Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BỨC TƯỜNG (9-11-1989 - 9-11-2019)

(NCTG) “... dân tộc ấy phải thực hiện cuộc đấu tranh giai cấp của chính mình, bởi dù cho những khẩu hiệu và lý thuyết hoa mỹ đến đâu, trong những chế độ toàn trị này, (...) giai cấp thống trị chỉ muốn cho họ biết vị của bánh mì và ánh đèn trong rạp xiếc, chứ không phải mùi vị của không khí tự do và ánh sáng của mặt trời”.
Mạng google.com kỷ niệm một trong những biến cố lịch sử lớn nhất của hậu bán thế kỷ 20: 9-11-1989, khi bức tường Berlin được mở - Ảnh chụp màn hình
Cách đây 30 năm, bức tường Berlin sụp đổ, đánh dấu một kỷ nguyên mới với nước Đức, với Châu Âu, với toàn thế giới.

Lan man ngẫm nghĩ, một dân tộc thông minh, kỷ cương, chăm chỉ như dân tộc Đức, vậy mà cũng đã bị hai lý tưởng, thể chế toàn trị lần lượt thay nhau làm cho mê hoặc, dẫn đến những mất mát đau thương và gây sự thụt lùi cho chính dân tộc mình và các dân tộc khác. Một thể chế đề cao dân tộc, một thể chế ngược lại muốn xây dựng thế giới đại đồng, cuối cùng giờ đây nhìn lại, đều đã đem đến cho dân tộc này những thời kỳ đen tối mà con cháu họ thấy hổ thẹn.

Vậy thì việc những dân tộc - hãy khách quan - không thông minh chính trực, không chăm chỉ và thành thực như họ, bị mê hoặc rồi trở thành nô lệ của những lý tưởng giáo điều, và sống trong nỗi sợ hãi của thể chế toàn trị núp sau lý tưởng như một chiếc bánh vẽ ấy, cũng không phải là điều cần phải ngạc nhiên và đáng quá xấu hổ.

Câu hỏi là việc thoát ra khỏi đó như thế nào.

Người dân Đức muốn được tự do, và đã giành được tự do.

Nước Đức thống nhất và trở thành tự do, một phần nhờ hoàn cảnh thế giới khi ấy có lẽ theo quy luật tự thiên, đã thay đổi.

Giờ đây, hoàn cảnh chung ấy của thế giới vẫn còn, có lẽ còn thuận lợi hơn cho những dân tộc muốn thay đổi vận - mệnh của mình như dân tộc Đức và nhiều dân tộc khác tại Đông Âu từng muốn. Đó là ngoại cảnh.

Nội cảnh, tự nhìn vào bản thân mình, dân tộc ấy phải thực hiện cuộc đấu tranh giai cấp của chính mình, bởi dù cho những khẩu hiệu và lý thuyết hoa mỹ đến đâu, trong những chế độ toàn trị này, dân chúng dù ở tầng lớp nào đều thuộc về, trở thành giai cấp bị trị, và giai cấp thống trị chỉ muốn cho họ biết vị của bánh mì và ánh đèn trong rạp xiếc, chứ không phải mùi vị của không khí tự do và ánh sáng của mặt trời.

Tác giả bài viết: Dương Vũ, từ Budapest