BÓNG ĐÁ - GẮN KẾT - TIN YÊU
- Thứ hai - 29/01/2018 06:42
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Ước, giây phút cả dân tộc lên đồng tập thể này sẽ kéo dài từ ngày này qua những ngày sau. Và lại ước, có một thứ cần thiết cho đời sống con người tương tự như trái bóng và niềm tự hào để mọi đối tượng Việt, mọi thành phần Việt ở mọi nơi trên trái đất này có thể tập trung vào để cùng gắn kết và tin yêu”.
Dù cũng khá hơn một cơ số người là phát hiện ra cầu thủ đứng trước khi bóng tới và không có người cản hình như là việt vị. Dù cũng biết khi bóng ra khỏi biên thì phía đối phương sẽ được ném biên. Dù cũng thấy thót tim khi thủ môn hất bóng ra sau cầu gôn, vì hiểu là đội bạn sẽ được đá phạt góc. Dù cũng thấy hân hoan khi trọng tài phạt đội bạn phạm lỗi trong vòng cấm vị, vì khi ấy ta có cơ hội thắng trong vòng đá phạt 11 mét. Dù cũng nhớ có cả đá phạt trong vòng 16m50... Dù biết một số thứ về bóng đá, nhưng tôi vẫn có thể thản nhiên họp trong khi một số khác đang hồi hộp theo dõi trái bóng lăn trên cỏ qua màn chiếu, hò reo vang trời khi đội tuyển U23 Việt Nam vào vòng chung kết. Đơn giản là tôi không đam mê bóng đá như mọi người.
Tôi cũng không hề xem các trận thi đấu quốc tế thể thao khác như điền kinh, bơi lội, ủ su (wushu) hay bắn súng dù cũng biết tới tên Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Ánh Viên, Dương Thuý Vi hay Hoàng Xuân Vinh. Tôi cũng thấy cay cay sống mũi mỗi khi vô tình thấy trên TV chiếu hình ảnh quốc kỳ Việt Nam được kéo lên ở đấu trường quốc tế.
Tôi cũng không hề xem các trận thi đấu quốc tế thể thao khác như điền kinh, bơi lội, ủ su (wushu) hay bắn súng dù cũng biết tới tên Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Ánh Viên, Dương Thuý Vi hay Hoàng Xuân Vinh. Tôi cũng thấy cay cay sống mũi mỗi khi vô tình thấy trên TV chiếu hình ảnh quốc kỳ Việt Nam được kéo lên ở đấu trường quốc tế.
Thế nhưng, lạ là tôi lại dành niềm hân hoan cho chiến thắng của đội tuyển bóng đá U23 nhiều hơn tất cả. Hân hoan ra mặt khi biết tất cả được dừng công việc và ra về trước khi trận đấu cuối cùng của giải châu lục diễn ra, đến mức đồng nghiệp nước ngoài phải hỏi: “Mày cũng thích đến thế ư?”. Miệng thì cười mỉm nhưng trong đầu lại lầu bầu: “Sao mà không thích cho được khi mà mất ngàn năm dựng nước, đây là lần đầu tiên dân tộc tao làm được chuyện ấy”. Nghĩ xong mới giật mình nhận ra, cũng có nhiều thứ lần đầu làm được trên đấu trường quốc tế mà chưa có thứ nào cả dân tộc lại sôi sục như thứ này. Sôi sục tới mức từ trường học qua công sở tới nhà máy, từ chị em buôn bán nhỏ tới các chính trị gia, người người nhà nhà quên việc hóng ti vi. Chưa bao giờ mà hàng không cháy vé, công ty du lịch cháy tour vì cổ động viên cuồng điên chạy theo trái bóng tới xứ lạnh buốt.
Ngẫm, quả là kỳ diệu. Một trái bóng khiến 11 con người trên sân bên này gắn kết với nhau như một khối rắn chắc để cản đường 11 con người ở sân bên kia. Một trái bóng khiến cả một dân tộc cùng cuồng si, lên đồng tập thể. Chẳng nề hà lạ quen họ cùng dán hình tim lên mặt tập trung ở sân vận động hay quán các phê, sẵn sàng ôm nhau nhẫy cẫng lên ngoài đường khi thủ môn đội nhà phá được đòn phản công của đối phương, hay khi cầu thủ sút được một quả vào lưới; chẳng ngại ngùng sụt sùi chảy nước mắt thấy cầu thủ nhà mình buồn bã bứt rứt khi đánh rơi cơ hội thành công. Trái bóng ấy như một chú nhện đi đến đâu nhả ra những sợi tơ vô hình, gắn keo đặc biệt để kết dính những con người có chung dòng máu lại trong một mạng lưới trong suốt, không phân biệt xa gần hay thành phần.
Ngẫm, điều kỳ diệu ấy xuất phát từ chân lý giản đơn: tất cả mọi người chỉ cần tập trung vào cùng một thứ để tự hào, mà trái bóng và niềm tự hào dân tộc là một biểu trưng. Ước, giây phút cả dân tộc lên đồng tập thể này sẽ kéo dài từ ngày này qua những ngày sau. Và lại ước, có một thứ cần thiết cho đời sống con người tương tự như trái bóng và niềm tự hào để mọi đối tượng Việt, mọi thành phần Việt ở mọi nơi trên trái đất này có thể tập trung vào để cùng gắn kết và tin yêu.