy cho các “ông kẹ “ này điều đó?

Trong khi chờ đợi các “ông kẹ” học được bài xin lỗi khách hàng:

1/ Tôi sẽ không xem “Con yêu của mẹ” nữa.

2/ Khi đi máy bay, tôi sẽ kiếm máy bay của hãng khác mà đi!

Đó là cách dùng quyền lực của người tiêu dùng!

Tác giả bài viết: Trần Thị Hồng Hạnh, từ TP HCM