CÁCH CƯ XỬ CỦA QUAN CHỨC VIỆT NAM
- Thứ ba - 12/05/2009 22:40
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ông Đoàn Văn Kiển, một quan chức "thiếu lễ độ với người cùng nói chuyện"
1. Trước hết là cách ứng xử của quan chức cao cấp.
Chẳng hạn như của ông Đoàn Văn Kiển, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam (TKV), khi được báo chí chất vấn về dự án bauxite tại Tây Nguyên, đang được cả nước chú ý với sự quan ngại đáng kể vì những hiểm họa về môi trường và an ninh trên địa bàn chiến lược của Việt Nam.
- Hơn 10 năm chuẩn bị, tại sao dự án không được công bố rộng rãi?
"Đó không phải là việc của tôi. Trước đó, tôi có liên quan đâu, làm sao tôi trả lời (?!)"
- Ông có thể chứng minh tính cấp bách, tính cần thiết thực hiện dự án này?
"Không có nhiều thời giờ đi chứng minh tính cấp bách. (...)"
Câu trả lời của vị quan chức này khiến tôi nhớ nhớ đến ông cựu tổng giám đốc Vietnam Airlines (VNA) khi trả lời phỏng vấn phóng viên BBC. Khi được hỏi vì sao VNA chưa mở đường bay sang Mỹ cùng thời gian với United Airlines, ông Nguyễn Xuân Hiển đã dõng dạc trả lời: "Bởi vì tôi không thích. Bởi vì tôi chưa thích" (!?)
Các quan chức ấy thiếu lễ độ với người cùng nói chuyện đã đành, cái đó nó thuộc về nền tảng giáo dục. Người không được giáo dục cẩn thận, ăn nói kiểu đó chắc cũng không ai thèm chấp - có chăng thiên hạ chỉ cười khẩy: "Rõ trọc phú! Mở mồm nói đã thấy!" Nhưng các vị lại còn ngạo ngược, coi tài sản quốc gia như của nhà, tự cho mình cái quyền "chưa thích là chưa làm" hay đánh bạc với vận may như thế này thì quá lắm, quá lắm: "Lỗ hay lãi bây giờ cũng là 50:50. Vậy thì tốt nhất hãy làm đi, rồi mới kiểm nghiệm được. Thực tế sẽ trả lời".
2. Nhưng các quan chức ở tầm địa phương cũng không chịu lép vế!
Tôi có một cô bạn, trước ở Việt Nam hay đi dịch cho các tổ chức phi chính phủ. Một lần, cùng chuyên gia đến một tỉnh nọ, cô ấy được chứng kiến một cảnh mà mãi về sau cô vẫn không hết bức xúc.
Hôm đó, làm đến giữa trưa họ được các quan chức ở tỉnh mời đi ăn. Kiểu ăn trưa của các quan chức địa phương thì bao giờ cũng có màn "1, 2, 3, dzô" và chúc tụng tưng bừng. Đối với dân Việt thì cảnh đó quá quen mắt, nhưng người nước ngoài thì không ai có thể hiểu nổi vì sao buổi chiều vẫn còn phải làm việc mà tự dưng lại đi uống rượu! Thế nên, nhìn những cái mặt đỏ rẫy lên vì rượu xung quanh bàn ăn, cô bạn tôi rất xấu hổ với chuyên gia. Chưa biết giấu mặt đi đâu cho khỏi sượng, đột ngột một vị quan chức chả hiểu đang kể lể cái gì mà tự nhiên quay sang lè nhè cất tiếng, hơi rượu phả ra nồng nặc:
- Cơ quan nào mà có nhiều đàn bà con gái thì chỉ có lỗ!
Cả bàn liền ré lên cười. Cô bạn tôi còn chưa kịp hiểu gì thì vị nọ đã gí sát cái mặt bóng nhẫy vào bạn tôi phả tiếp một hơi nữa:
- Cháu dịch cho nó nghe đi (mở ngoặc, "nó" tức là cô chuyên gia ngoại quốc mà bạn tôi tháp tùng).
Cả bàn lại ré lên một tràng nữa, rồi có tiếng một vị khác:
- Con bé này còn trẻ con, nó chưa hiểu đâu (mở ngoặc, "con bé" và "nó" ở đây tức là bạn tôi, người đang làm việc cùng với họ).
Cô bạn tôi chưa kịp phản ứng gì thì vị ban đầu đã khoát tay, quay sang phía cô chuyên gia, tự giải thích bằng thứ tiếng Anh a-bờ-cờ, rằng-thì-là-mà cô biết không, tiếng Việt của chúng tôi phong phú lắm, "lỗ" ở đây vừa có nghĩa là lỗ vốn, vừa có nghĩa là cái lỗ, cái lỗ ấy mà, nhiều đàn bà thì nhiều cái lỗ.
Cả bàn lại ré lên một tràng nữa, mặc cho cô bạn tôi sững hết người lại vì sốc, và mặc cho cô chuyên gia đỏ hết cả mặt vì ngượng và bực. Cười xong, từ những cái mồm bóng nhẫy lại tiếp tục tuôn ra những câu chuyện tương tự...