Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Bức ảnh bé gái bị trói: CẨN TRỌNG KHI CHIA SẺ THÔNG TIN

“Con cái chúng ta là trẻ con, chúng nhạy cảm, non nớt và chưa đủ trí khôn, nếu chẳng may chúng cư xử dại dột thì ai ân hận thay cho người lớn chúng ta đây?”.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Tấm ảnh bé gái bị trói giăng hai tay ra trong một siêu thị nhỏ, trước ngực dán tấm giấy ghi dòng chữ “Tôi là người ăn trộm” được đăng trên một trang web chiều 13-4 ngay lập tức khiến hàng loạt bạn bè của tôi la thét phẫn nộ trên trang facebook cá nhân.

Tuy nhiên, chỉ sau ít phút chia sẻ cảm xúc với bạn bè, chúng tôi đồng tình xóa status, xóa tấm ảnh và tìm cách tác động để trang web đầu tiên đăng tấm ảnh tàn nhẫn đó gỡ xuống. Nhưng đã quá muộn. Tấm ảnh đập quá mạnh vào cảm xúc những người làm cha mẹ nên nó lan tràn nhanh như một làn sóng trên mạng xã hội.

Và rồi, hậu quả dĩ nhiên xảy ra, nó lên báo.

Mặc dù tờ báo đầu tiên đăng tải thông tin này đã “cẩn thận” chú thích và kêu gọi người đọc xác minh tên tuổi bé gái và siêu thị nơi xảy ra hành động trên để phê phán, nhưng đó hoàn toàn là việc làm phản tác dụng. Tấm ảnh nhanh chóng gây bão nơi cô bé đang đi học, như thông tin trên báo - học sinh trong trường cứ chạy tới lớp xem mặt em. “Gia đình tôi giờ không dám đi đâu và sợ cháu làm chuyện dại dột” - gia đình cháu cho biết.

May mà nhà trường, thầy cô của cháu đã cư xử hết sức nhân văn: họ ngay lập tức giải thích cho học sinh trong trường nguyên nhân và sự thực của sự việc, khiến bạn bè trong trường không kỳ thị cháu. Vô cùng cám ơn các thầy cô, và tôi cho rằng chúng ta vẫn cần tiếp tục chúc an lành cho bé.

Ngay khi sự việc xảy ra, dư luận đã chia hai luồng. Một luồng bất bình và lên án siêu thị nơi có hành vi trên. Luồng ngược lại đồng tình, cho rằng có gan ăn cắp phải có gan chịu đòn. Luồng ý kiến này còn dẫn nhiều trường hợp người Việt Nam ăn cắp gây nhục quốc thể và kết luận phải trừng trị nặng tay, bêu riếu cho xấu hổ khi hành vi ăn cắp mới manh nha, như bảo vệ ở siêu thị X đã làm với bé gái nói trên.

Vi phạm pháp luật

Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định rất rõ: mọi công dân Việt Nam dưới mười sáu tuổi đều được bảo vệ theo luât này. Trong nhiều quyền của trẻ em như quyền đi học, quyền được khám chữa bệnh... điều 14 về Quyền được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự nêu rõ: Trẻ em được gia đình, Nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự.

Nếu bé S. đang cầm hai quyển truyện ra quầy tính tiền mà bị hiểu lầm là ăn trộm và bảo vệ bắt lại thì họ vẫn bị xử phạt do đã vi phạm khoản 6 điều 7 Luật này: Nghiêm cấm các hành vi hành hạ, ngược đãi, làm nhục trẻ em. Còn giả thiết bé thực sự đã có hành vi ăn trộm thì người lớn cũng không được thực hiện hành vi nọ.

Khoản 9 nói quy định cụ thể trong trường hợp trẻ em vi phạm pháp luật: nghiêm cấm áp dụng biện pháp có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm hoặc dùng nhục hình. Rõ ràng hành vi của các nhân viên siêu thị X. đã vi phạm pháp luật. Lẽ ra họ chỉ cần giữ bé lại trong văn phòng và báo cho gia đình hoặc trường học của bé đến bồi thường thiệt hại cho siêu thị, đồng thời nhắc nhở gia đình giáo dục bé là đủ.

Hành vi vi phạm của siêu thị X sẽ bị xử lý như thế nào? Tại điều 17 Nghị định số 91/2011/NĐ-CP của Chính phủ ban hàng ngày 17-10-2011 Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định: một trong các hành vi dùng lời nói, hành động hoặc có hành vi khác có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm đối với trẻ em vi phạm pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, đồng thời cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em.

Ví dụ nếu bé S. bị khủng hoảng tâm lý cần được tư vấn thì những người vi phạm phải trả chi phí. Theo Nghị định này, người ra quyết định xử phạt có thể là Thanh tra hoặc Chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh - Xã hội.

Cũng cần xác định xem những nhân viên làm việc trên là tự ý hay chấp hành quy định của chủ siêu thị. Nếu là quy định thì chủ siêu thị phải liên đới chịu trách nhiệm.

Cẩn trọng khi chia sẻ

Vụ việc bé S. bắt đầu từ một trang web và sau đó nhanh chóng được chia sẻ trên các tài khoản cá nhân. Như đã nói, hầu hết ý kiến là phẫn nộ, tuy nhiên việc chúng ta chuyền tay nhau tấm ảnh đó vô tình đã giúp phát tán sự việc rộng hơn, khiến nhiều người biết đến hơn, do đó có thể gây hậu quả tâm lý nặng hơn với bé S. và gia đình bé.

Ngay cả hành vi chụp tấm ảnh trên và chia sẻ trên mạng - dù với dụng ý tốt - nhưng theo tôi đồng thời cũng là nguyên nhân khiến sự việc bùng ra quá to. Tôi cho rằng, trong những trường hợp tương tự, người chứng kiến nên nhanh chóng tác động với nơi để xảy ra sự việc để kịp thời ngừng lại vụ việc vi phạm, hoặc báo với các cơ quan có thẩm quyền như trường học, cơ quan công an, Hội Phụ nữ, Ủy ban Bảo vệ Bà mẹ Trẻ em, UBND phường/xã sở tại.

Việc chụp ảnh là cần thiết để làm bằng chứng giúp xử lý vi phạm, nhưng người chụp nên giữ riêng và chỉ cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền chứ hoàn toàn không nên phát tán rộng rãi.

Chúng ta, những người dùng mạng xã hội cũng không nên vội vã chia sẻ tấm ảnh đó. Với những chủ thể nhạy cảm như trẻ em tương tự vụ việc này, theo tôi thông tin càng được giữ kín, càng ít người biết càng tốt, nhưng nhất thiết người nắm thông tin đầu tiên cần biết cách xử lý nó đúng đắn theo pháp luật. Báo chí cần đưa thông tin để cảnh báo xã hội nhưng càng không nên đăng trọn tấm ảnh mà chỉ cần mô tả để bạn đọc hiểu là được.

Con cái chúng ta là trẻ con, chúng nhạy cảm, non nớt và chưa đủ trí khôn, nếu chẳng may chúng cư xử dại dột thì ai ân hận thay cho người lớn chúng ta đây?

(*) Bài viết đã đăng trên báo “Phụ Nữ”. Bản trên NCTG là bản gốc của tác giả.

Tác giả bài viết: Hoàng Xuân, từ TP. HCM